Thiếu phòng học để áp dụng chương trình, SGK mới
Mỗi môn học sẽ lựa chọn 2 giáo viên cốt cán/địa phương để đào tạo trước, rà soát lại số phòng học, trang thiết bị thiếu để đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp ở bậc tiểu học nhằm áp dụng chương trình mới… là những điều kiện được lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề cập trong hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng, chương trình, SGK mới do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 20/1.
Để áp dụng chương trình, phải xây dựng thêm nhiều trường, phòng học mới.
Cơ sở lo chất lượng đội ngũ
Hiệu trưởng THCS giảng Võ, Ba Đình Đoàn Công Thạo cho rằng, trường đã tham gia dạy tích hợp nhiều năm nay. Tuy nhiên, khi tìm hiểu chương trình mới ông có nhiều băn khoăn, bởi ông thấy chương trình chưa thực sự giảm tải. giảm tải là làm sao giảm các dạng bài quá khó để học sinh có thời gian học thực hành. Ở môn KHTN mới, chương trình 4 tiết/ tuần với tổng thời lượng cho 4 năm học là 595 tiết, chỉ giảm hơn chương trình hiện hành 35 tiết thì không gọi là giảm tải. Ông Thạo cho rằng, học sinh THCS ở độ tuổi 11-15 nên tăng nội dung học trải nghiệm. “Hơn nữa, với cách ghép kiến thức các môn đứng cạnh nhau thì tình hình giáo viên Vật lý không đơn giản mà dạy được cả Hóa học và Sinh học”, ông nói.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức đánh giá chương trình đáp ứng được nhu cầu giáo dục trong giai đoạn mới, đặc biệt là việc biên soạn các môn học phù hợp, tăng hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn phần phẩm chất, năng lực và các yêu cầu cần đạt phải xem lại bởi phải tính đến việc cân bằng học sinh các vùng miền khác nhau. Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên cũng cần được chủ động triển khai sớm tránh việc vừa chạy vừa xếp hàng.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng giáo dục quận Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng, ông không lo chất lượng, trình độ giáo viên khi áp dụng chương trình, SGk mới mà lo giáo viên không nhiệt tình thực hiện. Trong khi để thực hiện, phải bắt nguồn từ cơ sở. Vì vậy, phải tập huấn, đào tạo làm sao để giáo viên hiểu cần đổi mới và đổi mới thực hiện như thế nào rất quan trọng. Ông Vũ cũng cho rằng, từ đây đến khi áp dụng chương trình đổi mới từ lớp 1 không còn nhiều thời gian, vì vậy cơ sở cần được hướng dẫn rõ về việc thay đổi cơ sở vật chất, cụ thể các phòng học chức năng cần đáp ứng tiêu chí nào để sớm có tham mưu, triển khai.
Trong khi đó, nhiều hiệu trưởng khác đều bày tỏ băn khoăn về việc đào tạo đội ngũ giáo viên để áp dụng chương trình đổi mới từ nay đến khi triển khai được triển khai theo lộ trình nào.
Thiếu nhiều phòng học
Video đang HOT
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, điều kiện đầu tiên để thực hiện chương trình đổi mới chính là sự đồng thuận đổi mới của giáo viên. Ngoài ra, các đơn vị rà soát, triển khai cơ sở vật chất đảm bảo sĩ số học sinh 35 em/ lớp đối với tiểu học, 45 em/lớp đối với THCS để thực hiện nội dung dạy học mới theo hướng làm việc nhóm. Theo khảo sát, cả nước hiện có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó có gần 420 nghìn phòng học (đạt tỉ lệ 77,1% phòng học kiên cố). Tuy nhiên, các điều kiện về phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học, thư viện hiện chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ông Phạm Hùng Anh, Phó cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) thông tin, tỷ lệ học sinh trên lớp trung bình của Hà Nội hiện nay đông, vượt quy định sĩ số học sinh/lớp của Bộ GD&ĐT với con số 40 em trên lớp, trong khi tỉ lệ này ở Hải Phòng là 34 em/lớp, Cần Thơ 32 em/lớp.
