Thiếu 36 trường, học sinh quận Hoàng Mai ngồi 48 em/lớp
Theo báo cáo, UBND quận Hoàng Mai ( Hà Nội) hiện thiếu 36 trường phổ thông, toàn quận thiếu 951 cán bộ, giáo viên.
Theo báo cáo ngày 30/8 của UBND quận Hoàng Mai, quận này đang chịu áp lực rất lớn bởi trên địa bàn hiện có 227 nhà chung cư cao tầng mới được xây dựng và 202 đơn nguyên nhà chung cư cũ. Riêng phường Hoàng Liệt, có 85 tòa chung cư và đang xây dựng thêm 5 tòa chung cư.
Năm học tới, quận có 89 trường (mầm non 48, tiểu học 23, THCS 18), với 2.048 lớp học, tăng 79 lớp so với năm ngoái. Tổng số học sinh của quận Hoàng Mai hiện có 98.558 em, trong đó khoảng 79.618 học sinh học công lập, tăng gần 3.800 so với năm ngoái.
Cụ thể, ở cấp mầm non, toàn quận có 22 trường công lập và 26 trường ngoài công lập; 370 nhóm, lớp mầm non độc lập. Với số trẻ mầm non khoảng 31.300, bình quân một lớp ở các trường công lập có 38,5 học sinh.
Cấp tiểu học, toàn quận có 20 trường công lập, 3 trường ngoài công lập. Tổng số học sinh khoảng 43.600 học sinh (tăng 1.847 học sinh). Đối với các trường Tiểu học công lập bình quân số học sinh/lớp là 48 em.
Với cấp THCS, quận hiện có 17 trường công lập và một trường tư thục. Với số học sinh gần 24.000 em, trong đó hơn 23.700 học công lập, bình quân một lớp có 46 học sinh.
Để đảm bảo đúng quy định về số học sinh/lớp theo quy định tại Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường mầm non, Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường Tiểu học, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông và phổ thông có nhiều cấp học, toàn ngành Giáo dục quận Hoàng Mai hiện còn thiếu 36 trường (Mầm non: 22 trường, Tiểu học: 13 trường, THCS: 01 trường).
Cũng theo báo cáo của UBND quận Hoàng Mai, năm học 2021 – 2022, quận này đã xây mới, đầu tư, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 18 trường (10 trường Mầm 3 trường non, Tiểu học, 5 trường THCS) với tổng mức đầu tư trên 900 tỷ đồng; hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 04 trường (Tiểu học Hoàng Mai, Tiểu học Linh Đàm, THCS Hoàng Mai, THCS Linh Đàm).
Báo cáo về tình hình đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn, UBND quận Hoàng Mai cho biết, trong những năm qua, quận đã đầu tư trọng điểm các dự án trường học, bao gồm các dự án đầu tư xây dựng tại các ô đất mới theo quy hoạch và các dự án cải tạo sửa chữa, mở rộng quy mô trường học.
Quận cũng rà soát các ô đất quy hoạch trường học, báo cáo đề xuất thành phố loại hình đầu tư và phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2021 2025: Có 56 ô quy hoạch (công lập: 40, ngoài công lập: 16); giai đoạn 2026 2030: Có 79 ô quy hoạch (công lập: 60, ngoài công lập: 19).
Qua rà soát, các quỹ đất quy hoạch trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai còn nhiều, đã được Thành phố giao chủ đầu tư tuy nhiên các chủ đầu tư chưa thực hiện đúng thời gian xây dựng trường kéo dài trong nhiều năm. Số ô đất đã giao chủ đầu tư nhưng chưa được đầu tư xây dựng là 59 ô quy hoạch trường học.
Riêng phường Hoàng Liệt, hiện có 33 ô đất quy hoạch có chức năng trường học (mầm non 20, tiểu học 5, THCS 5, THPT 3) trong đó đã đầu tư 15, hiện còn 18 ô chưa được đầu tư xây dựng.
Một số ô quy hoạch trường học trên bản đồ khác so với cơ sở hiện trạng thực tế (quy hoạch vào ao làng, nghĩa trang, đình chùa…). Các ô quy hoạch chưa giao chủ đầu tư có công trình kiên cố, khó giải phóng mặt bằng, không đảm bảo tính khả thi để đề xuất đầu tư.
Về đội ngũ giáo viên, theo quận Hoàng Mai, năm học 2022 – 2023, khối trường Mầm non, Tiểu học, THCS công lập tăng 71 lớp so với năm học trước. Căn cứ đội ngũ viên chức chuyên môn hiện có 3 và trên cơ sở số lớp, số học sinh trong các trường công lập, năm học 2022-2023 khối trường công lập còn thiếu nhiều giáo viên và cán bộ.
