Thổ Nhĩ Kỳ phản đối hành động xé kinh Koran tại Hà Lan
Ngày 24/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đại sứ Hà Lan tại Ankara liên quan đến cuộc biểu tình hôm 22/1 tại La Haye, bao gồm việc xé một bản sao kinh Koran của tín đồ Hồi giáo.
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ bộ này đã triệu Đại sứ Hà Lan tại Ankara để bày tỏ phản đối hành động nói trên, đồng thời yêu cầu Hà Lan không cho phép tái diễn những hành động khiêu khích như vậy. Theo bộ trên, các hành động này là sự xúc phạm các giá trị thiêng liêng của đạo Hồi và chứa đựng tội ác thù hận, phân biệt đối xử và bài ngoại.
Biểu tình bên ngoài sứ quán Thuỵ Điển ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối hành động đốt kinh Koran, ngày 21/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là diễn biến mới nhất cho thấy quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số nước châu Âu những ngày này. Trước đó, ngày 21/1, Thụy Điển đã cho phép một cuộc biểu phản đối Ankara, trong đó xảy ra việc đốt kinh Koran của tín đồ Hồi giáo ở bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Stockholm.
Trong tuyên bố được đưa ra sau đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích với ngôn từ mạnh nhất có thể đối với hành động đốt kinh Koran. Nhiều quốc gia Arab khác như Saudi Arabia, Jordan và Kuwait cũng đã chỉ trích hành động đốt kinh Koran.
Về phần mình, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom khẳng định những hành động bài Hồi giáo như tại cuộc biểu tình ở Stockholm là gây chấn động, cũng như không đồng nghĩa Chính phủ Thụy Điển ủng hộ động thái này.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy chuyến thăm Ankara dự kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ chưa sẵn sàng phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO
Ngày 14/1, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này chưa sẵn sàng phê chuẩn tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển, bất chấp một loạt các bước đi mà Stockholm đã thực hiện để đáp ứng yêu cầu của Ankara.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tiếp nhận đơn xin gia nhập liên minh quân sự của Thụy Điển và Phần Lan, tại Brussels (Bỉ) ngày 18/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin AFP, phát biểu với các phóng viên, ông Ibrahim Kalin - cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - khẳng định nước này chưa thể gửi Quốc hội (đạo luật) phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO.
Cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Thụy Điển vẫn chưa dẫn độ những đối tượng mà Ankara cho là có liên hệ với khủng bố hoặc đóng băng tài sản của các đối tượng này. Quan chức này cũng đánh giá cao các bước đi của Stockholm nhưng cho rằng cần "làm nhiều hơn nữa".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết Stockholm đã tiến hành những bước đi cụ thể liên quan đến mọi chi tiết trong thỏa thuận ba bên ký hồi tháng 6/2022 giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển và Phần Lan.
Tháng 5 năm ngoái, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Theo quy định, đơn này cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên của NATO. Hiện đã có 28 nước chấp thuận việc này. Hungary cho biết nước này dự kiến sẽ chấp thuận đơn xin gia nhập của Phần Lan vào tháng 2/2023. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển che giấu các tay súng mà Ankara truy nã, vì vậy, cho rằng hai nước này cần làm nhiều hơn nữa trước khi đơn xin gia nhập NATO được chấp thuận.
Nghi can thủ lĩnh IS bị bắt tại Hà Lan Nhà chức trách Hà Lan ngày 17/1 thông báo một nam đối tượng tình nghi là thủ lĩnh an ninh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị bắt ở nước này. Theo văn phòng công tố viên Hà Lan, nghi can 37 tuổi này được cho đã giữ nhiều vị trí cấp cao trong lực lượng an ninh...