Thiếu hơn 1.700 biên chế, ngành giáo dục Kon Tum linh hoạt giải pháp khắc phục
Cận kề năm học mới, đến nay các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn thiếu hơn 1.700 chỉ tiêu biên chế giáo viên, lãnh đạo quản lý và nhân viên.
Kon Tum thiếu hơn 1700 chỉ tiêu biên chế giáo dục
Cách ngày tựu trường chỉ còn ít ngày nữa, tuy nhiên đến thời điểm này, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn thiếu hơn 1.700 chỉ tiêu biên chế giáo viên, lãnh đạo quản lý và nhân viên.
“Chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh còn thiếu so với định mức quy định, cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số bộ môn cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông của các địa phương thuộc tỉnh, nhất là môn Ngoại ngữ, Tin học nên rất khó khăn trong công tác triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018″, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum chia sẻ khó khăn về đội ngũ giáo viên hiện nay.
Học sinh tại huyện Đăk Glei (Kon Tum). Ảnh: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Huỳnh Thời – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, tại văn bản số 1661/UBND-NC ngày 31/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, kế hoạch số lượng người làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 12.767 chỉ tiêu.
“Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được tỉnh đặc biệt quan tâm, tăng cường về cả số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn ngành có 11.173 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; trong đó cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có 942 người, giáo viên có 9.303 người, nhân viên có 928 người. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu dạy học năm học mới 2022-2023, hiện nay các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập toàn tỉnh vẫn thiếu 1.722 chỉ tiêu biên chế”, ông Thời chia sẻ.
Theo đó, hiện nay cấp mầm non thiếu hơn 705 chỉ tiêu (gồm 11 cán bộ quản lý, 641 giáo viên và 53 nhân viên); cấp tiểu học thiếu 477 chỉ tiêu (gồm dư 9 cán bộ quản lý, thiếu 332 giáo viên và 154 nhân viên); cấp trung học cơ sở thiếu 497 chỉ tiêu (gồm 11 cán bộ quản lý, 158 giáo viên, 328 nhân viên); cấp trung học phổ thông thiếu hơn 40 chỉ tiêu, chủ yếu là nhân viên.
Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 thực hiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên đến hiện nay đội ngũ giáo viên tiếng Anh, Tin học hiện có vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy theo yêu cầu của chương trình.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, nguồn giáo viên tiếng Anh và Tin học tuyển dụng chưa đủ đáp ứng so với chỉ tiêu cần tuyển.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, tổng số giáo viên dự kiến tham gia dạy lớp 3, lớp 7 và lớp 10 năm học 2022-2023 là 2.767 giáo viên. Với đội ngũ hiện có, số giáo viên cấp tiểu học dạy môn Tin học còn thiếu là 53 người, số giáo viên dạy môn tiếng Anh còn thiếu là 57 người.
Đảm bảo 100% học sinh lớp 3 được học tiếng Anh từ năm học 2022-2023
Bên cạnh tiếp tục sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có quy mô nhỏ, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố để thực hiện tuyển dụng hết số lượng người làm việc được giao năm 2022 (gồm 391 chỉ tiêu biên chế giáo viên).
Để đảm bảo điều kiện dạy học cho năm học mới, ngoài các giải pháp trên, theo ông Huỳnh Thời, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đang tích cực chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên năm học 2022-2023. Cụ thể, chia sẻ với phóng viên, ông Huỳnh Thời cho biết:
“Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai thực hiện bố trí giáo viên đi đào tạo nâng chuẩn (theo Luật Giáo dục 2019);
Video đang HOT
Đào tạo trên chuẩn, văn bằng 2 nhằm giải quyết trường hợp thừa thiếu giáo viên cục bộ tại một số trường học, đào tạo sinh viên sư phạm để tạo nguồn tuyển dụng cho các cơ sở giáo dục vùng khó khăn.
Tỉnh Kon Tum dự kiến kế hoạch đào tạo năm 2022 sẽ nâng chuẩn 87 giáo viên, trên chuẩn 7 giáo viên; văn bằng 2 gồm 33 giáo viên, sinh viên sư phạm theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng là 31 sinh viên”.
Cũng theo ông Thời, hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã ban hành công văn gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đề nghị chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo rà soát, cử giáo viên tiếng Anh cấp trung học cơ sở trên địa bàn tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cấp tiểu học nhằm đảm bảo 100% lớp 3 được học tiếng Anh từ năm học 2022-2023.
Nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn về thiếu giáo viên được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đưa ra, trong đó chú trọng đến đội ngũ giáo viên dạy học Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Ảnh minh họa: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum
Cùng với việc triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, ông Thời cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số giải pháp quan trọng khác để chuẩn bị đội ngũ.
