Thiếu sự quan tâm của người lớn, học sinh tự hủy hoại mình
Từ phỏng vấn thực tế, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Sư phạm TPHCM lọc ra được 280 học sinh từ 1.000 khách thể là học sinh THCS ở TPHCM và Bình Dương có hành vi tự hủy hoại bản thân bằng nhiều cách trong đó gồm tự bứt tóc, tự cắn, đập đầu, rạch tay, thậm chí có ý định tự tử…
Học sinh tự hủy hoại ở nhà
Từ nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài khoa học cấp Bộ về “Hiện tượng hủy hoại bản thân của học sinh (HS) THCS và biện pháp phòng ngừa do PGS. TS Huỳnh Văn Sơn làm chủ nhiệm đã cho thấy HS THCS có hành vi tự hủy hoại bản thân (THHBT) khá sớm thậm chí ngay thời thơ ấu.
Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì khiến học sinh THCS có thể thực hiện hành vi THHBT từ cấp 2 (ảnh minh hoạ)
Đơn cử như có đến 103 em (36,8%) đã thực hiện hành vi THHBT từ rất lâu đến mức không nhớ rõ. Em N.V.B khi phỏng vấn chia sẻ rằng “t ừ nhỏ em đã có thói quen lột lớp da tay ở đầu ngón tay khi cảm thấy khó chịu trong một số tình huống như khi bị cô giáo la… Có thời điểm hai bàn tay em trở nên rất nghiêm trọng và mẹ em phải đưa đến bệnh viện khám. Nhưng sau đó em vẫn tiếp tục thực hiện khi quá căng thẳng”.
Theo nhóm nghiên cứu, điều này cho thấy thời gian bắt đầu thực hiện hành vi THHBT phản ánh sự khó khăn, áp lực trong đời sống tinh thần của HS ngay từ thời thơ ấu.
Có đến 65 em HS (23,2% – gần mẫu) cho rằng đã thực hiện hành vi này từ đầu năm lớp 6. Có những tâm lý nằm trong vô thức khi có tác nhân “kích thích” thì cá nhân có nguy cơ thúc đẩy thực hiện những hành vi THHBT. Đặc biệt, với tuổi dậy thì thì đầy biến động, sự thay đổi về mặt sinh lý đi kèm với sự thích ứng với mối quan hệ bạn bè, phương pháp học tập khác với bậc tiểu học và đặc biệt khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì khiến HS THCS có thể thực hiện hành vi THHBT từ cấp 2.
Qua phỏng vấn, HS D. cho biết: “ Em bị bạn bắt nạt vào đầu lớp 6, em không biết làm sao, em cảm thấy rất buồn bã, tuyệt vọng, có lúc em đã tự đấm đầu mình vào tường, hành vi đó vẫn tiếp tục đến khi bố mẹ phát hiện em bị bạo lực và nhờ nhà trường can thiệp“.
Tiếp theo, có 28,9% (gần 1/3 mẫu) đã thực hiện hành vi THHBT khoảng một năm trở lại đây. Đây là dữ liệu rất cần được quan tâm, bởi vì nếu được can thiệp sớm có thể giúp HS giảm thiểu sự tổn thương về mặt thể chất và giảm nguy cơ gia tăng mức độ THHBT ở mức nghiêm trọng hơn.
Bản thân HS cũng nhận diện được rằng mình có hành vi THHBT từ rất sớm nhưng không hề tìm sự giúp đỡ hoặc không biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ. Theo nhóm nghiên cứu đề tài, điều này minh chứng rằng gia đình, nhà trường chưa thật sự quan tâm đến đời sống tinh thần của HS, không nhận diện và phát hiện những dấu hiệu hành vi THHBT của con em mình để can thiệp, giúp đỡ kịp thời. Nếu tiếp tục tiếp diễn, hành vi THHBT của HS sẽ ngày càng có chiều hướng tăng dần, có thể dẫn đến mức độ nặng, gây hậu quả nghiêm trọng đối với HS.
Mặc dù hiện nay một số phụ huynh đã có sự quan tâm hơn đối với những chuyển biến tâm lý đầy phức tạp của HS THCS nhưng con số còn hạn chế. Kết quả phỏng vấn, HS C. cho biết: “ Bố mẹ rất bận rộn với công việc và rất ít khi tâm sự với em, em thì không hòa nhập được khi chuyển trường nên cảm thấy rất cô đơn. Người bạn thân nhất của em có lẽ là mạng xã hội và game”.
Video đang HOT
Từ kết quả khảo sát cho thấy có tới 214 (76,4%) HS cho biết nhà là địa điểm thực hiện hành vi THHBT của mình. Em M.Đ.N cho biết “Em thường bứt tóc ở nhà. Vì khi ở nhà em cảm thấy rất buồn, em cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình, mỗi lần như vậy em hay bứt tóc”. Đây là một hồi chuông nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò, trách nhiệm gia đình, đặc biệt là của bố mẹ trong việc nhận diện và phát hiện kịp thời con em có dấu hiệu hành vi này.
