Thủ tướng đối thoại với ND: Rác thải thuốc BVTV hủy hoại môi trường
Rác thải tràn lan chất đống như núi khắp nơi. Tình trạng lạm dụng, phun thuốc trừ cỏ la liệt… đang tàn phá nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của những người đang sống ở nông thôn.
Nhân hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân (được tổ chức ngày 10/12 tới tại TP. Cần Thơ sắp tới), bà con nông dân tại các tỉnh, thành rất mong được người đứng đầu Chính phủ tháo gỡ, xử lý triệt để nhằm giúp tam nông phát triển bền vững theo hướng xanh – sạch – đẹp.
Rác thải tràn lan khắp nơi
Những đống rác thải chất cao cạnh những thửa ruộng tại Yên Khánh (Ninh Bình). Ảnh: T.Q
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại cánh đồng xã nông thôn mới Khánh Công, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) lâu nay đang tồn tại một bãi rác “khủng” với đủ các loại rác thải, cả xác động vật, lợn chết… bị vứt chất đống cao như núi, bốc mùi hôi thối nồng nặc khắp cả cánh đồng đang khiến người dân ở địa phương này rất bức xúc. Từ ngày địa phương quy hoạch đưa rác về khu đồng giáp nghĩa trang của xóm 7 xã Khánh Công đổ đến nay đã hơn 5 năm và bằng ấy thời gian người dân làm đồng ở khu vực này phải chịu cảnh ô nhiễm nghiêm trọng.
Để ra được đến ruộng, nhiều người dân ở đây phải trang bị đủ các đồ bảo hộ từ mũ, nón, khẩu trang, găng tay, giầy, ủng… nhưng bà con vẫn bị mùi xú uế ở bãi rác này bay đến “tra tấn”. Hiện bãi rác này là bãi chứa rác chính của xã nhà và hàng ngày toàn bộ lượng rác trên địa bàn các thôn được các xe tải đưa về đây đổ, vào lúc cao điểm nhiều rác khoảng 2 – 3 ngày lại có người ra xử lý bằng cách đốt, tiêu hủy trực tiếp làm cho khói bụi, mùi hôi thối bay khắp cánh đồng, các khu dân cư khiến bà con rất bức xúc.
Cùng trong tình trạng đó tại xã Tây Đô, huyện Đông Hưng (Thái Bình) bà con trồng lúa ở đây cũng đang vô cùng bức xúc và bất bình về việc tồn tại một bãi rác ngay giữa khu vùng sản xuất lúa. Điều đáng nói là bãi rác này nằm ngay tại con mương dẫn nước vào các khu ruộng phục vụ chăm sóc lúa cho nhân dân vùng này nhưng sự việc trên đã kéo dài nhiều năm nay ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất của nhân dân.
Thông qua Báo NTNN, bà con tại các địa phương rất muốn gửi ý kiến đề đạt lên Thủ tướng Chính phủ mong được giải quyết triển để các vấn đề về môi trường rác thải, môi trường sản xuất.
Thuốc trừ sâu “đầu độc” ruộng đồng
Video đang HOT
Bên cạnh việc gây ô nhiễm môi trường từ rác thải, việc sử dụng thuốc BVTV tràn lam, lạm dụng cũng đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường.
Là một trong những hộ trồng quất, cam cảnh nhiều nhất, nhì ở Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, anh Phạm Văn Ngọc cho biết, sang đến tháng 10, tháng 11 âm lịch là thời điểm cần thiết để đánh thuốc “mắt trâu” (thuốc Score-có hình dạng giống mắt trâu) với mật độ 3 lần/tháng. Tổng số thời gian đánh thuốc khoảng trên 20 lần/năm, không được bỏ tháng nào. Anh Ngọc thống kê chi tiết: Thuốc phun cho 4.000 cây quất mất 65 triệu, 170 cây cam mất 12 triệu, 40 cây bưởi mất 8 triệu, tổng cộng 85 triệu, vẫn ít hơn năm 2015 tới 10 triệu. Gần 1ha cây cảnh có múi của gia đình anh Đại tốn mỗi năm 85 – 95 triệu tiền thuốc BVTV, vị chi chỉ tính riêng khoảng 300ha cây cảnh có múi của huyện Văn Giang đã mất mỗi năm cỡ 30 tỷ tiền thuốc BVTV.
