Thông xe đoạn đường cao tốc TP.HCM-Long Thành: Ba đơn vị nói lời xin lỗi
Sáng 2.1.2014, đoạn đường dài 20km từ đường Vành đai 2 (Q.9, TP.HCM) đến Quốc lộ 51 ( huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), thuộc Dự án đường cao tốc bắc-nam đoạn TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây đã được thông xe.
Nghi thức cắt băng, thông xe đoạn đường cao tốc – Ảnh: Mai Vọng
Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và TP.HCM.
Phát biểu trước khi thông xe, cả 3 đơn vị; gồm: Chủ đầu tư – Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), nhà thầu Posco E&C và tư vấn giám sát dự án – Liên doanh Nippon Koei và TediSouth – đã xin lỗi vì để xảy ra khiếm khuyết trong thi công các hạng mục móng hộ lan tại gói thầu số 3 của dự án.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã phát lệnh thông xe sau khi phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của dự án trong việc thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực miền Nam nói chung và TP.HCM, Đồng Nai nói riêng.
Ông Đông cũng yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với chính quyền các địa phương có dự án đi qua, chỉ đạo tư vấn giám sát và nhà thầu thi công các đoạn tuyến còn lại, tập trung mọi nguồn lực, thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, để đưa toàn tuyến vào khai thác trong năm 2015.
Rút ngắn thời gian đi lại
Theo VEC, đoạn đường được đưa vào khai thác từ hôm nay 2.1.2014 chỉ dài 20km nhưng sẽ giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian đi từ TPHCM đến một số vùng lân cận.
Cụ thể, đoạn đường từ TP.HCM đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120 km, thời gian lưu thông mất hơn 2,5 giờ đồng hồ thì nay sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km với thời gian chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút.
Tương tự, từ TP.HCM đi ngã ba Dầu Giây theo tuyến QL1 hiện nay khoảng 70km, mất 2,5 giờ, thường xuyên ùn tắc, nay có thể từ cuối đoạn đường cao tốc này đi tiếp một đoạn QL51, rẽ trái vào Tỉnh lộ 769 đến Dầu Giây, rút ngắn so với với tuyến đường hiện hữu 20km, mất khoảng 1 giờ 20 phút.
Khoảng cách từ TP.HCM đến huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai cũng rút ngắn xuống còn khoảng 22 km so với 45 km hiện tại, thời gian đi lại còn khoảng 20 phút, bằng 1/3 so với hiện nay.
Video đang HOT
Bộ trưởng Đinh La Thăng đến tham dự và cắt băng thông xe – Ảnh: Mai Vọng
Chưa cho xe trên 10 tấn lưu thông
Theo VEC, trong thời gian khai thác tạm, đoạn đường cao tốc chỉ cho ô tô khách và ô tô tải dưới 10 tấn lưu thông.
Ông Mai Tuấn Anh – TGĐ VEC giải thích – vì đường Vành đai 2 và các đường nhánh kết nối với đường cao tốc phía Q.9 chưa hoàn chỉnh. Hơn nữa, vòng xoay đường Vành đai 2 có bán kính hạn chế, rất khó cho những chiếc xe vận tải quá dài lưu thông.
Do vậy, VEC và Sở GTVT TP.HCM đã thống nhất hạn chế loại phương tiện lưu thông trong thời gian khai thác tạm đường cao tốc.
Đến khi hoàn thành đoạn đường dài 4 km từ nút giao thông An Phú đến đường Vành đai 2, các loại xe tải nặng mới được phép lưu thông.
Đoạn đường này đã được khởi công vào tháng 2.2013. Dự kiến đến tháng 4.2015 mới hoàn thành.
“Chúng tôi đang quyết tâm cùng với chính quyền TP.HCM hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng (hiện nay mới bàn giao được khoảng 93%), để thúc đẩy nhà thầu tăng cường nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành đoạn đường này vào cuối năm 2014″ – ông Mai Tuấn Anh cho biết.
Dự án đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây dài 55 km được chia làm hai dự án thành phần: Dự án thành phần 1 (đoạn An Phú-đường Vành đai 2, nằm trên địa bàn Q.2 và Q.9, TP.HCM) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ 100 km/giờ, quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp.
Dự án thành phần 2 (đoạn từ đường Vành đai 2-Long Thành-Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A theo Tiêu chuẩn Việt Nam, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/giờ; quy mô 4 làn xe chạy và 2 làn dừng xe khẩn cấp.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 20.630 tỉ đồng, từ nguồn vốn vay thông thường OCR của ADB 276,8 triệu USD, vốn vay ODA của JICA 640,3 triệu USD và vốn đối ứng.