Gần 50% phụ huynh la mắng khi HS có hành vi hủy hoại bản thân
Ngoài ra, có đến 208 HS (74,3%) tiết lộ hành vi THHBT của mình với bạn bè nhưng luôn muốn tách khỏi người lớn, muốn cùng trao đổi những vấn đề thầm kín riêng tư mà trong quan hệ của người lớn các em ít đạt được.
Nhiều học sinh khá, giỏi lại có xu hướng thực hiện các hành vi tự huỷ hoại bản thân (ảnh minh hoạ)
Bên cạnh đó, đáng lo ngại chỉ có 4 HS (chiếm 1,4%) thừa nhận tiết lộ tình trạng của mình với thầy cô. Bởi lẽ, giáo viên hiện nay vừa phải quan tâm đến chuyên môn, đến vấn đề giảng dạy trên lớp thì khó có thời gian, tâm trí thật sự quan tâm đến đời sống tinh thần của HS.
Em T.V.A. cho biết: “Tiết sinh hoạt chủ nhiệm là tiết học kinh khủng nhất đối với tụi em. Mọi lỗi trong tuần đều mang ra xét xử, không khí vô cùng nặng nề, tụi em cảm thấy áp lực lắm!”. Cả một tuần các em đã rất mệt mỏi với các môn học, thế nhưng các em còn mệt mỏi hơn khi giờ sinh hoạt biến thành “giờ xử án”. Theo nhóm nghiên cứu, thay vì tạo thêm áp lực, các thầy cô giáo nên cân nhắc sử dụng giờ sinh hoạt để chăm sóc tinh thần cho các em.
Tương tự, có 54 em thừa nhận tiết lộ hành vi tự hủy hoại với bố mẹ nhưng lại có tới 176 em (chiếm 62,9%) che giấu với bố mẹ. Mâu thuẫn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đôi khi có em muốn tiết lộ nhưng lại cảm thấy bố mẹ và người lớn chưa thật sự hiểu mình nên chưa mạnh dạn tiết lộ. Nguyên nhân thứ hai có thể các em từng tiết lộ nhưng chưa nhận được sự đồng cảm cần thiết để giúp các em vượt qua khó khăn tâm lý. Như em N.N.D. cho biết: “ Mỗi lần em tâm sự với bố về áp lực học tập, áp lực từ thầy cô ở trường thi bố lại mắng em viện dẫn cho việc lười học. Rồi sau này em không muốn tâm sự gì với bố cả”.
Bên cạnh đó, theo khảo sát cũng cho thấy có tới 133 HS (chiếm 47,5%) cho biết gia đình la mắng khi HS có hành vi tự hủy hoại bản thân; có 77 HS, chiếm 27,5% cho biết ba mẹ nhắc nhở khi em có hành vi này.
Theo các chuyên gia, chính sự khác biệt về nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử đã khiến HS có xu hướng che giấu vấn đề của mình với bố mẹ. Điều này không những dẫn đến nguy cơ nặng nề và hệ lụy mà còn làm cho bố mẹ và con cái có lằn ranh sâu hơn nữa trong quan hệ gia đình.
Còn L.V.K. chia sẻ: “ Em rất muốn mình thoát khỏi cảm giác mệt mỏi và chán chường này. Em biết thực hiện hành vi này là nguy hiểm nhưng việc dừng lại không dễ chút nào. Những lúc cha mẹ tranh cãi, em luôn bị thôi thúc hãy rạch tay đi. Em không hiểu vì sao luôn có một tiếng nói thôi thúc em thực hiện…“.
Cần quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần của con
Từ những số số liệu khảo sát, nhóm nghiên cứu cho rằng nếu được can thiệp sớm thì có thể giúp HS giảm thiểu sự tổn thương về mặt thế chất, giảm sự gia tăng ở mức độ nghiêm trọng hơn
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất 3 biện pháp phòng ngừa. Trong đó, nâng cao nhận thức về hành vi tự hủy hoại bản thân cho HS, giáo viên và cả chuyên viên tham vấn học đường. Bên cạnh đó, cần tổ chức các chuyên đề kỹ năng sống lồng ghép nhằm phát triển năng lực ứng với với hành vi này ở người học. Ngoài ra, có thể xây dựng hệ thống kiến thức và bài tập hướng dẫn HS THCS có dấu hiệu hủy hoại bản thân được điều chỉnh trạng thái tâm lý và đối phó với các chất kích thích của hành vi này.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất phụ huynh cần quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần của con cái, đặc biệt là những biểu hiện thái độ, hành vi bất thường của con (bỏ bữa, ít giao tiếp, hay cáu gắt…) từ đó có những tác động hay sự ứng xử phù hợp.
Người làm cha mẹ cân nhắc các biện pháp can thiệp có hiệu quả khi con mình có biểu hiện hành vi này, hoặc phối hợp với nhà trường và các chuyên viên tư vấn tâm lý, tôn trọng, đồng cảm với nhu cầu độc lập, bình đẳng của con cái.