Theo như anh Ngọc, nhà nông lấy công làm lãi, biết là phun thuốc sâu rất độc hại nhưng vẫn trực tiếp làm chứ không mấy ai chịu đi thuê. Hơn 2 mẫu đất (gần 1 ha) nhà anh Ngọc mỗi lần sẽ đánh 12 thùng, phun mất khoảng 2 ngày. Do đất nhà ai nhà nấy canh tác, mỗi gia đình lại có riêng một kiểu chăm sóc, phun thuốc nên cánh đồng quê anh nhiều lúc mù mịt như sương rất ô nhiễm nhưng không ai có thể bảo ai vì cả làng đều thế.
Theo PGS – TS Phạm Thị Vượng – Chủ tịch Hội KHKT Bảo vệ thực vật Việt Nam, hiện, chúng ta đang sử dụng khoảng 100 nghìn tấn/năm. Trong đó, việc đầu tiên cần phải tập trung vào nhóm thuốc trừ cỏ; nhóm thuốc trừ sâu, trừ bệnh, nhóm có độc tố cao mà được sản xuất từ những năm trước và đến bây giờ không còn phù hợp với sinh thái; nhóm thuốc sử dụng rất nhiều trên một đối tượng cây trồng. “Việc lạm dụng thuốc BVTV giống như là dùng con dao hai lưỡi, không chỉ làm tăng giá đầu tư, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người nông dân mà còn tạo ra các sản phẩm không an toàn”, bà Vượng khẳng định.
Để giải quyết tình trạng này, bà Vượng kiến nghị Chính phủ, Bộ NNPTNT cần phải kiểm soát chặt thuốc nhập lậu qua biên giới. Song song với đó, phải chấn chỉnh mạng lưới thuốc BVTV. Phải minh bạch và phải quản lý thông qua các chi cục BVTV địa phương…
Hơn 2.000 câu hỏi gửi đến Thủ tướng Chính phủ
Theo Ban tổ chức, trước thềm diễn ra Hội nghị “ Thủ tướng đối thoại với nông dân” – sự kiện do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phối hợp với UBND TP.Cần Thơ chủ trì; Báo NTNN/Dân Việt tổ chức, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân, các chuyên gia, doanh nghiệp cả nước gửi đến người đứng đầu Chính phủ.
Các câu hỏi được bà con gửi trực tiếp qua hệ thống tiếp nhận thư điện tử của báo điện tử Dân Việt, qua Hội ND các tỉnh, thành phố và qua các hệ thống khác. Hơn 2.000 câu hỏi mà bà con nông dân gửi đến Ban tổ chức bao gồm rất nhiều vấn đề nóng, bức thiết cần tháo gỡ, từ chuyện có nông dân mua phải phân bón giả đến chuyện khó khăn về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản.
Trong số trên, bà con nông dân tập trung vào các nội dung nổi bật, đó là: Vấn đề tiêu thụ nông sản, xây dựng hệ thống thương mại; vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, môi trường nông thôn; vấn đề về đất đai, vốn, khoa học công nghệ… Đại diện Ban tổ chức cho biết, từ số lượng câu hỏi trên Ban tổ chức sẽ tổng hợp, báo cáo để gửi đến Thủ tướng và Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời các vấn đề nổi bật nhất đến bà con nông dân tại hội nghị sắp tới.
Sau hội nghị, các vấn đề này sẽ được các bộ, ngành tổng hợp báo cáo Thủ tướng để xem xét, quyết định.
Ngọc Lê
Theo Danviet
Thủ tướng đối thoại với ND: Làng quê đáng sống vắng bóng thanh niên
Ghi nhận của phóng viên Báo NTNN/Dân Việt tại các vùng quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh, có một thực trạng buồn là dù nhiều làng quê đang đẹp lên từng ngày, nhưng lại thiếu vắng lực lượng lao động chính là thanh niên. Lý do là vì người đi trước kéo người sau rời bỏ làng quê lên thành phố hoặc đi xuất ngoại làm ăn....
Tìm "miền đất hứa" bên kia biên giới
Thời điểm này, bước vào mùa thu hoạch cam chính vụ, song tình trạng thiếu lao động đang làm đau đầu các nhà vườn, chủ trang trại ở Nghệ An. Ông Nguyễn Văn Thành (trú xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) cho biết, gia đình ông trồng hơn 3ha cam. Đang thời điểm phải chăm sóc, ông cần thuê tới 10 nhân công lao động, nhưng tìm người thuê không dễ.
Những trang trại trồng hồng, thanh long, cam... trên địa bàn Nghệ An đang gặp khó khăn vì thiếu lao động là thanh niên, nam giới trầm trọng. Ảnh: Cảnh Thắng
"Anh nhìn xem quanh đây, có mống thanh niên nào đâu. Để có người làm, tôi phải chạy đôn chạy đáo đi khắp nơi tìm lao động với giá lên tới 200.000-300.000 đồng/ngày, mà phải đi khắp nơi mới tìm được và còn phải có việc làm thường xuyên cho họ mới giữ chân được"- ông Thành tâm sự.
