Thợ mộc từng ám sát hụt Hitler
Nếu quả bom của Georg Elser phát nổ sớm hơn 13 phút vào ngày 8/11/1939, Hitler có thể đã chết ngay khi Thế chiến II vừa bắt đầu.
Johann Georg Elser sinh ngày 4/1/1903 tại Hermaringen, bang Baden-Wurttemberg, Đức, là con trai của Ludwig Elser và Maria Muller. Dù không nhanh nhẹn về tư duy, Elser rất giỏi làm công việc tay chân và bắt đầu phụ giúp cha tại xưởng mộc từ năm 14 tuổi.
Tới năm 1919, anh bắt đầu làm đồ nội thất, sau đó chuyển nhiều công việc khác nhau như công nhân nhà máy đồng hồ, hay chế tác gỗ dùng làm đồng hồ. Năm 1936, Elser tới làm việc tại nhà máy vũ khí Waldenmaier ở thành phố Heidenheim do Đức Quốc xã điều hành. Công việc này giúp anh có thể tiếp cận các nguyên liệu chế tạo bom như thuốc nổ đen và ngòi nổ.
Elser hiếm khi đọc báo và hầu như không quan tâm đến chính trị, ngoài tác động của nó đối với phong trào lao động. Elser từng gia nhập tổ chức bán quân sự Liên đoàn Chiến sĩ Mặt trận Đỏ trong những năm 1920 nhưng không gắn bó lâu với tổ chức và được cho là chỉ tham gia để có thể chơi trong đội kèn của họ.
Georg Elser tại Munich, Đức, vào tháng 11/1939. Ảnh: Wikimedia Commons.
Mặc dù vậy, Elser được cho là căm ghét đảng Quốc xã, đặc biệt là chính sách kinh tế với thời gian làm việc dài và rất ít kỳ nghỉ. Thêm vào đó, công nhân thường bị nợ lương và công đoàn không được phép hoạt động. Elser cảm thấy tức giận khi các đảng viên Quốc xã được hưởng nhiều đặc quyền hơn công dân bình thường như anh.
Năm 1938, Elser hạ quyết tâm tự giải quyết những bức xúc của mình bằng cách vạch kế hoạch ám sát trùm phát xít Adolf Hitler. “Tôi cho rằng tình hình ở Đức chỉ có thể thay đổi bằng cách loại bỏ ban lãnh đạo hiện tại, bao gồm Hitler, Hermann Goring và Joseph Goebbels”, Elser trả lời khi bị lực lượng mật vụ Gestapo của Đức Quốc xã thẩm vấn về động cơ ám sát Hitler.
Trong quá trình xác định thời gian và địa điểm cụ thể cho kế hoạch, Elser nhắm tới sự kiện thường niên vào ngày 8/11, khi Hitler tới quán bia Burgerbraukeller ở Munich để kỷ niệm vụ Đảo chính Quán bia, nỗ lực chết yểu của trùm phát xít và đảng Quốc xã nhằm lật đổ chính phủ Cộng hòa Weimar vào năm 1923.
Tháng 11/1938, Elser đến Munich thám thính quán bia Burgerbraukeller để lên kế hoạch tấn công và rút ra hai điều quan trọng. Đầu tiên, an ninh tại quán bia rất lỏng lẻo, khi lực lượng bảo vệ Hitler là các thành viên cấp cao trong đảng Quốc xã, thay vì cảnh sát Munich. Thứ hai, Elser chú ý tới một cột đá phía sau bục phát biểu để làm trụ cho ban công lớn bên trên.
Video đang HOT
Theo tính toán của Elser, một quả bom lớn đặt trong chiếc cột có khả năng làm sập toàn bộ ban công, chôn vùi không chỉ Hitler mà còn thêm nhiều quan chức và người ủng hộ ông ta. Với chỉ một năm chuẩn bị, Elser nhanh chóng bắt tay vào hành động bằng việc đánh cắp gần 50 kg thuốc nổ mạnh và kíp nổ từ nhà máy Waldenmaier.
