Thư gửi sinh viên tốt nghiệp năm 2020 của vợ chồng tỷ phú Bill Gates
Theo vợ chồng vị tỷ phú, thế hệ sinh viên ra trường năm nay sẽ giúp xây dựng một thế giới lành mạnh và bình đẳng hơn.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khả năng cao là lễ tốt nghiệp tại nhiều trường đại học ở khắp nơi trên thế giới sẽ phải hủy bỏ. Tốt nghiệp không chỉ là việc lên sân khấu nhận bằng mà quan trọng hơn, nó đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn tiếp theo trong cuộc đời mỗi sinh viên. Đó là điều đáng để chúc mừng, ngay cả trong bối cảnh khó khăn như hiện tại.
Mới đây, tờ Wall Street Journal đã liên hệ với vợ chồng tỷ phú Bill và Melinda Gates để chia sẻ một vài suy nghĩ về việc tốt nghiệp trong năm nay. Dưới đây là những gì họ viết:
Vào một buổi chiều đầy nắng năm 1947, Bộ trưởng bộ Ngoại giao George C. Marshall đã có một bài phát biểu tại Đại học Harvard. Vị cựu lãnh đạo nhắc nhở người nghe của mình rằng cách chỗ họ đang tụ họp vài nghìn km, Chiến tranh thế giới II đã khiến châu Âu rơi vào cảnh đói nghèo và tuyệt vọng.
Theo ông Marshall, nước Mỹ có trách nhiệm hỗ trợ châu Âu. Và ngay cả khi bạn không biết đến bài phát biểu đó, có lẽ bạn từng nghe tới “Kế hoạch Marshall”, một kế hoạch trọng yếu của Mỹ nhằm thiết lập một nền móng vững chắc hơn cho Tây Âu và mở ra một kỷ nguyên hòa bình, thịnh vượng mới.
Ngày nay, chúng ta đang phải chịu không ít thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19. Một lần nữa, các quốc gia cần chung sức để xây dựng lại nhiều thứ. Thế nhưng lần này, các bạn, những sinh viên ra trường năm 2020 dường như không cần một diễn giả để chỉ ra đâu là những nơi đang gặp rắc rối trên thế giới. Cuộc khủng hoảng Covid-19 không phải là khủng hoảng cục bộ mà thực sự là một cuộc chiến toàn cầu.
Mối quan hệ không thể tách rời giữa mọi người trên thế giới là điều mà thế hệ của các bạn hiểu rõ hơn ai hết. Nhiều người đã biết dùng Internet từ khi còn nhỏ và lớn lên cùng quyền truy cập với tin tức cũng như quan điểm từ những nơi ở cách xa bạn hàng nghìn km. Và các thách thức lớn bao trùm tương lai của bạn như bùng phát dịch, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giới, nghèo đói cũng là điều mà những người đồng trang lứa với bạn ở khắp nơi phải đối mặt.
Vậy tất cả những điều trên có ý nghĩa gì với chương tiếp theo của cuộc đời bạn? Là một thành viên của cộng đồng toàn cầu, hành động của bạn có thể có tác động mang tính toàn cầu. Dù bạn là ai, sống ở đâu và mục tiêu nghề nghiệp là gì, vẫn có rất nhiều cách khác nhau mà bạn có thể thực hiện để giúp thế giới trở nên tốt hơn.
Nếu cuộc khủng hoảng này truyền cảm hứng để bạn theo đuổi công việc trong lĩnh vực dịch vụ công cộng, thì thật tuyệt vời. Nhưng đó không phải là cách duy nhất để đóng góp. Bạn luôn có thể sử dụng lời nói và phiếu bầu của mình để thúc đẩy sự thay đổi như tập trung vào các chính sách tạo ra một tương lai tốt hơn, lành mạnh hơn cho mọi người, ở khắp mọi nơi, cho dù họ sống ở ngoài đường hay ở phía bên kia bán cầu.