Tuy nhiên, mấy bữa nay cam đang thời kỳ thu hoạch nhưng người lao động lại không thiết tha. Họ tìm kiếm những công việc nhàn rỗi ở trên thành phố. Bí người, ông phải huy động vợ con "đánh vật" với vườn cam.
Ông Thành cho biết, 3 năm qua, ông phải lặn lội lên xã miền núi của Quỳ Hợp như Hạ Sơn, Bắc Sơn, Văn Lợi, Nghĩa Xuân, thậm chí nhờ người quen đi các huyện Quế Phong, Quỳ Châu để tìm người làm. Thế nhưng có lúc vẫn phải về tay không. Thuê người lao động ở xa phải bố trí chỗ ăn ở cho họ, chi phí tăng thêm nhưng vẫn phải chấp nhận. Đây là điều mà nhiều chủ vườn trên địa bàn huyện xã Minh Hợp như ông Thành phải làm.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Văn Thọ - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Quỳ Hợp cho biết: "Về những gia trại và trang trại trồng cam trên địa bàn, đến mùa chính vụ nhiều nơi thiếu lao động trầm trọng, họ buộc phải thuê những người lớn tuổi trong vùng để thu hoạch cam. Hầu hết lao động ở độ tuổi thanh niên không mặn mà với nghề nông nên tìm hướng đi làm ở thành phố. Mấy năm gần đây, tình trạng đi xuất khẩu (XKLĐ) chui sang Lào và Trung Quốc làm việc rất nhiều".
Trong khi đó, ông Vang Hồng Chuyên - Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: "Lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên ở địa phương thì nhiều nhưng mấy năm nay họ đi sang Lào, Trung Quốc làm ăn; lúc đi, lúc về nên địa phương rất khó kiểm soát...".
"Giữ chân" lao động với ruộng đồng
Chưa khi nào, làn sóng lao động trẻ rời quê đi lao động ở Nghệ An nhiều đến thế. Chia sẻ với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải ngậm ngùi: "Hiện các huyện miền núi đang đứng trước tình trạng lao động đi làm ăn xa, dẫn đến thiếu hụt lao động tại chỗ, ruộng đất bỏ hoang, kéo theo thu nhập từ nông, lâm nghiệp xuống thấp".
Còn theo số liệu tổng hợp của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh hiện nay có hơn 45.900 người lao động đã đi khỏi các huyện (trong đó nam 27.756 người, nữ 18.181 người). Phần lớn lao động đi nước ngoài - chiếm 15.438 người, riêng thị trường lao động Trung Quốc là gần 5.800 lao động.
"Đơn cử như huyện Tương Dương, có 8.327 người (nam là 4.752 người) đi khỏi quê, trong đó có hơn 5.000 người lên các thành phố lớn trong nước, còn lại đi lao động ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia... Số lao động ở các huyện Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp đi Trung Quốc cũng chiếm số lượng lớn so với các thị trường nước ngoài khác" - ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết.
Còn ông Lê Văn Lương - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An nhận định: "Do thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ trang trải cuộc sống nên nhiều người đang ở độ tuổi lao động thanh niên không mặn mà với ngành nghề nông nghiệp. Trong khi đó xu thế thời đại mới là ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp nên đại đa số lao động thanh niên đều chưa đáp ứng được tay nghề nên không thích ứng kịp thời".
Trao đổi với phóng viên, nhiều người mong muốn tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân sắp tới, Thủ tướng sẽ có những quyết sách kịp thời để hỗ trợ, giải quyết cho người nông dân yên tâm ở lại quê sinh sống, làm việc.
"Nếu làm phép so sánh, một lao động nông nghiệp làm 1 sào ruộng trong 1 năm cày, cấy, chăm sóc, thu hoạch được trên 4 tạ thóc, với giá thị trường hiện nay được trên 3 triệu đồng, không bằng 1 tháng đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp, ngành nghề dịch vụ. Đây là nguyên nhân cốt lõi khiến người lao động nông nghiệp hiện nay không tập trung đầu tư sản xuất mà luôn theo đuổi việc làm ở các ngành nghề khác" - ông Lê Văn Lương cho biết thêm.
Theo Danviet
Sẵn sàng cho sự kiện gặp gỡ ND 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan, trong đó có Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chuẩn bị tốt nhất và sẵn sàng cho chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Chương trình gặp gỡ hữu nghị giữa nông dân 3 nước...