Thu được nhiều tiền chính là động lực để giáo viên bất chấp dạy thêm
Nhiều thầy cô chỉ cần cái danh giáo viên để có thể dạy thêm bên ngoài. Đây mới là nguồn thu nhập chính của họ chứ không phải đồng lương.
Một số người trong ngành thường than vãn: “Lương giáo viên hiện nay quá thấp. Đời sống giáo viên còn nhiều gian khổ”.
Điều này có một phần nào đó tương đối đúng. Tuy nhiên thực tế, nhiều giáo viên tại các tỉnh/ thành phố lớn đâu có sống bằng lương. Nguồn thu chính đến từ dạy thêm và dạy tại các trung tâm.
Trong quá trình thực hiện bài viết này, phóng viên đã tiếp xúc với nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh. Nhiều thầy cô thừa nhận họ chỉ cần cái “mác” giáo viên để đi dạy thêm bên ngoài.
Cô giáo V.T.H, giáo viên Hà Nội, mặc dù chỉ nhận được mức lương hơn 2 triệu/tháng nhưng cô H. không bỏ nghề bởi: Không mấy ai sống bằng lương chính.
Khi đề cập đến vấn đề dạy thêm nhiều giáo viên tỏ ra rất e ngại thậm chí là mặc cảm.
Thứ nhất việc dạy thêm trái phép ngoài nhà trường đã bị cấm. Điều này được cụ thể hóa bằng quy định pháp luật chứ không phải ràng buộc vì yếu tố đạo đức đơn thuần.
Thứ hai việc dạy thêm hiện nay vẫn sử dụng nhiều chiêu trò bắt ép học sinh đi học. Điều này khiến xã hội và phụ huynh có cái nhìn không thiện cảm đối với nghề giáo.
Cuối cùng cô H. cũng thừa nhận: Việc dạy thêm bên ngoài mới là nguồn thu nhập chủ yếu của giáo viên. Nếu chỉ trông chờ vào lương thì rất khó sống.
Hiểu được điều này, nhiều phụ huynh cũng rất cảm thông và “ủng hộ” các thầy cô kiếm thêm thu nhập. Cụ thể nhiều gia đình cũng tích cực cho con đi học thêm tại nhà giáo viên.
Dạy thêm là nguồn thu nhập chính của nhiều giáo viên (Ảnh:N.D)
Trường hợp của anh N.V.T, phụ huynh có con học một trường cấp 2 ở Hoàng Mai, Hà Nội nói thẳng:
“Con tôi lớp 6 chưa nhất thiết phải đi học thêm. Bởi vì kiến thức lớp 6 không quá nặng. Nếu các cô dạy đủ chương trình trên lớp thì chẳng đến mức phải đi học thêm.
Cho con đi học thêm thứ nhất là để con bằng bạn bằng bè. Thứ hai là ủng hộ các thầy cô có thêm thu nhập. Tôi nghĩ việc này là chính đáng.
Nhưng đổi lại các cô cần phải có cách ứng xử phù hợp. Ví dụ như việc học thêm phải tự nguyện, không nâng điểm, không trù dập học sinh đi học và không đi học. Có như thế phụ huynh chúng tôi sẵn sàng ủng hộ các thầy cô”.
Lớp học thêm của con anh T. do 3 cô giáo tại trường cấp 2 Tân Mai thuê nhà dân tổ chức dạy. Một lớp có khoảng 50 học sinh, mỗi học sinh đóng 1.2 triệu/ tháng. Như vậy mỗi tháng, một lớp học thêm thu về 60 triệu đồng.
Trong khi đó các cô còn dạy từ 2 đến 3 lớp. Chỉ cần thế cũng đủ nhẩm tính thu nhập của giáo viên khi đi dạy thêm là lớn như thế nào?
Phụ huynh thấy mệt mỏi vì các kiểu ép buộc học sinh đi học thêm (Ảnh:N.D)
Một giáo viên trung bình tháng thấp nhất cũng phải kiếm được 10-20 triệu đồng từ tiền dạy thêm. Do đó nhiều người chỉ cần có cái mác giáo viên để đi dạy thêm và không cần quan tâm đến lương chính.
Tại tỉnh Nam Định, thu nhập của hai vợ chồng cô T.T.M một tháng cũng rơi vào khoảng 50 triệu đồng từ việc dạy thêm tại các trung tâm. Trong khi lương của hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng.
Nguồn thu từ việc dạy thêm rất lớn cho nên nhiều giáo viên sẵn sàng “phớt lờ” những quy định về việc cấm dạy thêm.
Video đang HOT
Chẳng hạn sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh tình trạng một số giáo viên trường cấp 2 thị trấn Văn Điển dạy thêm trái phép.
Sau 2 bài báo đó, hoạt động dạy thêm tại trường tạm dừng một thời gian.
Thế nhưng mới đây phụ huynh lại phản ánh nhà trường bắt học sinh viết cam kết tham gia lớp dạy thêm.