Tháng 4/1939, Elser đến Munich một lần nữa để chụp ảnh quán bia Burgerbraukeller, phục vụ việc đo đạc kích thước sảnh và cột đá. Sau đó, anh ta bắt đầu thiết kế một quả bom hẹn giờ công phu. Tháng 7 năm đó, Elser thử nghiệm vài quả bom tại một vườn cây ăn quả của cha mẹ.
Khi đã hài lòng với thành quả, Elser đến Munich vào tháng 8/1939 để bắt đầu những công đoạn chuẩn bị cuối cùng. Elser thường xuyên tới quán bia Burgerbraukeller ăn tối và trở thành khách quen của quán. Tiếp đó, anh ta trốn trong kho chứa đồ tới khi quán đóng cửa, rồi bắt đầu quá trình khoét lỗ trên cột đá để chứa bom.
Công việc diễn ra rất chậm chạp, khi Elser phải dành trọn ba đêm chỉ để tháo lớp gỗ xung quanh chiếc cột. Tiếp theo, anh ta dùng búa và đục để khoét lỗ, căn thời gian sao cho các nhát búa trùng với thời điểm bồn cầu trong tòa nhà tự động xả nước và xe cộ chạy qua, nhằm tránh gây tiếng ồn.
Elser còn cẩn thận dọn dẹp bụi và đá, rồi lắp tấm gỗ thay thế xung quanh chiếc cột, sau đó thoát ra ngoài bằng cửa phụ vào sáng sớm trước khi quán bia mở cửa. Anh ta mất 35 đêm để đục lỗ và bố trí quả bom bên trong chiếc cột, đặt tới hai bộ hẹn giờ để tăng độ chắc chắn. Nhằm giảm thiểu tiếng ồn của đồng hồ hẹn giờ, Elser lót vỏ gỗ sồi bên trong chiếc lỗ.
Theo tìm hiểu của Elser, mỗi năm Hitler bắt đầu bài phát biểu vào khoảng 20h30 và nói trong vòng 90 phút. Do đó, anh ta hẹn giờ kích nổ của quả bom lúc 21h20, tức tầm giữa bài phát biểu. Tuy nhiên, trùm phát xít được cho là từng nói ông ta sở hữu “sự may mắn của quỷ dữ”, và tính toán của Elser đã không chính xác do những sự cố ngẫu nhiên.
Hitler ban đầu dự định dùng máy bay trở về Berlin sau khi hoàn thành bài phát biểu về kế hoạch cho chiến tranh tại Munich. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng cảnh báo sẽ có sương mù dày đặc vào ngày 8/11, cản trở việc di chuyển bằng đường hàng không, nên trùm phát xít đổi sang phương án về Berlin bằng tàu riêng. Để kịp giờ tàu, bài phát biểu phải bắt đầu sớm hơn 30 phút so với thường lệ và rút ngắn xuống còn một giờ.
Cuối cùng, Hitler kết thúc bài phát biểu lúc 21h07, rồi nhanh chóng rời đi mà không ngồi uống bia với các đảng viên Quốc xã địa phương như thường lệ. Quả bom của Elser phát nổ sau đó 13 phút theo đúng kế hoạch và đánh sập toàn bộ ban công, giết chết 7 người và làm bị thương hơn 60 người, nhưng Hitler vẫn bình an vô sự.
Quán bia Burgerbraukeller tại Munich, Đức, sau vụ nổ ngày 8/11/1939. Ảnh: Wikimedia Commons.
Trước đó vào buổi sáng cùng ngày, Elser bắt tàu đến Konstanz, một thị trấn Đức sát Thụy Sĩ. Khi màn đêm buông xuống, Elser đi bộ về phía biên giới với ý định vượt biên, nhưng nhanh chóng bị lính biên phòng chặn bắt. Do lo ngại Đức Quốc xã sẽ đổ tội ám sát Hitler cho người khác, Elser quyết định giao nộp các bộ phận và sơ đồ chế tạo bom, cùng bản vẽ quán bia.