Tỷ lệ phòng học bộ môn cũng khá khiêm tốn, trung bình phòng học bộ môn THCS đạt 3 phòng trên 1 trường. Cấp THPT đạt 5 phòng/trường, trong đó tỷ lệ phòng học bộ môn đáp ứng đạt 70%, cơ bản trên 50%.
Theo ông Hùng Anh, khi triển khai áp dụng chương trình mới với quan điểm sẽ xây dựng chương trình phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có. Tuy nhiên, cấp tiểu học sẽ áp dụng dạy 2 buổi/ngày và đẩy mạnh nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh với có một số môn học tự chọn. Vì vậy, sơ sở tính toán để bố trí đủ phòng học trên lớp, bổ sung thêm các phòng học. Cấp THCS, phải có phòng học tự chọn, tối thiểu 0,6 phòng học/lớp ở cả bậc THCS và THPT.
Về thiết bị dạy học tối thiểu, cũng cần rà soát, bố trí sử dụng lại hệ thống cơ sở vật chất có hiệu quả. “Như môn Vật lý, năm nay theo chương trình mới phần quang hình chuyển xuống dạy ở cấp THCS, thì toàn bộ các trang thiết bị quang hình trong chương trình THPT sẽ chuyển xuống THCS. Hiện nay cơ sở của các nhà trường rất khó khăn nên sẽ ưu tiên cho những trường nhiều trang thiết bị dạy học”, ông Hùng Anh nói.
Đào tạo giáo viên cuốn chiếu
Nói về kế hoạch đào tạo đội ngũ, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay bộ đã lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cụ thể để cùng Sở GD&ĐT bồi dưỡng giáo viên. Trong đó, các cơ sở đào tạo sẽ đào tạo giáo viên dạy các môn theo chương trình môn học mới ví dụ như: KHTN, KHXH, Lịch sử và Địa lý….
Ông Minh cho biết, bộ thực hiện bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình lựa chọn giáo viên cốt cán bồi dưỡng trước. Theo đó, mỗi môn học sẽ có 2 giáo viên được lựa chọn/ tỉnh/ thành phố để bồi dưỡng cốt cán khoảng 8 ngày vào kỳ 2 năm 2019. Địa phương chọn giáo viên có độ tuổi đảm bảo để có thể đi hết cấp học, không chọn giáo viên gần về hưu. Sau đó, bộ sẽ tổ chức bồi dưỡng giáo viên đại trà qua mạng.
Ngoài ra, Bộ cũng lên kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp. Theo tính toán, mỗi giáo viên sẽ phải học thêm 20 tín chỉ (mỗi tín chỉ 15 tiết) để dạy tích hợp. Khi đó, giáo viên Lịch sử có thể dạy cả Địa lý và ngược lại.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, Bộ nên sớm có chương trình bồi dưỡng khung và chương trình chi tiết để các đơn vị có phương án triển khai. Đặc biệt, Hà Nội có lượng giáo viên đông đảo mà chọn bồi dưỡng cốt cán 2 người/ bộ môn thì rất khó để triển khai đại trà.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, để áp dụng chương trình, SGK mới cần đầu tư xây mới khoảng 57.084 phòng học các cấp. Riêng phòng học bộ môn, cấp THCS ước tính thiếu khoảng 10.224 phòng, cấp THPT thiếu khoảng 3.195 phòng. Cần bổ sung thêm gần 28.000 thư viện, 156.000 thiết bị dạy học các môn…
Theo TPO
Lo thiếu cơ sở vật chất, giáo viên khi áp dụng Chương trình GDPT mới
Để áp dụng chương trình, SGK mới, cần tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, trong đó, phải phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương.
