Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Một nhiệm kỳ dẹp ’sóng gió’
Nếu có cử tri hóm hỉnh hỏi: ‘ Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ông đã làm rất mạnh, rất bạo tay trong việc xử lý mua lại hay xoá sổ các ngân hàng yếu kém. Sao với tỷ giá ngoại tệ, vàng và lãi suất, ông lại dè dặt thế?’. Thống đốc Bình hẳn sẽ lấp lửng rằng: ‘Ồ, tôi cam kết giữ ổn định nhưng không có nghĩa là cố định, sẽ có tăng- có giảm nhé’.
Đây chỉ là đối đáp giả định giữa cử tri và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình về những “điểm nóng” trong điều hành thị trường tiền tệ và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng năm 2015.
Đảm nhận “ghế nóng” Thống đốc tháng từ 8/2011 đến nay, ông Bình hiếm khi trả lời phỏng vấn trực tiếp với truyền thông, mà chỉ báo cáo, trả lời chất vấn ở nghị trường Quốc hội.
Có vài lần Thống đốc trải lòng với một số tờ báo “thân” ở từng thời điểm thích hợp như xử lý sở hữu chéo ngân hàng (năm 2012), đấu thầu vàng miếng (năm 2013), sáp nhập ngân hàng và xử lý nợ xấu (năm 2014), mua ngân hàng 0 đồng (năm 2015)… Sự thận trọng, chỉn chu và “mềm mỏng” trong điều hành thị trường của vị Thống đốc này đã để lại dấu ấn riêng biệt.
Bão dư luận đã “tan”?
Ở giai đoạn đầu thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), Thống đốc Bình và những quyết sách “cứng rắn” của ông đã vấp phải rất nhiều luồng ý kiến trái chiều, phản ứng gay gắt.
Đó là sức ép từ các TCTD, người dân giận dữ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xoá bỏ việc sản xuất vàng miếng tự do, chuyển sang cơ chế “một thương hiệu vàng miếng SJC”.
Đồng thời, để kiểm soát thị trường vàng và “dẹp loạn” giá vàng đang bị đầu cơ lũng đoạn, NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng và tạm dừng nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Sau gần 1 năm đấu thầu, cung cầu vàng miếng đã bớt căng thẳng, đảm bảo thanh khoản, giá vàng giảm sâu từ mức đỉnh hơn 46 triệu đồng/lượng xuống còn quanh mức 31-32 triệu đồng/lượng. Chênh lệch vàng được thu hẹp đáng kể, từ hơn 6 triệu đồng xuống còn 2-3 triệu đồng mỗi lượng giao dịch…
Thị trường vàng lặng sóng, dòng vốn rút khỏi vàng để chảy vào kênh tiết kiệm, sản xuất kinh doanh. Và khi vàng đã yên thì thị trường ngoại tệ, nhất là tỷ giá USD/VND cũng ít hẳn những cơn “sóng” to.
Video đang HOT
Đó là sự thành công của chính sách đấu thầu và “độc quyền” vàng miếng, tiếp sau việc xoá bỏ sàn vàng “ảo” mà đến giờ, ít thấy Thống đốc Bình đề cập nữa.
Trong cuộc họp cuối năm 2015 của Chính phủ, khi được Thủ tướng yêu cầu báo cáo tình hình điều hành thị trường tiền tệ, giảm lãi suất, vị Tư lệnh ngành ngân hàng cũng không nhắc tới “bão vàng” đã tan.
Ngay cả điều hành thị trường ngoại tệ, tỷ giá, Thống đốc Bình cũng nói ngắn gọn về sự ổn định luôn được “kiểm soát” trong dự tính. Thực tế, năm 2015, NHNN đã ba lần điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND tổng cộng 3% và nới biên động từ /-1% lên /-3% (ảnh hưởng từ nhập siêu tăng, FED tăng lãi suất, Trung Quốc phá giá đồng CNY…) Nói cách khác, đã hạ giá tiền đồng khoảng gần 5% giá danh nghĩa và gần 3% giá thực tế so với đồng USD.
Thị trường ngoại tệ dù vẫn bị ảnh hưởng, chi phối bởi yếu tố tâm lý, đầu cơ song đã nhanh chóng ổn định sau các quyết định nới tỷ giá và động thái trấn an tâm lý thị trường của lãnh đạo NHNN. Sự cởi mở, chủ động công bố thông tin của lãnh đạo NHNN cũng góp phần giúp nhà điều hành dẫn dắt thị trường đi đúng “kịch bản”.
NHNN sẽ có thể dồn sức cho các mặt trận khác khó khăn, căng thẳng trong nhiệm kỳ 2011-2016 của Thống đốc Bình.
