Thôi hợp đồng với cô giáo yêu nghề có đơn tự nguyện xin ra khỏi biên chế
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã quyết định chấm dứt hợp đồng với giáo viên có đơn tự nguyện xin ra khỏi biên chế.
Ngày 10/11, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị này đã chấm dứt hợp đồng làm việc với trường hợp của cô Nguyễn Thị Thành, sinh năm 1987, giáo viên dạy môn Ngữ Văn, Trường trung học phổ thông huyện Mường Lát vì lý do cô Thành có đơn xin tự nguyện xin ra khỏi biên chế.
“Sau khi cô Thành có đơn tự nguyện xin ra khỏi biên chế, nhà trường cũng đã báo cáo lên sở, sau khi xem xét và nắm bắt báo cáo của nhà trường sở cũng đồng ý và chấm dứt hợp đồng làm việc theo nguyện vọng của cô ấy”, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Như Báo Điện tử Việt Nam đã đư tin trước đó, cô Thành (quê ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) lên công tác trên huyện Mường Lát vào tháng 10/2011, nhưng đến nay do điều kiện hoàn cảnh của gia đình nên cô đã xin ra khỏi biên chế để chuyển sang công việc khác.
Cô Nguyễn Thị Thành bên các học sinh vùng cao trong những ngày công tác trong ngành giáo dục. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sau nhiều lần đắn đo, trăn trở, cô Thành đã quyết định viết đơn gửi Ban giám hiệu Trường trung học phổ thông huyện Mường Lát và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa xin giải quyết cho cô nghỉ việc, ra khỏi biên chế ngành giáo dục theo đúng quy định của ngành bắt đầu từ ngày 10/10/2017.
Trong đơn gửi ban lãnh đạo cô Thành nêu: “Tính đến thời điểm này, tôi đã công tác trong ngành giáo dục huyện Mường Lát gần 7 năm. Gia đình tôi cách nơi công tác gần 250 km.
Bố mẹ ở quê đều đã có tuổi, hai con thơ dại, cần người chăm sóc, dạy dỗ.
Bản thân tôi khi cố gắng bám nghề cũng phải sống trong hoàn cảnh không được thoải mái về tâm lý, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, do đồng lương quá ít ỏi không đủ lo cho cuộc sống của gia đình và các con.
Một lý do quan trọng hơn, hơn một năm nay tôi đã tìm đúng được con đường tôi nên đi đó là thuốc nam và dược liệu.
Nên mặc dù còn rất yêu nghề giáo với bao trăn trở và hoài bão nhưng tôi còn yêu nghề thuốc nam và dược liệu hơn nhiều.
Tôi tin những gì tôi tâm huyết và chưa làm được trong thời gian còn công tác trong ngành giáo dục thì sẽ được đóng góp và phát huy nhiều hơn trong lĩnh vực mới mà tôi đã lựa chọn”
Mặc dù đi đến quyết định rời xa mái trường, rời xa các học trò vùng cao nhưng cô Thành vẫn mang nhiều tâm sự, nặng lòng với nghề.
Video đang HOT
“Dù xin ra khỏi ngành giáo dục tôi vẫn luôn khẳng định mình còn rất yêu nghề và không nuối tiếc một phần đời thanh xuân đã qua.
Không yêu sao 7 năm bám núi 250km xa con…. 7 năm trời tưởng như 1 cái chớp mắt, những ai kinh qua miền núi, là phụ nữ sẽ hiểu…
Nếu được phép lựa chọn lại thời điểm 7 năm về trước sẽ vẫn chọn nghề giáo. Nhưng nếu cho quyết định lại tại thời điểm này vẫn chọn đúng như những gì đã – đang diễn ra….”, cô Thành tâm sự.
Được biết, cô Thành đã có gia đình và hai con nhỏ, con lớn mới 4 tuổi ở cùng bố và ông bà, còn con nhỏ mới 20 tháng tuổi ở cùng cô.
Trong suốt 12 năm học phổ thông, cô Thành đều đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh cả 3 môn Văn, Sử, Địa. Trước khi trở thành giáo viên, cô Thành đạt số điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào khoa Văn, Đại học Sư phạm Huế năm 2005
Theo GDVN
Thầy giáo xin ra khỏi ngành sau 16 năm: Không làm tốt, ở lại là tham ô
Sau 16 năm gắn bó với nghề giáo, một giáo viên ở Quảng Ninh chủ động xin ra khỏi biên chế với quan điểm nếu không thể nỗ lực như khả năng vốn có, thì nên dừng lại.
