Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh thông điệp tích cực từ Taliban
Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự hoan nghênh với thông điệp tích cực mà Taliban đưa ra với cộng đồng quốc tế sau khi kiểm soát Afghanistan.
“Chúng tôi hoan nghênh những thông điệp tích cực mà Taliban đưa ra cho người nước ngoài, các cơ quan ngoại giao và nhân dân của họ. Tôi hy vọng chúng ta sẽ thấy cách tiếp cận tương tự trong hành động của họ”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói trên truyền hình hôm nay.
Cavusoglu cho biết thêm Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục đối thoại với tất cả các bên ở Afghanistan và muốn theo dõi tình hình an ninh ở Kabul sẽ diễn biến ra sao.
“Bây giờ, những người Afghanistan sẽ thảo luận về tất cả vấn đề này với nhau. Ai sẽ tham gia vào quá trình chuyển giao, loại hình chính phủ trước mắt của họ là gì. Chúng tôi sẽ xem xem và thảo luận về tất cả những điều này”, Cavusoglu nói.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Athens, Hy Lạp, hôm 31/5. Ảnh: Reuters.
Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tháng qua đã thảo luận với các lãnh đạo Taliban về loạt vấn đề, bao gồm cả đề nghị bảo vệ sân bay Kabul sau khi Mỹ rút quân. Thổ Nhĩ Kỳ đã di chuyển các nhân viên đại sứ quán tới sân bay Kabul sau khi lực lượng Taliban chiếm thủ đô hôm 15/8. Nước này cũng sơ tán hơn 300 công dân khỏi Afghanistan hôm 16/8.
Sau khi hoàn thành quá trình kiểm soát Afghanistan, Taliban tuyên bố chiến tranh đã kết thúc ở nước này và kêu gọi hòa bình với cộng đồng quốc tế. Lực lượng này khẳng định không muốn sống cô lập và sẽ sớm làm rõ hình thức nhà nước, chế độ chính trị.
Taliban đã thông báo lệnh ân xá chung cho toàn bộ quan chức chính phủ Afghanistan và kêu gọi họ quay lại làm việc. Chỉ huy Taliban cũng cấm thuộc cấp và các tay súng dưới quyền xông vào nhà dân hay chiếm đoạt tài sản của họ.
Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov đã lên kế hoạch gặp mặt Taliban, trong khi Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng phát triển “quan hệ hữu nghị” với lực lượng.
Sóng ngầm sau sự cố ghế ngồi của Chủ tịch Ủy ban châu Âu
Việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu không được chuẩn bị ghế ngồi được cho là thể hiện giá trị khác biệt của EU và Thổ Nhĩ Kỳ, vào thời điểm hai bên muốn xích lại gần nhau.
Hôm 6/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã rất ngạc nhiên khi Thổ Nhĩ Kỳ không chuẩn bị ghế ngồi cho bà giống như Tổng thống Erdogan và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, trong chuyến thăm của hai quan chức châu Âu đến Ankara. Bà lúng túng đứng nhìn và giơ tay thể hiện sự ngỡ ngàng khi hai người đàn ông ngồi xuống hai chiếc ghế ở vị trí trung tâm.
Cuối cùng, bà phải ngồi trên chiếc sofa ở bên cạnh, thấp hơn ghế của hai người đàn ông. Ngồi đối diện bà là Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, người có địa vị thấp hơn bà. Von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu và Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, có thứ hạng ngang nhau trong hệ thống cấp bậc của EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngồi ghế sofa trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel ngồi trên hai chiếc ghế ở vị trí trung tâm tại Ankara ngày 6/4. Video: Reuters .
"Các giao thức tồn tại là để tránh ra xảy ra tranh cãi", Ian Lesser, giám đốc Quỹ Marshall Đức tại Brussels, cho biết. "Vấn đề này lẽ ra không được phép xảy ra".
Người dùng Twitter ở châu Âu thể hiện sự bất bình bằng cách chia sẻ từ khóa "hãy chuẩn bị chỗ ngồi cho bà ấy". Nhiều người coi khoảnh khắc này là biểu tượng cho sự khác biệt văn hóa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Erdogan rút đất nước khỏi Công ước Istanbul, hiệp ước nhằm bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực do giới tính.
Nhưng sự cố này cũng phản ánh việc Liên minh châu Âu không có khả năng thiết lập một mặt trận thống nhất khi làm việc với quốc gia láng giềng quan trọng, đồng thời là ứng viên trở thành thành viên của khối.
