Thu nhập giáo viên dạy thêm: Có người 9 con số
Thu nhập của giáo viên thường được chia thành 2 nhóm: nhóm 1 sống bằng lương hệ số, nhóm thứ 2 sống bằng thu nhập dạy thêm. Giáo viên dạy thêm dù ở thành phố hay nông thôn, nếu “đắt sô”, thì đều có thu nhập rất ổn.
Học sinh ôn thi ở một trung tâm dạy thêm. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
Tất cả những nhân vật được phỏng vấn trong bài viết này đều khẳng định rằng, chưa bàn đến các yếu tố khác, những giáo viên dạy thêm trước tiên phải là những người dạy tốt, được học sinh tín nhiệm.
Tần suất dạy thêm và mức học phí cũng phụ thuộc nhiều vào năng lực của thầy cô. Ngoài ra còn những yếu tố phụ khác như quy mô lớp học, thời gian mỗi buổi học, cấp học…
Chị Hằng – một phụ huynh có con đang học cấp 1 ở Hà Nội, cũng từng cho con “chinh chiến” nhiều lớp học thêm – chia sẻ rằng, học phí mỗi buổi học thêm phụ thuộc rất nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu dao động từ 100 nghìn đến 180 nghìn/ buổi. Trừ những thầy cô cực kỳ đặc biệt thì mức giá trên 200 nghìn là hiếm.
“Thông thường nhất là 100-150 nghìn đồng/buổi. Mình cho con học cao nhất là lớp Toán 180 nghìn/ buổi nhưng thầy dạy đến 3 tiếng, chỉ có 20 học sinh/ lớp, trong khi các lớp khác chỉ dạy từ 1,5 đến 2 tiếng”.
Chị Hằng cho biết, với mức học phí đó, các thầy cô chị chọn cho con học đều là những người “có thành tích” cả.
Cho con đi học thêm với tư cách phụ huynh nhưng cũng làm trong ngành giáo dục nên chị Hằng khá thân thiết với các thầy cô. Chị tiết lộ, thu nhập các thầy cô đi dạy thêm một vài chục triệu một tháng là bình thường.
“Thu nhập của các thầy cô cũng chia thành nhiều mức độ: thầy cô trường công chỉ dạy thêm ít, thầy cô dạy trung tâm “cày” nhiều, hay thầy cô đứng ra mở trung tâm…”
Ví dụ như các cô dạy ở trường con chị, ngoài giờ lên lớp cũng có dạy thêm nhưng chỉ thu vài trăm nghìn một tháng mỗi học sinh. Cả lớp có hơn 50 học sinh nhưng không phải em nào cũng đi học hết, nhân lên mỗi cô thu được khoảng chục triệu một tháng.
Video đang HOT
“Các cô dạy lớp 1 thì thu nhập lại cao hơn, vì ngoài luyện cho học sinh của mình còn luyện cho lớp kế tiếp sắp vào lớp 1. Thầy cô dạy thuê cho trung tâm thì được trả vài trăm nghìn/ ca dài 2 tiếng. Nếu cô tự thuê nhà, tự thu chi thì cao nhất là 180 nghìn/ buổi” – chị Hằng chia sẻ.
Tuy nhiên, có những trường hợp cá biệt mà bà mẹ này kể lại: “Mình có biết một phụ huynh ở Thanh Hóa, thứ 7 tuần nào cũng đưa con lên Hà Nội học 2 tiếng môn Toán dạy bằng tiếng Anh để cho đi thi. Học phí cho 2 tiếng là 700 nghìn/ buổi, học 1 thầy 1 trò”.
“Còn lại, mức học phí dưới 200 nghìn/ buổi là phổ biến nhất. Thầy cô thu nhập cao vì dạy nhiều. Có những thầy cô uy tín dạy kín lịch. Mình có quen một thầy giáo trẻ dạy kín lịch, thu nhập tính sơ sơ khoảng 40-50 triệu/ tháng, nhưng thực sự vất vả, không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí. Cá biệt có những người thu nhập ‘khủng’ lên tới 9 con số – tức cả trăm triệu đồng/ tháng. Nhưng đó là những thầy cô không dạy trong trường, mà chỉ “cày” ở trung tâm”.
