Thiếu vitamin A làm tăng 10 lần rủi ro mắc bệnh lao
Hãy ăn thêm nhiều cà rốt, cải bó xôi và bông cải xanh, do nghiên cứu mới cho thấy những người có mức vitamin A thấp sống gần người bị lao có nguy cơ mắc bệnh này tăng cao 10 lần, theo trang tin New Kerala.
Ảnh: AFP
Kết quả nghiên cứu, vốn cũng cho thấy rủi ro tăng đến 20 lần ở những người trong độ tuổi từ 10-19, được rút ra từ quá trình phân tích mẫu máu của hơn 6.000 hộ gia đình có tiếp xúc với người nhiễm lao ở Lima (Peru).
Các chuyên gia thuộc Trường Y Harvard (Mỹ) nhận định mối liên hệ mạnh mẽ giữa hai nhóm người nói trên cho thấy việc bổ sung vitamin A có thể là một phần quan trọng trong việc kiểm soát sự lây lan của bệnh lao, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới.
Các tác giả cho rằng nếu mối liên hệ được xác định trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng về việc bổ sung vitamin A, hẳn đây sẽ là bằng chứng mạnh mẽ ủng hộ cho việc sử dụng cách tiếp cận này nhằm ngăn ngừa bệnh lao ở người có rủi ro cao.
Chuyên gia Megan Murray thuộc nhóm nghiên cứu nói rằng sẽ thật thú vị khi nghĩ đến việc một giải pháp đơn giản và rẻ tiền như bổ sung vitamin A, còn gọi là retinol, vào chế độ ăn có thể trở thành công cụ mạnh để ngăn ngừa bệnh lao.
Cuộc nghiên cứu bắt đầu với những người đến khám bệnh ở một trong 106 bệnh viện và phòng khám ở Lima. Khi một bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lao, gia đình của người đó được liên lạc để thăm dò xem họ có muốn tham gia cuộc nghiên cứu hay không. Những người đồng ý được yêu cầu cung cấp mẫu máu.
Trong số hơn 6.000 người tham gia và đồng ý cung cấp mẫu máu để phân tích, có 258 người mắc bệnh lao. Trong số này, 192 mắc bệnh sau khi đăng ký tham gia nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh 180 mẫu máu được thu thập từ những người mắc bệnh trong thời gian đó với mẫu máu của những đầu mối liên lạc trong gia đình không mắc bệnh. Những người tham gia được theo dõi thường xuyên trong 1 năm sau đó để tầm soát các triệu chứng của bệnh.
Tình trạng thiếu hụt vitamin A, được xác định là dưới 200 microgram/lít máu, làm tăng rủi ro mắc bệnh lao lên thêm 10 lần.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san Clinical Infectious Diseases.
Video đang HOT
Quyên Quân
Theo Thanhnien
7 bệnh nguy hiểm do thiếu vitamin
Vitamin là những chất cần thiết cho cơ thể. Chỉ cần một lượng nhỏ nhưng nó giúp cho các phản ứng chuyển hóa, duy trì sự phát triển bình thường của cơ thể.
Ảnh minh họa
Khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin sẽ gây ra một số rối loạn và sinh bệnh.
Bệnh tê phù do thiếu vitamin B1
Căn bệnh này có tên là Beriberi, xuất hiện khi cơ thể thiếu nước nghiêm trọng trong khoảng 3 tháng. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị teo cơ gây liệt 2 chân, thậm chí chết vì suy tim. Triệu chứng của Beriberi lúc đầu âm thầm, không rõ nét nên ít người chú ý. Người bệnh thường chỉ thấy mệt mỏi, chân đi nhanh mỏi và có cảm giác nặng ở bắp chân. Nếu không được điều trị bệnh sẽ bị nặng dần. Căn bệnh này chủ yếu xuất hiện ở châu Á trong một thời gian dài và gần như là căn bệnh độc quyền cho các thành viên gia đình giàu có. Mặc dù được công nhận là căn bệnh do thiếu hụt dinh dưỡng nhưng tại sao lại xuất hiện ở những người giàu có luôn có lượng thức ăn phong phú, dồi dào.
Nguyên nhân bởi ăn gạo xay xát quá kỹ đồng thời chưa chú ý đến việc ăn thêm các thực phẩm giàu vitamin B1 như đậu, đỗ, vừng, lạc, rau, quả. Nếu chỉ ăn cơm là chủ yếu, ít dùng các thực phẩm khác thì cũng dễ bị tê phù vì lượng gạo chúng ta ăn hằng ngày chỉ cung cấp khoảng 50% nhu cầu vitamin B1 của cơ thể.
Thiếu vitamin gây nhiều bệnh nguy hiểm.
Nứt da do thiếu vitamin B3
Sau khi khám phá ra châu Mỹ, ngô được những người di cư trồng khắp nơi, người ta ăn ngô chủ yếu trong các bữa ăn thay thế các loại ngũ cốc khác nhưng diện tích ngô càng lan rộng bao nhiêu thì căn bệnh nứt da càng xuất hiện nhiều bấy nhiêu.
Các triệu chứng của bệnh bao gồm tiêu chảy, viêm da, mất trí cuối cùng là thiệt mạng. Sau cái chết của hàng ngàn người, các chuyên gia phát hiện ngô có hàm lượng cao carbohydrate nhưng thiếu trầm trọng vitamin B3 (niacin).