Phụ huynh nên tránh tạo áp lực, tổn thương đến đời sống tâm lý của con, biết động viên, khen ngợi và khích lệ từng hành vi và sự tiến bộ, trưởng thành của con trong học tập và cuộc sống, khuyến khích và động viên con cái tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, tạo điều kiện cho con phát huy khả năng hay tiềm lực và hứng thú trong điều kiện cho phép để tạo ra sự cân bằng tâm lý.
Gia đình cần phối hợp tích cực với nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, trong vấn đề chăm sóc tinh thần cho con cũng như giáo dục con cái tuổi vị thành niên hiệu quả.
Lê Phương
Theo Dân trí
Nhiều học sinh THCS có biểu hiện tự hủy hoại bản thân
Từ 1.000 học sinh ngẫu nhiên, nhóm nghiên cứu Đại học Sư phạm TP HCM sàng lọc được 280 em có hành vi tự đầu độc; tự cắn, cào, đánh mình...
Chiều 12/11, Đại học Sư phạm TP HCM tổ chức họp hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ mang tên Hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh trung học cơ sở và biện pháp phòng ngừa. Đề tài do PGS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng đại học này, làm chủ nhiệm.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Sơn nói "tự hủy hoại bản thân" là những hành vi tự làm tổn thương, làm mình đau đớn, mệt mỏi với các dấu hiệu cụ thể về mặt thể xác và lâm sàng. Nhiều khi chính chủ thể cũng không nhận ra hay không cảm nhận một cách cụ thể.
Học sinh TP HCM ôn bài trước kỳ thi. Ảnh: Mạnh Tùng.
Nhóm thực hiện đã tiến hành điều tra hơn 1.000 học sinh tại 7 trường THCS ở TP HCM và Bình Dương trong hai năm (6/2016-6/2018), từ đó sàng lọc được 280 trường hợp có biểu hiện tự đày đọa bản thân. Nhóm còn phỏng vấn cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh của các trường có học sinh được khảo sát để bổ trợ thông tin.
Các hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh lứa tuổi này như tự cắt xén, bứt tóc; tự khắc lên da thịt; tự đầu độc; tự cắn, cào, đánh đấm mình... Trong sinh hoạt hằng ngày, học sinh thường không quan tâm đến sức khỏe bản thân bởi không cảm thấy mình có giá trị. Ngoài ra, họ có thể ăn quá nhiều để an ủi chính bản thân, chán ăn hoặc bỏ bữa, tuyệt thực, thức khuya, lạm dụng chất kích thích, lạm dụng thuốc ngủ.
Về nhận thức, những biểu hiện hành vi tự hủy hoại bản thân đáng lưu ý như: "với tôi cuộc sống rất khắc nghiệt, khó khăn"; "nghi ngờ bản thân và khả năng mặc dù biết bản thân là người có năng lực"; "tôi nghĩ mình không đáng để sống; tôi ước rằng mình không bao giờ được sinh ra".
Về biểu hiện hành vi trên trong thái độ, một số biểu hiện thường có như "tôi đau khổ trong im lặng"; "cảm thấy căng thẳng, lo lắng và thất vọng mà không hiểu lý do khi cố gắng làm điều quan trọng nhất với bản thân"; "tôi cảm thấy ray rứt sau khi thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân".
Đánh giá chung mức độ hành vi tự hủy hoại bản thân, mức độ có dấu hiệu, mức độ nhẹ và trung bình chiếm phần lớn các trường hợp được điều tra, song có hai người ở mức độ nặng và rất nặng. "Với 280 em có biểu hiện mà có hai em ở mức độ nghiêm trọng là đáng báo động", ông Sơn đánh giá
Về nguyên nhân, nghiên cứu cho thấy không phải các em bị sức ép từ gia đình, xã hội mà chính các em kỳ vọng quá cao về mình. Một số em bị bạn bè công kích, ép buộc hoặc bắt chước theo trào lưu tôn thờ cảm xúc.
Chủ nhiệm đề tài này cho rằng, hiện tỷ lệ gặp phải những rối loạn tâm thần học đường ngày càng cao.
"Học sinh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn tâm lý trong việc lựa chọn những giá trị của thời đại. Vì vậy, học sinh tuổi dậy thì có những hành động tự tổn hại, tự dày vò mình trở thành một biểu hiện đáng xem xét", ông Sơn cho hay.
Mạnh Tùng
Theo VNE
Chưa nơi nào đủ điều kiện tổ chức thi chứng nhận ngoại ngữ quốc gia! Sau nhiều tiêu cực liên quan đến việc cấp chứng nhận Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN, hiện cả nước vẫn chưa có đơn vị nào được Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng nhận này. Thông báo của các trường ĐH xung quanh việc tổ chức thi và cấp chứng nhận ngoại ngữ quốc gia...