Học phí học thêm ở thành phố và nông thôn chênh lệch khá lớn. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
Trong khi đó, cô Trang – một giáo viên tiếng Anh tiểu học ở trường công Hà Nội chia sẻ, chị và các đồng nghiệp dạy thêm chỉ lấy 60-70 nghìn/ buổi. Lớp học quy mô dưới 12 học sinh, học trong 1 tiếng rưỡi.
“Thường thì mỗi lớp dạy 2 buổi/tuần. Mỗi cô dạy từ 2-3 lớp là đã mệt rồi, vì còn công việc ở trường nữa. Có những cô dạy chính học sinh của mình ở trường, có những cô tập hợp lớp bên ngoài, gần khu nhà mình ở. Cá biệt có cô “cày” 6-8 lớp nhưng với điều kiện là ban ngày ít dạy trên trường”.
Cô Trang cho biết, thông thường các cô dạy khoảng 2 lớp – tức 4 buổi/ tuần. Mỗi buổi thu về khoảng 500 nghìn vì có cô còn phải trả tiền thuê địa điểm, mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng từ dạy thêm, cộng với lương dạy chính ở trường là cũng tạm đủ sống.
“Với môn tiếng Anh thì bây giờ các em ra trung tâm học cũng nhiều. Ra trung tâm còn có giáo viên người nước ngoài, phụ huynh thích hơn” – cô Trang tâm sự.
Đó là thu nhập của những giáo viên ở Hà Nội. Còn ở khu vực nông thôn, mức học phí mỗi buổi học thấp hơn rất nhiều nhưng số lượng học sinh mỗi lớp lại tăng lên.
Ngọc Anh – một học sinh lớp 12 ở một huyện nông thôn của TP. Hải Phòng cho biết, học phí mỗi buổi học thêm của em là 25 nghìn đồng, mỗi lớp trên 40 học sinh. Mỗi môn thường học 2 buổi/ tuần. Mỗi thầy cô dạy khoảng 2-3 lớp. Như vậy, thu nhập của thầy cô dao động từ 16-24 triệu đồng/ tháng chưa trừ chi phí thuê địa điểm.
Chia sẻ về việc dạy thêm của các thầy cô, chị Hằng cho biết: “Dạy thêm không xấu. Phần nhiều là do phụ huynh có nhu cầu. Nhiều lớp học thêm của con mình là thầy ở ngoài trường, không ai ép buộc, mà ngược lại con rất thích. Và cũng phải học thêm con mới có đủ kiến thức để đáp ứng cho các kỳ thi sau này”.
Bà mẹ này cũng rất chia sẻ với các thầy cô dạy thêm: “Để kiếm được thu nhập từ dạy thêm, thầy cô cũng rất vất vả. Phụ huynh và học sinh bây giờ rất tinh và có chọn lọc. Không phải thầy cô nào cũng dạy thêm được”.
Nguyễn Thảo
Theo vietnamnet
GS.VS Phạm Minh Hạc: Sửa Luật Giáo dục đề cập đến nhiều vấn đề thiết yếu
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đã đề cập đến nhiều vấn đề thiết yếu. Nếu chúng ta luật hóa được bao nhiều thì hay bấy nhiêu. Giáo dục của chúng ta đang theo con được đó nhằm đảm bảo quyền lợi cho cho mọi người dân.
Đề xuất miễn học phí THCS được nhân dân hoan nghênh. Ảnh/ Minh Phong
Đó là chia sẻ của GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục. GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh, tăng lương cho giáo viên là cần thiết, là điều hết sức quan trọng và được các thầy, cô mong đợi.