Vitamin B3 là thành phần của hai loại enzym cần thiết cho sự hô hấp của các tế bào, giúp chất đạm, chất béo, carbohydrate sản xuất năng lượng, cần thiết cho sự tăng trưởng cơ thể, giúp giảm cholesterol.
Thiếu vitamin B3 có thể dẫn tới chứng viêm da, da bị sưng, tróc vảy, nhất là ở phần da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc chấn thương, viêm miệng và lưỡi sưng đỏ. Bệnh được chữa bằng các loại thuốc có chứa axit nicotinic. Niacin có nhiều trong thực phẩm gốc động vật như gan, thận, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, sữa, ngũ cốc, cơm gạo.
Phát ban, rụng tóc do thiếu Biotin
Thiếu Biotin hay còn gọi là vitamin B7 gây ra chứng phát ban, rụng tóc, thiếu máu, một số bệnh triệu chứng về thần kinh như ảo giác, buồn ngủ và trầm cảm. Vitamin B7 có trong thịt, sữa, gan, lạc và một số loại rau.
Tình trạng thiếu biotin ngày nay khá hiếm nhưng lại khá phổ biến ở những người tập thể hình hay ăn trứng sống. Nguyên nhân do một loại protein trong lòng trắng trứng sống liên kết với vitamin B7 khiến cơ thể khó tiêu thụ dẫn đến thiếu biotin.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyên phụ nữ mang thai nên bổ sung vitamin B7 vì nhu cầu về loại vitamin này trong thai kỳ cao hơn bình thường.
Viêm lợi, chảy máu chân răng do thiếu vitamin C
Bệnh Scorbut là bệnh do thiếu vitamin C gây ra thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Ở người lớn, bệnh có biểu hiện viêm lợi, chảy máu chân răng, đốm xuất huyết, tụ máu dưới màng xương, tăng sừng hóa nang lông.
Ở trẻ em, chế độ ăn không hợp lý rất dễ dẫn đến thiếu vitamin C gây chảy máu dưới màng xương, nhất là chi dưới. Có thể chữa bệnh này bằng cách bổ sung vitamin C quan các loại rau cải, rau muống, rau cần, các loại trái cây như táo, cam quýt, chanh, bưởi.
Bệnh còi xương do thiếu vitamin D
Còi xương là nguyên nhân chính khiến cho cơ bắp và xương trở nên mềm hơn thậm chí gây ra dị tật vĩnh viễn ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Trẻ bú sữa mẹ cũng có nguy cơ còi xương cao nếu mẹ không nhận đủ ánh nắng mặt trời để hấp thụ vitamin D hoặc canxi.
Người lớn hiếm khi bị còi xương vì xương của họ không phát triển và không cần nhiều canxi. Vitamin D có trong nhiều loại thực phẩm nhưng cơ thể chỉ có thể sử dụng được nếu nó được chuyển thành dạng tích cực thông qua ánh sáng mặt trời.
Thiếu vitamin K gây chảy máu không kiểm soát
Gần một nửa số trẻ sơ sinh trên toàn thế giới thiếu vitamin K. Trong trường hợp nặng nó gây ra chảy máu không kiểm soát được hay kém phát triển khuôn mặt và xương nên nhiều bệnh viện đã tiến hành tiêm vitamin K cho trẻ ngay khi sinh.
Vitamin K có nhiều trong các loại rau có màu xanh đậm nhưng cần phải có vi khuẩn đường ruột sản xuất ra nó. Trẻ sơ sinh chưa phát triển vi khuẩn đường ruột nên dễ dẫn đến tình trạng thiếu vitamin K.
Tình trạng thiếu vitamin K còn phát hiện ở người nghiện rượu, người ăn kiêng nghiêm ngặt hay bệnh xơ nang. Người hay có vết bầm tím hoặc chảy máu dễ dàng nguyên nhân có thể do thiếu hụt vitamin K
Quáng gà do thiếu hụt vitamin A
Người Ai Cập và Hy Lạp cổ đại từng bàn về bệnh quáng gà tức là chứng giảm thị lực khi ánh sáng yếu hoặc khi hoàng hôn. Người Ai Cập phát hiện ra rằng họ có thể chữa khỏi cho người mắc quáng gà bằng cách ăn gan.
Ngày nay, các nhà khoa học lý giải trong gan gà có chứa rất nhiều vitamin A và thiếu hụt nghiêm trọng vitamin A chính là nguyên nhân gây bệnh quáng gà. Ngoài ra, trong cà rốt cũng có chứa nguồn vitamin A rất dồi dào.
Căn bệnh quáng gà này ảnh hưởng đến 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi trên Trái đất, kết quả là hơn nửa triệu người chết mỗi năm. Tuy nhiên, vitamin A liều cực cao lại gây ra biến chứng về sức khỏe.
Theo Huệ Minh / Sức Khỏe & Đời Sống
Làm thuốc từ quả xoài Xoài là loại trái cây tốt cho da vì có hàm lượng vitamin A cao, giúp kích thích quá trình tuần hoàn máu, giúp da mịn màng hơn. Mùa nắng nóng cũng là mùa nhiều trái cây chín, cung cấp cho những trái cây đẹp mắt, ăn ngon, bổ dưỡng... trong đó có quả xoài. Xoài còn là món ăn bài thuốc hỗ...