Sau 16 năm công tác, thầy Đoàn Hùng Cường, giáo viên một trường miền núi ở Quảng Ninh quyết định gửi đơn nghỉ việc.
Điều này đồng nghĩa với việc thầy xin ra khỏi biên chế - niềm mơ ước và mục tiêu nỗ lực của không ít người chọn nghề sư phạm.
Xin ra khỏi ngành vì nhiều bất cập
Chia sẻ với Zing.vn, thầy Cường thừa nhận việc rời ngành sau 16 năm là quyết định không dễ dàng. Bản thân thầy còn nhiều tiếc nuối. Tuy nhiên, tại thời điểm này, thầy không còn lựa chọn khác. Nam giáo viên nói còn phải lo cho gia đình.
Trước khi xin nghỉ, thầy Hùng Cường dạy môn Ngữ văn tại trường PTDT Nội trú huyện Bình Liêu, trong khi gia đình lại ở Uông Bí.
Lá đơn xin nghỉ việc của thầy Đoàn Hùng Cường.
"Cha mẹ tôi đã già yếu, con cái thơ dại đang cần người chăm sóc. Bản thân tôi ở Bình Liêu cũng phải sống trong cảnh nhà trọ ọp ẹp, điều kiện sinh hoạt tạm bợ, thiếu thốn khiến cho sức khỏe tôi ngày càng suy sụp", thầy Cường viết trong đơn xin ra khỏi biên chế ngành.
Trên thực tế, nam giáo viên bảo xin nghỉ hoàn toàn không phải vì lương thấp (thu nhập hiện tại là 10,1 triệu đồng). Thầy rời ngành một phần vì nhận thấy môi trường giáo dục hiện tại có nhiều chuyện nhiễu nhương, không còn trong sạch. Ngoài ra, giáo dục cũng thay đổi nhiều.
Theo thầy giáo này, 16 năm trong ngành, ông chứng kiến nhiều bất cập và đã cố gắng cải thiện nhưng lực bất tòng tâm.
Năm 2001, thầy Đoàn Hùng Cường chính thức được nhận vào trường THCS Thị trấn Bình Liêu sau một năm tốt nghiệp đại học. Đến năm 2004, thầy được cử làm chuyên viên phòng GD&ĐT, trở thành một trong những cán bộ trẻ nhất phòng. 5 năm sau, thầy Cường xin trở lại bục giảng.
Ông tâm sự thực tế, ý tưởng xin nghỉ việc hình thành từ năm 2010 khi nam giáo viên trúng tuyển hệ thạc sĩ ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng không được chấp nhận cho đi học với lý do huyện Bình Liêu chưa cần đến trình độ thạc sĩ.
Sau đó, tình hình chuyển biến nên thầy được phép nghỉ việc không lương, nhận trợ cấp hơn một triệu đồng/tháng để đi học.
Căn phòng trọ của giáo viên 16 năm dạy học.
Năm 2013, thầy Cường nhận công tác tại trường THCS Tình Húc (đã có bằng thạc sĩ). Đến năm 2016, nam giáo viên được thuyên chuyển đến trường PTDT Nội trú huyện Bình Liêu.
Thầy chia sẻ thêm quyết định này nhận được sự ủng hộ từ vợ nhưng lại khiến bố mẹ thất vọng. Thầy là người duy nhất trong gia đình có học vấn cao, vào được biên chế.
"Nhưng nếu tiếp tục nữa, chắc tôi trầm cảm mất. Tôi không thể cố gắng nữa. Cuộc sống lại còn nhiều chuyện phải lo toan", thầy Hùng Cường tâm sự.
'Ở lại ngành là tham ô'
16 năm tuổi trẻ, thầy Cường gắn bó với giáo dục và miền núi. Trong quãng thời gian ấy, thầy giáo Ngữ văn luôn cố gắng hết sức cho sự nghiệp mình đã chọn.