Thực tế, hiện nay thu nhập của giáo viên rất thấp và không có trợ cấp gì. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ nên xem xét tất cả những vấn đề liên quan đến thu nhập thì mới có thể đảm bảo được đời sống của nhà giáo.
Chính vì thu nhập thấp, nên giáo viên phải bươn trải để tăng thu nhập bằng nhiều công việc và nhiều cách khác nhau, trong đó có cả dạy thêm. Thu nhập thấp và đầu ra không ổn định là hai trong nhiều nguyên nhân dẫn đến học sinh giỏi "thờ ơ" với ngành sư phạm.
Ở các nước trên thế giới, giáo viên rất được trọng thị và có chế độ đãi ngộ phù hợp. Thu nhập của họ hoàn toàn có thể đảm bảo được cuộc sống, chẳng hạn như Mỹ, và một số nước châu Âu; ở các nước, này giáo dục của họ phát triển.
Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã từng khẳng định: Giáo dục là Quốc sách hàng đầu. Nghị quyết 29-NQ/TW cũng xác định: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, cho đến nay chúng ta vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu.
"Thiết nghĩ nếu chúng ta kết hợp giữa tăng thu nhập cho giáo viên và đảm bảo được đầu ra ổn định cho sinh viên sư phạm thì ngành sư phạm sẽ có cơ hội để phát triển, thu hút được nhân tài" - GS.VS Phạm Minh Hạc nêu vấn đề.
GS.VS Phạm Minh Hạc: Chúng ta đang từng bước thực hiện nhà nước pháp quyền, từ việc nhỏ đến việc lớn đều phải thực hiện theo luật, trong đó có giáo dục
Cũng theo GS.VS Phạm Minh Hạc, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đề xuất nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, giáo viên THCS, giảng viên giảng dạy trình độ đại học và giảng viên giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ. Việc này nhiều nước đã thực hiện từ lâu và chúng ta nâng trình độ giáo viên như trong dự thảo Luật là bước đi tất yếu. Chúng ta phải thực hiện chất lượng giáo dục mũi nhọn.
Đề cập đến phổ cập giáo dục bậc THCS, GS Phạm Minh Hạc chia sẻ: Theo kinh nghiệm của thế giới, phổ cập đi theo bắt buộc. Bắt buộc kèm theo miễn phí. 3 khái niệm này thường đi cùng nhau. Chúng ta tuyên bố phổ cập Phổ thông cơ sở sau năm 2010, nhưng học sinh vẫn phải đóng học phí.
Trong dự thảo Luật có đề cập, sau năm 2020, học sinh THCS sẽ được miễn phí học phí, đề xuất này được nhân dân hoan nghênh. Bởi đó là quyền lợi của các em, của các gia đình. Đất nước phát triển, mọi người dân đều mong muốn con em mình được phát triển cả nhân cách và trí tuệ.
"Chúng ta đang từng bước thực hiện nhà nước pháp quyền, từ việc nhỏ đến việc lớn đều phải thực hiện theo luật, trong đó có giáo dục. Vì thế, tất cả những vấn đề nêu trên nếu chúng ta ghi được vào trong luật thì rất hoan nghênh.
Việt Nam là nhà nước pháp quyền phát triển theo luật. Luật hóa được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Đáng mừng là giáo dục của chúng ta đang theo con được đó, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em đi học. Khi đã luật hóa rồi thì các địa phương phải thực hiện theo đúng luật định" - GS.VS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.
Minh Phong (ghi)
Theo giaoducthoidai.vn
Hiệu trưởng trường tư là ai? Đang có một cuộc 'chuyển giao âm thầm' nhưng lại hết sức sôi động khi ngày càng có nhiều hiệu trưởng trường tư vốn là hiệu trưởng trường công đã về hưu, thậm chí là cán bộ quản lý đương nhiệm của trường công. PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng (trái), Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thời kỳ đầu tiên và PGS-TS...