Thói quen trùm kín ra đường có thể gây loãng xương
Che chắn quá kỹ khiến da không được tiếp xúc với ánh nắng dẫn đến cơ thể thiếu vitamin D, ảnh hưởng quá trình trao đổi chất, gây loãng xương.
Bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết thói quen che chắn quá kỹ mỗi khi ra ngoài khiến da không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dẫn đến cơ thể bị thiếu vitamin D trầm trọng. Tất cả những yếu tố này làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, trao đổi chất của cơ thể, mất cân bằng giữa quá trình tạo xương, hủy xương, dẫn đến loãng xương.
Theo định luật Shadow trong hấp thụ vitamin D của giáo sư Edward Gorham, Đại học California, Mỹ, khi độ dài của bóng cơ thể ngắn hơn chiều cao là thời điểm thích hợp nên phơi nắng. Thời gian phơi nắng phù hợp nhất ở Việt Nam trong khoảng 9 đến 10h sáng hoặc từ 3 đến 4h chiều.
Hầu hết mọi người có thể tạo đủ vitamin D khi ra nắng hàng ngày trong khoảng 10 đến 15 phút với cẳng tay, bàn tay hoặc chân không che chắn và không dùng kem chống nắng. Cách phơi nắng này có thể cung cấp đủ lượng vitamin D theo khuyến cáo từ các viện dinh dưỡng trên thế giới là 600-1000 IU trong một ngày cho trẻ 1-18 tuổi và 800-1000 IU ở người lớn.
Mọi người nên để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian hợp lý để cung cấp đủ vitamin D cho cơ thể. Ảnh: Giang Huy
Bác sĩ Trương Nhật Khuê Tường, Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết ngoài tắm nắng, một số thực phẩm như cá hồi, cá tuyết, cá thu, sữa, lòng đỏ trứng… cũng cung cấp vitamin D nhưng chỉ khoảng 5% nhu cầu cần thiết mỗi ngày.
Video đang HOT
“Nếu không thể phơi nắng và thực phẩm không đủ cung cấp nhu cầu vitamin D cần thiết, bạn có thể bổ sung bằng thuốc nhỏ giọt hoặc dạng xịt cho trẻ em và viên vitamin D cho người lớn”, bác sĩ Tường khuyên.
Theo bác sĩ Ngọc, loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa xương, dẫn đến tổn thương sức mạnh của xương, tăng nguy cơ gãy xương. Bệnh gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến người bệnh đau đớn, mệt mỏi kéo dài, tăng nguy cơ gãy xương, tàn phế và tử vong, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Bệnh có thể phòng ngừa được nếu mọi người được cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D, các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe. Thường xuyên vận động và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hạn chế những thói quen hút thuốc, uống rượu bia, uống thuốc không rõ nguồn gốc hoặc tự ý mua thuốc.
Cẩm Anh
Theo VNE
Cảnh báo trẻ còi xương từ trong bụng mẹ
Thiếu vitamin D khiến trẻ suy giảm hệ miễn dịch, còi xương, chậm vận động hay mới 16 tuổi đã loãng xương. Có bé còi xương từ trong bụng mẹ.
Trẻ quấy khóc vì thiếu vitamin D (Ảnh minh họa)
Còi xương từ trong bụng mẹ vì thiếu vitamin D
Ôm cậu con trai 2 tháng tuổi đi khám dinh dưỡng, chị Nguyễn Thanh L. (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Không hiểu lý do gì mà cháu hay quấy khóc, đêm ngủ thì vật vã, chốc lát đã tỉnh giấc. 2 tháng mà chỉ lên có 1kg nên gia đình lo lắng đành cho con đi khám dinh dưỡng xem sao". Sau khi khám, bác sĩ chẩn đoán con chị L. còi xương do thiếu vitamin D và tình trạng này từ khi còn trong bụng mẹ.
TS. BS. Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay: "Theo báo cáo đánh giá hàng năm, tỷ lệ còi xương vẫn cao khoảng 40% và lý do cha mẹ đưa con đến khám do xuất hiện các triệu chứng thiếu vitamin D như quấy khóc, vật vã, ngủ kém, rụng tóc, chậm vận động... thậm chí chiếm đến 60%".
BS. Nga cho biết đã gặp nhiều trường hợp còi xương từ trong bụng mẹ. Nguyên nhân là do thai phụ ra nắng bịt kín và trong quá trình mang thai tập trung bổ sung dưỡng chất nhưng lại bỏ quên bổ sung vitamin D nên trẻ thiếu vitamin D từ trong bụng mẹ. Do vậy, trẻ bị còi xương từ trong bào thai dẫn đến khi sinh ra đã bị còi xương. Vì thế, nhiều trẻ xương sọ bị mềm và mới đặt nằm đã bị bẹp (đầu như cá trê) gia đình cứ trách nhau là bắt con nằm nhiều mà không biết rằng thực ra những trẻ này bị còi xương quá sớm.