Ông bảo ngoài công tác giảng dạy chuyên môn, còn thường xuyên vận động quyên góp để hỗ trợ cho giáo dục tại Bình Liêu, đồng thời không quản ngại khó khăn, đến nhà vận động học sinh đi học.
Thầy Cường cho biết ngoài giảng dạy, ông còn cố gắng vận động quyên góp, hỗ trợ người dân Bình Liêu.
Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của thầy, lần đầu tiên trường Bình Liêu có học sinh đoạt giải nhì môn Ngữ văn cấp tỉnh. Đây được coi là "hiện tượng" của ngành vì việc học sinh người Tày giành giải cao môn Văn không dễ.
Khi quyết định xin nghỉ, bản thân thầy và học trò đều tiếc nuối nhưng nam giáo viên này nói nếu tiếp tục, thầy cũng không thể làm tốt hơn xưa nên muốn chủ động dừng lại trước khi mình làm không tốt.
Thầy Cường cũng mong các bạn trẻ hiểu rằng biên chế không phải là "tấm thẻ bài thần thánh", vạn năng. Đại học không phải con đường duy nhất để thành công, giáo dục cần đến sự đổi mới trong dạy học và quản lý.
Vị giáo viên hy vọng mình có thể làm gương, chủ động rời ngành khi không còn làm việc hiệu quả. Đương nhiên, bản thân thầy vẫn hoàn thành tốt trách nhiệm nhà giáo, song không hiệu quả khi so với chính năng lực của bản thân.
"Tiền lương chúng tôi nhận lấy từ tiền thuế dân đóng. Nếu một công chức tự cảm thấy mình không nỗ lực được như khả năng vốn có mà vẫn ngồi ở vị trí đó tức là một dạng tham ô công quỹ", thầy nêu quan điểm.
Thầy Đoàn Hùng Cường chia sẻ sau khi chính thức rời ngành vào ngày 1/9, thầy bắt tay vào thực hiện giấc mơ trở thành biên kịch, đạo diễn, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.
Hiện tại, thầy tham gia một dự án truyền thông nhằm quảng bá cho Quảng Ninh. Công việc chắc chắn nhiều áp lực song cựu nhà giáo tin tưởng mình sẽ thực hiện được và có thể lo cho gia đình bằng chính sức sáng tạo của mình.
"17 năm trước, tôi háo hức cầm hồ sơ đi xin việc. Tại thời điểm nhận quyết định thôi việc, tôi cũng háo hức như thế", thầy Cường nói.
Trao đổi với Zing.vn, thầy Phạm Quang Hồng, Hiệu trưởng trường PTDT Nội trú huyện Bình Liêu, cho biết thầy Đoàn Hùng Cường đã viết đơn và chính thức ra khỏi ngành từ ngày 1/9. Tuy nhiên, thầy Hồng cho rằng thầy Cường chưa nêu hết nguyên nhân xin nghỉ việc trong đơn.
Trên thực tế, thầy Cường còn quản lý một công ty tổ chức sự kiện do gia đình góp vốn thành lập. Việc này cũng không đột xuất.
"Thầy có ý định nghỉ từ vài năm trở lại đây. Năm nay, thầy bảo đã có tuổi, đi lại nhiều không thuận tiện mà công việc tại công ty bận nên quyết định nghỉ", vị hiệu trưởng cho biết thêm.
Biết thầy Cường đang viết đơn xin nghỉ, trường đã bố trí giáo viên dạy thay. Khi nhận đơn, trường liên hệ với phòng GD&ĐT để điều động giáo viên. Vì thế, việc thầy Cường ra khỏi ngành không ảnh hưởng hoạt động giảng dạy tại trường Bình Liêu cũng như tâm tư, nguyện vọng của các thầy cô trong ngành giáo dục địa phương.
Theo Zing
Vì sao Mỹ chưa hoàn toàn bỏ biên chế giáo viên? Trong số 50 bang tại Mỹ, chỉ 4 bang bỏ cơ chế giáo viên, 9 bang yêu cầu thử thách 4-5 năm, 32 bang thử thách trong 3 năm và 5 bang thử thách trong 2 năm hoặc ít hơn. Tùy theo luật giáo dục của từng bang mà điều kiện cấp biên chế giáo viên ở Mỹ khác nhau. Tuy nhiên, đa...