Anh N.V.D bức xúc: “Sau khi báo phản ánh tình trạng dạy thêm trái phép tại trường hoạt động này đã bị dừng. Tuy nhiên được một thời gian nhà trường lại cho phụ huynh ký cam kết tự nguyện cho con đi học thêm. Tôi không hiểu vì sao nhà trường và giáo viên phải nhất quyết cho dạy thêm”.
Có lẽ khi nhẩm tính được thu nhập của giáo viên khi đi dạy thêm anh D. sẽ có câu trả lời.
Nhiều giáo viên đặt câu hỏi: Tại sao các ngành nghề khác được quyền kiếm thêm thu nhập từ công việc nhưng giáo viên kiếm thêm thu nhập từ dạy thêm lại bị phản đối?
Muốn học sinh Tôn Sư, giáo viên phải Trọng Đạo trước đã (Ảnh:N.D)
Giáo viên khi hỏi câu này cũng cần phân biệt rõ những trường hợp được phép dạy thêm và không dạy thêm. Những hoạt động dạy thêm chính đáng và hoạt động dạy thêm trái phép.
Nếu việc dạy thêm dựa trên cơ sở tự nguyện, không ép buộc, không sử dụng chiêu trò làm méo mó hoạt động này thì chắc chắn không ai phản đối, lên án.
Việc dạy thêm không phải là xấu, nó cũng có những tác dụng nhất định bổ trợ kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên việc lợi dụng dạy thêm để kiếm tiền, sử dụng chiêu trò ép học sinh, trù dập học sinh, gây áp lực cho phụ huynh là sai trái.
Bà giáo Hồ Hương Nam đặt một câu hỏi rất chính xác: “Giáo viên mong muốn phụ huynh, học sinh Tôn Sư. Vậy cho tôi hỏi các thầy cô đã Trọng Đạo chưa? Tôn Sư và Trọng Đạo là mối quan hệ nhân quả không thể tách rời”.
Việc phụ huynh cho con đi học thêm là Tôn Sư nhưng việc giáo viên ép học sinh đi học, cho điểm thấp, lộ đề kiểm tra, trù dập học sinh không đi học thêm liệu đã Trọng Đạo hay chưa?
Cần có biện pháp giải quyết triệt để vấn nạn dạy thêm trái phép như hiện nay (Ảnh minh họa: giasubinhduong.org)
Tại nước ngoài cũng không cấm việc dạy thêm nhưng họ có những quy tắc rất rõ ràng: Việc dạy thêm được cho phép nhưng dựa theo nguyên tắc tự nguyện không ép buộc.
Giáo viên chỉ được dạy thêm trong các trung tâm đã được đăng ký và nhà nước cấp phép.
Không cắt bớt chương trình chính khóa để dạy thêm và không dạy học sinh chính khóa trên lớp.
Nghĩa là luật chơi của họ: Anh không được vừa đá bóng, vừa thổi còi. Và khi anh tham gia cuộc chơi anh phải tuân thủ luật chơi.
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Việc dạy thêm xuất phát từ mức lương của giáo viên thấp. Nếu đảm bảo được mức lương đủ để sống giáo viên sẽ bớt làm những công việc bên ngoài.
Tuy nhiên như đã nói, phụ huynh và học sinh cũng rất thiện chí trong việc giúp thầy cô có thêm thu nhập.
Nhưng việc dạy thêm phải tuân thủ theo những nguyên tắc rõ ràng về chuyên môn và đạo đức.
Giáo viên muốn học sinh, phụ huynh, xã hội Tôn Sư trước tiên họ phải Trọng Đạo trước đã.
Nam Dương
Theo giaoduc.net
Phụ huynh mong giáo viên trường cấp 2 Văn Điển đừng dạy thêm trái phép
"Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như con chúng tôi học được những điều bổ ích. Nhưng nếu bị ép đi học thêm thì chúng tôi phản đối".
Sau bài viết: "Coi thường ý kiến của Sở, giáo viên trường Văn Điển vẫn dạy thêm trái phép" đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều phụ huynh có con đang học tại ngôi trường này "được lời như cởi tấm lòng".
Một phụ huynh phản ánh đến phóng viên cho biết: "Chúng tôi bức xúc với lịch học quá dày và căng thẳng của các con.
Các con đã đi học kín tuần cả sáng lẫn chiều mà thứ 7, chủ nhật vẫn đi học thêm tại nhà cô giáo.
Nay chúng tôi chỉ mong các cô đừng dạy thêm nữa.Nói thật chúng tôi cho con đi học vì sợ, thấp cổ bé họng không biết kêu ai.
Hoặc nếu có thì thực sự gia đình nào, phụ huynh nào muốn thì cho con đi học".
Một phụ huynh khác cũng bày tỏ:
"Giáo viên Nguyễn Thị Tuyết là người mỗi khi làm bài kiểm tra sẽ cho ban phụ huynh biết đề trước để con họ làm và nếu điểm kém sẽ sửa bài, sửa điểm luôn.
Thực tình chúng tôi cũng chẳng muốn đưa việc này ra dù sao con em mình cũng đang học ở trường.