Lãi suất hạ “đáy”, tín dụng bật tăng
Khi mới nhận chức, Thống đốc Bình cũng từng đau đáu một nhiệm vụ khó là ngăn chặn đầu cơ, găm giữ ngoại tệ nhằm chống đô la hoá trong nền kinh tế. Vì giữa lúc nguồn vốn huy động khó khăn, eo hẹp, vay nợ nước ngoài đắt đỏ thì nguồn lực từ dân cư, tổ chức lại “chảy” mạnh vào vàng và ngoại tệ, để rồi “chôn” một chỗ là quá lãng phí. Vậy làm sao để lấy được nguồn tiền này ra, có cỡ chừng 400 hay 500 tấn vàng (ước tính) găm giữ trong dân cư?
Ở vai trò nhà điều hành, không vị Thống đốc nào dám áp đặt các mệnh lệnh hành chính để “ép” người dân, tổ chức đem tài sản của mình gửi vào ngân hàng, để ngân hàng có vốn cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh đang “khát” vốn. Thời điểm 2011-2013, thị trường bất động sản sụt giảm mạnh, chứng khoán suy thoái mà các nhà đầu tư đã bị thiệt hại nặng nề, thua lỗ, trắng tay…
Thị trường vàng – bất động sản – chứng khoán – tiết kiệm là các kênh dẫn vốn liên thông và “nước chảy chỗ trũng”. NHNN sẽ phải “khéo léo” điều hoà dòng vốn ở từng thị trường để hướng chảy vào đúng mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn, ổn định tài chính.
Giữa năm 2013, sau khi dẹp loạn thị trường vàng, Thống đốc Bình thực thi cơ chế áp trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng là 14%, sau hạ xuống 11%, và còn 6% vào năm 2015.
Đồng thời, ông Bình đưa cam kết gây sốc là sẽ “ép” lãi suất cho vay giảm về 15%/năm từ mức cao tới 20-25%/năm (năm 2012), bằng cách kêu gọi các ngân hàng thương mại tự nguyện cơ cấu giảm lãi suất nợ vay cũ, áp dụng lãi vay mới không quá 15%/năm, sau đó giảm tiếp xuống 13%/năm…
Thực tế, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất sau khi lãi huy động giảm sâu, nợ xấu được xử lý khẩn trương, siết chặt tín dụng và kiểm soát chất lượng nợ vay.
Kết quả là năm 2015, mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh, chỉ còn 4-5%/năm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và 5-7%/năm ở kỳ hạn trung và dài. Ở đầu cho vay, lãi suất chỉ khoảng 5-11%/năm và hỗ trợ tích cực cho việc tăng trưởng tín dụng của hệ thống tới 18% năm qua.
Khi lãi suất giảm xuống “đáy” thì tín dụng của ngân hàng cũng nới dần từng bước. Dòng vốn có xu hướng lại chảy vào thị trường bất động sản và chứng khoán (tăng hơn 10%), bên cạnh vốn ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh tăng khả quan.
Và một lần nữa, trước đề nghị giảm lãi suất cho vay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lại hứa: lãi suất khó giảm thêm song sẽ cố gắng giảm 0,3-0,5% đối với lãi suất vay trung và dài hạn trong năm 2016. Và thêm lời hứa này của Thống đốc, đến giờ có lẽ cũng đã có cơ sở để tin sẽ thực hiện được.
Chính sách tỷ giá trung tâm
Năm 2016, NHNN hiện mới chỉ phát đi tín hiệu về điều hành tỷ giá và lãi suất ổn định như năm 2015. Vì những áp lực từ huy động vốn trái phiếu Chính phủ tăng cao, đòi hỏi mức lãi suất hấp dẫn hơn, lạm phát khó kiểm soát ở mức thấp và cần đẩy tín dụng tăng tới 20%… Đây là những yếu tố cần “cân đong, đo đếm” khi NHNN đưa ra một quyết định tăng lãi suất, tỷ giá hay nới rộng tín dụng.
Chia sẻ về điều hành tỷ giá, Thống đốc Bình cho biết năm 2016 sẽ có cơ chế mới, linh hoạt hơn để ổn định thị trường với quan điểm “sẽ duy trì tỷ giá ổn định, chứ không cố định tỷ giá”. Đó là cơ chế “một tỷ giá trung tâm”, biến động thường xuyên theo ngày với biên độ 3%. Nhờ vậy sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ đồng USD. Ngoài ra, sẽ xem xét thu phí gửi ngoại tệ để kích thích nhu cầu chuyển đổi sang đồng VND…
Từng bước thay đổi trong điều hành của NHNN suốt 4 năm qua, đánh giá khách quan, là đã và đang đem lại kết quả tích cực cho các nhiệm vụ trọng tâm: ổn định lãi suất, tỷ giá, vàng.
Theo NTD
Thủ tướng: Thống đốc xem có tiếp tục hạ lãi suất được không?
