Thơm ngon chiếc bánh đa quê
Thuở bé, tôi thường lẽo đẽo theo mẹ đến chợ bán bánh đa (quê tôi gọi là bánh khô). Bánh đa Đô Lương quê tôi bột trắng dày, vừng đen rải kín hai mặt bánh, khi ăn có hương vị thơm, bùi thật riêng… miếng bánh đa quê hóa ký ức nặng tình thương của biết bao thế hệ người ở, kẻ đi!…
“Theo anh em thì về… Thăm lại miền quê… Ơi quê hương bánh đá bánh đúc. Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt. Nơi tuổi thơ ta đã qua đẹp như giấc mơ…”. Mỗi lần nhớ quê, nhớ bếp lửa hằng đêm mẹ tôi vẫn ngồi tráng bánh, đôi mắt mẹ cay xè vì mưa làm ướt củi đêm qua, tôi lại cất lên những lời hát quen ấy để xuôi về ký ức tuổi thơ với những chiếc bánh đa vừng xứ Lường thơm ngon, giòn tan, hấp dẫn.
Dịp này, tôi đưa em về thăm quê. Lần đầu tiên tôi dẫn em về miền quê trung du đất cằn đá sỏi. Em đã rất thích quê hương tôi có bờ đê sông Lam êm đềm, có làng bánh đa vừng truyền thống làm ăn mới nhưng vẫn giữ nét chân quê. Nắng xuân ươm vàng lên những phên nứa phơi bánh trong những vuông sân gạch thâm nâu. Em hít hà mùi thơm của gạo mới, mùi vừng và cả mùi tiêu tỏi được người dân làng nghề khéo léo ướp vào tấm bánh đa quê.
Sân nhà tôi cũng phơi đầy bánh. Mẹ tôi từ trong bếp bước ra, đón chúng tôi mẹ nở nụ cười thật tươi, trách yêu ” Răng về mà nọ gọi điện báo trước với mẹ. Cha đi xuống Vinh giao bánh khô cho người ta rồi”. Mẹ đưa đôi tay rám bột quấn chiếc khăn hoa bạc màu quen thuộc trên mái đầu nay đã ngả bạc. Người mẹ thơm nức mùi bánh đa mới. Tôi ôm mẹ, thủ thỉ: “Mẹ này, con trai mẹ đưa “bạn gái” về cho mẹ bày làm bánh đa vừng quê mình đây, để sau này về làm dâu không còn bỡ ngỡ như mẹ khi xưa nữa”. Mẹ tôi lại cười, mắng yêu: “Anh vẫn cái chứng nào tật ấy, suốt ngày chỉ biết chọc ghẹo mẹ thôi”.
Trưa. Mẹ tôi gọi hai chị gái đến (hai chị gái tôi từ ngày làm cô giáo làng dạy học đến giờ ít còn thời gian làm bánh đa nữa nhưng “tay nghề” vẫn còn giỏi lắm). Hai o con gái mô rồi vào bếp phụ giúp mẹ làm món hến xào để ăn kèm với bánh đa nhé! – Từ trong bếp mẹ nói vọng ra. Lâu lắm rồi tôi mới được ăn những miếng bánh đa vừng đen thơm phức, giòn tan của nhà mình vừa được mẹ quạt trên nồi than hồng. Trong tiết trời se lạnh, được về quê, ngồi bên mẹ, ăn hến xào với bánh đa vừng thì không có món gì thích bằng. Những chiếc bánh đa tròn, dày với nhiều vừng đen kín hai mặt bánh, bẻ từng miếng xúc với hến xào sao mà ngon đến thế. Cái vị ngọt của hến xào, vị thơm của bột gạo, vị cay nồng của tiêu, của gừng, của ớt cùng với hương thơm đậm đà của tỏi…. chao ôi, chẳng phải món sơn hào hải vị gì, chỉ là món ăn dân dã của quê hương sao mà ngon đến lạ kỳ, không còn thấy cái rét của những ngày đông sót lại. Mẹ khoe: “Thị trấn Đô Lương mình giờ đi đâu cũng nhộn nhịp bánh đa con ạ, bánh bán ở các quán ăn, bánh nhà nướng chín xếp vào các thùng xốp gửi xe ô tô đi Vinh, đi các huyện… rộn ràng lắm. Bây giờ làm bánh khỏe hơn nhiều, đã có máy xay bột gạo, khách hàng điện thoại đặt bánh nhiều khi làm không kịp bán. Nhà bác Thìn, anh Thuận… làm cả tạ gạo mỗi ngày ấy chứ”. Mẹ tôi cứ tíu tít khoe chuyện làng, chuyện xóm, chuyện bánh đa nhà này, nhà kia, trông mẹ tôi thật vui khiến tôi cũng vui theo.
