Thơm ngọt bánh ngào xứ Nghệ
Giữa phố xá ồn ào tấp nập của buổi tan tầm bỗng vẳng lại tiếng rao “Ai bánh ngào đê”. Tự nhiên mùi thơm ngọt của những chiếc bánh ngào ùa về trong trí nhớ. Chợt nhận ra, cũng đã lâu lắm rồi ta chưa được thưởng thức món quà quê bình dị này.
Vị ngọt của mật, vị cay của gừng và dẻo của bột nếp đã làm nênhương vị rất riêng của món quà quê bình dị.
Hồi tôi còn nhỏ, đó là những năm đói quay đói quắt khi cả đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới. Tôi vẫn còn nhớ như in những bữa cơm độn khoai, độn sắn. Những lần cha tất tả lên sân hợp tác xã để nhận những phần khoai sẵn về ăn trong những ngày giáp hạt. Ở thời đó, không chỉ nhà tôi mà hầu hết những gia đình khác trong làng đều thiếu ăn. Những bữa cơm chia từng bát, thức ăn chẳng có gì ngoài đĩa rau và mấy con cá mắm kho mặn. Bởi vậy, như tất thảy những đứa trẻ khác, chúng tôi chẳng bao giờ dám mơ tới những món quà vặt như bọn trẻ bây giờ. Chính vì vậy, mỗi món quà quê thảng hoặc mới có nhiều khi ám ảnh cả những giấc mơ con trẻ.
Ngày ấy, khoai sắn ăn đến phát khiếp. Bởi vậy bánh ngào là món quà quá xa xỉ đối với tôi. Phải chăng vì thế mà cái vị thơm ngọt của mật, dẻo của bột nếp và nồng cay của gừng cứ lưu dấu ấn trong miền ký ức xa thẳm?
Ngày ấy, mỗi năm chúng tôi chỉ được nhấm nháp những chiếc bánh ngào vào ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và Tết Nguyên đán. Những ngày này, mẹ thường xay nếp, đãi đậu xanh thật sạch. Bột nếp sau khi hòa với nước lạnh phải nhào kỹ cho thật mịn. Đậu xanh đãi vỏ, hấp chín rồi đánh cho tơi nhuyễn, cho thêm một ít đường cát vào. Gừng rửa sạch, cắt thành từng miếng mỏng rồi thái sợi.
Mẹ bận nấu nướng dọn mâm cỗ, phần làm bánh được giao cho chị em tôi. Lấy một ít bột, vo vào lòng bàn tay cho tròn, to cỡ quả trứng gà rồi lại dát mỏng ra, cho một ít nhân đậu xanh vào, tiếp tục vo tròn và nặn thành những chiếc bánh. Ba chị em tôi xúm nhau quanh chiếc mâm, thi nhau xem ai nặn bánh nhanh hơn, đẹp hơn. Khi chúng tôi đang chành chọe xem bánh đứa nào đẹp hơn, tròn hơn thì mẹ cho một ít nước lạnh vào nồi bắc lên bếp đun sôi.
Nước sôi, mẹ lấy chai mật cất kỹ trong góc chạn bát (đề phòng thẳng Chiến em tôi ăn vụng mật) đổ vào nồi. Khi nước mật trong nồi sôi, mẹ nhanh tay thả từng chiếc bánh vào rồi đậy vung lại, hãm lửa liu riu. Khi những chiếc bánh bắt đầu nổi lên, mẹ cho gừng đã thái chỉ vào. Mùi mật ngọt, mùi gừng cay nồng tỏa ra thơm phức.
Mẹ múc bánh ra đĩa, mỗi đĩa 6 cái, bày như một bông hoa. Sau khi bánh đã sắp lên mân dâng lên bàn thờ để cúng, chị em chúng tôi sẽ chia nhau phần bánh và mật còn lại trong nồi. Mấy chị em xúm quanh chiếc nồi, xì xụp múc ra bát, hít hà cái vị mật ngọt khay đầu lưỡi, vị gừng cay cay rồi đánh chén ngon lành.
Ngày Tết, bánh được làm nhiều hơn ngày rằm. Tết cũng có nhiều thứ để ăn hơn nên chị em chúng tôi cũng bớt háo hức với món bánh ngào của mẹ. Bánh được đặt lên bàn thờ cùng với bánh chưng, mâm ngũ quả. Đến mùng 3 Tết, bàn thờ mới được hạ xuống. Những đĩa bánh ngào đã se lại, cắn dai dai lại là món khoái khẩu sau những ngày ê hề thịt cá và bánh chưng. Vị ngọt của mật bớt đi một ít nhưng vị gừng thì vẫn ấm thơm đầu lưỡi. Hoặc nếu không, mẹ sẽ bỏ bánh vào nồi nấu lại. Chị em tôi lại xúm xít quanh nồi bánh, hít hà mùi thơm của mật, của gừng trong cái lạnh tê tái và lất phất mưa phùn.
