Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói gì về thi THPT quốc gia?
Bộ GD&ĐT đã xây dựng hai kịch bản cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 trước diễn biến phức tạp của dịch. Chia sẻ với Tiền Phong xung quanh câu chuyện học – thi năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nói chỉ dừng thi THPT quốc gia trong trường hợp bất khả kháng.
Cần ổn định tâm lý cho thí sinh dù lựa chọn kịch bản nào cho kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Như Ý .
Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết: Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, nếu học sinh trở lại trường cuối tháng 5/2020 hoặc chậm nhất là 15/6, vẫn kịp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giữa tháng 8/2020. Nếu tháng 6/2020 học sinh trở lại trường thì dự kiến sẽ chỉ thực hiện 1-2 bài kiểm tra định kỳ với các môn học và một bài kiểm tra cuối năm học. Giai đoạn này các trường cũng tổ chức cho học sinh làm thủ tục đăng ký dự thi chuyển cấp, thi THPT quốc gia, ôn thi cho học sinh cuối cấp. Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức thi THPT quốc gia.
Trong bối cảnh đó, kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ được Bộ GD&ĐT điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
Phương thức thi cơ bản giữ ổn định như năm 2019, đồng thời điều chỉnh phù hợp với tình hình đặc biệt của năm học này. Hiện nay, chương trình học kỳ II của lớp 12 đã được điều chỉnh, tinh giản. Nội dung nằm trong phần tinh giản sẽ không có trong đề thi. Cũng vì thế, đề thi tham khảo năm 2020 vừa công bố đã có những điều chỉnh so với năm 2019. Bộ GD&ĐT cũng sẽ tính toán để có biện pháp giảm nhẹ thêm yêu cầu đối với học sinh.
Nếu 15/6 học sinh chưa trở lại trường, dịch bệnh không cho phép tổ chức các kỳ thi tập trung đông học sinh, Bộ GD&ĐT sẽ có những tính toán như thế nào?
Nếu đã cố gắng nhưng không đảm bảo để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như dự kiến vì lý do bất khả kháng, Bộ GD&ĐT đang tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi, thay vào đó giao cho các địa phương thực hiện việc xét tốt nghiệp THPT.
Nhưng nếu không tổ chức thi THPT quốc gia thì Bộ GD&ĐT phải trình xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép. Quốc hội đồng ý mới được triển khai; vì theo Điều 32, Luật Giáo dục 2019, phải thi tốt nghiệp mới được công nhận tốt nghiệp THPT.
Video đang HOT
Học sinh trở lại trường muộn nhất là 15/6. Như vậy, sẽ chỉ còn một tháng để kết thúc năm học và khoảng hai tháng để chuẩn bị thi THPT quốc gia. Theo ông, trong thời gian ít ỏi này, các trường cần ưu tiên những công việc gì?
Các trường phải đánh giá được hiệu quả của dạy học trực tuyến, qua truyền hình. Từ đó trường xây dựng kế hoạch dạy bù nội dung còn thiếu, chưa tốt, rà soát để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng thêm cho học sinh theo các nhóm đối tượng khác nhau; đảm bảo những học sinh chưa tiếp thu được bài học vững vàng trong thời gian học từ xa được củng cố kiến thức.
“Bộ GD&ĐT sẽ tạo niềm tin cho các em bằng cách thực hiện theo đúng những gì đã được công bố, không gây áp lực để đảm bảo cho học sinh có thể vững tâm tham gia kỳ thi tốt nhất”. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, những nơi đủ điều kiện sẽ có thể thực hiện kiểm tra thường xuyên đối với học sinh trong quá trình học trực tuyến hoặc qua truyền hình. Còn khi trở lại trường, học sinh sẽ chỉ phải làm các bài kiểm tra định kỳ vào cuối năm học. Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra định kỳ, học kỳ sau khi học sinh quay lại trường học phù hợp với thời gian còn lại của năm học.
Học trực tuyến hay qua truyền hình đang có rất nhiều vấn đề cần phải xem xét lại. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT chỉ nhìn vào điều kiện thuận lợi của các thành phố rồi “áp” chung cả nước để tổ chức THPT quốc gia là không thực tế. Ý kiến của Bộ về vấn đề này như thế nào?
Đúng là học sinh tiểu học, THCS và học sinh lớp 10, lớp 11 ít tiếp cận với học trực tuyến hay qua truyền hình nên khi triển khai sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, học sinh lớp 12 lại khác. Các em đã lớn và có ý thức học tập để thi. Bình thường, các em cũng ôn trên trực tuyến, qua phần mềm để bổ trợ kiến thức. Nên với học sinh lớp 12 không hoàn toàn mới. Mặc dù vậy, Bộ cũng sẽ có đánh giá rà soát lại việc đào tạo từ xa đối với học sinh lớp 12, trong đó xem xét báo cáo từ các Sở GD&ĐT. Nhưng tôi tin rằng phần lớn số học sinh lớp 12 học nghiêm túc, có chất lượng. Sắp tới, Bộ sẽ có cuộc họp với các sở GD&ĐT để xem thực tế việc học như thế nào.
