Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Khuyến khích khai giảng ‘không bóng bay’
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa biểu dương, khen ngợi em Nguyễn Nguyệt Linh (học sinh lớp 5M2, Trường Marie Curie, Hà Nội) – học sinh đã viết bức thư gửi tới 40 trường học ở Hà Nội nhằm kêu gọi ngừng hoặc hạn chế thả bóng bay trong ngày khai giảng và cho biết, ngành Giáo dục khuyến khích khai giảng “không bóng bay”.
Khuyến khích ngày khai giảng không bóng bay
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết bà rất ấn tượng và xúc động khi đọc bức thư của em Nguyễn Nguyệt Linh, một em học sinh dù còn nhỏ tuổi nhưng đã biết bày tỏ quan điểm, chứng kiến của mình trước một vấn đề nóng của xã hội – vấn đề ô nhiễm môi trường, và có ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường.
Bức thư của em những ngày qua đã truyền cảm hứng và “đánh thức” người lớn nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa từ việc thả bóng bay – một việc thường được làm trong mỗi dịp khai giảng nhưng ít ai nghĩ về tác hại của nó. Bộ GD&ĐT hoan nghênh và biểu dương, khen ngợi ý tưởng xuất sắc, thiết thực của em Nguyệt Linh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, rất nhiều trường học ở Hà Nội và một số địa phương nhận được bức thư của em Nguyệt Linh đã ủng hộ ý tưởng không thả bóng bay vào ngày khai giảng của em. Đây là việc nên nhân rộng và khuyến khích. Bộ GD&ĐT mong muốn có nhiều hơn nữa những ý tưởng tốt về bảo vệ môi trường của các em học sinh.
Bộ cũng đề nghị các nhà trường có những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường để vừa tạo không khí hứng khởi của ngày khai giảng, vừa bảo vệ môi trường.
Bà Nghĩa hy vọng lá thư của em Linh sẽ khơi dậy ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhiều học sinh, trước hết là giữ gìn, bảo vệ môi trường ngay trong lớp học, trường học và nơi các em đang sinh sống, bằng các việc làm hết sức cụ thể, thiết thực mỗi ngày. Từ việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn của em Nguyệt linh, hy vọng sẽ lan tỏa, nhiều em học sinh sẽ có thêm những ý tưởng mới, sáng tạo, gắn liền với cuộc sống và học tập của các em.
Khai giảng năm nay sẽ nhấn mạnh hoạt động vì môi trường
Video đang HOT
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho biết những năm gần đây, lễ khai giảng đã có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức theo hướng gọn nhẹ và thiết thực hơn, đảm bảo hướng đến học sinh và vì học sinh.
Lễ Khai giảng gồm hai phần: Phần lễ được tổ chức ngắn gọn, tránh rườm rà nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca (không dùng băng lời bài hát), đọc thư của Chủ tịch nước…Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường là một ngày trọng đại và thiêng liêng đối với tất cả học sinh, nhất là những học sinh lần đầu đến trường.
Các trường tổ chức trang trí khuôn viên sư phạm sạch, đẹp, có khẩu hiệu chào mừng năm học và thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới. Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để lễ khai giảng diễn ra thuận lợi, an toàn, thực sự là ngày hội đối với các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, đồng thời thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội.
Về cơ bản, phần lớn các trường đã thực hiện nghiêm túc việc đổi mới khai giảng, tuy nhiên vẫn còn một số nơi thực hiện chưa nghiêm, ngày khai giảng vẫn còn nặng nề với học sinh. Bộ sẽ tiếp tục quán triệt tinh thần đổi mới lễ khai giảng trong dịp khai giảng tới đây, để ngày khai giảng thực sự là ngày vui, ngày hội đến trường của mỗi học sinh và mỗi thầy cô giáo.
Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể gửi các trường, các địa phương về việc tổ chức khai giảng năm học mới 2019-2020, trong đó nhấn mạnh các hoạt động vì môi trường.
NGHIÊM HUÊ
Theo Tiền phong
Bộ trưởng Trần Hồng Hà gửi thư khen nữ sinh đề xuất "không thả bóng bay"
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khen em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5 sắp lên lớp 6, đã gửi thư cho thầy Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội đề nghị "không thả bóng bay" ngày khai trường năm nay.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Trước ngày khai giảng, em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5M2 trường Marie Curie Hà Nội, đã gửi bức thư cho thầy Hiệu trưởng đề nghị nhà trường hạn chế hoặc không thả bóng bay vào ngày khai giảng.