“Sở đã tham mưu kịp thời công tác tuyển dụng, hợp đồng bổ sung giáo viên, trong đó chú trọng những môn thiếu nhiều giáo viên như tiếng Anh, Tin học dạy từ lớp 3 cấp tiểu học; giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật dạy cấp trung học phổ thông. Điều động, chuyển công tác điều hòa giáo viên giữa nơi thừa, nơi thiếu, giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường thuộc quyền quản lý phân công giáo viên đến dạy tại các trường trên cùng địa bàn để giải quyết trường hợp còn thiếu giáo viên theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên tiếng Anh, Tin học cho năm học 2022-2023.
Cụ thể, Sở dự kiến sẽ bố trí giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đến dạy trường cùng cấp, giáo viên trung học cơ sở (được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiểu học) đến dạy trường tiểu học”, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum thông tin.
Đối với các trường Phổ thông Dân Tộc Nội trú huyện, trường cấp 2-3, ông Thời cho biết sẽ bố trí giáo viên trung học cơ sở các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục Quốc phòng – An ninh, Giáo dục Công dân, Tiếng Anh, Tin học (đã bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trung học phổ thông) dạy các lớp trung học phổ thông tại trường nếu cấp trung học phổ thông thiếu giáo viên, phân công đến dạy trường trung học phổ thông trên địa bàn.
Riêng đối với giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật dạy cấp trung học cơ sở tại các đơn vị trực thuộc đều phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy trung học phổ thông để đáp ứng nhu cầu dạy học tại đơn vị, điều phối đến dạy tại các trường trên địa bàn theo chỉ đạo của Sở, phân công của đơn vị.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cũng tập trung các giải pháp nhằm thực hiện tốt Đề án phát triển đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trưởng phòng tổ chức cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum nhấn mạnh thêm:
“Ngoài các giải pháp nêu trên, năm học mới này Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập; tăng cường đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại địa phương.
Đồng thời, thực hiện hợp đồng theo Nghị quyết 102 của Chính phủ, hợp đồng thỉnh giảng theo tiết nếu trường hợp các biện pháp điều động, chuyển công tác, điều hòa đội ngũ không thực hiện được”.
Thực trạng thiếu giáo viên so với định mức quy định các năm học qua đều xảy ra. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây cũng là bối cảnh chung của nhiều tỉnh thành khác, là bài toán khó đối với ngành giáo dục cả nước trước thềm năm học mới 2022-2023 đang đến gần.
Theo kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên của tỉnh Kon Tum, học sinh sẽ tựu trường vào ngày 29/8, khai giảng năm học 2022 – 2023 vào ngày 5/9.
Riêng đối với lớp 1 sẽ bắt đầu tựu trường vào ngày 22/8 năm 2022 để thực hiện “Tuần làm quen” và triển khai tăng cường Tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1, nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Giám đốc Sở Giáo dục Đà Nẵng nói gì về tình trạng thiếu giáo viên, phòng học?
Lãnh đạo ngành giáo dục Đà Nẵng khẳng định sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyển đủ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngày 26/5, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình "Hội đồng nhân dân với cử tri lần thứ 2", trong đó có nhiều ý kiến quan tâm đến thực trạng thiếu phòng học, giáo viên trên địa bàn thành phố.
Lo thiếu phòng học, giáo viên
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã bày tỏ lo lắng trước thực trạng thiếu phòng học, thiếu giáo viên ngay trước thềm năm học mới 2022-2023.
Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, đang phối hợp với sở, ngành liên quan để tổ chức thi tuyển giáo viên, bảm đảm đội ngũ cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: AN
Theo phản ánh của ông Phạm Hiền (Ủy viên Ban chấp hành hội khuyến học Đà Nẵng) thì trên địa bàn phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), một trong những phường có quy mô tốc độ gia tăng dân số đứng đầu thành phố thì số học sinh tăng nhanh, các trường trên địa bàn không đảm bảo số phòng để bố trí lớp học, và thiếu giáo viên đứng lớp.
Trong khi phường có 20 lô đất quy hoạch để xây dựng trường học nhưng chưa biết khi nào thì triển khai.
Ông Hiền dẫn chứng, tại Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) theo kế hoạch biên chế 85 giáo viên, nhưng hiện chỉ có 78 giáo viên, hợp đồng ngân sách là 4 giáo viên và hiện còn thiếu 3 giáo viên.
