Thủ tướng bổ nhiệm hai thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định bổ nhiệm hai thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Như vậy, hiện tại, bộ này có 5 thứ trưởng.
Theo đó, Thủ tướng bổ nhiệm có thời hạn đối với ông Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng ĐH Mở TP.HCM và ông Nguyễn Hữu Độ, Ủy viên BCH Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Phúc.
Ông Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1974, quê ở tỉnh Long An. Năm 1995, ông Phúc tốt nghiệp cử nhân kinh tế ĐH Ngoại thương. Ba năm sau, ông lấy bằng thạc sĩ về Kinh tế Phát triển của Cao học Việt Nam – Hà Lan, chương trình liên kết giữa ĐH Kinh tế TP.HCM và Viện Khoa học Xã hội La Hay, Hà Lan.
Năm 2006, ông Phúc nhận học vị tiến sĩ nghiên cứu phát triển chuyên ngành Kinh tế của Viện Khoa học Xã hội La Hay. Từ tháng 2/2008-6/2008, ông Phúc là Phó trưởng Khoa Kinh tế thuộc ĐH Mở TP.HCM.
Từ năm 2008 tới nay, ông Phúc giữ vị trí Phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng ĐH Mở TP.HCM.
Ông Nguyễn Hữu Độ sinh năm 1962, là cử nhân Sư phạm toán, tiến sĩ Quản lý Giáo dục.
Ông Nguyễn Hữu Độ.
Từ năm 2008 đến khi được bổ nhiệm làm thứ trưởng, ông Độ là Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.
Video đang HOT
Như vậy, sau hơn một năm nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nghỉ hưu theo chế độ, Bộ GD&ĐT được bổ sung 2 thứ trưởng.
Bộ hiện có 6 lãnh đạo, gồm Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Phúc và Nguyễn Hữu Độ.
Theo Zing
Bộ GD&ĐT: Xếp hạng ĐH không thận trọng sẽ ảnh hưởng uy tín các trường
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, xếp hạng đại học (ĐH) không thận trọng sẽ gây tác dụng ngược, có thể làm nhiễu thông tin
Những ngày vừa qua, thông tin nhóm nghiên cứu độc lập đưa ra bảng xếp hạng 49 trường ĐH nhận được sự quan tâm của dư luận. Bảng xếp hạng ĐH Việt Nam lần đầu tiên được công bố nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT - có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Xếp hạng phải có cơ sở dữ liệu tin cậy
- Bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của xếp hạng ĐH nói chung và bảng xếp hạng của nhóm nghiên cứu về 49 trường vừa công bố nói riêng?
- Chúng tôi ghi nhận nỗ lực của nhóm đã chủ động nghiên cứu và công bố kết quả xếp hạng theo cách tiếp cận độc lập. Xếp hạng các trường ĐH theo đúng ý nghĩa của nó là cần thiết đối với hệ thống đại học, nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan tham khảo.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: Tiến Tuấn.
Người học cần kênh tham khảo để so sánh, chọn một trong các trường của cả hệ thống để theo học. Các nhà khoa học, người lao động cần thêm thông tin để chọn nơi làm việc phù hợp...
Các công cụ phân tích thuyết phục sẽ giúp trường có góc nhìn, đánh giá khách quan hơn về mặt hoạt động cơ bản, uy tín của họ. Điều đó góp phần để ra quyết định đúng về chiến lược cải thiện chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Đối với cơ quan quản lý, thông tin về xếp hạng các trường giúp xác định tương quan năng lực của mỗi trường với cả hệ thống để quyết định đầu tư ngân sách, đặt hàng đào tạo những ngành mà Nhà nước có nhu cầu, tham khảo để xây dựng một số chính sách cho giáo dục đại học.
Tuy nhiên, việc xếp hạng cần phải dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy, đánh giá bằng bộ tiêu chí khoa học, được thực hiện theo nguyên tắc, quy trình với nhiều người tham gia. Hệ thống tiêu chí đầy đủ, quy trình khoa học, kết quả mới có độ tin cậy cao. Kết quả nghiên cứu, đề xuất chưa được xây dựng trên nền tảng vững chắc thì chỉ mang tính học thuật.
- Bảng xếp hạng chưa được xây dựng trên nền tảng vững chắc sẽ gây hệ lụy gì?
- Hiện nay, không phải nước nào cũng xếp hạng đại học, ngay cả nhiều nước phát triển. Điều này cho thấy mức độ khó khăn, tính phức tạp của công việc này.
Việc xếp hạng các trường ĐH cần phải chuẩn bị kỹ, thận trọng, kết quả có sức thuyết phục. Chính vì thế, thế giới có nhiều tổ chức xếp hạng nhưng chỉ số ít có uy tín, đưa ra kết quả được nhiều người sử dụng để tham khảo.
Tất cả kết quả xếp hạng đều là thông tin tham khảo. Tuy nhiên, làm không thận trọng sẽ gây tác dụng ngược như ảnh hưởng uy tín của một số trường, "nhiễu thông tin xếp hạng", ảnh hưởng quyết định của các chủ thể căn cứ vào kết quả đó.
Thậm chí, chủ thể có thể lợi dụng xếp hạng để trục lợi, chẳng hạn công bố kết quả xếp hạng không đúng thực tế; thu học phí cao sau khi có kết quả; chú trọng đầu tư cho một số tiêu chí xếp hạng có trọng số cao mà không tính đến mục tiêu phát triển toàn diện và đáp ứng nhu cầu của người học, phục vụ cộng đồng.
Vị trí của các trường ĐH trong bảng xếp hạng.
Sẽ bổ sung Luật Giáo dục ĐH
- Sắp tới, Bộ GD&ĐT có triển khai xếp hạng ĐH không, thưa bà?
- Sau khi có Luật Giáo dục ĐH, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73 về phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH và Bộ GD&ĐT cũng đã dự thảo xong thông tư hướng dẫn từ năm 2016.
Luật Giáo dục ĐH quy định Chính phủ ban hành khung xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo mỗi tầng và tiêu chuẩn của từng hạng trong khung phục vụ công tác quản lý Nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học. Thủ tướng công nhận xếp hạng đối với ĐH, trường ĐH, Bộ trưởng GD&ĐT công nhận xếp hạng đối với cao đẳng.
Trong điều kiện tự chủ đại học, các trường có quyền tự xác định sứ mạng, mục tiêu, vị trí, vai trò của mình... Theo Nghị định số 73/2015/NĐ-CP, một trong những tiêu chí để xếp hạng là kết quả kiểm định chất lượng. Công tác này đang được triển khai và tiến triển tốt.
Nhóm thành viên xây dựng bảng xếp hạng.
Các trường được kiểm định chất lượng, dữ liệu sẽ có độ tin cậy, được sử dụng làm một trong những cơ sở để tiến hành xếp hạng, kết quả sẽ tốt hơn. Đó là những lý do mà việc xếp hạng chưa được triển khai trong thời gian vừa qua.
Sắp tới, Bộ GD&ĐT đưa vấn đề xếp hạng ĐH vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH để việc xếp hạng của Việt Nam gần hơn với thông lệ quốc tế và phù hợp với chủ trương tự chủ đại học đang được ngày càng mở rộng ở Việt Nam.
Theo Zing
Đừng để hiệu trưởng thành 'ông vua con'! Nếu hiệu trưởng các trường được quyền quyết định nhân sự, giáo viên tại trường, chúng ta cần phải có cơ chế thanh tra, giám sát. Theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM, hiệu trưởng các trường có quyền chủ động trong công tác nhân sự, tự quyết định số giáo viên hàng năm sát với thực tế...