Hay có những trường hợp ra đời một thời gian gia đình không lưu ý lấy ánh nắng khiến cho trẻ thiếu vitamin D dẫn đến trẻ rối loạn dưỡng hóa xương và vừa kém hấp thụ canxi vừa thải canxi của xương do vậy càng làm thêm vấn đề trầm trọng của xương.
Thiếu vitamin D ở trẻ nhỏ dẫn đến còi xương, chậm phát triển, hệ lụy miễn dịch kém, dễ mắc các bệnh hô hấp. Tương tự, các bác sĩ Viện Dinh dưỡng cũng đã từng gặp các cháu 16, 17 tuổi đã mắc loãng xương nặng.
"Chúng tôi đã gặp nhiều trẻ đến khám bị còi xương trong một thời gian dài sau 1 tuổi bị biến dạng xương như bướu trán, gồ lên, lồng ngực gồ, chân vòng kiềng chậm biết đi...", BS. Nga cho biết.
Còn PGS., BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi cho biết: "Ở bệnh viện hơi khác một chút, trẻ đến viện khám vì một bệnh khác như chữa mãi về viêm phổi, hen không thuyên giảm, thì phát hiện trẻ đồng thời thiếu vitamin D. Trong bệnh hô hấp, nếu thiếu vitamin D trẻ dễ bị viêm phổi, viêm đường hô hấp, khó chữa bệnh hen".
Bổ sung vitamin D sao cho đúng?
TS. BS. Phan Bích Nga cho biết: "Vitamin D có vai trò với cơ thể không chỉ là vitamin thông thường mà thậm chí còn như một hormone. Nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng xương, răng, tác động đến sự phát triển của cơ thể ở tuổi đang lớn mà còn với hệ miễn dịch. Ở trẻ hay bị viêm đường hô hấp (viêm phế quản) thì hàm lượng vitamin D thấp. Qua nghiên cứu, nếu bổ sung vitamin D với liều phòng và trong thời gian dài mấy năm tuổi thơ giúp cho khi trưởng thành sẽ giảm nguy cơ tỉ lệ mắc bệnh không chỉ ung thư, tim mạch".
Vitamin D có đặc điểm tan trong chất béo, trong dầu mỡ nên bao giờ cũng bổ sung trong chế độ ăn dầu mỡ. Vitamin D2 từ thực vật, D3 từ động vật và có tác dụng giống nhau.
Theo BS. Dũng, ở trẻ sơ sinh, vitamin D rất quan trọng. Trẻ sinh non do thiếu vitamin D từ trong bụng mẹ và khi ra đời cũng bị thiếu vitamin D nên cần bổ sung để phát triển. Trong 3 năm đầu trẻ cần lượng vitamin D nhiều hơn. Trẻ thiếu vitamin D gây thiếu canxi mà thiếu canxi cấp tính trong máu dễ gây co giật... Do đặc điểm Vitamin D chủ yếu lấy từ phơi nắng, còn nguồn thực phẩm tự nhiên thấp. Ví như trong 100ml sữa chỉ có 30-50 đơn vị. Trong đó, liều khuyến nghị cho trẻ dưới 1 tuổi để phòng còi xương là 400 đơn vị (UI). Như vậy, một ngày trẻ phải dùng tối thiểu 400ml sữa, nhưng với điều kiện hàm lượng sữa mẹ phải đủ vitamin D. Tuy nhiên, hiện tỉ lệ hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ ở nước ta thường rất thấp...
Ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, khuyến nghị theo Tổ chức Y tế thế giới với liều dự phòng 400 UI vitamin D/ngày an toàn; Trẻ trên 1 tuổi là 600UI vitamin D/ngày. Liều này có thể áp dụng cho trẻ đến tuổi trưởng thành. Còn từ 50 tuổi trở lên có thể 800 UI/ngày đến không quá 1.000 UI, nếu liều cao có thể ngộ độc.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của BS. Dũng, việc bổ sung vitamin D cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Bởi nếu dùng hàng ngày từ 10.000-15.000 UI thì sẽ bị ngộ độc nhưng tùy cơ địa có khi dùng 2.000-3.000 UI cũng đã có dấu hiệu ngộ độc với dấu hiệu kích thích thần kinh. Ngoài ra, có thể gây lắng cặn ở thận, thành mạch máu có thể gây xơ vữa ảnh hưởng tim mạch, đau cơ đau khớp, mất thăng bằng, ảnh hưởng thần kinh...
Theo baogiaothong
Mách bạn luôn duy trì bộ xương chắc khỏe Bộ xương có vai trò quan trọng cho cơ thể như tạo dáng cơ thể, bảo vệ cơ quan bên trong, chỗ neo bám của các bó cơ và là nguồn dự trữ canxi dồi dào. Khi bạn còn trẻ thì quá trình tạo xương xảy ra nhanh hơn là sự hủy xương, nhờ vậy mà xương của bạn có thể tăng trưởng...