Thiết bị phục vụ Chương trình SGK lớp 2 và lớp 6: Cần triển khai đồng bộ
Triển khai chương trình SGK lớp 2 và lớp 6 đồng nghĩa với yêu cầu về dụng cụ dạy học, cơ sở vật chất và đội ngũ tương ứng.
Học sinh Trường THCS Ngọc Tụ trong một giờ thực hành, sử dụng thiết bị.
Trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là mối quan tâm hàng đầu đối với các trường, địa phương khó khăn tại Kon Tum.
Giáo viên kiêm nhà thiết kế
Thầy Nguyễn Thành Long – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum) cho biết: Năm học 2021 – 2022, trường có khoảng 80 em học sinh từ lớp 1 lên lớp 2. Năm học này, giáo viên và học sinh đã làm quen với chương trình mới nên sẽ không còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, trong số 80 học sinh chỉ có khoảng 25 em hưởng chế độ, chính sách và được cấp SGK. Nhà trường đang lên các phương án để hỗ trợ cho 55 em còn lại, bởi việc tự mua đối với gia đình các em khá khó khăn.
Cũng theo thầy Long, trường ở vùng sâu vùng xa nên thường xuyên được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ. Theo đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng được quan tâm, phân bổ trước khi thực hiện chương trình mới. Tuy nhiên, năm học vừa qua, mặc dù chương trình SGK lớp 1 đã triển khai, nhưng một thời gian sau thiết bị mới được phân bổ về, ảnh hưởng phần nào đến quá trình dạy và học.
Để ứng phó với tình trạng này, trong năm học 2021 – 2022, nếu chương trình SGK lớp 2 triển khai mà thiết bị chưa về, giáo viên sẽ sử dụng đồ dùng cũ để đáp ứng nhu cầu dạy học trước mắt.
Vị hiệu trưởng cho hay, đồ dùng dạy học sử dụng hơn chục năm nên đã xuống cấp và cũ đi nhiều. Do đó, những thiết bị, tranh ảnh… cần thiết hoặc không thể tận dụng được, giáo viên của trường sẽ chủ động làm để hỗ trợ các em trong quá trình học tập.
Video đang HOT
Tương tự, cô Hồ Thị Thuỳ Vân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) thông tin: Năm học 2020 – 2021, học sinh lớp 1 học tập chương trình mới. Do đó, năm học 2021 – 2022, nhà trường sẽ kế thừa những thuận lợi và rút kinh nghiệm từ những thiếu sót của năm học trước. Tuy nhiên, giáo viên trong trường đang lo lắng về việc “chương trình đi trước, thiết bị theo sau”.
Theo cô Vân, chương trình SGK lớp 1 dạy được vài tháng thì trang thiết bị dạy học mới được bàn giao về trường. “Lo lắng năm học này sẽ giống như năm trước nên nhà trường cùng giáo viên lên phương án chuẩn bị trang thiết bị dạy học cho học sinh. Theo đó, với những tranh ảnh, bảng tính chục, trăm, nghìn… sử dụng cho chương trình lớp 2, giáo viên sẽ chủ động mua vật liệu về làm. Vào năm học mới, nếu thiết bị chưa kịp thời được trang bị, giáo viên sẽ sử dụng phục vụ công tác giảng dạy”, cô Vân nói.
Trường Tiểu học xã Đắk Hà chủ động làm thiết bị phục vụ dạy học cho chương trình mới.
Mong thiết bị song hành với chương trình
“Nhà trường vẫn mong muốn danh mục thiết bị dạy học do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ được địa phương trang bị kịp thời, song hành với chương trình SGK lớp 2. Tuy nhiên, để ứng phó trong tình huống xấu, nhà trường vẫn chuẩn bị các trang thiết bị đơn giản, do giáo viên tự “chế” để nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh. Tuy nhiên, hiệu quả của thiết bị do giáo viên làm không cao, thiếu độ chính xác…”, cô Vân chia sẻ.