"Chủ tịch Ủy ban rõ ràng đã rất ngạc nhiên", Eric Mamer, phát ngôn viên của von der Leyen, nói. "Chủ tịch lẽ ra phải được sắp xếp chỗ ngồi giống như Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ".
Ông nói thêm rằng bà von der Leyen, người phụ nữ đầu tiên giữ chức chủ tịch Ủy ban châu Âu, "mong muốn tổ chức mà bà đại diện được đối xử với giao thức thích hợp. Bà đã yêu cầu đội ngũ của mình thực hiện tất cả liên hệ thích hợp để đảm bảo sự cố không tái diễn trong tương lai".
Michel bị nhiều người chỉ trích vì không lên tiếng phản ứng hay không nhường chỗ của mình cho bà von der Leyen. Ông ra tuyên bố vào tối 7/4, đổ lỗi cho các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một bài đăng trên trang Facebook, Michel phản đối việc mọi người cho rằng ông "thiếu tế nhị". Ông giải thích rằng ông đã tiếp tục cuộc họp như bình thường để không làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn bằng cách gây ra tình cảnh lúng túng.
Sophie in't Veld, nhà lập pháp Hà Lan tại Nghị viện châu Âu, đã mỉa mai Michel bằng cách đăng ảnh cuộc họp của Erdogan với các chủ tịch Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu trước đây, Donald Tusk và Jean-Claude Juncker, ngồi trên ba chiếc ghế được chuẩn bị giống nhau. "Vì sao lúc đó ông ấy không lên tiếng?", bà đặt câu hỏi.
Nhiều người thắc mắc liệu đây là sai sót giao thức vô tình hay sắp đặt cố ý, vì ông Erdogan thường thích những tình huống kịch tính. Các nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cả hai phương án đều có thể xảy ra.
"Cả hai bên đều có lỗi" , Asli Aydintasbas, chuyên gia từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận xét. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lẽ ra phải nhấn mạnh với Tổng thống rằng cả hai lãnh đạo EU đều là chủ tịch trong khi các quan chức EU lẽ ra phải lên tiếng sửa chữa sai lầm.
"Việc chuẩn bị thiếu ghế là kết quả dễ hiểu khi Erdogan sống trong một môi trường chính trị toàn nam giới còn EU dè chừng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ", bà nói thêm.
(Từ trái sang) Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại cuộc họp ở Ankara ngày 6/4. Ảnh: Reuters .
Nigar Goksel, chuyên gia hàng đầu về Thổ Nhĩ Kỳ tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói rằng sự cố xảy ra vào "thời điểm tồi tệ" , khi Thổ Nhĩ Kỳ gần đây rút khỏi Công ước Istanbul.
Theo dữ liệu của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc, 38% phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ bị bạn đời bạo hành ít nhất một lần trong đời và cứ 10 người thì có hơn một người bị bạo lực gia đình trong 12 tháng qua. Trong báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ xếp hạng 133 trong số 156 quốc gia.
Sự cố hôm 6/4 cũng diễn ra vào thời điểm quan trọng trong quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu. Trong những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh mong muốn cải thiện quan hệ với khối và tiếp tục thúc đẩy quá trình xin gia nhập khối. Cuộc họp của hai lãnh đạo EU và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vốn nhằm tạo động lực cho một mối quan hệ chất chứa nhiều bất đồng trong những năm gần đây về các vấn đề như di cư, biên giới trên biển và các thỏa thuận hải quan.
Lesser cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng đã không lường được sự cố này sẽ tạo ra hiệu ứng thế nào. "Nó càng nhấn mạnh quan điểm rằng châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ không có chung giá trị về đa dạng hóa và bình đẳng giới".
Bà von der Leyen "đã nắm bắt cơ hội để nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến nữ quyền nói chung và Công ước Istanbul nói riêng trong cuộc họp", Mamer, phát ngôn viên của bà, cho biết. "Rõ ràng sự cố khiến bà ấy tập trung vào vấn đề một cách sắc bén hơn".
Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đề nghị nối lại đàm phán với Hy Lạp Ngày 11/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này đã chính thức đề nghị Hy Lạp trong tháng này nối lại cuộc đàm phán về các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi giữa hai nước ở Địa Trung Hải cũng như các vấn tồn đọng khác. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu trong cuộc họp...