Cụ thể, nếu so với chỉ tiêu biên chế được giao năm 2022: Toàn quận thiếu 214 người (169 giáo viên, 45 nhân viên). Nếu so với quy định tại các văn bản: Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT quy định về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì còn thiếu 951 (trong đó thiếu 790 giáo viên và 161 nhân viên).
Video đang HOT
Riêng phường Hoàng Liệt có tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện trên địa bàn Phường có 85 tòa chung cư cao tầng, và đang xây tiếp theo 05 tòa chung cư. Đa số hộ dân tại đây là các gia đình trẻ, có con nhỏ. Với tốc độ tăng dân số tự nhiên khoảng 2.000 trẻ độ tuổi mầm non hàng năm, nên sức ép về trường học nói chung, trường mầm non nói riêng tại phường Hoàng Liệt là rất lớn.
Trước sức ép dân số như vậy, năm học 2022 – 2023, Trường mầm non Hoàng Liệt phải chuyển 7 phòng chức năng để làm 7 lớp học, trang bị đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện để có thể tiếp nhận thêm trẻ mầm non ra lớp. Tổng số lớp hiện nay là 27 lớp học, vượt 7 lớp so với quy định của bộ GD&ĐT).
Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường có 73 người. Năm học 2022- 2023, trường đã ký hợp đồng lao động với 6 giáo viên để đảm bảo đủ giáo viên cho 27 lớp và tối thiểu 2 giáo viên/lớp.
Rất đáng suy nghĩ khi phụ huynh phải bốc thăm giành suất cho con vào trường công
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển giáo dục, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Chính vì vậy, việc phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào trường công là một điều rất đáng suy nghĩ.
Việc phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào học ở trường mầm non công lập ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, đã tạo nên làn sóng dư luận trong những ngày qua.
Tốc độ phát triển dân số quá nhanh đã khiến cho cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống trường học công ở một số địa bàn của TP Hà Nội chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn lại tầm nhìn của sự quy hoạch đô thị hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đồng bộ.
Ứng xử bất thường!
Trong khi đó, Điều 37.1 trong Hiến pháp 2013 nêu rõ: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục.
Bên cạnh đó, Luật giáo dục 2019 cũng nêu Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi...
Nhìn một cách khách quan, việc cho phụ huynh bốc thăm chẳng khác nào một trò chơi may rủi, đã vô tình động tới quyền lợi, lợi ích của nhiều trẻ nhỏ được bảo hộ theo quy định trong Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
Việc phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào học trường mầm non công lập khiến nhiều người ví như trò chơi may rủi. Ảnh CTV
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đây là một "ứng xử" bất thường.
Bởi, cách đây vài năm những trẻ này đã ra đời, chính quyền địa phương phải nắm bắt được vấn đề trên. Khi đã biết, thì cần có phương án xử lý trước đó, không thể để đến bây giờ "bày trò" ra chuyện bốc thăm, người được người không như vậy.
Trong số những phụ huynh ấy có những gia đình hoàn cảnh, nhưng có thể lại không bốc được lá phiếu trúng tuyển của nhà trường, điều này là rất thiệt thòi đối với họ và đặc biệt là với trẻ nhỏ.
"Ở đây, trước hết về chính quyền và những người quản lý về mặt giáo dục đã chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu như chúng ta đưa ra giải pháp từ mấy năm trước thì hôm nay đã không xảy ra vấn đề này..."- ông Nhĩ nói.
Từ đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đưa ra ý kiến, trong trường hợp trường công không đủ, phải khuyến khích mở thêm trường tư, có thể có chính sách trợ cấp cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn học trường tư.
Về mặt lâu dài, nhà nước phải có tính toán cụ thể, không để xảy ra hiện tượng tương tự như hiện nay.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, việc trẻ phải bốc thăm vào trường mầm non là tình huống hạn hữu, chưa từng có trong tiền lệ.
"Phường Hoàng Liệt là nơi có dân cư đông bậc nhất Hà Nội. Số dân đông, chính quyền có thể nắm được nhưng chưa có phương pháp giải quyết.
Việc này ngoài tầm với của phường, nó phải ở tầm quận, thành phố mới giải quyết được. Tuy nhiên, khả năng giải quyết việc này chưa ổn, làm cho dân khổ.
Nếu số trẻ tăng mạnh, nằm ngoài khả năng giải quyết thì phải báo động lên các cấp để có phương án chuẩn bị.
Để tranh suất vào trường mầm non mà bốc thăm như thế thì khổ quá. Tôi tin với tầm cỡ của thành phố Hà Nội sẽ tìm ra được giải pháp giải quyết cho dân" - ông Lâm nói.