Mẹ tôi quê gốc Thanh Luân (nay là xã Đồng Văn) của huyện Thanh Chương. Năm 18 tuổi mẹ theo bố về thị trấn Đô Lương làm dâu. Lần đầu tiên về nhà chồng, mẹ vẫn còn bỡ ngỡ với nghề làm bánh đa lắm, cứ thấy nội tôi làm quần quật suốt ngày hết chọn gạo, ngâm bột, đãi vừng, xay gạo… mẹ cũng muốn làm theo. Nội tôi ngày ấy nổi tiếng “tay” bánh đa ngon nhất vùng (bà Hiên, người ta gọi nội là bà Hiên “bánh đa”), thấy mẹ cũng yêu nghề làm bánh nên nội đã tận tình dạy cho mẹ (mẹ Huệ) cách làm bánh. Nội bảo: muốn làm bánh đa vừng đen để người ta ăn khen ngon cũng công phu lắm con ạ, nó không chỉ vất vả mà còn phải có bí quyết của nghề… Gạo làm bánh đa bao giờ cũng phải là gạo mới, gạo ngon. Gạo ngâm một đêm được nghiền nhỏ bằng những chiếc cối đá xay bằng tay, khi xay bột là khó nhọc nhất, một tay quay cối, một tay cầm gáo nước lã để vừa xay vừa rưới nước lên gạo để bột gạo theo vòi cối chạy xuống thau.
Ngày ấy, dẫu có tiền hay không thì người làm bánh cũng sắm một vài cái thau nhôm trắng tinh để đựng bột gạo mà ngâm gạo cho sạch, cho đẹp. Muối, tiêu, tỏi cũng xay nhỏ trộn đều với bột gạo vừa đủ sền sệt rồi tráng lên chiếc vỉ bằng vải được đặt trên một nồi nước đun sôi (vỉ tráng bánh được khoét một lỗ nhỏ bằng miệng chiếc bát con để khi tráng hơi nước bốc lên qua lỗ hổng ấy làm chín đều bánh). Vừng đen sau khi rửa thật sạch được rắc đều đặn phủ 1 lớp màu đen cả hai mặt bánh rất bắt mắt. Đã nhiều lần phụ giúp mẹ tráng bánh đa, tôi hỏi mẹ: “mẹ ơi, sao mẹ lại cho nhiều vừng đen lên bánh rứa mẹ?”, mẹ tôi cười bảo: “bánh đa nhiều vừng đen ăn vừa ngon, vừa bùi lại còn rất tốt cho sức khoẻ con ạ”.
Trong khi tráng bánh bếp lửa lúc nào mẹ cũng chăm chút để ngọn lửa đều. Mẹ nói, nếu lửa không đều, bánh sẽ mất ngon. Nghe mẹ kể lại công đoạn tráng bánh tôi lại nhớ cái lần mưa làm ướt củi bên hiên nhà, mắt mẹ nhòa khói bếp. Mẹ sợ bánh bị hơi khói nên đã hong củi thật khô rồi mới tráng bánh. Bếp lửa mẹ đun cháy đều, sau 2 phút thì bánh chín, mẹ nhẹ nhàng đặt bánh ra một cái tấm mên bằng nứa, sau đó đem bánh ra phơi. Những chiếc bánh đa đã phơi khô qua nắng rồi đem cất vào một cái sập gỗ để bánh không bị ẩm mốc (có những hôm trời không đủ nắng, mẹ phải quạt một bếp than hồng để hong bánh cho khô). Mẹ bảo khâu nướng bánh cũng rất quan trọng, đòi hỏi bàn tay của người nướng phải rất khéo léo, nếu không cẩn thận bánh dễ bị sém đen mà lại không chín đều. Vì vậy, mỗi lần mẹ tôi nướng bánh, 5 ngón tay trái của mẹ luôn phải chịu nóng rát do nắn bánh còn tay phải của mẹ thì mỏi do phải quạt bánh liên tay. Mỗi lần mẹ nướng bánh tôi lại thấy thương mẹ vô cùng và hình ảnh ấy đến giờ tôi vẫn không thể nào quên được.