Chúng tôi lớn lên, có gia đình riêng của mình. Công việc bận rộn cứ cuốn đi, chẳng mấy khi có thời gian để về kỳ kèo mẹ làm bánh dù rằng bây giờ chẳng cần đợi dến Rằm tháng 7 hay Tết mới được ăn. Cái Tết đầu tiên ở nhà chồng, tôi được giao làm bánh ngào để dọn mâm cũng Tổ tiên ngày đầu năm mới. Quy trình cũng như vậy, chỉ khác rằng bánh ngào ở nhà chồng bé hơn và nhân được thay bằng hạt lạc.
Video đang HOT
Ngồi tỉ mẩn nặn những chiếc bánh bé xíu bằng đầu ngón tay cái, đặt hạt lạc làm sao cho nhân đúng giữa bánh. Bánh chín, hạt lạc đỏ thẩm nổi rõ giữa những chiếc bánh bé bé xinh xinh. Mẹ chồng tôi bảo, làm bánh cúng tổ tiên, không nhất thiết phải nhiều nhưng phải đẹp. Mâm dọn ở nhà thờ họ. Nhìn vào bánh, người ta sẽ đánh giá khả năng gia chánh của con dâu từng nhà. Nhìn sản phẩm đầu tiên của con dâu, mẹ chồng chỉ nheo nheo mắt. Hình như mẹ cười…
Chiều nay, giữa cái se lạnh đầu đông, giữa những hạt mưa phùn lắc rắc và tiếng rao của cô hàng xén, tự nhiên thấy thèm cái hương vị quê nhà đến lạ. Bất giác tôi mỉm cười, rút điện thoại ra: “Mẹ à, mai mẹ lại nấu bánh ngào nha. Ngày mai, chúng con sẽ về”. Mẹ lại tất bật đi xay nếp, đãi đỗ để chờ những đứa con xa trở về.
Theo VNE
[Chế biến] - Bánh biscotti hạnh nhân
Bánh giòn bùi thơm từ các loại hạt, chua ngọt từ quả khô, rất thích hợp để thưởng thức vào dịp Tết.
Biscotti là tên một nhóm bánh thuộc dạng cookies, tuy nhiên cách thức làm thì có đặc biệt hơn vì nó là loại bánh quy cần qua 2 giai đoạn nướng. Loại cookie này hầu như không dùng hoặc dùng rất rất ít bơ, vì thế bánh không có mùi thơm ngậy béo của bơ như nhiều loại bánh quy khác. Biscotti cũng là dạng bánh khô, để được lâu, vì thế trong các ngày nghỉ lễ, Tết, người ta hay làm loại bánh này để thưởng thức. Bánh cứng giống như là bánh mì sấy khô vậy. Tết dương lịch này chị em thử làm bánh biscotti hạnh nhân nho khô nhé!
Nguyên liệu:
- 1 trứng gà (60g/quả tính cả vỏ)
- 115g bột mỳ
- thìa cà phê bột nở (baking powder)
- 20g bơ nhạt
- thìa cà phê tinh chất vani
- 50g đường
- 40g hạnh nhân hạt (hoặc các loại hạt khô khác)
- 40g nho khô (hoặc cranberry và các loại quả khô khác).
Cách làm:
Bước 1: Lò nướng bật trước 170 độ C. Bơ đun chảy, cho thêm vani giữ ấm.
Bước 2: Bột mỳ rây với bột nở, dùng phới lồng trộn đều.
Bước 3: Đánh bông trứng với đường đến khi trứng nhạt màu, đặc, không còn bọt khí to.
Bước 4: Cho lần lượt hỗn hợp bột và bơ vào trứng, dùng phới lồng trộn đều. Cho các loại hạt quả khô vào trộn đều.
Bước 5: Cho bột ra khay đã lót giấy nướng bánh nặn thành miếng dài dày khoảng 2-3 cm.
Bước 6: Cho bánh vào lò nướng trong 20 phút đến khi bánh vàng đều bên ngoài.
Lấy bánh ra khỏi lò. Trong lúc bánh vẫn còn nóng ấm cắt bánh thành từng lát dày 1-1,5 cm, xếp bánh lại vào khay, nướng bánh tiếp trong 10 phút, lật mặt bánh nướng trong 3-5 phút nữa nếu cần.
Lưu ý: Nướng bánh biscotti kỹ quá sẽ làm bánh khô cứng.
Chúc bạn thành công với món bánh biscotti hạnh nhân nho khô!
Theo Eva
[Chế biến] - Bánh gốc cây Món bánh truyền thống của ngày Giáng sinh đấy các teen ạ. Bánh gốc cây (Buche de Noel) là một loại bánh truyền thống trong mỗi dịp Noel. Nhìn thì phức tạp vậy thôi, nhưng mà thực ra chả khó tẹo nào đâu nhé. Chúng mình cùng thử làm xem sao khi chưa quá muộn, vì hôm nay mới chính thức là ngày...