Quy hoạch đô thị chưa ổn định
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng việc quy hoạch đô thị ở Hà Nội hiện chưa có tính ổn định.
Mặc dù có thể quy hoạch đúng, nhưng quá trình thực hiện hay điều chỉnh liên tục. Điều này dẫn đến không đồng bộ giữa số lượng dân cư với cơ sở hạ tầng.
"Quyền lợi của trẻ là được đi học mà phải bốc thăm, chính sách vĩ mô thì có, nhưng lại chưa thực hiện được. Trách nhiệm ở đây là ở chính quyền khi đã không phát triển hệ thống giáo dục công tốt, dẫn đến thiếu chỗ học cho trẻ.
Do đó, không nên điều chỉnh quy hoạch nữa, chỉ điều chỉnh với những lý do hợp lý, còn lại cần thực hiện quy hoạch đầy đủ và toàn diện.
Không chỉ để ý đến thị trường bất động sản, mà phải để ý đến cả các hạ tầng xã hội, hạ tầng môi trường kèm theo..."- ông Đặng Hùng Võ nói.
Còn ông Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ quan điểm, hiện nay trường công ở Hà Nội đang rất thiếu, đây là hệ quả của việc khi quy hoạch không tính hết được sự phát triển dân số để bố trí trường công.
Theo ông Tùng, Đảng và nhà nước luôn quan tâm đến phát triển giáo dục, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chính vì vậy, việc phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào trường công là một điều rất đáng suy nghĩ.
"Chúng ta phát triển rất nhanh về bất động sản để lấy kinh tế... những cái đó mới đảm bảo chỉ tiêu GDP của thành phố, còn đầu tư cho giáo dục lại không ra tiền.
Đây là tư duy cũ, hiện giờ cần đổi mới theo Nghị quyết 13 của Đảng, tức là lấy văn hóa làm động lực để phát triển kinh tế, mà giáo dục là một phần rất quan trọng của văn hóa. Do vậy, khi làm quy hoạch phải tính toán cho hợp lý"- ông Tùng nói.
Được biết, trước đó UBND TP Hà Nội đã giao 517.143m2 đất tại phường Hoàng Liệt cho đơn vị đầu tư để xây dựng trường học. Tuy nhiên, việc xây dựng chưa được tiến hành do nhiều lý do khách quan, khiến cho tình trạng thiếu trường đang diễn ra trầm trọng tại địa bàn phường Hoàng Liệt.
Trong buổi tiếp xúc với các phụ huynh mới đây, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai cho hay, quận vừa đầu tư xây mới trường Mầm non Hoàng Liệt, nhưng với tốc độ dân số tăng nhanh, vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương.
Còn theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai thông tin, hàng năm UBND quận đầu tư trên 50% kinh phí cho xây trường. Hai năm gần đây, khối mầm non Hoàng Liệt đã xây dựng thêm hai cơ sở nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu.
Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng thêm hai trường mầm non nữa để có thể tháo gỡ khó khăn như hiện nay.
Cuối tháng 7, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt cho biết trường Mầm non Hoàng Liệt chỉ có thể tuyển 559 trẻ từ 3-5 tuổi.
Để đảm bảo thực hiện phổ cập giáo dục mầm non với trẻ 5 tuổi, trường sẽ tuyển toàn bộ 226 trẻ trong độ tuổi này. Còn ở nhóm trẻ 3-4 tuổi, trường Hoàng Liệt chỉ có khả năng đáp ứng 333/713 trẻ đăng ký. Như vậy, số lượng vượt quá chỉ tiêu là 380.
Đại diện lãnh đạo phường Hoàng Liệt cho biết, Hoàng Liệt là đơn vị phường có dân số lớn nhất Hà Nội với hơn 80.000 dân và có tốc độ tăng dân số nhanh.
Đến tháng 7-2022, phường có hơn 8.150 trẻ trong độ tuổi mầm non, trong đó 6.611 trẻ 2-5 tuổi.
Trường Mầm non Hoàng Liệt là trường công lập với bốn cơ sở, ngoài ra trên địa bàn phường có 5 trường mầm non ngoài công lập và 79 nhóm lớp độc lập.
Chuyện bốc thăm xin học... Cảnh tượng những vị phụ huynh học sinh, người thì mừng rỡ, người lại buồn bã sau khi nhận kết quả bốc thăm xin học cho con tại Trường mầm non Hoàng Liệt (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là chủ đề 'làm nóng' dư luận trong những ngày qua. Hàng trăm phụ huynh "nín thở" chờ tới lượt bốc thăm....