Sau khi nhận tin về vụ ám sát hụt Hitler, lực lượng biên phòng chuyển Elser đến Munich để Gestapo thẩm vấn. Một số bằng chứng khác được tìm thấy tại hiện trường như chiếc đồng hồ trùng nhãn hiệu với nhà máy mà Elser từng làm việc, thêm vào đó là lời khai nhận diện Elser của nhân viên quán bia.
Elser ký biên bản nhận tội vào ngày 15/11/1939. Tuy nhiên, rắc rối của anh chưa dừng lại ở đó, bởi Hitler không tin một người Đức dám ám sát y. Trùm phát xít khẳng định Elser đang làm việc cho cơ quan tình báo Anh.
Ngày 18/11, Elser được chuyển tới Berlin để thẩm vấn thêm, sao cho khai ra “lời thú tội” mà Đức Quốc xã muốn. Elser được cho là bị Heinrich Himmler, người đứng đầu lực lượng SS của Đức Quốc xã, đích thân thẩm vấn, nhưng vẫn một mực khẳng định anh hành động một mình.
Elser không bị xét xử vì vụ đánh bom quán bia Burgerbraukeller. Sau một năm chịu tra tấn tại Berlin, anh bị chuyển đến trại tập trung Sachsenhausen và ở đây tới năm 1945. Trước nguy cơ thất bại của quân Đức vào mùa xuân năm đó, Elser bị đưa tới trại tập trung Dachau hồi tháng 4/1945.
Ngày 9/4/1945, Elser bị bắn chết, chỉ 4 tuần trước khi Thế chiến II kết thúc ở châu Âu.
Câu chuyện của Elser ít được chú ý cho tới năm 1999, khi nhà sử học Hellmut Haais xuất bản cuốn sách tiểu sử về anh. Năm 2003, cơ quan bưu chính Đức phát hành một con tem đặc biệt để kỷ niệm 100 năm ngày sinh Elser, trên đó in dòng chữ: “Tôi muốn ngăn chiến tranh”, dẫn lời khai của người thợ mộc khi bị Gestapo tra khảo.
“Việc anh ấy bị các nhà sử học ở cả Đông và Tây Đức phớt lờ suốt thời gian dài cho thấy nước Đức đã mất rất lâu để trở nên thoải mái, thành thật đối diện với lịch sử của chính họ”, nhà báo chính trị người Đức Claus Christian Malzahn viết về Elser hồi năm 2005.
“Johann Georg Elser là một anh hùng thực sự của Đức”, Malzahn nhận xét.
Vì sao Hitler bí mật gặp một hổ tướng của Nhật Bản trong Thế chiến 2
Vào tháng 12/1940, đúng 3 tháng sau khi Nhật Bản, Đức và Ý ký kết liên minh Thế giới thứ ba của họ, một đoàn các nhà lãnh đạo quân sự Nhật Bản đến Berlin để học hỏi từ các đồng minh mới.
Tướng Tomoyuki Yamashita (giữa) cùng các tướng lĩnh Đức Quốc xã trong chuyến đi Berlin.
Đứng đầu nhóm là Tướng Tomoyuki Yamashita, một nhà quân phiệt kỳ cựu, người đã dành cả cuộc đời của mình trong các cuộc chinh chiến. Trong vòng vài năm, Tướng Tomoyuki Yamashita trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới với tên gọi "Con hổ của Malaya", một nhà lãnh đạo quân sự hung dữ và bộ não đằng sau cuộc chinh phạt của Nhật Bản ở Singapore.
Vài tuần sau khi đến Đức, Tướng Yamashita đã gặp trùm phát xít Hitler đang lãnh đạo Đức Quốc xã. Mỗi người có mục tiêu riêng cho cuộc họp. Hitler có ý định gây sức ép buộc quân đội Nhật Bản tuyên chiến với Anh và Mỹ. Tuy nhiên, đối mặt với sự phẫn nộ của Nga và chi phí liên tục của cuộc chiến tranh Nhật Bản với Trung Quốc, Tướng Yamashita không có hứng thú.