Thực tế là bạn đang bước vào giai đoạn mới trong thời điểm khó khăn. Đối với nhiều người, con đường họ đã hình dung sau khi tốt nghiệp bỗng trở nên dốc và khó đi hơn. Có rất nhiều điều phải lo lắng, từ chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình đến việc thị trường việc làm ảnh hưởng ra sao đến khả năng thanh toán khoản nợ của bạn.
Ngoài ra, bạn còn cần đặt câu hỏi lớn hơn về vai trò của mình trong việc cải thiện thế giới. Bạn được thừa hưởng một thế giới đã chứng minh rằng các tiến bộ có thể giúp khôi phục thế giới sau chiến tranh, dịch bệnh.
Sự tiến bộ đó không xảy ra ngẫu nhiên hay do số phận. Đó là kết quả của những người từng là sinh viên tốt nghiệp giống bạn, cam kết rằng bất cứ điều gì họ làm với cuộc sống và sự nghiệp đều sẽ đóng góp cho sứ mệnh chung là thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước. Năm 2020 là thời điểm không hề dễ dàng với thế hệ sinh viên mới ra trường nhưng chúng ta sẽ vượt qua tất cả và thế giới sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Elon Musk có thể học được gì từ Bill Gates trong chiến dịch chống Covid-19?
Nhìn vào cách đối phó đại dịch của hai vị tỷ phú, tác giả trên trang TheNextWeb nhận định Bill Gates đã trở thành hình mẫu đáng để Elon Musk học tập.
Bài viết dựa trên quan điểm của cây viết Tristan Greene của trang tin The Next Web.
Nhìn vào dịch Covid-19, ta thấy ngay một đại dịch toàn cầu sẽ cho chúng ta thấy ai là người có khả năng lãnh đạo và đưa ra những quyết định đúng đắn. Cá nhân đó là một cái tên quen thuộc vô cùng: Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, đã nhiều năm lăn lộn trong ngành dược phẩm, làm việc với những chuyên gia hàng đầu để phát triển một phương án phản ứng lại tình thế éo le gây ra bởi dịch bệnh, chính là hoàn cảnh mà xã hội loài người đang đối mặt.
Dù đã rời vị trí lãnh đạo tại Microsoft để theo đuổi sự nghiệp làm từ thiện, Bill Gates vẫn là cá nhân đầu ngành công nghệ trong cuộc chiến chống đại dịch. Ông đầu tư hàng tỷ USD để phát triển các phương pháp chữa trị Covid-19 tiềm năng, rộng lòng quyên góp cho bất cứ tổ chức nào đang nỗ lực chống dịch. Bill Gates trở thành tấm gương trong thời buổi Covid-19 nhiễu nhương.
Nếu chúng ta đưa ra quyết định đúng đắn hôm nay - dựa rên khoa học, dữ liệu và kinh nghiệm của chuyên gia y tế - chúng ta sẽ cứu được nhiều mạng sống và giúp đất nước trở lại làm việc. Bạn có thể đọc thêm về nhận định của tôi về #Covid19 trên blog. https://t.co/KN58B8Hs11?amp=1
Làm sao để Gates có những nhận định chính xác và chọn phương án hiệu quả? Ông dựa trên lý trí để đưa ra quyết định cuối cùng. Hồi giữa tháng Tư, tài khoản mạng xã hội của Bill Gates trở thành nơi cung cấp thông tin khoa học chính xác về bệnh truyền nhiễm. Khi Covid-19 bắt đầu lan rộng, thông tin hữu ích từ Bill Gates giúp bình ổn tình hình đôi phần hỗn loạn.
Ngay cả khi đại dịch Covid-19 ngấp nghé bên bờ mất kiểm soát, Gates vẫn điềm tĩnh, tự tin nhưng rất thực tế; lo lắng có chừng mực và bình tĩnh giải quyết vấn đề. Nói đến đây là đã hiểu Gates là một nhà lãnh đạo ra sao.
Và rồi, chúng ta có Elon Musk, một vị tỷ phú trẻ hơn Gates nhiều và cũng là nhân vật có tiếng nói trong ngành công nghệ. Nhưng đáng tiếc, Musk nói sai.