Video đang HOT
Sáng nào mẹ cũng thức dậy từ tinh mơ để quạt bánh, sắp bánh chất đầy hai cái bao lông to cao bằng đôi quang gánh đem đến chợ huyện. Bố tôi thấy mẹ quanh năm chân trần gánh bánh, ông mua chiếc xe đạp phượng hoàng để mẹ đỡ vất vả, nhưng mẹ không chịu, mẹ bảo rằng: “bánh đa thì phải đi bộ thôi, chứ đi xe đạp đường xóc ra ri vỡ bánh tui tiếc lắm”. Ngày qua ngày, năm qua năm, bánh đa vừng nuôi chị em tôi khôn lớn, vào đại học. Miền quê Đô Lương của tôi cũng no ấm một phần nhờ vào thu nhập từ nghề làm bánh đa. Tuy có phần vất vả nhưng bù lại vừa có thu nhập đều đặn, mỗi ngày ít nhất một người trừ chi phí cũng có từ 70 đến 100 nghìn. Bánh không chỉ bán trong vùng, trong huyện mà còn bán trong tỉnh. Các tay buôn bánh khắp nơi trong ngoài tỉnh đều về đặt mua. Giá một chiếc bánh đa chưa nướng 2000 đồng, bánh đã nướng 2.500 đồng. Bánh đa bán được nhiều nhất là mùa có hến và có nhỗng. Các quán ăn, nhà hàng đặt bánh nhiều, mẹ tôi làm không ngơi tay. Từ ngày hai chị tôi đi dạy học, tôi lại công tác ở tận Hà Nội nên nhà chỉ còn 3 người làm bánh đó là bố mẹ tôi và nội. Nội tôi cũng đã ngoài 80 nên không còn khỏe như trước, chỉ phụ giúp mẹ cho khuây khỏa tuổi già.
Bây giờ, người dân quê Đô Lương không còn từng đêm trắng còng lưng ngồi quay bột bằng cối đá mà đã có máy xay bột để làm bánh. Cũng không còn phải dùng các ngón tay để nắn bánh như trước nữa, nhà nhà đã mua vỉ nhôm kẹp bánh để nướng than hoa, chỉ cần lật đi lật lại cái vỉ cho đến lúc bánh chín là được. Nướng bằng vỉ vừa khỏe vừa nhanh, chứ như xưa, nướng một chiếc bánh mất bốn, năm phút, giờ chỉ cần vài phút đã nướng xong một cái bánh đa.
Bánh đa quê tôi có thể nướng được nhiều cách. Nướng bánh bằng than (than hoa là ngon nhất), có thể nướng bằng lò vi sóng, lò nướng hay chiên dầu. Vì vậy bánh đa được chín 2 lần (một lần tráng bánh và một lần nướng bánh) nên rất thơm ngon. Ăn bánh đa với hến, nhỗng tằm rất “đã” nhưng nếu không kèm với món ăn nào khác bánh vẫn rất hấp dẫn, nhớ lâu bởi thơm ngon, đậm đà của vừng, tiêu, tỏi ớt… riêng có!
Rồi cũng vãn ngày được về với mẹ, với quê. Tôi và em sắp những chiếc bánh đa xứ Lường do chính tay mẹ cẩn thận tráng nướng để đưa ra Hà Nội làm quà cho đồng nghiệp, ánh mắt em thật vui… Chúng tôi đi trên con đê mượt cỏ, hít hà từng làn gió đẫm vị quê nhà, em cứ ngoái đầu nhìn lại mãi những phiên nứa phơi bánh đa dài tít tắp cuối đường thôn, tưởng như đâu đó dáng mẹ….
Nguyễn Hồng Hà
Về Xứ Đông thưởng thức bánh đa cua
Hải Dương không chỉ thu hút du khách đến với các lễ hội mà còn "gây thương nhớ" bởi những đặc sản đậm hương vị đồng quê.
Hải Dương không chỉ thu hút du khách hành hương về với lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc hay lễ hội Văn Miếu Mao Điền... mà còn "gây thương nhớ" bởi những đặc sản đậm hương vị đồng quê. Khi đi xa mảnh đất xứ Đông, có lẽ không ít người con Hải Dương nhớ đến những món quà quê mộc mạc, giản dị như: bánh đậu xanh, bánh gai Ninh Giang, trái ổi Thanh Hà, và cả hương thơm của bát bánh đa cua nóng hổi trong chiều thu se lạnh...
Món bánh đa cua nóng hổi nổi tiếng ở Hải Dương.
Tại một quán bánh đa cua nhỏ nằm trên phố Đội Cấn, thành phố Hải Dương, gần 40 năm qua, ngày nào, bà Lê Thị Thực bắt đầu công việc lúc 5h sáng và kết thúc vào 9h tối. Có một điều "lạ" là suốt từng ấy năm quán không có tên, không gắn biển quảng cáo nhưng luôn đông khách và đã trở thành "điểm hẹn" của những người có cùng chung sở thích thưởng thức món ăn này.
Gần 40 năm qua, ngày nào cũng như ngày nào bà Lê Thị Thực bắt đầu công việc lúc 5h sáng và kết thúc vào 9h tối.
"Thấy đặc biệt nhất là cách phi hành khô, gạch cua ăn cũng ngon, mình lần đầu tiên ăn cảm nhận thấy hành khô rất thơm, chất bánh đa mềm"- một khách hàng chia sẻ.
Cũng theo một số khách hàng thường xuyên ghé đến quán ăn này, quán vẫn có một hương vị rất đặc biệt, rất ngon, giá cả hợp lý.
