Thu hút sinh viên bằng campus tour kiểu Mỹ
Ở Mỹ, nhiều người đùa rằng sẽ có rất nhiều nơi trở thành ‘thành phố ma’ nếu bỗng dưng trường đại học ở đó… biến mất.
Một giáo viên dẫn học sinh cấp III đi xem Trường ĐH CMSU (bang Missouri) – Ảnh: V.Q.
Tại Mỹ, có không ít ngôi trường ĐH được hình thành trước cả khi nước Mỹ tuyên bố độc lập. Vì vậy trường ĐH không chỉ khoác trên mình bề dày lịch sử, là sự lựa chọn hàng đầu của học sinh mà còn là lợi thế thu hút khách du lịch gần xa.
Nhiều hoạt động của “ Campus tour”
Thuật ngữ “Campus tour” nghĩa là chương trình đưa gia đình của các học sinh “có tiềm năng” đến với trường CĐ – ĐH, giúp họ trải nghiệm thực tế về môi trường học tập, sinh hoạt giải trí của trường. Từ đó, các học sinh có hình dung sinh động về các ngành nghề để định hướng và lựa chọn nghề nghiệp tương lai phù hợp bản thân cũng như lựa chọn trường đó để học tập.
Tôi đã may mắn được tham gia một chương trình Campus tour có tên “Panther for a day” tại ĐH Bắc Iowa (University of Northern Iowa) để làm một khách tham quan giáo dục đúng nghĩa và thấy có nhiều điều thú vị muốn chia sẻ.
Chương trình khá dày đặc từ 10h sáng với tham quan Trung tâm nghệ thuật Gallagher – Bluedorn trị giá 23 triệu USD, 11h15 dạo quanh vườn “thượng uyển” với nhiều loại cây cổ thụ đến từ nhiều nước trên thế giới.
Ăn trưa tại trung tâm “Piazza” và “Rialto” được bình chọn là điểm phục vụ ăn uống cho sinh viên tốt nhất bang Iowa. Sau đó tiếp tục tham quan thư viện – bảo tàng Rod, Trung tâm triển lãm mỹ thuật UNI.
Từ 16h lại đến Trung tâm thể thao UNI Wellness Center, khu ký túc xá McLeod. Điểm cuối cùng là mua sắm hàng lưu niệm ở University Book & Supply trước khi cùng nhau ăn tối ở nhà hàng cạnh trường.
Một lần khác khi ghé thăm ĐH UPenn (bang Pennsylvania), được thành lập từ năm 1740, hiện có khoảng 25.000 sinh viên, tôi cũng rất ngạc nhiên khi “tour guide” của trường dẫn lối cho khách tham quan còn mặc thêm cả chiếc áo lính đánh trận thời Napoleon thật bắt mắt.
Video đang HOT
Tại Trường ĐH Texas Tech (bang Texas), hình ảnh rất quen thuộc trước khi vào mỗi học kỳ là các sinh viên của trường phụ trách dẫn các đoàn phụ huynh và các học sinh “tiềm năng” chuẩn bị vào ĐH đi “mục sở thị” các cơ sở vật chất, thư viện, bảo tàng, sân đấu thể thao… của trường.
Khi đó tôi cứ thấy trường vui như hội vì xe buýt thì chật cứng, đi đâu cũng gặp người và người, thích nhất là luôn cố tìm có bạn nào từ Việt Nam sang để hội sinh viên Việt Nam tại đây kết nạp thành viên, có thêm sự chia sẻ trong những ngày đi học xa nhà.
Tiềm năng du lịch chưa được khai thác?
Trường ĐH Central Missouri State University (bang Missouri) công bố thống kê trong năm 2018 đã đón tiếp 891.000 lượt khách đến tham quan trường. Nếu nhẩm tính chi phí dành cho ăn uống, nghỉ ngơi khách sạn và mua sắm ở phòng truyền thống cũng đã đóng góp ngân sách rất lớn cho thành phố và trường ĐH.
Ở Mỹ, nhiều người đùa rằng sẽ có rất nhiều nơi trở thành “thành phố ma” nếu bỗng dưng trường ĐH ở đó… biến mất. Nếu nói rằng ở đó, cả nền kinh tế của thành phố phụ thuộc hoàn toàn vào một trường ĐH thì cũng không phải là một cách nói quá lên.
Điều này cảm nhận rõ ràng nhất khi mùa hè đến, sinh viên ít tham gia các khóa học hè nên nhiều cửa hàng ăn uống vắng khách vãng lai, siêu thị bán hàng hạ giá liên tục hay xe buýt thưa người qua lại.
Đặc điểm chung ở các trường ĐH Hoa Kỳ là hệ thống nhà hàng, khách sạn đủ loại sao và phương tiện giao thông phục vụ được xây dựng vệ tinh luôn sẵn sàng phục vụ khách tham quan trường.
Nếu trong khuôn viên trường ĐH mà có cả những khách sạn thương hiệu lớn như Marriott, Vineyard… thì bạn cũng đừng quá ngạc nhiên. Các quầy bar cũng “mon men” kinh doanh xung quanh trường vừa phục vụ sinh viên trong khu ký túc xá, vừa là chỗ lui tới của du khách bốn phương khi về đêm.
Dựa vào nhiều tiêu chí, trang mạng www.collegerank.net còn thông tin cho khách du lịch về top 50 khách sạn trong trường ĐH (College Hotel) ở Hoa Kỳ với mục đích giúp du khách tìm kiếm một khách sạn phù hợp nhất khi đến tham quan trường ĐH nào đấy.
Từ đó cho thấy các trường ĐH ở Việt Nam có thể đẩy mạnh khai thác nguồn “sinh viên tiềm năng” bằng hình thức campus tour này thay vì chỉ dừng lại ở mức độ tham dự các buổi tư vấn mùa tuyển sinh hay các buổi tham quan mang tính chiếu lệ. Đây cũng có thể là ý tưởng cho các nhà tổ chức kinh doanh lữ hành quan tâm hơn đến một thị trường có lẽ vẫn còn bỏ ngỏ này.
Ví dụ nhỏ về ý tưởng kết hợp với lịch sử
Từ câu chuyện trao đổi với đồng nghiệp về từ “Mizzou”, viết tắt của bang Missouri, mà khi hỏi rất nhiều người ở Missouri cũng chỉ biết rằng đó là Trường ĐH Missouri danh tiếng. Điều đó kích thích tôi lái xe thực hiện chuyến đi dài đến thành phố Columbia (bang Missouri) chỉ với mục đích duy nhất là vào tham quan Trường ĐH Missouri và chụp ảnh kỷ niệm trong khuôn viên trường thuộc tốp trên của hệ thống đào tạo ĐH tại Hoa Kỳ. Cũng phải mất số tiền không ít cho chuyến đi ngắn ngày chỉ để khám phá tường tận ý nghĩa của cái tên “Mizzou” mà thôi.
Khi đến đây, tôi chợt nghĩ đến chuyện ở nhà khi được hỏi về Đông Đô thì sẽ có nhiều người trả lời đó là tên gọi một trường ĐH ở Hà Nội chứ không nhiều người biết rằng từ năm 1.400 (sau thời Trần Phế Đế), thành Thăng Long được Hồ Quý Ly đổi thành Đông Đô để phân biệt với kinh đô mới ở Thanh Hóa (gọi là Tây Đô). Hay bây giờ thử tra trên Google với từ khóa “Đông Đô” sẽ xuất hiện rất nhiều thông tin về trường ĐH này.
Điều đó chứng tỏ khi các trường ĐH ở Việt Nam biết dựa vào lịch sử của nhà trường kết hợp với sức mạnh của truyền thông sẽ trở thành một nguồn lực cực lớn cho việc tuyển sinh đầu vào cũng như thúc đẩy cho du lịch toàn vùng liên kết phát triển.
