Thiết kế các bài toán gắn liền thực tiễn
Bài tập toán sẽ dễ hiểu hơn khi giáo viên gắn với bối cảnh thực tiễn phù hợp
GD&TĐ – Thạc sĩ Hà Xuân Thành (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT) – cho rằng: Việc phát triển năng lực ứng dụng toán học và cuộc sống hoặc trong học tập đang là một xu thế. Đối với Việt Nam, trong phác thảo chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015, vấn đề này đã được đề cập đến.
Cần thiết gắn kết nội dung toán học với thực tiễn đời sống
Để đạt được mục tiêu đào tạo con người mới, toàn bộ hoạt động giáo dục, nói riêng là dạy học các bộ môn phải được thực hiện theo nguyên lí: Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lí luận gắn liền với thực tiễn.
Viện dẫn quan điểm này, thạc sĩ Hà Xuân Thành cho biết, để thực hiện nguyên lí giáo dục trong Toán học, những phương hướng cần thực hiện là: Làm rõ mối quan hệ giữa toán học và thực tiễn; dạy cho học sinh kiến tạo tri thức; tăng cường vận dụng và thực hành toán học.
Để thực hiện các phương hướng trên, phương pháp dạy học cũng được đổi mới để phù hợp với xu thế. Nhiều công trình nghiên cứu về phương pháp dạy học đã chứng tỏ kiến thức mà học sinh thu nhận được từ hoạt động và củng cố có trong hoạt động của chính mình bao giờ cũng rất tự nhiên, chắc chắn và là cơ sở tốt để hình thành kĩ năng thực hành, vận dụng.
Để thực hiện điều đó, theo thạc sĩ Hà Xuân Thành, bên cạnh việc tạo các hoạt động phù hợp với trình độ học sinh thì việc gắn kết nội dung toán học với thực tiễn đời sống quen thuộc xung quanh các em là điều cần thiết.
Video đang HOT
Sách giáo viên Đại số nâng cao 10 đã ghi rõ, hướng đổi mới về phương pháp dạy học là: Tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh, khơi dậy và phát triển khả năng tự học nhằm hình thành cho học sinh thói quen tư duy tích cực, độc lập, sáng tạo, nâng cao năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề; rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh.
Khẳng định việc sử dụng tình huống có liên quan đến thực tiễn trong dạy học mang lại nhiều lợi ích như làm sinh động bài giảng, học sinh kết nối được toán học với thực tiễn, tại cơ hội học sinh vận dụng toán vào thực tiễn cuộc sống, tạo môi trường học sinh tự học, có thể suy nghĩ về toán học không chỉ khi ở trên lớp và làm bài tập về nhà…, thạc sĩ Hà Xuân Thành cũng đồng thời đưa ra nhiều khó khăn trong việc tạo ra và giải quyết các bài toán có liên quan đến thực tiễn.
Đơn cử, việc tìm ra các tình huống liên quan đến thực tiễn để minh hoạc cho bài giảng đòi hỏi giáo viên phải có sự tìm tòi, suy nghĩ tích cực và mất nhiều thời gian.
Các bài toán yêu cầu tính chặt chẽ cao, trong khi đó các đại lượng trong thực tiễn có tính tương đối, nên để có thể giải quyết bài tập có liên quan đến thực tiễn, chúng ta cần một sự lí tưởng hóa.
Bên cạnh đó, để giải quyết các bài tập có liên quan đến thực tế, đòi hỏi học sinh phải có những kiến thức, kĩ năng và sự hiểu biết nhất định về các tình huống đó…
4 bước xây dựng các bài toán mang hơi thở cuộc sống
Chia sẻ về việc xây dựng các bài toán có liên quan đến thực tiễn xuất phát từ các bài toán đã có, thạc sĩ Hà Xuân Thành đề xuất 4 bước như sau:
- Bước đầu tiên là xác định chủ đề dạy học và các bài toán thuận lợi cho việc liên hệ với thực tiễn.
Với bước này, cần chú ý, không phải mọi chủ đề đều thuận lợi cho việc thiết kế bài tập liên quan đến thực tiễn. Có nhiều trường hợp, việc liên hệ một cách gượng ép sẽ không làm rõ được tính thực tiễn của bài tập và như vậy sẽ có tác dụng ngược lại.