Bánh đa được sử dụng là bánh đa ở làng Lộ Cương - một trong những làng nghề nổi tiếng có nguồn gốc từ lâu đời ở phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương.
Có rất nhiều cách làm bánh đa cua tùy thuộc vào khẩu vị và nguồn nguyên liệu sẵn có theo mùa, nhưng ngon nhất là sử dụng bánh đa làm ở làng Lộ Cương - một trong những làng nghề nổi tiếng có nguồn gốc từ lâu đời ở phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương. Cua phải là cua đồng còn tươi sống cùng một số loại rau, gia vị như rau muống, rau rút, hành khô, hành lá, cà chua...
Bánh đa cua là sự hòa quyện của hương vị đồng quê cùng những thành phần còn nguyên hương vị đặc trưng, dân dã không đem lại cảm giác no ngấy khi thưởng thức.
Bà Thực cho biết, mặc dù mỗi quán đều có những bí quyết riêng nhưng cơ bản các công đoạn chế biến đều gồm việc xử lý nguyên liệu: Cua đồng bóc mai, bỏ yếm lấy gạch vàng, sau đó đem xay, lọc và khéo léo đun sôi sao cho gạch cua không bị vỡ, hành phi thơm chưng lẫn với gấc tạo thành hỗn hợp "nước màu". Đây cũng là công đoạn quan trọng nhất quyết định sự hấp dẫn của món bánh đa cua.
Suốt từng ấy năm quán không có tên, không gắn biển quảng cáo nhưng luôn đông khách và đã trở thành "điểm hẹn" của những người có cùng chung sở thích thưởng thức món ăn này.
"Hành dùng để phi phải chọn hành ta, khi làm "màu" bánh đa cua nếu có mùa gấc bao giờ tôi cũng làm gấc, lấy màu để phi cho vàng óng, thơm ngon. Tất cả những nguyên liệu ở đây chúng tôi làm thủ công hết không pha tạp. Bát bánh đa cua có mùi thơm của dọc, mùi ngậy của hành, thưởng thức bát bánh đa cua khoái lắm"- bà Thực chia sẻ.
Chỉ vỏn vẹn hơn chục mét vuông nhưng quán bánh đa cua của bà Thực có không ít khách hàng quen, chỉ cần nhìn thấy khách là chủ quán nhớ ngay loại bánh đa khách thường hay ăn. Người con xứ Đông xa quê hương, mỗi lần về đều ghé quán để không quên hương vị quê nhà; không ít đoàn khách du lịch đến thưởng thức và cả những vị khách nước ngoài muốn hiểu hơn về văn hóa, ẩm thực Việt Nam cũng tìm đến đây trò chuyện với bà chủ quán.
Người con xứ Đông xa quê hương, mỗi lần về đều ghé quán để không quên hương vị quê nhà.
"Du khách nước ngoài, Hà Nội về đây cũng tìm đến quán này. Chúng tôi rất tự hào về nghề làm bánh đa cua gia truyền. Tôi giờ đã 60 tuổi nhưng vẫn mong thời gian quay lại để tôi có thể phục vụ khách hàng tốt hơn"- bà Thực cho biết.
Một bát bánh đa cua sóng sánh nước dùng, khói nghi ngút ẩn hiện màu vàng nâu của bánh đa, màu đỏ của cà chua, màu xanh của các loại rau muống, rau rút, loáng thoáng vài sợi hành thái nhỏ, vài lát tóp mỡ thơm ngậy tạo nên một hương vị khó quên.
Món bánh đa cua có thể thêm chả lá lốt, chả cá.
Bánh đa cua là sự hòa quyện của hương vị đồng quê cùng những thành phần còn nguyên hương vị đặc trưng, dân dã không đem lại cảm giác no ngấy khi thưởng thức. Tùy theo yêu cầu, khách hàng đến có thể thưởng thức bánh đa cua được làm với các nguyên liệu truyền thống hoặc bánh đa cua có thêm chả lá lốt, chả cá, loại mà bà Thực gọi vui là "bánh đa cua lai".
Bánh đa cua là món ăn đặc sản không chỉ người Hải Dương yêu thích mà du khách gần xa cũng tìm đến mỗi khi ghé thăm vùng đất xứ Đông này. Để rồi, dù chỉ một lần thưởng thức, người ta vẫn có thể "nghiện" loại đồ ăn dân dã này./.
Nức thơm bánh đa làng Chòm Không ai biết, nghề bánh đa làng Chòm (xã Thiệu Châu, nay là xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa) có từ bao giờ, chỉ biết rằng nghề đã gắn chặt với tên làng. Nhưng với bao biến cố, thăng trầm nét độc đáo của làng nghề vẫn được lưu mãi cùng thời gian. Nghề bánh đa làng Chòm, xã Tân Châu (Thiệu Hóa)...