Thủ khoa KTQD mơ một chiếc xe đạp cho mẹ
Nếu có tiền, trước tiên em sẽ mua một chiếc xe đạp mới thật chắc chắn tặng mẹ…
“Nếu có tiền, trước tiên em sẽ mua một chiếc xe đạp mới thật chắc chắn tặng mẹ, thay cho chiếc xe cọc cạch cũ mẹ vẫn thường chạy chợ nuôi em ăn học…”, tân thủ khoa Đại học Kihn Tế Quốc Dân mơ ước giản dị.
Với 29 điểm (Toán 9, Vật lý 10, Hoá học 10), học sinh nghèo Dương Công Tráng (Trường THPT Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa) trở thành tân thủ khoa của Đại học KTQD Hà Nội.
Những ngày này, trong căn nhà cấp bốn đơn sơ của gia đình anh Dương Chí Hùng (bố em Tráng, ở làng cổ Đông Sơn, P. Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa) luôn đầy ắp tiếng cười. Tối nào căn nhà cũng đông chật khách vì nhiều người thân và hàng xóm nghe tin đến thăm hỏi, chúc mừng.
Trước ngày nhập trường, Tráng tranh thủ phụ việc nhà giúp bố mẹ và dạy em trai học bài
Gia cảnh nhà Tráng nghèo lắm. Bố Tráng là lao động tự do, mẹ em cũng vậy nên thu nhập hằng tháng chỉ lo cơm áo cho mấy miệng ăn cũng đủ chật vật.
Hằng ngày mẹ Tráng thường dậy từ tờ mờ sáng, đạp xe chạy chợ bán rau trong thành phố, còn bố em cũng đi làm công nhân tự do cho các công trình xây dựng. Nhiều khi không có việc làm, bố Tráng phải đi làm thuê, ai cần việc gì ông làm việc đó để có tiền cho con ăn học.
Trong căn nhà nhỏ, không có tài sản gì giá trị ngoài 2 chiếc xe đạp đã cũ mèm. Thương con, người mẹ đã nhường Tráng chiếc chiếc xe mini Trung Quốc cũng chẳng còn mới để đi học. Còn mẹ thì dùng chiếc xe đạp nữ cà tàng, phanh trước cũng đã bị đứt, cả hai lốp xe đều đã mòn vẹt, khung xe gỉ sét, không còn gì cũ hơn để ngày ngày bà tần tảo chở rau chạy chợ, kiếm tiền cho 2 anh em Tráng ăn học.
Nhà nghèo nhưng hai anh em Tráng rất ham học. 12 năm học phổ thông, không phụ công lao bố mẹ, Tráng liên tục đạt nhiều giải cao trong các kì thi học sinh giỏi các cấp. Góc học tập của em giấy khen treo kín các bức tường… Trên chiếc bàn học nhỏ của Tráng, sách vở, đồ dùng học tập được xếp sắp rất gọn gàng. Giá sách của Tráng cũng rất khiêm tốn, không có nhiều sách tham khảo, sách nâng cao.
Video đang HOT
Căn nhà nhỏ của tân thủ khoa Đại học KTQD không có nhiều tài sản giá trị. Tráng mơ ước nếu có tiền sẽ mua tặng mẹ một chiếc xe đạp mới thay cho chiếc xe cũ mèm bà thường chạy chợ để nuôi em ăn học.
“Bạn bè cùng lớp hay dùng tiền mua sách nâng cao còn em lại chọn giải pháp tiết kiệm hơn. Đó là vào mạng tra cứu các bộ đề rồi giải luôn. Vừa nhanh lại vừa rẻ và hiệu quả”, chàng thủ khoa chia sẻ bí quyết học tập.
Ấn tượng khi gặp chàng thủ khoa là một thanh niên dáng người cao, gầy nhưng đôi mắt rất sáng, khuôn mặt thông minh và hiền lành. Chia sẻ bí quyết học tập để đạt thứ hạng cao, Tráng cho biết em luôn học kĩ kiến thức cơ bản. Ngoài ra em thường lên mạng sưu tầm, tìm kiếm các đề thi trắc nghiệm để rèn luyện khả năng tính toán nhanh và chính xác.
Với môn Toán, Tráng tìm các bài nâng cao để giải, đặc biệt chú ý phương pháp giải toán sao cho thật chặt chẽ, trình bày ngắn gọn như vậy mới đạt điểm tối đa. Thầy Nguyễn Văn Hải, chủ nhiệm lớp 12C1 của Tráng cho biết, Tráng là học trò thông minh, chịu khó, em có khả năng tự học rất tốt. Đặc biệt em có khả năng xử lý giải bài tập rất nhanh. Nhiều khi tốc độ giải bài tập của em còn nhanh hơn cả thầy giáo.
Tâm sự với chúng tôi, Tráng cho biết, gia đình không có điều kiện, nên em quyết tâm học thật tốt để sau này giúp đỡ bố mẹ thoát cảnh nghèo. Tráng cũng mơ ước sau này trở thành kiểm toán viên nhà nước có một công việc ổn định. “Khi có tiền, trước tiên em sẽ mua tặng mẹ một chiếc xe đạp mới thay cho chiếc xe cũ để mẹ chạy chợ đỡ phần vất vả”, tân thủ khoa nói về mơ ước giản dị nhưng cũng đầy ý nghĩa.
Đậu thủ khoa là niềm vui không chỉ với bản thân Tráng mà cả gia đình, dòng họ. Nhưng đằng sau niềm vui đó là một nỗi lo cho chặng đường dài phía trước khi hoàn cảnh gia đình tân khoa rất khó khăn. Tráng cho biết thêm, sắp tới ra Hà Nội đi học em cũng sẽ tìm việc làm thêm để kiếm tiền đỡ gánh nặng chi tiêu cho bố mẹ.
Bà Dương Thị Cúc, bà ngoại Tráng chia sẻ, từ khi biết cháu ngoại đỗ thủ khoa trường đại học danh tiếng, gia đình bà vui lắm. Mấy hôm nay bà mừng không ngủ được. Bà vừa mừng vừa lo, lo vì bố mẹ cháu còn khó khăn không biết có lo nổi cho cháu theo tròn khoá học được không.
Tuy nhiên, anh Dương Chí Hùng, bố Tráng quả quyết: “nhà tôi tuy nghèo khó nhưng các con đều chăm ngoan và học giỏi, đó là niềm động viên an ủi lớn nhất với gia đình, giúp vợ chồng tôi vượt qua khó khăn, quên mệt nhọc. Dù khó khăn mấy vẫn phải lo cho con học bằng người”, người cha tâm sự trong ánh mắt đầy niềm tin và hãnh diện.
Theo VNN
Người mẹ bỏ quê ra phố nuôi giấc mơ ĐH cho con
Chồng đột ngột qua đời, để lại cho chị 2 đứa con thơ dại. Thương con, chị Lê Thị Thu (SN 1968, xóm 4, Diễn Thắng, Diễn Châu, Nghệ An) quyết định bỏ quê ra phố, làm thuê làm mướn chỉ mong con có điều kiện được học hành tốt hơn.
Đón chúng tôi nơi căn nhà trọ tồi tàn ở một con hẻm nhỏ thuộc phường Hưng Bình (TP Vinh, Nghệ An) khi trời đã nhá nhem tối, chị Lê Thị Thu nở một nụ cười mãn nguyện. Cậu con trai út Đặng Quốc Phong dù được tuyển thẳng vào ĐH Dược nhưng vẫn đăng ký đi thi và đỗ một lúc 2 trường. Mừng đấy nhưng trên khuôn mặt gầy gò của người mẹ vẫn nặng trĩu nỗi lo.
Chị Lê Thị Thu.
Trong căn phòng nhỏ chưa đến 10m2, ngoài chiếc giường 3 mẹ con ngủ chung và chiếc bàn học chẳng có gì đáng giá ngoài những cuốn sách chất ngồn ngộn. Suốt 3 năm qua, mẹ con chị đã bám trụ tại TP Vinh trong căn phòng nhỏ nóng hầm hập này. Lo đủ ăn đã khó, nói chi đến mua sắm thêm đồ.
Năm 2003, chị quyết định vay mượn để chồng đi xuất khẩu lao động những mong sớm thoát nghèo và lo cho 2 con ăn học tới nơi tới chốn. Thời điểm đó, thị trường lao động Malaysia vẫn còn hết sức khó khăn, dè sẻn lắm chồng chị mới gửi về cho vợ được vài ba triệu mỗi tháng. Nợ trả chưa xong thì anh đột tử, chị chạy vạy lo tiền nong để đưa thi thể chồng về nước. Khi đó Đặng Thị Xuân đang học năm đầu tiên hệ cao đẳng của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cơ sở tại Nghệ An, còn Đặng Quốc Phong mới lên lớp 9.
Nén nỗi đau, chị gồng gánh nuôi con ăn học. Chẳng thế nói hết những cơ cực của người phụ nữ chỉ biết trông chờ vào 5 sào ruộng để nuôi đứa con trọ học trong thành phố và một đứa con bị bệnh tim. Hiểu được sự vất vả của mẹ, ở thành phố, Xuân cố gắng dành dụm chi tiêu còn Phong liên tục nhiều năm liền đạt học sinh giỏi tỉnh.
Thương mẹ vất vả, Phong đã báo đáp bằng thành tích học tập ấn tượng
Thương con và muốn cho con có điều kiện học tập tốt nhất nhưng khi Phong ngỏ ý thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Vinh) thì chị hoang mang lắm. Một mình chị làm sao nuôi nổi 2 đứa con trọ học ở thành phố? Chị khuyên con học cấp 3 gần nhà để bớt đi một khoản chi tiêu. Nhưng khát khao được vào học ở ngôi trường chuyên của tỉnh lớn quá nên Phong dấu mẹ đi thi và đậu vào chuyên Hóa Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu và Khối THPT chuyên Trường ĐH Vinh.
"Nói thật lúc biết tin cháu đỗ vào trường chuyên, tôi lo nhiều hơn mừng. Tôi làm ruộng, lấy mô ra tiền nuôi cả 2 đứa. Thằng Phong năn nỉ mãi, cuối cùng nó bảo: "Mẹ cứ cho con vào Vinh, con sẽ làm thêm để kiếm tiền trọ học". Một mình nó, ốm đau bệnh tật tôi không nỡ nên khăn gói theo con vào Vinh luôn", chị Thu tâm sự.
Ruộng vườn cho người khác thuê, trâu bò cũng bán hết, chị khăn gói vào Vinh làm đủ nghề để duy trì cuộc sống của 3 mẹ con. May mắn xin vào làm tạp vụ trong một khách sạn với mức lương 1,3 triệu đồng, tối chị đi rửa bát thuê. 2 triệu đồng mỗi tháng chỉ đủ cho 3 mẹ con chi tiêu một cách tằn tiện. Mỗi tháng hoặc vài ba tháng chị lại bắt xe về quê dọn dẹp nhà cửa, lo hương khói cho người chồng quá cố. Nhiều khi thấy mình kiệt sức nhưng nghĩ 2 đứa con ham học, học giỏi, chị lại gắng gượng.
Hành trình tới giảng đường của Phong sẽ còn gian nan, một lần nữa chị lại phải rời quê "đi học" cùng các con.
"Nhà trường, các thầy cô giáo và hội phụ huynh biết hoàn cảnh của Phong nên quan tâm giúp đỡ mẹ con tôi nhiều lắm. Cháu được miễn học phí, các khoản đóng góp, rồi học bổng, thậm chí trường và Hội phụ huynh còn san sẻ phần lớn chi phí Phong ra Hà Nội ôn luyện cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Hóa". Không phụ lòng mong mỏi của mọi người, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua, Phong xuất sắc giành giải Ba môn Hóa học và nghiễm nhiên được lựa chọn một trường ĐH mà không cần phải tham gia tuyển sinh.
Phong đăng ký vào Trường ĐH Dược Hà Nội và được chấp nhận nhưng em vẫn muốn thử sức mình nên đăng ký dự thi vào Trường ĐY Y Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và đậu cả 2 trường với số điểm khá cao. "Em quyết định học ĐH Dược Hà Nội vì học phí trường ĐH Y Hà Nội đắt, sợ mẹ không kham nổi. Ra Hà Nội, em sẽ cố gắng tìm việc làm thuê để đỡ đần cho mẹ và chị gái. Hiện giờ chị Xuân vừa học liên thông lên đại học, lại vừa đi làm thêm, cũng vất vả lắm", Phong chia sẻ.
Nói thì là vậy nhưng chị Thu đâu nỡ để con trai phải cực khổ khi phải trọ học xa nhà bởi di chứng căn bệnh tim vẫn hành hạ cậu bé. "Có lẽ tôi phải xin nghỉ việc ở Vinh rồi ra Hà Nội với cháu. Ra đó cố gắng tìm công việc gì đó hai mẹ con nuôi nhau chứ để cháu ở một mình tôi không yên tâm. Cháu Xuân giờ mỗi tháng cũng kiếm được gần 1 triệu đồng, dù khó khăn nhưng chắc cũng lo nổi cho cuộc sống và học hành. Mình có sức khỏe, có quyết tâm thì chắc trời không nỡ bỏ rơi mô cô ạ. Điều mong muốn duy nhất của tôi lúc này là có thể lo cho con học tới nơi tới chốn để các cháu không phải khổ cực như bố mẹ", chị tâm sự mà như cố gắng nén nặng trĩu nỗi lo vào trong lòng.
Hoàng Lam
Theo dân trí
Cảm phục cậu HS nghèo 5 lần đỗ thủ khoa Năm nay cậu học trò nghèo vừa đỗ thủ khoa khối A, trường đại học Kinh tế quốc dân với 29 điểm. Liên tục trong 12 năm học, Dương Công Tráng (lớp 12C1, Trường THPT Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hoá) đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, đặc biệt năm lớp 12 cậu đạt giải Ba môn Toán tại kỳ thi học...