Thủ tướng Anh Rishi Sunak tìm cách tháo gỡ bế tắc chính trị tại Bắc Ireland
Ngày 15/12, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã gặp gỡ các đại diện 5 đảng phái chính trị lớn của vùng lãnh thổ Bắc Ireland trong chuyến thăm đầu tiên tới vùng này kể từ khi lên nhậm chức Thủ tướng Anh hồi tháng 10 vừa qua.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu tại London. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, trước đó, các đảng chính trị tại Nghị viện Bắc Ireland cũng thông tin về chuyến thăm của Thủ tướng Sunak tới vùng lãnh thổ này. Chuyến thăm được thực hiện sau khi Bộ trưởng phụ trách vấn đề Bắc Ireland Chris Heaton-Harris hoàn thành các cuộc đối thoại bàn tròn với các nhà lãnh đạo chính trị địa phương về việc khôi phục mô hình chính quyền chia sẻ quyền lực tại vùng lãnh thổ này. Phát biểu sau các cuộc đối thoại, ông Heaton-Harris đã kêu gọi tất cả các bên hợp tác để khôi phục chính quyền càng sớm càng tốt, cho rằng tình trạng bế tắc chính trị không thể tiếp diễn vô thời hạn và các nghị sĩ nên hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với người dân Bắc Ireland.
Dù nội dung chính thức của các cuộc gặp giữa ông Sunak và các lãnh đạo chính trị tại Bắc Ireland chưa được công bố nhưng giới quan sát tin rằng trọng tâm là về vấn đề mâu thuẫn liên quan Nghị định thư Bắc Ireland, vốn đã cản trở việc bình thường hóa quan hệ Anh và Liên minh châu Âu (EU) hậu Brexit và đẩy vùng lãnh thổ này vào bế tắc chính trị. Văn phòng Thủ tướng Anh công bố những hình ảnh ông Sunak chụp cùng lãnh đạo 5 đảng chính trị tại Bắc Ireland. Trong chuyến thăm này, ông Sunak cũng gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp và một số cộng đồng dân cư tại Bắc Ireland. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, chuyến thăm đánh dấu sự trở lại của ngành đóng tàu hải quân tại vùng lãnh thổ này, đề cập tới thỏa thuận được đề xuất trước đó về việc đưa hoạt động lắp ráp một số tàu hải quân của Anh về Belfast.
Vùng lãnh thổ Bắc Ireland đã không có chính quyền hoạt động kể từ tháng 2 sau khi đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP), vốn ủng hộ vùng này nằm trong Vương quốc Anh, quyết định không tham gia mô hình chia sẻ quyền lực tại khu vực để phản đối Nghị định thư Bắc Ireland. Nghị định thư là một phần quan trọng trong thỏa thuận Brexit, cho phép Bắc Ireland nằm trong thị trường hàng hóa chung của EU nhằm tránh một biên giới cứng trên đảo Ireland. Tuy nhiên, DUP cho rằng việc thực thi nghị định đã chia cắt vùng lãnh thổ này với phần còn lại của Vương quốc Anh.
Tháng trước, Chính phủ Anh đã quyết định lùi cuộc bầu cử nhằm khôi phục hoạt động của chính quyền vùng Bắc Ireland, vốn dự kiến tổ chức trong tháng 12, sang năm 2023 và chính thức ấn định ngày 19/1/2023 là hạn chót để thành lập chính quyền tại đây. Hồi tháng 10, sau nhiều tháng gián đoạn, Anh và EU cũng đã nối lại đàm phán để tháo gỡ mâu thuẫn liên quan Nghị định thư Bắc Ireland với hy vọng đạt đồng thuận trong năm nay.
Video đang HOT
Những bài toán khó của tân Thủ tướng Anh Liz Truss
Bên cạnh những vấn đề trong nước như làn sóng đình công, trên mặt trận đối ngoại, cuộc khủng hoảng Ukraine và mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) sau những căng thẳng về việc thực thi các thỏa thuận thương mại hậu Brexit liên quan tới Bắc Ireland là 2 vấn đề nóng đối với tân Thủ tướng Anh Liz Truss.