Nhưng đôi khi tôi thấy các giáo viên hơi quá đáng. Việc học thêm phải trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc và tốt cho các con.
Thế nhưng nhiều lời nói, ứng xử của giáo viên khiến chúng tôi cảm thấy không hài lòng".
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết cũng chính là người mở lớp dạy thêm tại thôn Cương Ngô, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì bị phóng viên ghi hình lại.
Những lớp học như thế này được giáo viên thuê của người dân, bên ngoài cửa đóng im ỉm, bên trong chỉ có bàn ghế, quạt trần, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất.
Giáo viên trường cấp 2 Văn Điển từng dạy thêm tại trung tâm Văn hóa Hoàng Gia chưa được cấp phép (Ảnh:N.D)
Trước những phản ứng của phụ huynh, Ban giám hiệu trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Điển nên kiểm tra và cho dừng ngay các hoạt động dạy thêm trái phép của một số giáo viên trong trường.
Đặc biệt nếu xét thấy giáo viên có hành vi lợi dụng "quyền lực mềm", dùng thủ đoạn để ép học sinh đi học thêm thì phải nghiêm trị. Vì như thế sẽ làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng giáo dục và hình ảnh nhà giáo.
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin: Một số giáo viên trường cấp 2 thị trấn Văn Điển thuê nhà dân dạy thêm trái phép.
Đặc biệt mặc dù đã từng bị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội chỉ đạo dừng dạy thêm thế nhưng nhóm giáo viên này chỉ chuyển địa điểm và vẫn tiếp tục hoạt động dạy thêm khiến nhiều phụ huynh cảm thấy bức xúc.
Phụ huynh phản ánh thêm: Giáo viên trên lớp dạy hời hợt, minh chứng là cái gì cũng cho ghi đọc sách giáo khoa. Nếu đọc sách giáo khoa đâu cần giáo viên dạy.
Học sinh cần giáo viên dạy truyền lửa, không nên giáo điều,tôn trọng cách viết và sự sáng tạo của học sinh, nên gợi ý cho học sinh viết theo cách này hay cách khác.
Giáo viên Trường trung học cơ sở thị Trấn Văn Điển chỉ chăm làm thêm, biến tướng dưới hình thức là dạy thêm vào chiều thứ bảy và ngày chủ nhật ở nhà giáo viên hoặc giáo viên nào không có điều kiện dạy thêm ở nhà được thì giáo viên chung chi thuê ở một nơi nào rồi tập trung dạy.
Vì áp lực học thêm và lịch học quá dày gần như không có ngày nghỉ cho nên phụ huynh đã phản ánh về sở giáo dục và giáo viên đã chuyển địa điểm đến nơi mới xa khu dân cư, gần Trường Chu Văn An, Thanh Trì bắt đầu từ chủ nhật ngày 13/10/2019".
Trung tâm văn hóa Hoàng Gia nằm giữa một khu đất trống là trụ sở dạy thêm của một số giáo viên trường cấp 2 Văn Điển (Ảnh:N.D)
Việc dạy thêm học sinh chính khóa đã là sai, nếu giáo viên sử dụng quyền lực trên lớp để ép học sinh đi học thì sai chồng sai.
Do vậy phụ huynh kính mong Phòng giáo dục huyện Thanh Trì, Ban giám hiệu trường cấp 2 Văn Điển kiểm tra và yêu cầu giáo viên dừng các hoạt động thêm trái phép.
Bên cạnh đó với trách nhiệm của một cơ quan báo chí, phụ huynh cũng mong Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục theo dõi vụ việc và phản ánh lên mặt báo nếu như tình trạng này vẫn diễn ra.
Thông tin thêm dành cho các phụ huynh, bắt đầu từ ngày 26/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số: 2499/QĐ-BGDĐT Quyết định về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Do đó có thể hiểu là đến thời điểm này thì chỉ duy nhất việc dạy thêm trong nhà trường do Sở/Phòng giáo dục cấp phép, còn việc dạy thêm bên ngoài nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào đều đã chấm dứt, việc dạy thêm bên ngoài nhà trường là vi phạm pháp luật.
Hoạt động dạy thêm trái phép của một số giáo viên trường cấp 2 Văn Điển bị ghi lại (Ảnh:N.D)
Nếu căn cứ theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT trước đây, hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường phải đảm bảo nguyên tắc:
1. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
2. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
3. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
4. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
5. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Đối với giáo viên đang được hưởng quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Từ những căn cứ viện dẫn trên có thể khẳng định một số giáo viên trường cấp 2 Văn Điển đang tổ chức dạy thêm trái phép và cần bị xử lý.
Nam Dương
Theo giaoduc.net
Không thu hồi giấy phép đã cấp là không công bằng và khó kiểm soát dạy thêm Bên cạnh việc không cấp mới giấy phép dạy thêm, học thêm cũng cần có kế hoạch rút giấy phép với những cá nhân và tập thể mà giấy phép đang còn hiệu lực. Ngay sau khi có Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019 về việc công bố hết hiệu lực một số điều khoản trong Thông tư 17 về dạy thêm, học...