Theo tuoitre
Bên trong khu ký túc xá tồi tàn hơn 100 tuổi tại Nhật Bản
Ký túc xá Yoshida, thuộc ĐH Kyoto, được xây dựng từ năm 1913. Sau hơn một thế kỷ, khu nhà đã xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn được cho thuê với mức giá 2.500 yên/tháng.
Nằm ở rìa phía nam của ĐH Kyoto, Nhật Bản, khu ký túc xá Yoshida được xây hoàn toàn bằng gỗ và đã tồn tại trong suốt 105 năm qua. Ngoài bề dày lịch sử và lối kiến trúc cũ, những dãy nhà ở đây còn được biết đến bởi sự xuống cấp nghiêm trọng sau nhiều năm sử dụng.
Được thành lập từ năm 1913, ban đầu ký túc xá này chỉ dành cho sinh viên nam và được quản lý bằng một hiệp hội sinh viên tự quản. Tuy nhiên, từ năm 1985, Yoshida bắt đầu chấp nhận nữ sinh và sau đó là sinh viên nước ngoài vào năm 1990. Hiện tại, gần 200 sinh viên đang sinh sống tại đây.
Tòa nhà xiêu vẹo có thể bị xô đổ bởi bất kỳ trận động đất nào, hành lang đầy rác và bụi, nam và nữ phải dùng chung một nhà vệ sinh là những gì trang Japan Times mô tả về Yoshida trong bài viết đăng ngày 27/9 vừa qua.
Năm 2010, CNN đã đăng bài báo có tiêu đề " Yoshida-ryo: Đổ nát, hư hỏng và hết sức bẩn thỉu". Hai bài viết cách nhau 8 năm nhưng các bức ảnh chụp khu ký túc xá cho thấy không hề có sự cải thiện đáng kể nào.
Mới đây, ĐH Kyoto tuyên bố sẽ làm tất cả để đóng cửa Yoshida. Lãnh đạo trường cho biết ký túc xá bằng gỗ đã xuống cấp trầm trọng và có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi có động đất. Đây không phải lần đầu tiên kế hoạch dẹp bỏ khu ký túc xá hơn 100 tuổi được đưa ra. Trước đó, vào năm 1970 và 1986, nhà trường cũng có tuyên bố tương tự nhưng đã không thực hiện được.
Bất chấp những mối nguy hiểm được nhà trường và truyền thông cảnh báo, toàn bộ sinh viên đang sinh sống tại Yoshida không hề có ý định chuyển đi. Phí sinh hoạt 2,5 nghìn yên/tháng/người (khoảng 500 nghìn đồng) ở khu ký túc xá này được xem là "rẻ kỷ lục" nếu so sánh với những nơi khác, có mức giá thấp nhất là 38 nghìn yên (gần 8 triệu đồng).
Bên cạnh giá thuê thấp, các sinh viên cho biết họ không muốn rời Yoshida vì môi trường học tập đặc biệt ở đây. Sophia Yates, sinh viên ĐH Melbourne, ở Yoshida từ năm 2016, cho biết nhiều người nước ngoài như cô muốn ở lại vì các sinh viên Nhật Bản tại đây giúp họ cải thiện tiếng Nhật. "Tôi rất buồn nếu phải rời đi. Yoshida thực sự là nơi mà mọi người được chào đón. LGBT, sinh viên mọi lứa tuổi, người lập dị với trang phục khác thường... đều được chấp nhận. Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn khác với phần còn lại của Nhật Bản", Yates giải thích.
Theo Zing
Đặc ân của thầy giáo "hot" nhất năm 2018 Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc đã trải qua một năm bận rộn và cả những trải nghiệm chưa từng có, đến mức có lúc thầy muốn thoát ra. Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc là một trong những giáo viên đã góp phần lên tiếng về sự bất thường về gian lận của kỳ thi THPT quốc gia 2018. Thầy vừa trải qua một...