Năm học 2021 – 2022 là năm đầu tiên các học sinh lớp 6 của Trường THCS Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô, Kon Tum) làm quen với Chương trình SGK mới. Thầy Hồ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Tụ cho hay: Được sự quan tâm của các cấp chính quyền nên nhiều năm qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy, học… tương đối đầy đủ. Đối với trang thiết bị dạy học chương trình SGK mới, nhà trường cũng đã lập tờ trình xin tivi, máy tính, thiết bị thí nghiệm… để đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Tuy nhiên, thầy Tuấn cũng không tránh khỏi lo lắng dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ mua sắm. Chương trình, SGK mới cần sự hỗ trợ nhiều của thiết bị trong quá trình giảng dạy. Nếu chương trình đi trước, thiết bị chưa kịp thời đáp ứng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Do đó, nhà trường đã lên phương án kêu gọi các mạnh thường quân, hỗ trợ SGK cho học sinh và thiết bị dạy học cần thiết. Theo thầy Tuấn vấn đề này khá khó khăn vì đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn túng thiếu. Hoạt động xã hội hóa lâu nay còn khiêm tốn. Đầu tư cho giáo dục vẫn trông chờ chủ yếu vào ngân sách địa phương, sự đóng góp, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường đang thiếu và cũ do đã sử dụng nhiều năm nay, do đó, khó đáp ứng yêu cầu Chương trình SGK mới. Vừa qua, nhà trường đã báo cáo đề xuất lên phòng GD&ĐT để xin hỗ trợ, nhằm đáp ứng việc dạy và học của chương trình mới. - Thầy Ngô Đình Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (Thị trấn Đăk Tô, Kon Tum)
Trường vùng khó nhập cuộc nhanh triển khai Chương trình, SGK lớp 2 và lớp 6
Thời gian ngắn nữa, các địa phương sẽ triển khai CT SGK mới với lớp 2 và lớp 6. Dù còn nhiều thách thức, song công tác chuẩn bị từ CSVC tới đội ngũ, nghiên cứu sách... được các trường vùng khó chủ động triển khai.
Trong giờ học tại Trường THCS thị trấn Sông Thao (Phú Thọ). Ảnh: Nam Khánh
Sẵn sàng từ nhân lực tới vật lực
Thầy Tạ Văn Kha - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ cho biết: Việc triển khai CT, SGK mới lớp 2 không quá lo lắng về cơ sở vật chất bởi hiện phòng học, phòng chức năng bố trí tạm đủ. Mặt khác, năm học tới, dãy phòng học mới được địa phương đầu tư xây dựng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng nên khắc phục tối đa việc thiếu phòng chức năng, phòng học chưa bảo đảm chất lượng, diện tích... Với thiết bị dạy học phụ thuộc vào việc trang bị cấp phát từ phòng GD&ĐT, đồng thời trường sẽ tận dụng thiết bị còn sử dụng được để dạy học lớp 2 mới.
Vấn đề mà thầy Tạ Văn Kha trăn trở nhất là chất lượng đội ngũ GV dạy học lớp. Trường đã lên danh sách GV dạy chính thức lớp 2 kèm GV dự phòng để tham gia tập huấn CT tổng thể, bồi dưỡng qua mạng và trực tiếp theo yêu cầu của Bộ, sở... Hơn thế, để GV nghiêm túc tập huấn, đọc SGK trên mạng, ban giám hiệu (BGH) ngoài giám sát chung còn yêu cầu GV có báo cáo tập huấn và đọc sách; kiểm tra năng lực, trình độ sau tập huấn...
Tại Trường PTDTBT THCS Bản Phố (Bắc Hà - Lào Cai), ngay sau khi tiếp cận CT, SGK lớp 2 mới, BGH nhà trường đã nghiên cứu, đồng thời hướng dẫn GV cùng tìm hiểu. Hiện 100% GV của trường được tập huấn đầy đủ 13 môn và đã tiếp cận, tìm hiểu SGK trên mạng. Thầy cô cùng nhau bàn thảo, tìm ra ưu điểm, nhược điểm để góp ý...
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được nhiều trường chuẩn bị đầy đủ để triển khai CT, SGK lớp 2 mới năm học 2021 - 2022. (Trong ảnh: Học sinh lớp 1 Trường TH Ninh Thắng (Hoa Lư - Ninh Bình)). Ảnh: Đức Trí
Để bảo đảm tính liên thông cho HS lớp 5 lên lớp 6, Trường PTDTBT THCS Bản Phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của phòng GD&ĐT, thường xuyên dự giờ tại trường tiểu học trong địa bàn để GV 2 cấp cùng nắm bắt chung về CT và tìm hiểu phương pháp giảng dạy sao cho có tính kế thừa, phù hợp với HS...