Những chiếc xe đầu tiên lưu thông trên đường cao tốc sau khi cắt băng thông xe. Ảnh: Mai Vọng
Xe lưu thông trên đoạn đường cao tốc từ TP.HCM-Long Thành vào sáng 2.1 – Ảnh: Mai Vọng
Ba đơn vị gốm chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát dự án sáng nay đã xin lỗi vì để xảy ra khiếm khuyết trong thi công các hạng mục móng hộ lan tại gói thầu số 3 của dự án – Ảnh: Mai Vọng
Đoạn đường cao tốc TP.HCM-Long Thành nhìn từ trên cao trước khi thông xe – Ảnh: Diệp Đức Minh
Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cho phép ô tô lưu thông với tốc độ tối đa 100 km/giờ (trong điều kiện thời tiết xấu là 80 km/giờ); tốc độ tối thiểu 60 km/giờ; khoảng cách an toàn tối thiểu 80m (tốc độ lưu thông 100 km/giờ). Tốc độ này áp dụng chung cho cả 2 làn đường, không phân biệt làn bên trong và bên ngoài. Trên tuyến, trung bình 3 km bố trí 1 điểm quay đầu xe phục vụ công tác cứu hộ, điều tiết giao thông.
Theo TNO
Hà Nội: Thông xe đoạn đường đắt nhất hành tinh
Với chiều dài hơn 500 mét nhưng đoạn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đã tốn gần 1.000 tỉ đồng. Bình quân, mỗi mét đường chi phí hết 2 tỉ đồng.
Chiều ngày 31/12, đoạn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (thuộc dự án xây dựng đường Vành đai I) chính thức thông xe kỹ thuật. Sau khi đi vào khai thác, đoạn đường này sẽ giảm tải giao thông cho nút giao Tôn Đức Thắng - Ô Chợ Dừa - Nguyễn Lương Bằng.
Ông Nguyễn Sỹ Bảo - Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, chủ đầu tư xây dựng đoạn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu cho biết: Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã đi kiểm tra thực tế việc thi công, phương án tổ chức giao thông đoạn đường này. Kết thúc chuyến kiểm tra, Phó Chủ tịch thành phố quyết định cho thông xe kỹ thuật đoạn đường ngay trong buổi chiều.
Nhiều hạng mục chưa hoàn thiện nhưng con đường đắt nhất hành tinh đã được thông xe.
Theo đại diện Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, hiện mới chỉ cho thông xe tạm theo 2 hướng Tôn Đức Thắng - Khâm Thiên đi Hoàng Cầu và hướng từ Hoàng Cầu đi về Nguyễn Lương Bằng. Phương án tổ chức giao thông tại nút giao Hoàng Cầu, nút giao Tôn Đức Thắng - Ô Chợ Dừa - Nguyễn Lương Bằng phải đợi trung tuần tháng 1/2014 mới có phương án hoàn chỉnh.
Trước mắt các đơn vị tập trung thi công tại đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Hiện tại vẫn còn một số hạng mục thoát nước và phải giải phóng mặt bằng tại một số vị trí. Tổng mức đầu tư của đoạn đường hơn 500m này là gần 1.000 tỉ đồng, trong đó phần vốn chủ yếu là bồi thường giải phóng mặt bằng.
Cũng theo Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, trước đó đơn vị này cũng làm chủ đầu tư đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa có chiều dài 550m, tổng mức đầu tư 642 tỉ đồng, được coi là con đường đắt nhất khi đó. Tính trung bình mỗi mét chiều dài tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa tốn hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, với chi phí bình quân mỗi mét chiều dài tốn gần 2 tỉ đồng, đoạn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đã chiếm ngôi "đường đắt nhất hành tinh".
Dự án xây dựng đường vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) được phê duyệt năm 2008, có chiều dài hơn 500m, rộng 50m, với tổng mức đầu tư lúc đó là 642 tỉ đồng, trong đó tiền chi cho giải phóng mặt bằng là 527 tỉ đồng, xây lắp 50 tỉ đồng. Sau thời gian ngừng hoạt động, đến đầu năm 2013, quận Đống Đa báo cáo thành phố rằng, 477 phương án đền bù cho các chủ đất nằm trên tuyến đường này lên tới 743,5 tỉ đồng.
Theo PetroTimes
Thông xe 25 km đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai Sáng 27.12, Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) chính thức thông xe 25 km thuộc gói A1 dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, rút ngắn thời gian Hà Nội đi Vĩnh Phúc chỉ còn khoảng 40 phút. Ảnh minh họa Gói thầu xây lắp A1 đi qua huyện Sóc Sơn (Hà Nội),...