Bức thư được lan truyền rộng rãi như một lời kêu gọi về ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều trường học sau đó cho biết sẽ không thả bóng bay vào ngày khai giảng.
Nguyệt Linh viết thư cho thầy hiệu trưởng của mình đề nghị không thả bóng bay tại lễ khai trường
Sau bức thư của em Nguyệt Linh gây xúc động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà gửi thư cho Nguyệt Linh, khen ngợi hành động thiết thực của em. Nguyên văn bức thư của Bộ trưởng Trần Hồng Hà:
"Bác đã đọc bức Thư mong trường học không thả bóng bay vào ngày khai trường của Con qua các phương tiện truyền thông. Bức thư với những lời lẽ chân thành nhưng vô cùng ý nghĩa, khiến bác và nhiều người vô cùng xúc động.
Bác cũng biết rằng, việc không thả bóng bay kèm theo những ước mơ bay cao, bay xa trong những giờ phút thiêng liêng của ngày khai trường là Con và các bạn đồng trang lứa đã từ bỏ niềm vui nhỏ của tuổi học trò để mở ra ước mơ ý nghĩa hơn. Đó là bảo vệ sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa.
Thầy hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội cũng đã viết thư gửi lại con, và khẳng định sẽ có một "Lễ khai giảng Nguyệt Linh" không bóng bay tại trường. Như vậy là một hành động nhỏ của Con, đã mang lại ý nghĩa lớn và thiết thực cho trái đất. Điều này nếu được nhân rộng ra các trường học khác, và các bạn khác cũng có ý thức bảo vệ môi trường giống như Con thì tốt biết bao.
Bác hy vọng rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ cùng chung tay để thông điệp về bóng bay, hay rộng lớn hơn là thông điệp về một môi trường sư phạm không rác thải nhựa sẽ tiếp tục được lan tỏa, bắt đầu từ hành động nhỏ của Con.
Nhân dịp khai giảng năm học mới, bác gửi tặng Con món quà nhỏ, thể hiện tấm lòng của bác. Bác mong những ước mơ của Con sẽ sớm trở thành hiện thực, và Con sẽ cùng bác, cùng thế hệ trẻ đồng hành bảo vệ môi trường, bảo vệ tương lai cho chúng ta".
Cùng với bức thư, Bộ trưởng Trần Hồng Hà có gửi tặng em Nguyệt Linh món quà nhỏ là chiếc balo, một cây bút và một bình đựng nước không làm từ nhựa.
Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề môi trường lớn thứ hai chỉ sau biến đổi khí hâu. Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy, lượng rác thải nhựa mỗi năm đủ để bao quanh 4 vòng trái đất với hàng loạt hệ lụy về sức khỏe con người, quần thể sinh vật và môi trường sống.
Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) nêu 4 lĩnh vực chịu tác động tiêu cực từ rác thải nhựa gồm: Sức khỏe con người, môi trường và sinh vật biển, biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, cuối cùng là chất lượng cuộc sống và kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến đời sống sinh vật biển.
Ngày 18-3-2019 vừa qua, các nhà hoạt động môi trường phát hiện một chú cá voi chết ở vùng biển thuộc thị trấn Mabini, tỉnh Compostela Valley, miền Nam Philippines. Quá trình giải phẫu chú cá voi dài 4,7 mét, các nhà môi trường kinh ngạc khi phát hiện hơn 40kg rác trong bụng cá voi. Nguyên nhân cái chết được cho là do chú cá voi này không thể ăn vì bụng chưa quá nhiều rác nhựa, trong đó có cả những hộp xốp đựng thức ăn. Theo WWF, 270 loài sinh vật bị ảnh hưởng trực tiếp từ rác thải nhựa đại dương, trong đó, hơn 240 loài có nhựa trong hệ tiêu hóa. Phòng chống rác thải nhựa đang là mục tiêu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, quốc gia được đánh giá là thải nhựa nhiều thứ 4 châu Á.
Văn Duẩn
Theo nguoilaodong
Hãy sẵn sàng cho ngày khai giảng không bóng bay Những ngày vừa qua, bức thư của học sinh Nguyễn Nguyệt Linh (lớp 5M2, trường Marie Curie, Hà Nội, chuẩn bị học lớp 6) đã "đánh thức" người lớn, nhất là các thầy cô hiệu trưởng, về tác hại của rác thải nhựa từ bóng bay. Cần tạo thói quen khai giảng không có bóng bay - Đào Ngọc Thạch Bóng bay, một...