Thủ khoa Vũ Quang Huy: “Xã hội học-một góc nhìn nhân văn hơn với cuộc đời”
Thủ khoa ngành Xã hội học Vũ Quang Huy chia sẻ: “Một trong những điều lớn nhất mà tôi nhận được sau khi theo học ngành Xã hội học là một góc nhìn nhân văn hơn với cuộc đời và mọi người”.
Thủ khoa Vũ Quang Huy (sinh năm 1998) trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội vừa tốt nghiệp xuất sắc ngành Xã hội học đã có những chia sẻ thú vị về ngành học, về cách học để đạt kết quả cao nhất trong học tập.
Thủ khoa Vũ Quang Huy (sinh năm 1998)
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Vũ Quang Huy đã quan tâm đến các vấn đề xã hội đang xảy ra xung quanh. “Tôi bị hấp dẫn bởi các diễn biến, các luồng quan điểm, và tôi thích tìm hiểu tận cùng nguyên nhân sâu xa ẩn phía sau mỗi sự kiện “ nóng” ấy” – Huy chia sẻ.
Chính vì vậy, tuy học chuyên Anh tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhưng Huy quyết định lựa chọn một ngành học có thể mang đến cho mình một nền tảng tri thức chuyên môn khoa học vững chắc, đó là ngành Xã hội học.
“Thực sự, lúc đó tôi cũng chưa hiểu lắm về ngành học này. Sau này, khi vào học rồi, tôi mới dần hiểu ra Xã hội học là một trong những ngành khoa học xã hội rất “hot” và “trendy” ở những quốc gia phát triển như: Mỹ, Australia…”
Vũ Quang Huy chia sẻ, Xã hội học là một ngành học rất thú vị.
Vũ Quang Huy chia sẻ: Xã hội học là một ngành học rất thú vị. Xã hội học giúp giải thích những hiện tượng, vấn đề rất gần gũi, quen thuộc hàng ngày, từ vai trò được kỳ vọng của người phụ nữ trong gia đình, những ứng xử phi văn hoá đang ngày càng có xu hướng phổ biến trên môi trường mạng, cho tới những vấn đề ở tầm vĩ mô hơn như sự phân tầng xã hội hay sự gia tăng của tội phạm vị thành niên…
Bàn về những vấn đề đời thường của đời sống xã hội như vậy, song thay vì sử dụng lối suy diễn thông thường, Xã hội học lại lý giải bằng hệ thống lý thuyết khoa học phong phú, vững chắc, bài bản và logic, cùng các phương pháp nghiên cứu giàu tính thực tiễn.
Nhờ đó ta nhận ra rằng, tất cả những sự kiện, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống xung quanh đều có những căn nguyên sâu xa, ẩn chứa trong đó là các yếu tố lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hoá… rất rõ ràng và có sự gắn kết logic với nhau. Do đó, càng đi sâu tìm hiểu, Huy càng nhận thấy sự hấp dẫn của Xã hội học.
Huy cho hay, một trong những điều lớn nhất mà Huy nhận được sau khi theo học ngành Xã hội học là một góc nhìn nhân văn hơn với cuộc đời và mọi người.
Trước mỗi hiện tượng, sự việc hay thậm chí là một con người, một số phận, thay vì áp đặt lên họ quan điểm mang tính định kiến của bản thân hay những suy nghĩ vốn vẫn mặc định nảy ra trong tâm trí, Huy sẽ cố gắng tiếp cận sự việc đó bằng một góc nhìn đa chiều hơn, đứng từ góc độ, từ điểm nhìn của họ để nhìn nhận, suy xét vấn đề.
“Họ sinh ra, lớn lên và sinh sống trong hoàn cảnh như thế nào? Những yếu tố nào đến từ cuộc sống xung quanh họ đã tác động đến họ, khiến họ có những hành động và cách ứng xử như vậy? Liệu những việc họ làm sai hay chưa làm được có hoàn toàn là lỗi của họ hay không, hay còn nguyên nhân nào khác?…” là những câu hỏi mà Huy thường xuyên tự đặt ra và cố gắng tìm ra câu trả lời.
“Học Xã hội học, tôi luôn đề cao cách tiếp cận “tôn trọng sự khác biệt” và “không định kiến, không phán xét vô căn cứ” trước mọi người, mọi việc”.
Huy cho biết, việc học tập ở bậc đại học rất khác với khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Huy rất tâm đắc với câu nói của các thầy cô rằng “Đại học là tự học”. Không có ai thúc giục chúng ta phải học như thế này, phải học như thế kia; kết quả học tập của bạn như thế nào, bạn ra trường với điểm số bao nhiêu, tấm bằng loại nào, đều là do bạn quyết định.
Ngay cả việc mỗi môn học có thú vị hay không đều là do thái độ của các bạn khi học môn đó.
Từ trải nghiệm của bản thân, Huy khuyên các bạn sinh viên nên tích cực, chủ động với việc học. Không nên chỉ dựa vào bài giảng trên lớp của thầy cô giáo; thay vào đó, các bạn nên tìm đọc thêm các tài liệu bên ngoài, trước hết là đọc giáo trình, sau là các sách tham khảo có liên quan đến môn học.
Chia sẻ với các bạn tân sinh viên, Huy cho rằng, các bạn nên cân bằng hợp lý giữa việc học tập, nghiên cứu và các hoạt động ngoại khoá, hoạt động xã hội để có thật nhiều trải nghiệm và kỉ niệm đáng nhớ trong đời sinh viên của mình, để sau này mỗi lần nhìn lại sẽ luôn mỉm cười và không bao giờ cảm thấy nuối tiếc về những gì còn chưa làm được.
Thành tích học tập của Thủ khoa Vũ Quang Huy
Giấy khen của Hiệu trưởng dành cho sinh viên đạt kết quả học tập xuất sắc các năm học 2016-2017, 2017-2018, 2018-2019.
Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Trường năm 2017, 2018, 2019.
Học bổng Ponychung năm 2017.
Học bổng Đào Minh Quang năm 2018, 2019.
Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trường, cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và cấp Thành phố Hà Nội năm học 2017-2018.
Giải Nhì SVNCKH cấp Trường năm học 2017-2018, 2018-2019.
Giải Nhất Cuộc thi Kỹ năng Tin học Nhân văn năm 2017.
Giấy khen của Ban chấp hành Đoàn TNCSHCM Trường ĐHKHXH&NV dành cho Đoàn viên có nhiều thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2015-2017.
Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội dành cho sinh viên đạt thành tích tốt nghiệp xuất sắc trong học tập và rèn luyện toàn khoá 2016-2020.
Thắng kịch tính, nam sinh Hà Nội vào cuộc thi quý Olympia
Trải qua 4 phần thi kịch tính, Nguyễn Trọng Đăng Dương (THPT Thực nghiệm, Hà Nội) đã xuất sắc giành tấm vé cuối cùng bước vào cuộc thi quý IV của Đường lên đỉnh Olympia 2020.
Nguyễn Trọng Đăng Dương giành vé vào quý IV.
Cuộc thi tháng cuối cùng của Quý IV Đường lên đỉnh Olympia 2020 phát sóng chiều 6/9 chứng kiến sự so tài của 4 nhà leo núi: Lê Minh Hoàng (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam), Bùi Nữ Minh Ngọc (THPT Nguyễn Tất Thành, Kon Tum), Nguyễn Trọng Đăng Dương (THPT Thực nghiệm giáo dục Hà Nội) và Phạm Quốc Việt (THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ).
Minh Hoàng đã khuấy động trường quay với điệu nhảy trên nền nhạc Đội kèn tí hon. Điệu nhảy sôi động giúp các thí sinh thoải mái hơn khi bước vào phần thi đầu tiên.
Kết thúc phần thi Khởi động, Đăng Dương dẫn đầu với 80 điểm. Theo sau đó là Minh Hoàng, Quốc Việt cùng số điểm 60 và Minh Ngọc giành được 20 điểm.
Trong phần thi Vượt chướng ngại vật, liên tiếp đáp án 4 câu hỏi của hàng ngang gợi ý đều không được lật mở.
Cụ thể, hàng ngang đầu tiên được lựa chọn có câu hỏi Từ nào còn thiếu trong đoạn thơ sau: "Lần tràng hạt niệm Nam mô phật? Cửa từ bi công đức biết là bao/Càng trông... càng yêu?", Đăng Dương là thí sinh duy nhất đưa ra đáp án song không đúng.
4 thí sinh tại cuộc thi tháng Olympia.
Hàng ngang thứ 2 có câu hỏi: "Từ tháng 4/2015 tỉnh nào của đồng bằng sông Hồng có hai thành phố trực thuộc tỉnh?", cả bốn thí sinh có đáp án nhưng không chính xác.