Bằng thái độ hấp tấp, Musk đưa ra nhận định sai lầm về Covid-19. Đầu tiên là việc so sánh Covid-19 với cảm cúm thông thường.
"Đang có một lượng lớn ca chẩn đoán và ca nhiễm "corona". Tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn nhiều thực tế. Tôi nghĩ rằng dịch này rồi sẽ trở thành dạng tương đương cúm thôi. Chẳng phải World War Z đâu", rồi ông đính chính rằng mình định so sánh Covid-19 với "những dạng cảm cúm khác", chứ không phải "dịch cúm".
Musk cũng sớm nhận ra sai lầm của mình, cố gắng sửa sai bằng cách mua lại máy thở từ Trung Quốc và quyên tặng bệnh viện địa phương. Trong vội vàng, Musk mua về số máy thở BiPAP/CPAP không xâm lấn, những thiết bị không chuyên dùng trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
Cũng phải nói thêm, có nơi chuyển thành công loại máy thở cấp thấp này thành máy thở xâm lấn, giúp được người bệnh. Tesla cũng đang cố gắng tự sản xuất máy thở đủ tiêu chuẩn để chung tay phòng dịch.
Mà cũng mới thấy ảnh nhân viên y tế của New York cầm trên tay số máy thở BiPAP của Musk. Hôm rồi, chính quyền California báo lại rằng chưa bệnh viện địa phương nào nhận được máy thở của Tesla.
Hồi giữa tháng Ba, Musk còn đăng một vài bài lên Twitter, rằng: ông nghe ngóng được rằng chloroquine là thứ thuốc đáng được cân nhắc trong chữa trị Covid-19, đính kèm hai đường link liên quan tới nghiên cứu thử nghiệm thuốc. Có thể coi đây là hành động thiếu thận trọng, khi đưa thông tin chưa rõ ràng về thứ thuốc có thể chữa được Covid-19.
"Có khi nên tính tới chloroquine để chữa C19".
"Nghiên cứu này [có nhắc tới chloroquine] giống với những gì tôi nghe được từ rất nhiều người có học".
Đã có người tử vong vì uống chloroquine, đã có thử nghiệm y tế phải hoãn do chloroquine gây tác dụng phụ quá mạnh. Và trong khi Elon Musk ngồi đọc tài liệu trên mạng về thứ virus chết người, Quỹ Bill và Melinda Gates thực hiện thử nghiệm khoa học chứng minh độ hiệu quả của thuốc, nghiên cứu pháp triển dược phẩm chữa trị và phòng chống Covid-19.
Đó chính là điểm khác biệt giữa Gates và Musk: một người sử dụng khả năng tài chính cũng như sức ảnh hưởng cá nhân để quy tập chuyên gia và tìm cách giải quyết vấn đề, một người thì cố gắng đóng vai người hùng cứu thế giới nhưng chưa làm được nhiều điều hữu ích. Ta có thể tán dương nỗ lực của Musk trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng bạn cũng biết người ta nói gì về tổng phép tính giữa "thiếu hiểu biết" và "nhiệt tình" rồi đó.
Mong muốn hiện tại: Musk có thể học được đôi điều từ Bill Gates, hãy tận dụng những gì mình có trong tay để làm điều hữu ích. Chúng ta cùng chờ xem hệ thống máy thở của Musk sắp ra lò sẽ giúp được gì cho các bệnh viện, cho những bệnh nhân nằm phòng cách ly.
Máy thở Tesla.
Dink
Vợ chồng tỷ phú Bill Gates đóng góp thêm 3.500 tỷ để chống đại dịch Covid-19 Mới đây, vợ chồng tỷ phú Bill Gates đã thông báo rằng họ sẽ đóng góp thêm 150 triệu USD để chống lại đại dịch Covid-19, nâng tổng số tiền cam kết hỗ trợ lên 250 triệu USD. Cụ thể, Quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng tỷ phú Bill Gates đã quyết định tài trợ thêm 150 triệu USD cho Tổ...