Thống đốc NHNN: 'Dư địa để tiếp tục giảm lãi suất là rất khó. Nếu giảm có thể đạt trong ngắn hạn nhưng sẽ phá vỡ ổn định lâu dài'.
Phát biểu trong phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, trong tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, nguyện vọng của các DN là các Ngân hàng xem xét có khả năng giảm lãi suất tiếp được không? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay sau đó đã yêu cầu Thống đốc Nguyễn Văn Bình làm rõ nội dung này.
Theo Thống đốc, vấn đề lãi suất đã được hội đồng Tài chính tiền tệ quốc gia bàn kỹ. Lạm phát năm vừa qua rất thấp, chưa đến 1%, nhưng chủ yếu do các yếu tố bên ngoài, nhất là giá dầu và các giá hàng hóa thế giới giảm... nhưng nếu loại ra các yếu tố bất ngờ thì lạm phát cũng phải ở mức 3%. Lạm phát phù hợp với định hướng lâu dài là làm sao duy trì dưới 5%.
"Từ đó, thấy rằng dư địa để tiếp tục giảm lãi suất là rất khó. Nếu giảm có thể đạt trong ngắn hạn nhưng sẽ phá vỡ ổn định lâu dài. Thời gian gần đây , 6 tháng cuối năm, có rất nhiều áp lực tăng lãi suất. Tín dụng ngân hàng tăng mạnh, tốc độ năm 2015 đạt xấp xỉ 18%, trong ki tốc độ huy động vốn chỉ hơn 13%. Như vậy, để đảm bảo tăng trưởng tín dụng , nhu cầu vốn sẽ tăng nhiều. Trong khi đó, phải dành nguồn vốn hỗ trợ trái phiếu Chính phủ. Với cơ cấu nguồn vốn như vậy, áp lực lên ls rất cao" - Thống đốc khẳng định.
Đứng trước biến động của tỷ giá, thông thường về điều hành, để ổn định tỷ giá thì phải tăng lãi suất. Nhưng chúng ta kiên quyết trong thời gian qua, chúng tôi ưu tiên giữ được ổn định mặt bằng lãi suất để tạo đà phục hồi nền kinh tế và phát triển cho DN. Chúng ta đã làm thành công, đã dồn các chính sách sang để đảm bảo ổn định tỷ giá.
Định hướng chung năm 2016, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, về mặt bằng lãi suất cố gắng duy trì ổn định như năm 2015 vừa qua, nếu có thể, cố gắng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, khoảng 0,3 đến 0,5% nữa. Như năm vừa qua, mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm được từ 0,3 đến 0,5%, còn dư địa.
NHNN cũng cố gắng duy trì tỷ giá ổn định, chứ không cố định, để thị trường ngoại hối ổn định. Trong những tháng đầu năm, sẽ có cơ chế điều hành tỷ giá mới phù hợp với các biến động rất lớn trên thị trường tài chính tiền tệ quốc tế để tỷ giá của thị trường vừa linh hoạt nhưng vẫn theo chiều hướng ổn định, trên cơ sở đó tiếp tục hỗ trợ cho phục hồi kt năm 2016.
Về tăng tưởng tín dụng năm 2016, vẫn duy trì ở mức dưới 20%, mới đảm bảo tương xứng tỷ lệ tăng trưởng 6,7%. "Hơn nữa, với tăng trưởng tín dụng như vậy mới có thể đảm bảo hỗ trợ cho thị trường TPCP năm sau. Năm sau sẽ phát hành TPCP khối lượng lớn. Lượng tiền cung ứng sẽ duy trì 16 - 18%/năm" - người đứng đầu ngành Ngân hàng nói.
Cũng theo ông Bình, năm 2016 phải đặc biệt quan tâm, các bộ, ngành, địa phương là vấn đề lạm phát. Năm nay lạm phát rất thấp, nhưng không loại trừ lạm phát 2016 rất khó kiểm soát ở mức dưới 5%. Vì theo đánh giá, dư địa để giảm các mặt hàng thiết yếu nhất là dầu thô là còn rất ít, thậm chí có chiều hướng tăng trở lại. Các mặt hàng thuộc diện Nhà nước hỗ trợ sẽ phải điều chỉnh trong các năm tới. Rồi các áp lực tăng trưởng, đảm bảo tăng trưởng 6,7% nên áp lực lạm phát rất khó kiểm soát. "Đề nghị quản lý tốt các loại giá, nhất là giá hàng thiết yếu, ngoại trừ giá năng lượng" - Thống đốc nhấn mạnh./.
Theo_VOV
Khống chế trần lãi suất cho vay, hiểu thế nào? Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm, mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Tuy nhiên, áp dụng quy định này trong thực tế vô cùng phức tạp. Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp)...