Thổ Nhĩ Kỳ thách Mỹ trừng phạt
Tổng thống Erdogan thách thức Mỹ sau khi Washington cảnh báo sẽ trừng phạt Ankara vì can dự vào xung đột Nagorno- Karabakh và triển khai tên lửa S-400.
“Dù biện pháp cấm vận là gì đi nữa, đừng chậm trễ”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong cuộc họp đảng cầm quyền tại thành phố Malatya hôm 25/10, đề cập đến những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ.
Phát biểu được Erdogan đưa ra sau khi Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không can dự trực tiếp vào xung đột vũ trang ở khu vực Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan. Ankara được cho là đang hỗ trợ vũ khí và chuyên gia quân sự giúp Baku đối phó lực lượng ly khai thân Yerevan.
Erdogan phát biểu trước các nghị sĩ đảng cầm quyền tại thành phố Malatya hôm 25/10. Ảnh: AP.
Video đang HOT
Tổng thống Erdogan cũng đề cập tới đe dọa trừng phạt của Mỹ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn thử tên lửa phòng không tầm xa S-400 do Nga sản xuất. “Chúng ta từng tham gia chương trình F-35, nước Mỹ đã đe dọa chúng ta. Họ nói ‘hãy gửi tên lửa S-400 về Nga’. Chúng ta không phải một quốc gia bộ lạc. Chúng ta là Thổ Nhĩ Kỳ”, Erdogan nói với các nghị sĩ.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước lên án Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, vì phóng thử tên lửa S-400 sau nhiều lần cảnh báo sẽ áp lệnh trừng phạt nếu các tổ hợp này được kích hoạt. Washington hy vọng Ankara niêm cất S-400, song Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần khẳng định sẽ triển khai các tổ hợp tên lửa nhận từ Nga.
“Chúng tôi đã nói rõ ràng về những hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn đối với quan hệ an ninh của mình nếu Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt hệ thống S-400″, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói.
Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Mỹ phải chịu trách nhiệm khi không thể bán được các tổ hợp Patriot cho nước này, đồng thời cho biết việc mua tên lửa S-400 của Nga nhằm đáp ứng yêu cầu an ninh quốc gia.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua hai hệ thống tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017 và được Nga bàn giao vào hồi tháng 1 năm nay. Hai nước đã ký hợp đồng mua bán hệ thống S-400 thứ hai vào tháng 8 và đang thỏa thuận điều khoản tài chính.
Ankara nguy cơ đối mặt với lệnh trừng phạt theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA), quy định bất cứ quốc gia nào tham gia giao dịch trên 15 triệu USD với Moskva đều phải hứng chịu lệnh trừng phạt từ Washington. Thổ Nhĩ Kỳ từng bị loại khỏi chương trình F-35 của Mỹ sau khi mua các tổ hợp S-400, nhưng hiện chưa rõ các biện pháp trừng phạt Mỹ có thể áp dụng với nước này là gì.
Canada chặn khí tài dùng trong xung đột Armenia - Azerbaijan
Canada ngừng các đơn hàng bán cảm biến UAV cho Thổ Nhĩ Kỳ với lý do chúng có thể được dùng trong xung đột vũ trang Armenia - Azerbaijan.
"Tôi đã đình chỉ các giấy phép xuất khẩu liên quan cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tuân thủ quy định kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ của Canada, cũng như để có thêm thời gian đánh giá tình hình xung đột hiện nay", Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne thông báo hôm 5/10.
Quyết định được Ngoại trưởng Canada đưa ra sau khi có những lời kêu gọi kiểm soát công nghệ vũ khí liên quan đến xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan tại vùng Nagorno-Karabakh.
Máy bay không người lái TB2 Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo. Ảnh: Anadolu.
Canada hiện là nhà cung cấp các hệ thống cảm biến quang học và chỉ thị mục tiêu laser cho máy bay không người lái (UAV) TB2 Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ. TB2 được cho là mẫu UAV đang được sử dụng rộng rãi để tấn công, gây thiệt hại nặng cho lực lượng Armenia tại Nagorno-Karabakh. Chúng có thể được Ankara chuyển giao cho Baku hoặc được binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp vận hành.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lập tức ra thông cáo phản đối động thái mà họ gọi là "tiêu chuẩn kép" này của Canada. "Họ không gặp vấn đề nào khi xuất khẩu vũ khí cho những nước đang can thiệp quân sự vào khủng hoảng ở Yemen, một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ này", bộ này tuyên bố.
Giao tranh bùng phát hôm 27/9 giữa Armenia và Azerbaijan được đánh giá là cuộc xung đột dữ dội nhất trong nhiều năm trở lại đây tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Giới chuyên gia lo ngại nguy cơ bùng phát chiến tranh toàn diện, khi các bên tham chiến đều tìm kiếm sự ủng hộ từ các cường quốc trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Nagorno-Karabakh là tỉnh ở phía tây nam Azerbaijan, song phần lớn dân địa phương là người Armenia luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Phần lớn diện tích vùng Nagorno-Karabakh hiện do lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát.
Giới chuyên gia cho rằng UAV đang đóng vai trò lớn trong xung đột tại Nagorno-Karabakh. Chúng có kích thước nhỏ, thời gian hoạt động trên không lâu, được trang bị cảm biến hiện đại có thể phát hiện kẻ địch từ xa và cung cấp thông tin chiến trường quý giá cho sở chỉ huy.
Các mẫu máy bay không người lái và UAV tự sát do Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chế tạo, cũng như hàng loạt phi cơ nội địa của Azerbaijan đã khiến Armenia mất lượng lớn xe tăng thiết giáp, pháo binh và tên lửa phòng không trong xung đột.
Đặc nhiệm Nagorno-Karabakh đột kích phá hủy tổ hợp LORA của Azerbaijan Vừa xuất hiện thông tin cho biết biệt kích của Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng đã xâm nhập Azerbaijan và phá hủy tổ hợp tên lửa đạn đạo LORA của nước này. Báo chí Nga vừa đăng tải một bài viết về cuộc xung đột quân sự nổ ra ở Nagorno-Karabakh, trong đó tập trung sự chú ý vào vũ khí mà Quân...