Cái mà Yamashita quan tâm là những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của người Đức trong việc chế tạo radar, máy bay, xe tăng và thiết bị quang học. Theo Yamashita, chỉ khi nào nước Nhật nắm vững các kỹ thuật này thì quân đội Thiên Hoàng mới "tính sổ" với Anh quốc!
Tuy vậy, tại cuộc gặp riêng tư, Hitler với tài hùng biện hiếm có đã áp đảo Yamashita. Cuối cùng, một thỏa thuận cũng được ký kết giữa Hitler và Yamashita. Theo đó, phía Nhật sẽ giao cho Đức 9,8 tấn molypden, 11 tấn vonfram, 2,2 tấn vàng, 3 tấn thuốc phiện và 54 kg cafein để đổi lấy 800kg oxit uranium, khoảng 4 tấn tài liệu, bản vẽ thiết bị quân sự, 1 ngư lôi siêu âm T-5, 1 động cơ 213 Jumo lắp trên máy bay tiêm kích Focke-Wulf 190, 2 hệ thống radar cùng các thiết bị quang học và kỹ thuật để làm ra chúng.
Với 800kg oxit uranium chưa làm giàu, nó không đủ để phát xít Nhật chế tạo một quả bom nguyên tử nhưng nó thừa khả năng biến thành những quả bom bẩn. Địa điểm giao nhận những loại hàng hóa nêu trên là cảng Lorient, Pháp, đã bị Đức Quốc xã chiếm đóng, Con tàu được Yamashita chọn để thực hiện nhiệm vụ cực kỳ bí mật này là loại tàu ngầm vận tải lớp C-3, mã danh I-52.
Khi cuộc xung đột tiếp diễn và tài nguyên của Đức bắt đầu cạn kiệt, Nhật Bản đã ra tay: Năm 1944, tàu ngầm I-52 của Nhật Bản bị lực lượng Đồng minh đánh chìm. Nó được cho là đang thực hiện nhiệm vụ cung cấp hơn hai tấn vàng, ngoài thuốc phiện, kim loại và các nguyên liệu thô khác, cho cỗ máy chiến tranh của Đức Quốc xã.
Một mối quan hệ khó khăn ban đầu giữa Yamashita và Hitler dường như đã trở nên thân mật hơn theo thời gian. Nói chuyện với các phóng viên vào tháng 6 năm 1941, sáu tháng sau cuộc gặp với Hitler, Yamashita nói rằng Nhật Bản và Đức quốc xã giống nhau đáng ngạc nhiên. Năm 1942, các quan chức Nhật Bản đã xung đột về việc có nên tiếp tục các cuộc chinh phạt của Nhật Bản ngoài những nỗ lực của họ ở Hà Lan, Ấn Độ và Myanmar hay không. Nhưng cuộc thập tự chinh của Yamashita để có thêm lãnh thổ bằng bất cứ giá nào cuối cùng là điều không thể chối cãi. Trong những tháng cuối năm 1945, Yamashita bị kết án tử hình vì tội ác chiến tranh trước một tòa án quân sự của Mỹ. Vào tháng 2 năm 1946, ông ta bước 13 bước tới giá treo cổ, và mang theo bí mật về những kho vàng của ông ta đến suối vàng.
Chiến dịch Mỹ tuyển 1.600 nhà khoa học Đức Quốc xã Nhằm ngăn công nghệ Đức rơi vào tay Liên Xô, Mỹ từng tiến hành Chiến dịch Kẹp giấy, bí mật tuyển hơn 1.600 nhà khoa học của phát xít. Trong giai đoạn cuối Thế chiến II, Đức quốc xã ngày càng trở nên tuyệt vọng do nguồn lực ngày càng cạn kiệt mà vẫn không thể đánh bại được Liên Xô. Các lãnh...