Vì vậy, việc xác định các chủ đề Toán học và các bài toán có thể kết nối được với thực tiễn một cách rõ ràng, hiệu quả là điều cần thiết. Trong mỗi chủ đề, giáo viên nghiên cứu các đơn vị kiến thức đại diện cho chủ đề đó. Qua nghiên cứu từng đơn vị kiến thức, giáo viên đưa ra các bài toán tương ứng với các đơn vị kiến thức.
- Bước tiếp theo là tìm các tình huống có liên quan đến thực tiễn tương thích với các bài toán đã xác định ở bước đầu tiên.
Để thực hiện bước này, cần chọn đại lượng liên quan đến thực tiễn tương thích với biến. Đây sẽ là bước quan trọng đối với quá trình thiết kế tình huống thực tiễn.
Quá trình tìm các tình huống thực tiễn sẽ cần phải gắn liền với một bối cảnh nhất định; đòi hỏi việc bóc tách các yếu tố toán học. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, không phải mọi chủ đề hay mọi đơn vị kiến thức đều có thể tìm được các bối cảnh tương ứng để thiết kế các tình huống thực tiễn.
- Bước thứ ba là xác định điều kiện các đại lượng và điều chỉnh các yếu tố để phù hợp với tình huống thực tiễn.
Trong việc xác định điều kiện các đại lượng cần chú ý đến điều kiện của biến trong bài toán xuất phát và các điều kiện trong thực tiễn. Việc điều chỉnh các yếu tố cần chú ý đến điều chỉnh các số và đơn vị cho phù hợp với tình huống có liên quan đến thực tiễn.
Về mặt lý thuyết Toán học, các bài toán có thể có các điều kiện tối ưu, tuy nhiên, khi gắn với bối cảnh thực tiễn, nó cần phải phù hợp với điều kiện thực tế. Do đó, đây là một bước quan trọng nhằm xác định các điều kiện phù hợp với thực tiễn.
- Bước cuối cùng là phát biểu bài toán có liên quan đến thực tiễn: Sau khi đã tìm ra điều kiện phù hợp với bối cảnh, chúng ta có thể phát biểu dưới dạng các tình huống mà học sinh cảm thấy quen thuộc trong đời sống hàng ngày.
Từ tình huống này, giáo viên có thể sử dụng để gợi mở cho học sinh huy động kiến thức, kĩ năng nhằm giải quyết các vấn đề trong tình huống đó.
Bên cạnh việc xây dựng các bài toán có liên quan đến thực tiễn xuất phát từ các bài toán đã có, thạc sĩ Hà Xuân Thành cũng đề cập đến việc thiết kế các hoạt động học tập.
Theo đó, trong hoạt động này, giáo viên cần tập trung vào tầm quan trọng của khái niệm chủ chốt, không tập trung quá sâu vào những giai đoạn dạy học chung hoặc miêu tả chung chung.
Ngoài ra, giáo viên cần có kế hoạch cho các hoạt động tiếp theo để ứng phó với câu trả lời sai của học sinh; có kế hoạch lâu dài để có thể phát triển hiểu biết sâu sắc của học sinh về kiến thức được dạy. Khi giảng dạy, giáo viên cần đưa ra những ví dụ cụ thể, quen thuộc và dễ hiểu để giúp học sinh hiểu kiến thức.
Về ý tưởng thiết kế các bước dạy học, ban đầu, giáo viên yêu cầu học sinh giải bài tập có liên quan đến thực tiễn. Sau đó, học sinh sẽ phải xác định nội dung toán học trong bài tập này và sau đó đề xuất các bài tập có liên quan đến thực tiễn từ bài toán trên.
Thiết kế các nhiệm vụ toán học
Theo thạc sĩ Hà Xuân Thành, điều quan trọng khi thiết kế các nhiệm vụ toán học là chọn được nhiệm vụ và các hoạt động toán học phù hợp với học sinh.
Chìa khóa cho việc hiểu là: Nhiệm vụ cần phải được thiết kế để khuyến khích sự tích cực tư duy của học sinh; phải kết nối được kiến thức và kinh nghiệm đã có của học sinh; một loạt các công cụ nên được sử dụng để hỗ trợ sự hiểu biết của học sinh về các quan niệm toán học có liên quan đến nhiệm vụ.
Theo GD&TĐ