Thủ tướng Ấn Độ cảnh báo đáp trả Pakistan sau vụ tấn công tại Kashmir
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 15-2 cảnh báo đáp trả mạnh mẽ vụ đánh bom xe tại Kashmir làm 44 người thiệt mạng, mà chính phủ của ông đổ lỗi do phía Pakistan tiến hành. Vụ việc đã làm leo thang căng thẳng giữa hai nước cường quốc hạt nhân này.
Vụ tấn công nhằm vào một đoàn xe quân sự ở bang Jammu & Kashmir, phần Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào các lực lượng chính phủ và xảy ra chỉ vài tháng trước khi đảng dân tộc Hindu cầm quyền của Thủ tướng Modi tham gia tổng tuyển cử.
Phát biểu ngay sau khi triệu tập cuộc họp của các cố vấn an ninh để cân nhắc cách đáp trả vụ việc trên, ông Modi cho biết: “Chúng tôi sẽ đáp trả thích đáng, nước láng giềng không được phép gây bất ổn”.
Binh sĩ Ấn Độ gác gần hiện trường vụ tấn công tại Jammu và Kashmir ngày 14-2. Ảnh: THX/TTXVN.
Về phần mình, Bộ trưởng Nội các Arun Jaitley cho biết Ấn Độ sẽ dùng mọi biện pháp ngoại giao để đảm bảo “cô lập hoàn toàn” Pakistan. Theo ông Jaitley, một trong các biện pháp đầu tiên là Ấn Độ sẽ dỡ bỏ các ưu đãi thương mại Tối huệ quốc (MFN) vốn dành cho Pakistan.
Video đang HOT
Nhóm vũ trang Hồi giáo có trụ sở tại Pakistan Jaish-e-Mohammad (JeM) đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công trên, ngay sau khi chiếc ô tô chở thuốc nổ của nhóm này lao vào và phát nổ giữa đoàn 78 xe chở 2.500 thành viên Lực lượng cảnh sát dự bị trung ương (CRPF) đang di chuyển trên đường cao tốc chính tới Jammu, trong đó 2 xe buýt chở khoảng 35 người mỗi xe bị tổn thất nặng nề nhất.
Chính phủ Ấn Độ cho biết họ có bằng chứng không thể chối cãi về sự dính líu của Pakistan trong vụ này. Islamabad đã bác bỏ cáo buộc trên.
Ngoại trưởng Pakistan nhận định vụ tấn công mới nhất là vấn đề “rất đáng lo ngại”, đồng thời chỉ trích chính phủ và truyền thông Ấn Độ gắn kết vụ việc với Pakistan khi chưa tiến hành điều tra.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ đã kêu gọi Pakistan “lập tức chấm dứt việc ủng hộ và tạo nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố hoạt động trên lãnh thổ nước mình”. Tuyên bố của Nhà Trắng cũng cho biết vụ tấn công trên đã củng cố thêm quyết tâm của Mỹ tăng cường hợp tác với Ấn Độ chống khủng bố.
Kashmir là một vùng có đa số người theo đạo Hồi sinh sống trong nhiều thập kỷ thù địch giữa hai nước láng giềng này. Hiện Kashmir đang được chia đôi, một phần do Ấn Độ quản lý, phần còn lại do Pakistan quản lý. Vụ tấn công gần nhất tại Kashmir xảy ra năm 2016, khi các tay súng đột nhập một doanh trại của Ấn Độ ở Uri, làm 20 binh sĩ thiệt mạng.
Theo TTXVN
Đánh bom làm chết hàng chục binh lính, Ấn Độ và Pakistan thổi bùng căng thẳng
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ sau khi một vụ nổ do bom cài trong xe hơi đã giết hại 44 binh lính mà chính phủ của ông đã quy trách nhiệm cho Pakistan, qua đó làm dấy lên căng thẳng giữa hai nước.