Bà Liz Truss phát biểu tại London, Anh ngày 5/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Vương quốc Anh đã có vị thủ tướng thứ 56 và là nữ thủ tướng thứ 3 trong lịch sử. Sau cuộc đua kéo dài 7 tuần với 12 vòng vận động tranh cử trong suốt mùa Hè, Ngoại trưởng Liz Truss đã vượt qua cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak ở vòng bỏ phiếu cuối cùng để trở thành nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ cầm quyền, qua đó trở thành thủ tướng Anh.
Lên nắm quyền sao khi người tiền nhiệm Boris Johnson phải từ chức do những rạn nứt trong nội bộ đảng cầm quyền, tân Thủ tướng Truss ngay lập tức sẽ phải đối mặt với hàng loạt "bài toán khó", trong đó nổi bật là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt với hóa đơn năng lượng tăng cao, dự kiến sẽ tăng 80% vào tháng 10, và lạm phát tăng 2 con số - là mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm, cùng với nguy cơ về nền tài chính công không bền vững.
Làn sóng đình công trên diện rộng ở cả khu vực công và tư nhân nhằm phản đối chính sách tăng lương dưới mức lạm phát và tình trạng quá tải trầm trọng của Hệ thống dịch vụ y tế quốc gia (NHS) với khoảng 6,7 triệu người đang chờ được điều trị tại các bệnh viện, mức cao nhất trong lịch sử 74 năm của NHS, là những thách thức phải giải quyết sớm. Chưa hết, rạn nứt trong nội bộ đảng Bảo thủ dẫn đến việc 2 người tiền nhiệm của bà Truss bị hạ bệ đặt ra nhiệm vụ không hề dễ dàng cho nhà lãnh đạo này.
Trên mặt trận đối ngoại, cuộc khủng hoảng Ukraine và mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) sau những căng thẳng về việc thực thi các thỏa thuận thương mại hậu Brexit liên quan tới Bắc Ireland là 2 vấn đề nóng đối với thủ tướng mới.
Trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến được tổ chức sau 2 năm nữa, bà Truss sẽ phải đối mặt với sự phán xét của những người dân vốn bất mãn sâu sắc khi đất nước đang rơi vào khủng hoảng. Theo cuộc thăm dò mới đây của Ipsos cho tờ The Economist, 69% số người Anh được hỏi, gồm 60% cử tri đảng Bảo thủ, cho rằng đất nước đang "suy thoái".
Đảm nhận vị trí lèo lái đất nước trong giai đoạn đầy biến động hiện nay, tân Thủ tướng Truss sẽ theo đuổi những chính sách nào để giải quyết các thách thức đang chờ đón bà? Sau khi được công bố là người chiến thắng trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng, bà Truss đã có phát biểu ngắn gọn, đưa ra thông điệp về những định hướng chính cho chính phủ tương lai.
Bà Truss cho biết sẽ thực hiện kế hoạch cắt giảm thuế và tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề hóa đơn năng lượng của người dân cũng như các vấn đề dài hạn về nguồn cung năng lượng. Ngày 8/9, tân thủ tướng dự kiến sẽ công bố gói hỗ trợ hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình, và sau đó vài tuần công bố kế hoạch giảm thuế chính thức cũng như kế hoạch giải quyết các tồn đọng trong khám chữa bệnh tại NHS.
Kế hoạch của bà Truss nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí năng lượng có thể gồm việc hoãn tăng mức trần hóa đơn năng lượng cho đến năm 2024 cũng như kế hoạch mở rộng dự án khai thác khí đốt ở Biển Bắc.
Với những tuyên bố này, dường như Thủ tướng Truss đã xác định được 3 lĩnh vực chính sách mà bà sẽ ưu tiên trong chính phủ, đồng thời cho thấy quyết tâm hành động ngay lập tức của chính phủ cũng như mong muốn đưa ra những thay đổi mang tính cấu trúc.