Đề thi tham khảo vừa được Bộ GD&ĐT công bố đã giảm bớt kiến thức. Nếu giảm nhẹ tiếp, mục tiêu phục vụ các trường ĐH xét tuyển không còn như mong muốn. Một số trường ĐH đã xây dựng phương án tuyển sinh riêng; phần lớn các trường đều đã chuẩn bị phương án khác. Có ý kiến cho rằng nếu cố tổ chức thi THPT quốc gia sẽ tạo ra sự lãng phí cũng như áp lực không cần thiết, thưa ông?
Như tôi đã nói, Bộ đã trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia. Trong đó, trường hợp bất khả kháng mới không tổ chức thi. Hiện nay, theo tính toán của Bộ thì có khoảng 20 trường ĐH có thể tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh riêng. Những trường còn lại thực sự có khó khăn. Nhưng Bộ vẫn đề xuất các phương án trên tinh thần ổn định. Nếu đã thi thì cũng là một giải pháp dù xét tốt nghiệp hay lấy điểm thi xét tuyển ĐH. Nhưng sẽ vẫn tiếp thu ý kiến trên để cân nhắc.
Cảm ơn ông!
Nghiêm Huê
Kỳ thi THPT quốc gia 2020: Xem xét giảm số môn thi
Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ phương án thi THPT 2020, trong đó xem xét giảm độ khó đề thi và giảm số môn thi cho phù hợp
Ảnh minh họa
Ngày 15-4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết bộ này đã trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia năm 2020 ứng phó với dịch Covid-19.
Giảm nhẹ yêu cầu cho học sinh
Theo đó, một trong 2 phương án của Bộ GD-ĐT là nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh (HS) có thể đi học trước ngày 15-6 thì kỳ thi THPT quốc gia vẫn có thể được tổ chức, dự kiến từ ngày 8 đến ngày 11-8.
Với phương án này, Bộ GD-ĐT cho rằng sau khi kết thúc năm học vào ngày 15-7, HS cuối cấp còn gần 1 tháng để ôn tập, bằng thời gian ôn tập những năm trước. Mặt khác, từ khi có hướng dẫn dạy học trực tuyến và qua truyền hình của Bộ GD-ĐT, từ ngày 25-3 (một số nơi triển khai sớm hơn), các trường đều dạy và học theo phương thức này. Nếu tính từ thời gian này, cộng với thời gian dạy học trực tiếp khi HS quay lại trường (muộn nhất là ngày 15-6) thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định nếu tổ chức thi thì phương thức cơ bản vẫn giữ nguyên nhưng xem xét giảm số môn thi phù hợp. Đề thi tham khảo vừa công bố cũng đã điều chỉnh, theo hướng sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu với HS.
Ngoài phương án tổ chức thi, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra thêm phương án không tổ chức thi tốt nghiệp tùy thuộc vào tình hình dịch Covid-19. Theo đó, nếu không tổ chức thi, sẽ giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với Luật Giáo dục.
Ngoài ra, trong trường hợp không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH có thể điều chỉnh phương án tuyển sinh theo 2 bước là sơ tuyển và kiểm tra riêng. Trong đó, việc sơ tuyển dựa trên các kết quả học tập đã có sẵn của HS như học bạ, chứng chỉ tiếng Anh. Sau bước sàng lọc này, thí sinh được chọn sẽ tiếp tục qua kỳ thi hoặc kiểm tra, phỏng vấn.
Chưa nên nói chuyện bỏ thi
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng Bộ GD-ĐT cần có nhiều phương án đặt ra đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 dựa trên tình hình thực tế. Nhưng vào thời điểm này, chưa nên vội nói chuyện bỏ thi, dẫn tới tâm lý HS buông, không học.
Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, một số nước bỏ kỳ thi THPT quốc gia và giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp là vì họ có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông rất tốt, còn ở ta bệnh chạy theo thành tích còn nặng, để địa phương tự quyết định sợ không bảo đảm công bằng, dễ phát sinh tiêu cực. "Trong tình huống có thể thì vẫn nên giữ kỳ thi THPT quốc gia. Còn trường h ợp bất khả kháng, dịch bệnh vẫn kéo dài, thí sinh không thể đến điểm thi... mới nên thay thế thi bằng một phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp" - ông Khuyến góp ý.
PGS-TS Bùi Quốc Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng kết quả thi THPT quốc gia là căn cứ quan trọng để nhiều trường tuyển sinh nên nhà trường vẫn chờ đợi việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển dựa trên kết quả này. "Trong trường hợp bất khả kháng, kỳ thi không được tổ chức, chúng tôi sẽ tổ chức tuyển sinh bằng kỳ thi riêng, nhiều khả năng trường sẽ "liên minh" với các trường khác để thi chung theo kiểu của kỳ thi THPT quốc gia để tránh "ảo" - ông Triệu nêu quan điểm.
Lãnh đạo nhiều trường ĐH cũng vẫn chờ đợi việc Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để thuận lợi cho các thí sinh và các trường ĐH.
Yến Anh
'Kỳ thi có thể duy trì động lực của học sinh' Nếu dịch bệnh được kiểm soát vẫn có thể tổ chức được các kỳ thi, trong đó có kỳ thi THPT quốc gia năm nay để duy trì động lực học tập của học sinh. Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 - Ảnh: DUYÊN PHAN Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Độ - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - trong...