Theo ông Bùi Văn Tiến - Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà (Lào Cai), Trường PTDTBT THCS Bản Phố có sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai CT, SGK lớp 6 mới. Trường chủ động tặng vở kẻ ngang cho HS lớp 5 khi bước vào học kỳ II. Như vậy, các em có quá trình làm quen với cách học ở lớp 6, nhanh chóng bắt nhịp với kiến thức, yêu cầu.
Cô Ngô Thị Thoan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Mỹ (Lạng Giang - Bắc Giang) hào hứng cho biết: Việc chuẩn bị triển khai CT, SGK lớp 2 mới đã được BGH nhà trường tính toán và chuẩn bị kĩ càng.
Trường đã rà soát kĩ cơ sở vật chất, đội ngũ. BGH chọn 10 GV dạy lớp 2, đồng thời cử thêm 3 GV dự phòng cùng tập huấn, đọc và nghiên cứu SGK lớp 2 mới. Mong muốn lớn nhất của cô Ngô Thị Thoan là năm học tới có thể huy động nguồn xã hội hóa để trang bị cho mỗi lớp học 1 máy tính, giúp HS chủ động làm quen, biết cách tra cứu thông tin khi cần và thậm chí có thể truy cập và tự học bài giảng điện tử.
Triển khai hiệu quả CT, SGK lớp 1 mới sẽ là tiền đề và rút ra kinh nghiệm quý để các trường triển khai CT, SGK lớp 2. Ảnh: Đức Trí
Tự tin thực hiện chương trình mới
Cô Nguyễn Thị Hợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Hoa Lư, Ninh Bình) bày tỏ niềm tin sẽ triển khai tốt CT và SGK lớp 2 bởi nhà trường đã có kinh nghiệm triển khai CT, SGK lớp 1 mới. "Những bỡ ngỡ sẽ được loại bỏ. Mặt khác, nhà trường chủ động tổ chức và cử toàn bộ GV dạy lớp 2 năm học tới tham dự các lớp bồi dưỡng và nghiên cứu SGK mới với tinh thần nghiêm túc nhất. Thậm chí, GV lớp 2 còn dự giờ các chuyên đề khối lớp 1 để tiếp cận và nắm bắt phương pháp, cách dạy theo yêu cầu phát triển năng lực...", cô Nguyễn Thị Hợi thông tin.
Còn theo cô Ngô Thị Thoan, năm đầu tiên triển khai CT, SGK lớp 1 mới, nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền đến phụ huynh HS, tạo điều kiện để phụ huynh được chọn và tiếp cận sâu với SGK mới. Như vậy, phụ huynh sẽ yên tâm cùng đồng hành với GV, nhà trường trong năm tiếp theo.
Mặt khác, nhà trường chuẩn bị tâm thế cho GV dạy lớp 2 thông qua trao đổi chuyên môn, động viên GV tích cực tự đọc, nghiên cứu SGK... Hiện nhà trường đã triển khai đọc SGK lớp 2 mới trên bản PDF tới toàn bộ GV dạy lớp 2 và GV dự phòng. Trường và phụ huynh HS, đại diện HS cùng đọc SGK mới vào những giờ nhất định và đưa ra nhận xét. BGH còn "khoanh vùng" những nội dung cần đọc kỹ để yêu cầu cụ thể và cùng trao đổi nhận xét. Kết thúc thời gian đọc sách, nhà trường tổ chức trao đổi chuyên môn, trên cơ sở đó sẽ rút và đưa ra góp ý sát nhất.
Kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học lớp 2, 6 theo CT, SGK mới đã được phòng GD&ĐT tham mưu với UBND huyện dành nguồn kinh phí cấp về các trường chủ động mua sắm chứ không mua theo hình thức tập trung. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất được chủ động, kết hợp chuẩn bị đội ngũ kĩ càng, rút kinh nghiệm từ triển khai lớp 1..., tin rằng thực hiện CT, SGK mới lớp 2, 6 không đáng lo ngại. - Bà Lương Hồng Thúy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Viễn (Ninh Bình)
SGK mới lớp 2, lớp 6: Cần tập huấn kỹ Theo các nhà quản lý giáo dục, để thực hiện tốt chương trình, SGK mới lớp 2, lớp 6 trong năm học tới, không bỡ ngỡ như với SGK lớp 1 năm nay, giáo viên cần được tập huấn kỹ. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần công bố sớm SGK để các trường dạy thực nghiệm. SGK lớp 6 có nhiều điểm mới...