Vụ đánh bom liều chết nhằm vào một đoàn xe quân sự ở khu vực Jammu và Kashmir ở Ấn Độ, là vụ tấn công tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nó cũng diễn ra chỉ vài tháng trước khi đảng của ông Modi bước vào cuộc bầu cử toàn quốc. Tổ chức Hồi giáo cực đoan Jaish-e-Mohammad ở Pakistan đã nhận trách nhiệm vụ việc.
Hiện trường vụ đánh bom liều chết ở Kashmir làm 44 binh lính Ấn Độ thiệt mạng.
"Chúng tôi sẽ có một động thái phản ứng phù hợp và đất nước láng giềng kia của chúng tôi sẽ không được phép gây bất ổn nữa", ông Modi phát biểu không lâu sau khi triệu tập các cố vấn an ninh để thảo luận về phương án đáp trả sau vụ tấn công đẫm máu và làm chấn động dư luận này.
Chính phủ Ấn Độ cho biết họ có bằng chứng không thể chối cãi cho thấy chính phủ Pakistan có liên quan đến vụ việc. Trong khi đó, Islamabad bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào mình.
Ông Arun Jaitley, một thành viên trong nội các Ấn Độ trả lời báo giới rằng quốc gia này sẽ thực hiện mọi biện pháp ngoại giao có thể để "cô lập hoàn toàn" Pakistan. Ông này cho biết, đầu tiên Ấn Độ có thể sẽ loại bỏ một số đặc quyền thương mại mà nước này dành cho Pakistan.
"Bộ Ngoại giao Ấn Độ sẽ thực hiện mọi bước đi có thể, và tôi đang nói đến những hành động cần thiết để đảm bảo Pakistan sẽ bị cô lập hoàn toàn với cộng đồng quốc tế", ông nói.
Thế nhưng kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Pakistan mỗi năm vẫn chỉ dừng lại ở mức 2 tỉ USD, và ông Modi có thể sẽ phải chịu sức ép lớn khi dư luận muốn chính phủ mạnh tay hơn nữa. Khi ông lên nắm quyền vào năm 2014, ông đã hứa sẽ đối phó với vấn đề Pakistan, quốc gia mà nước này đã từng hai lần giao chiến kể từ khi tuyên bố độc lập khỏi thực dân Anh vào năm 1947.
Kashmir là một khu vực có dân số chủ yếu theo đạo Hồi và trong nhiều thập kỷ qua là khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Hai nước đều đang kiểm soát một phần của khu vực và khẳng định Kashmir là của mình.
Lần tấn công gần đây nhất diễn ra tại Kashmir là vào năm 2016, khi các phần tử Hồi giáo tấn công một doanh trại quân đội Ấn Độ khiến 20 binh sĩ thiệt mạng. Đáp lại, ông Modi đã cho tiến hành không kích chính xác vào các địa điểm được cho là hang ổ của các phiến quân Hồi giáo ở vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát.
Bộ Ngoại giao Pakistan đã gọi vụ tấn công mới nhất là vấn đề "rất đáng lo ngại". Tuy nhiên sau đó họ nói thêm: "Chúng tôi cực lực phản đối mọi hình thức của chính phủ Ấn Độ và các hãng truyền thông nhằm tìm cách liên kết giữa vụ tấn công với quốc gia Pakistan".
Anh Tuấn (lược dịch)
Theo Infornet
Ấn Độ triệu Đại sứ Pakistan sau vụ tấn công đẫm máu tại Kashmir Theo Reuters, một nguồn tin Chính phủ Ấn Độ cho biết Ấn Độ ngày 15/2 đã triệu Đại sứ Pakistan và trao công hàm yêu cầu Islamabad trừng phạt nhóm phiến quân đã thừa nhận tiến hành vụ đánh bom xe đẫm máu tại tỉnh Kashmir làm 44 người thiệt mạng mới đây. Binh sỹ Ấn Độ gác gần hiện trường vụ tấn...