Trước khi có hàng ngang thứ 3 được lựa chọn, Minh Ngọc bấm chuông trả lời từ khóa với đáp án "Tam Đảo", nhưng không chính xác. Tiếp đó, Đăng Dương nhấn chuông và đưa ra đáp án không chính xác là "Bảo Đại".
Hàng ngang thứ 4 có câu hỏi: Những công trình kiến trúc kiên cố, có nhiều phòng ngủ, được trang bị tiện nghi nhằm mục đích chính là kinh doanh dịch vụ lưu trú, được gọi là gì?, Minh Hoàng ghi được điểm với đáp án "Khách sạn"; còn Quốc Việt cũng tìm được đáp án nhưng gõ không đúng chính tả nên không được tính điểm.
Minh Hoàng liền nhấn chuông đưa ra đáp án từ khóa là "Resort" song không chính xác.
Quốc Việt là thí sinh cuối cùng dự phần thi Vượt chướng ngại vật và chinh phục được câu hỏi gợi ý ở ô trung tâm từ nào còn thiếu của tên gọi giải đua xe đạp hấp dẫn nhất thế giới hiện "... de France"? khi đưa ra đáp án "Tour", đồng thời tìm ra từ khóa cần tìm là "Du lịch".
Sau phần thi này, Quốc Việt và Đăng Dương cùng dẫn đầu với 80 điểm. Minh Hoàng 70 điểm; Minh Ngọc 20 điểm.
Phần thi Tăng tốc, Minh Hoàng, Quốc Việt và Đăng Dương lần lượt trả lời nhanh nhất và chính xác 3/4 câu hỏi. Song Đăng Dương là người có phần bứt tốc thành công nhất để vươn lên dẫn đầu với 180 điểm. Tiếp đến Quốc Việt 170 điểm; Minh Hoàng 140 điểm; Minh Ngọc 40 điểm.
Với số điểm không quá chênh lệch giữa vị trí Nhất, Nhì, Ba nên khi bước vào phần thi Về đích, các thí sinh đã thể hiện tinh thần chơi hết mình, mang đến cuộc đua kịch tính, hấp dẫn.
Là người về đích đầu tiên, nhưng Minh Hoàng rất bình tĩnh lựa chọn gói câu hỏi 20-20-30 và trả lời chính xác cả 3 câu.
Không dừng ở đó, Minh Hoàng tiếp tục giành thêm 20 điểm của Quốc Việt khi đưa ra đáp án chính xác cho câu hỏi bằng tiếng Anh và nâng tổng số điểm lên 230 điểm, tạm thời giữ vị trí dẫn đầu đoàn leo núi.
Đăng Dương bước vào phần thi Về đích với gói câu hỏi 10-20-30. Nhanh chóng trả lời chính xác cả 3 câu hỏi, Đăng Dương tiếp tục giành lại ngôi vị với 240 điểm.
Phần thi Về đích của Minh Ngọc.
Minh Ngọc là thí sinh cuối cùng của phần thi Về đích. Dù biết chắc sẽ không giành chiến thắng, nhưng Minh Ngọc vẫn chơi hết mình khi lựa chọn gói câu hỏi 30-30-30. Tuy nhiên, nữ sinh Kon Tum chỉ giành cho mình 30 điểm ở câu hỏi cuối cùng.
Kết quả chung cuộc, Đăng Dương xuất sắc giành chiến thắng với 240 điểm để lọt vào dự trận thi quý IV. Minh Hoàng giành được 200 điểm, Quốc Việt 170 điểm và Minh Ngọc 70 điểm.
Sau trận thi tháng cuối cùng, Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 đã xác định được 4 thí sinh tham dự trận thi quý IV: Tạ Quang Hưng (THPT chuyên Bắc Ninh, Bắc Ninh), Lưu Đào Trí Dũng (THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội), Lê Minh (THPT Sơn Tây, Hà Nội) và Nguyễn Trọng Đăng Dương (THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục, Hà Nội).
Phụ huynh vật vờ chờ sĩ tử trong kỳ thi đặc biệt nhất lịch sử: 'Cả đời con có ngày thi quan trọng nhất, tôi ở đây chờ thấy con bước từ phòng thi ra' Trong ngày thi đặc biệt của con, nhiều phụ huynh đã không quản nắng, mưa đứng chờ bên ngoài. Tâm lý họ vô cùng lo lắng và luôn mong muốn con mình hoàn thành thật tốt bài thi. Hôm nay (9/8), gần 867.000 thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là một kỳ thi chưa từng có...