Viêc áp dụng chương trình, SGK mới phải căn cứ phù hợp với từng địa phương (Ảnh: KT).
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Trong đó, các cơ sở giáo dục (đặc biệt ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) hiện còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm thời và phải đi thuê, mượn các cơ sở bên ngoài. Số phòng học kiên cố đạt tỷ lệ 77,1%.
Hiện thiết bị dạy học tối thiểu ở cấp tiểu học là 56%, cấp THCS là 55%, cấp THPT là 58%. Số lượng thiết bị phòng học bộ môn mới chỉ đáp ứng được khoảng 68% nhu cầu giảng dạy.
Ngoài ra, các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị dạy học ngoại ngữ hiện còn thiếu và khá khiêm tốn, chưa thể đáp ứng được khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Cơ sở vật chất cấp tiểu học còn khá khiếm tốn.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết: Hiện các trường học trên địa bàn chưa đáp ứng đầy đủ các phòng học để đảm bảo học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học. Các trường THCS, THPT còn thiếu phòng học bộ môn để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
"Chúng tôi đề nghị thành phố quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông. Theo chương trình này, đề nghị cần có sự điều chỉnh, thống nhất trong việc xây dựng các phòng học", bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Ông Phạm Hùng Anh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Quan điểm xây dựng chương trình, SGK mới cần phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý. Cụ thể, với cấp tiểu học dạy 2 buổi/ngày, triển khai dạy tin học và ngoại ngữ từ lớp 3 cấp tiểu học và đẩy mạnh nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh và có một số môn học tự chọn.
Bên cạnh đó, phải bố trí đủ phòng học trên lớp, bổ sung thêm các phòng học máy tính và ngoại ngữ cho cấp tiểu học, đảm bảo điều kiện tối thiểu thiết bị dậy học. Với cấp THCS, THPT, phải đảm bảo tỷ lệ phòng học trên lớp để thực hiện giảng dạy một số môn tự chọn.
Về thiết bị dạy học tối thiểu, ông Phạm Hùng Anh cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho các cấp học, môn học trước thời điểm áp dụng chương trình mới, tối thiểu 10 tháng để có đủ điều kiện, thời gian chuẩn bị trang bị.
"Như môn Vật lý, năm nay theo chương trình mới phần quang hình không dạy ở cấp THPT mà sẽ chuyển xuống dạy cấp THCS và trong môn KHTN, toàn bộ các trang thiết bị quang hình trong chương trình THPT sẽ rà soát, sắp xếp điều chuyển về cấp THCS. Đối với các trường THCS hiện nay vẫn đang tồn tại hệ thống các phòng học bộ môn cho từng môn như Lý, Hóa, Sinh. Sắp tới hệ thống phòng học bộ môn ở cấp THCS sẽ được tích hợp lại thành những phòng học bộ môn KHTN, trong đó bao gồm cả Lý, Hóa, Sinh", ông Phạm Hùng Anh, Phó Cục trưởng phụ sách Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ GD-ĐT) nói.
Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đề xuất các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương để thực hiện Đề án; hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Rà soát, điều chỉnh các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường, lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và điều kiện thực tế của các địa phương: Tiêu chuẩn thiết kế xây dựng trường học, Điều lệ trường học, các quy định về công nhận trường chuẩn quốc gia,... Xây dựng, ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với từng cấp học, môn học và rà soát, xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất trường học giai đoạn 2021 - 2025./.
Theo VOV
Chương trình, SGK mới môn Lịch sử: Giảm học thuộc lòng, không cần nhớ số máy bay rơi GS Phạm Hồng Tung - Chủ biên chương trình môn Lịch sử - cho rằng, nếu dạy Lịch sử theo cách áp đặt một chiều thì chính ông cũng sợ chứ không riêng học sinh. Vì thế, trong chương trình mới, Ban soạn thảo đã xây dựng môn Lịch sử theo hướng mở, giảm tối đa việc học sinh phải học thuộc lòng...