Ưu tiên kinh tế hàng đầu là giảm thuế, một động thái mà bà khẳng định sẽ khởi động lại nền kinh tế đang bị đình trệ và hỗ trợ người dân hiện đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng vọt. Bà cam kết sẽ đảo ngược chính sách tăng phí bảo hiểm quốc gia gần đây và hủy bỏ việc tăng thuế doanh nghiệp theo lịch trình, với tổng số tiền vào khoảng 30 tỷ bảng/năm. Bà Truss cũng không loại trừ khả năng hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình đối với các hóa đơn năng lượng.
Giải pháp khắc phục các vấn đề kinh tế của Anh mà tân thủ tướng đưa ra là sự kết hợp giữa cắt giảm thuế do thâm hụt tài chính và cải cách quy định. Bà đề xuất các khu vực thuế thấp với luật quy hoạch nới lỏng, đồng thời giữ thuế doanh nghiệp ở mức 19% để thu hút đầu tư nước ngoài. Bà cũng dự định đảo ngược việc tăng thuế thu nhập, được ông Sunak đưa ra vào tháng 4, và cân nhắc việc giảm thuế cho những người chăm sóc, đồng thời nâng chi tiêu quốc phòng lên 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2030. Bà Truss tin rằng Anh có khả năng vay nhiều hơn và trong dài hạn, các chính sách của bà sẽ gặt hái được thành quả dưới hình thức tăng trưởng cao hơn.
Về chính sách y tế và chăm sóc xã hội, bà Truss cam kết tiếp tục với các kế hoạch hiện tại để hỗ trợ NHS, đồng thời đảo ngược việc tăng phí bảo hiểm quốc gia nhằm cung cấp kinh phí, trước hết để giải quyết các trường hợp khám chữa bệnh còn tồn đọng do dịch COVID-19 gây ra và về lâu dài để chi trả cho các hoạt động chăm sóc xã hội tốt hơn.
Trong vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng xanh, bà Truss nhấn mạnh cam kết đối với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và khẳng định sẽ tập trung vào năng lượng tái tạo. Bà phản đối điện gió trên bờ, ủng hộ khai thác khí đá phiến và phát triển năng lượng hạt nhân, đồng thời muốn thúc đẩy hoạt động khai thác mới ở Biển Bắc.
Về vấn đề nhập cư và an ninh, bà Truss cam kết thúc đẩy chính sách gửi người tị nạn và người nhập cư đến Rwanda, đồng thời tìm kiếm những quốc gia khác tiếp nhận họ. Có khả năng bà sẽ thúc đẩy dự luật về quyền của Vương quốc Anh, theo đó những người xin tị nạn và những người di cư khác sẽ ít được bảo vệ hơn.
Trong bài phát biểu ngày 5/9, bà Truss cũng cam kết mang lại chiến thắng lớn cho đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, một dấu hiệu cho thấy sẽ không có một cuộc tổng tuyển cử sớm trong bối cảnh thủ tướng mới sẽ cần thời gian để có được lòng tin của người dân.
Trong khi đó, chính sách đối ngoại của Anh nhiều khả năng sẽ không thay đổi do bà Truss đang giữ cương vị ngoại trưởng. Vì vậy, nhiều khả năng Anh sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine. Quan hệ với EU có thể vẫn trong tình trạng đóng băng khi bà Truss đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với việc thực hiện Nghị định thư Bắc Ireland và có thể kích hoạt điều 16, điều khoản cho phép hủy bỏ các phần của thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU. Tuy nhiên, với hàng loạt vấn đề khủng hoảng trong nước và cuộc đua giành quyền lãnh đạo đảng đã kết thúc, một cuộc chiến thương mại tiềm tàng với EU không phải là điều bà Truss muốn.
Với chương trình dày đặc và không hề dễ dàng, chắc chắn nhà lãnh đạo mới của nước Anh sẽ đối mặt với không ít sóng gió khi trở thành chủ nhân của Nhà số 10 phố Downing.
Anh siết chặt kiểm soát nhập cư bất hợp pháp Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 13/12 cam kết đẩy nhanh việc trục xuất người tị nạn bất hợp pháp và siết chặt luật kiểm soát nhập cư trái phép như một phần trong kế hoạch hạn chế số lượng cao kỷ lục người di cư vượt eo biển Manche bằng thuyền nhỏ đến nước Anh. Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu...