Thủ khoa ĐH Sân khấu Điện ảnh: ‘Xinh đẹp là lợi thế lớn’
Lương Huyền Thanh – thủ khoa nổi tiếng năm 2014 của ĐH Sân khấu Điện ảnh – cho biết với nghề diễn viên, nhan sắc rất quan trọng, nhưng nếu thiếu tài năng thì không còn giá trị.
Ba năm trước, Lương Huyền Thanh (sinh năm 1996, Thanh Hóa) trở thành người đứng đầu trong số 600 thí sinh dự thi vào khoa Diễn viên, ĐH Sân khấu Điện ảnh, với số điểm chuyên môn là 16,8. Nữ sinh bỗng chốc được dân mạng tìm kiếm, đồng thời bị lập hàng loạt Facebook giả mạo vì xinh đẹp.
Chia sẻ với Zing.vn, Huyền Thanh kể về những trải nghiệm khi học tập tại ĐH Sân khấu Điện ảnh.
Lương Huyền Thanh với vẻ đẹp truyền thống.
Chấn thương trong lớp học
- Sau 3 năm học tập tại ĐH Sân khấu Điện ảnh, cuộc sống của bạn thay đổi như thế nào?
- Bắt đầu từ năm thứ ba, ngoài việc học ở trường, mình làm thêm như đóng phim ngắn, chụp ảnh mẫu, sắp tới có một số dự định như trải nghiệm với phim sitcom, phim truyền hình.
Vai diễn đầu tiên của mình là nữ chính trong phim ngắn Vì em xứng đáng. Mình khá thích thú với vai diễn này từ khi đọc kịch bản nhưng cũng không ngờ sau đó phim được yêu thích và nhận phản hồi tốt trên mạng xã hội.
Những công việc làm thêm này giúp mình có thêm kinh nghiệm trong nghề, lại trang trải được phần nào cuộc sống, không quá phụ thuộc vào gia đình.
Video đang HOT
- Vừa học tập, vừa đóng phim, Huyền Thanh sắp xếp thời gian như thế nào?
- Tại ĐH Sân khấu Điện ảnh, việc học tập tương đối vất vả nên mình vẫn dành sự ưu tiên số 1, chỉ đóng phim khi có thời gian rảnh rỗi.
Khoa Diễn viên của mình có một số đặc thù riêng như thời gian không cố định theo thời khóa biểu, thầy cô có thể gọi học sinh lên trường luyện tập bất kỳ lúc nào. Thậm chí, khi giáo viên không nhắc nhở, sinh viên vẫn cần tập liên tục, có ngày từ sáng đến tối để hoàn thiện bài diễn tốt nhất.
Khi mình nhập học, đầu vào trong khoa có 30 bạn nhưng 3 năm sau đã có 10 bạn bị loại vì không đáp ứng được năng lực.
- Học làm diễn viên vất vả, nhưng chắc hẳn rất thú vị?
- Đúng vậy. Ngoài kiến thức, sinh viên trong khoa còn tham gia nhiều môn học khác như luyện tập thể hình. Vì vậy, việc các bạn bị tụt huyết áp, nghẹo cổ, nghẹo tay, chấn thương là chuyện dễ gặp. Mình cũng từng lịm đi vì quá mệt ngay trong lớp học.
Tuy nhiên, chương trình học của chúng mình rất thú vị. Đơn giản như lớp học môn Tiếng nói, sinh viên vừa phải tập thể lực, vừa đọc thơ ê a như trẻ tiểu học. Qua đó, rèn luyện cho sinh viên cách diễn không cần dùng micro trên sân khấu, chỉ lấy hơi dài từ sâu trong bụng.
Thầy chủ nhiệm lớp là NSƯT Phan Trọng Thành – trưởng khoa Diễn viên, không chỉ giảng dạy diễn xuất mà quan tâm đến nguyện vọng của từng học sinh, dạy cách làm người. Cô giáo của mình cũng thường khuyên để trở thành diễn viên tốt, sinh viên nên chăm đọc sách để có kiến thức đa dạng, mới có thể hóa thân vào vai diễn tốt hơn.
Mình nhận được rất nhiều điều từ môi trường này.
- Từng nổi tiếng khi mới trở thành thủ khoa vì ngoại hình xinh đẹp, Huyền Thanh cho rằng ngoại hình quan trọng với nghề diễn viên như thế nào?
- Ngoại hình là lợi thế quan trọng khi theo đuổi nghề diễn viên. Nhưng nếu chỉ xinh đẹp mà diễn xuất dở thì ngoại hình cũng vô giá trị. Vì vậy, mình luôn cố gắng để hoàn thiện bản thân cả về “sắc” lẫn “hương”.
Không nên ‘làm lố’ khi thi năng khiếu
- Một mùa tuyển sinh nữa lại sắp tới, bạn có lời khuyên như thế nào dành cho các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi năng khiếu, ngành Diễn viên?
- Với những thí sinh thi năng khiếu vào khoa Diễn viên, các bạn nên thể hiện sự tự tin, cách nói rõ ràng, đầu tóc gọn gàng, trang điểm không nên quá đậm.
Về diễn xuất, các bạn nên nói ít và hành động nhiều, tránh diễn quá lố vì có thể gây phản cảm. Việc dùng ngôn ngữ hình thể để biểu đạt cho câu nói là điều nên làm.
9X năng động trong vẻ đẹp hiện đại.
Nhớ lại lúc thi vào trường Sân khấu Điện ảnh, khi bắt được tình huống, một buổi tối mình đi học về, nhà bỗng dưng mất điện, căn phòng tối om và không thấy cha mẹ đâu cả.
Ban đầu, mình khá run nhưng sau đó đã bình tĩnh lại. Sau khi hình dung những gì có thể xảy ra với nhân vật, mình đã nhập tâm thực sự vào vai diễn.
Khi diễn, mình thêm những tình huống như bị nhóm thanh niên trêu dọc đường, về nhà không tìm thấy đèn pin. Trong vai diễn này, mình thể hiện biểu cảm trên gương mặt như lo lắng, sợ hãi và vui mừng trong phần kết.
Ở một bài thi khác, khi ban giám khảo đặt câu hỏi, trong gia đình mình yêu quý nhất ai? Mình trả lời đó là mẹ và tình huống được đề ra, hãy tưởng tượng trước mặt em là mẹ – người chuẩn bị lìa xa cõi đời này.
Lúc đó, mình không đi sâu vào lời nói mà diễn tả nét đau khổ, xót thương trên gương mặt bằng những giọt nước mắt.
- Vậy để trở thành diễn viên, các bạn cần có tố chất gì?
- Nếu thực sự yêu thích và đam mê, các bạn nên mạnh dạn đăng ký thi để tự tạo cơ hội cho mình, còn việc đỗ hay không lại là câu chuyện khác.
Trong quá trình học, ngoài năng khiếu cá nhân, việc rèn luyện chiếm vai trò quan trọng để trở thành diễn viên.
- Trong tương lai, Huyền Thanh muốn trở thành diễn viên như thế nào?
- Ngày nhỏ, mình thích những vai diễn giống như chị Song Hye Kyo thể hiện, kiểu hài hước và lãng mạn. Khi học khoa Diễn viên, mình mong muốn sẽ đi theo hướng diễn viên chuyên nghiệp, hóa thân thành nhiều vai diễn khác nhau, phù hợp với phim truyền hình của Việt Nam.
Sau khi ra trường, ước mơ của mình là trở thành diễn viên đứng trên sân khấu trong các nhà hát, thời gian còn lại thì đi đóng phim.
Đóng kịch khó hơn nhiều so với truyền hình, bởi diễn viên phải nuôi cảm xúc, trạng thái từ đầu đến cuối vở diễn, là cách diễn trực tiếp, không được diễn đi diễn lại.
Nhưng mình quan niệm bản thân chỉ hoàn thiện khi vượt qua khó khăn. Nếu chỉ làm những điều dễ dàng, mình sẽ mãi mãi không vượt qua được chính mình và không cải thiện được năng lực.
Theo Zing