Tại Trường Tiểu học Trần Văn Dư chỉ tiêu phân bổ là 58 giáo viên, tuy nhiên hiện chỉ có 52 giáo viên, thiếu 6 giáo viên. Bên cạnh đó là cơ sở vật chất trường học không đáp ứng yêu cầu, phải mượn tạm các phòng chức năng.
Tại "điểm nóng" quận Liên Chiểu thì tình trạng thiếu phòng học, thiếu giáo viên được xem là nghiêm trọng nhất trên địa bàn thành phố.
Ông Huỳnh Sự - Chủ tịch Hội khuyến học quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho rằng, với việc tăng dân số nhanh thì hệ thống trường học của quận không đáp ứng được, đây là vấn đề bức xúc nhất.
"Trong khi các quận huyện khác của thành phố 100% học sinh được đi học 2 buổi/ngày thì chỉ có 75% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, chỉ có 5/13 trường có 100% học sinh học 2 buổi/ngày.
Trong khi đó, yêu cầu triển khai chương trình sách giáo khoa mới thì 100% học sinh được học 2 buổi/ngày .
Sự thiếu hụt trường lớp đã làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh. Nếu tình hình này còn kéo dài, chậm khắc phục thì ngành giáo dục đào tạo quận dù có cố gắng thì chất lượng cũng khó vươn lên, khó theo kịp yêu cầu triển khai sách giáo khoa mới hiện nay", ông Sự phản ánh.
Sẽ đảm bảo giáo viên dạy chương trình mới
Trả lời những bức xúc của cử tri, bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng xác nhận tình trạng thiếu phòng học và giáo viên trên địa bàn thành phố.
Đối với vấn đề khẩn trương bổ sung đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thì bà Thuận cho hay, hiện Ủy ban nhân dân các quận huyện cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch tuyển dụng và trong năm 2022 sẽ tiếp tục tuyển dụng thêm.
Qua đó, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên dạy học tại các trường trên địa bàn thuộc quận, huyện quản lý và các trường học thuộc Sở.
"Đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên tham gia giảng dạy ở các lớp thuộc chương trình mới đều được tập huấn và buộc phải tuyển đủ giáo viên để giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngành giáo dục phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện rà soát, phối hợp với Sở Nội vụ có kế hoạch tuyển dụng giáo viên, đảm bảo không thiếu giáo viên trong năm học 2022-2023.
Trong đó, sẽ phối hợp với các sở, ngành để hạn chế bớt tình trạng thiếu trường lớp, giáo viên để phụ huynh, học sinh yên tâm", bà Thuận nói.
Về vấn đề cơ sở vật chất, trường lớp thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho hay, theo đề án của thành phố thì đến năm 2025-2026 ngành giáo dục quy mô là 452 trường, đảm bảo cho khoảng 339.315 học sinh theo học.
Mức vốn đầu tư cho dự án ban đầu là 4.399 tỷ đồng cho 5 năm. Tuy nhiên, qua rà soát thì hiện tại nguồn vốn có tăng lên.
"Hiện Sở cùng các đơn vị chức năng đang thực hiện các bước triển khai xây dựng theo phân kỳ của đề án cũng như nguồn vốn phân bổ đầu tư công của thành phố.
Trong đó đặc biệt quan tâm đến các địa phương có những căng thẳng về trường lớp đối với học sinh học 2 buổi/ngày", bà Thuận nói.
Đối với "điểm nóng" Liên Chiểu thì người đứng đầu ngành giáo dục Đà Nẵng cũng xác nhận việc chỉ có 75% học sinh tiểu học trên địa bàn quận học 2 buổi/ngày trong khi tỉ lệ này ở các quận, huyện khác của thành phố là 100%.
"Xác định đây là điểm nóng, căng thẳng về phòng học, giáo viên, nên thành phố rất quan tâm. Do đó, trong đề án xây dựng nâng cấp trường học, thành phố cũng chú trọng rất nhiều.
Dự kiến năm học 2022-2023 quận Liên Chiểu cần 415 phòng học, năm học 2023-2024 là 435 phòng học, năm học 2024-2025 cần 445 phòng học. Tất cả những số liệu cần thiết đã được đưa vào đề án.
Hiện Sở đang phối hợp với Sở, ngành liên quan trình lãnh đạo thành phố ưu tiên quan tâm đặc biệt cho quận để đảm bảo trong thời gian tới tăng tỉ lệ học sinh quận được học 2 buổi/ngày", bà Thuận nói.
Thiếu người đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch HĐT là một khó khăn khi tự chủ đại học Đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%). Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực quản trị của ĐVSNCL, trong đó có nội dung: "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng...