Thi vào lớp 10: Có cần ôn thi cấp tốc?
Thời điểm này, các lớp luyện thi cấp tốc ở Hà Nội lại “vào mùa” đáp ứng nhu cầu ôn luyện 4 môn thi vào lớp 10 THPT.
Học sinh Hà Nội tham gia kỳ thi vào lớp 10 tại điểm Trường THPT Việt Đức.
Sau giờ học, ôn tập ở trên lớp, học sinh lại tất tả đến với các “lò” luyện hoặc ngồi với gia sư để hy vọng có được tấm vé vào trường THPT theo nguyện vọng.
Nhiều chiêu thức “hút” học sinh
Không khó để tìm được một lớp luyện cấp tốc thi vào lớp 10 qua mạng Internet. Nắm bắt tâm lý của cha mẹ học sinh và học sinh trước thời điểm kỳ thi đang đến gần, các lớp luyện nở rộ với các “cam kết” đánh trúng nguyện vọng của người học.
Có trung tâm đưa ra những giải pháp ôn luyện cụ thể như: Kiến thức trọng tâm bám sát đề thi vào 10 toàn quốc. Thành thạo các dạng bài thường xuất hiện trong đề thi. Luyện tập kĩ năng phân tích đề, phân bổ thời gian. Các mẹo xử lý tránh các lỗi sai thường gặp. Đội ngũ giáo viên giỏi, dày dặn kinh nghiệm ra đề…
Có nơi thì thông báo: Lớp học ôn theo nhóm nhỏ (mỗi lớp 3 học sinh chia theo trình độ) do giáo viên giỏi, chuyên luyện thi vào 10 lâu năm trực tiếp giảng dạy và kèm cặp…
Cũng như vậy, đón bắt Hà Nội chọn thi môn Lịch sử là môn thi thứ 4, nhiều lớp luyện thi cấp tốc môn học này liên tục mở ra với mời chào thí sinh sẽ đạt 9, 10 điểm thi.
Video đang HOT
Mức giá của các lớp học này cũng khác nhau. Một số lớp luyện thi tại đường Láng, Minh Khai, Đào Tấn, Thụy Khuê… thông báo thời gian học 2 tiếng/buổi mức giá trung bình 200.000 đồng/buổi. Trung tâm chia lớp thành nhóm nhỏ (3 – 10 học sinh) sẽ thu tiền theo từng lớp, dao động từ 150.000 – 300.000 đồng/học sinh, nộp theo tháng. Riêng lớp 1 học sinh là 500.000 đồng/buổi…
Học sinh cần ghi nhớ những nội dung kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.
Muôn kiểu học ôn
Chị Nguyễn Thanh Hưởng, nhà ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, có con đang học ở Trường THCS Quảng An (quận Tây Hồ) cho biết: Con đặt quyết tâm thi vào lớp 10 Trường THPT Phan Đình Phùng nên ngoài ôn luyện các môn thi theo lịch của nhà trường, tôi vẫn tìm lớp ôn luyện cấp tốc cho con. Với 3 môn Văn, Toán, Anh, cháu đã học thêm bên ngoài từ những năm trước, năm nay chủ yếu tập trung ôn môn Lịch sử.
Đồng hành với quyết tâm của con, chị Hưởng tìm một trung tâm luyện thi trên đường Thụy Khuê với kinh phí 200.000 đồng/buổi học 2 tiếng môn Lịch sử, 1 tuần học 2 buổi.
“Cũng thương con học cả ngày ở trường, chiều tối lại đến trung tâm để ôn luyện. Nhưng thời gian không còn nhiều, cơ hội trúng tuyển cũng không dễ dàng nên thời điểm này tôi làm hết mọi việc nhà và tranh thủ đưa đón cháu đi học ở các nơi. Tiền học thêm đợt này của cháu lên tới gần 5 triệu/tháng nhưng gia đình cũng cố gắng lo để con vào được trường học như mong muốn” – chị Hưởng chia sẻ.
Anh Vũ Hải, nhà ở quận Long Biên cho biết: Tìm hiểu một số trung tâm luyện thi thấy chủ yếu là các nhóm lớp nên tôi tìm gia sư ôn luyện tại nhà cho con. Kinh phí có cao hơn (350.000 đồng/buổi 1,5 tiếng) nhưng hy vọng con sẽ tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn, lại đỡ công đi lại trên đường, giữ gìn sức khỏe để vững tâm bước vào kỳ thi.
Học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) ôn luyện sau giờ học.
Với nhu cầu đa dạng của phụ huynh học sinh, các trung tâm gia sư cũng “đắt sô” giáo viên đến dạy tại gia đình. Một trung tâm gia sư ở Đông Anh đưa ra mức giá dao động từ 200.000 – 300.000 đồng/buổi tùy thuộc là sinh viên hay giáo viên dạy hoặc tùy theo học sinh chọn thi trường tốp dưới hay tốp đầu…
Phụ huynh HS lo lắng tìm chỗ học cho con, các trung tâm tung ra nhiều chiêu thức “hút” người học, chỉ có học sinh là áp lực với các buổi học kín đặc. Điều này có thực sự cần thiết khi theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, đề thi lớp 10 chủ yếu thuộc chương trình lớp 9 học sinh được học ở trên lớp.
Ông Phạm Quốc Toản – Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý: Ngoài việc bám sát cấu trúc đề thi tham khảo của các môn do Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành, học sinh cần ghi nhớ những nội dung kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và kiến thức mà giáo viên tổ chức cho các em ôn tập tại lớp.
Ông Phạm Quốc Toản nhắc nhở: Học sinh không nên quá lo lắng, bởi nội dung đề thi của các môn trong kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội đều theo yêu cầu của chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình cấp THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu thuộc chương trình lớp 9.
Trong số 4 môn thi của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội, đề thi môn Toán và Ngữ văn sẽ có 4 cấp độ nhận thức gồm: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu, ngoài ra có một số câu hỏi yêu cầu khả năng vận dụng của học sinh ở cấp độ thấp.
Ngay từ học kỳ II, các trường THCS đều có kế hoạch ôn thi vào lớp 10 cho học sinh, trong đó môn Lịch sử được chú trọng đặc biệt. Bên cạnh đó, năm 2019 Hà Nội đã thi môn Lịch sử và được sở GD&ĐT công bố cấu trúc đề thi cùng với phần mềm ôn tập trắc nghiệm để tạo thuận lợi cho việc ôn tập. Phụ huynh, học sinh có thể tham khảo lại đề thi, nội dung ôn tập để đánh giá mức độ đề, xây dựng phương án ôn tập một cách hợp lý và hiệu quả mà không nhất thiết phải tốn kém thời gian và tiền bạc cho các lớp luyện thi cấp tốc.
Mẹ lo sốt vó khi tuần nào cũng "được" giáo viên liên hệ
Thời điểm này, lẽ ra con đã ổn định lớp học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 thì chị Phan Thùy Giang (Đại Từ, Hà Nội) lại "sốt xình xịch" tìm lớp học thêm cho con.
Chị lo lắng khi thấy con không tiến bộ và muốn đổi giáo viên dạy thêm cho con.
Ảnh minh họa: ST
4 năm trước, con trai đầu cũng trải qua kỳ thi vào lớp 10 nên chị Giang có thừa kinh nghiệm để biết con học ở mức nào, để biết "cuộc đua" vào lớp 10 căng thẳng ra sao. Thế nên, khi thấy cậu con trai thứ hai cứ đủng đỉnh, chị Giang vô cùng sốt ruột. Nhờ chọn giáo viên giỏi nên con trai đầu thành công trong kỳ thi vào 10, nên chị cho con thứ hai học những giáo viên mà anh trai từng học. Vậy mà, chị liên tục nhận được liên lạc của giáo viên chủ nhiệm về việc con học đuối, không tiến bộ. Chị rất lo lắng vì sự "dậm chân tại chỗ" của con.
Tìm hiểu thì được biết, những giáo viên mà con học thêm chỉ phù hợp với những bạn có ý thức học. Cậu con trai lớn vốn học giỏi, lại chăm chỉ nên theo được những giáo viên này. Tuy nhiên, cậu con thứ hai không tập trung học nên không theo kịp tiến độ bài giảng của giáo viên. Vì vậy, dù học thêm kín tuần nhưng kết quả của con vẫn ở mức bình bình, không có sự vượt trội.
Tiếc giáo viên giỏi nên chị Giang cố thuyết phục con theo học. Nhìn điểm thi học kỳ 1 của con chỉ đạt 6-7, chị Giang biết cần phải thay đổi lớp học thêm cho con. Khổ nỗi, ở thời điểm này, tìm giáo viên phù hợp với con đã khó, tìm lớp để khớp với lịch trống của con còn khó hơn. Bởi tìm được lớp Toán cho con thì trùng với lịch của lớp tiếng Anh. Môn nào cũng quan trọng và không bỏ được. Chị Giang không biết xoay xở thế nào.
Ảnh minh họa: ST
Cũng có con học lớp 9 mà kết quả lại tụt hơn so với những năm trước nên chị Nguyễn Minh Thủy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cảm thấy không yên tâm. Chị Thủy cho biết, tuần nào cũng "được giáo viên liên hệ" ít nhất 1 lần nên chị cảm thấy lo lắng. Chị rất thông cảm cho con khi thấy lượng kiến thức năm nay của con quá nhiều. Nhìn lịch học của con dày đặc ở trường, buổi tối lại phải "chạy sô" các lớp học thêm, con mệt mỏi và không có thời gian học bài ở nhà cũng là điều dễ hiểu. Chị Thủy đang không biết làm thế nào để phân bố lịch học của con cho hợp lý.
Chị không dám cho con nghỉ học thêm ở trường dù chị biết hiệu quả không cao. Chị cũng không đủ "can đảm" cho con nghỉ lớp học thêm ở giáo viên bên ngoài vì đó đều là những thầy cô giỏi. Thế nên, sau cả ngày đi học ở trường, đi học thêm buổi tối, nhìn con chỉ kịp ăn vội bát cơm rồi mệt nhoài nằm vật trên giường, chị không nỡ gọi con dậy học.
Chị không muốn ép con học khi con quá mệt mỏi. Thế nhưng, nhìn thấy những đứa trẻ khác học thêm nhiều hơn con mình, chúng lại "cày" bài đến tận khuya, chị cảm thấy lo lắng cho con. Chị hiểu, nếu con không nỗ lực, không cố gắng trong "cuộc đua" vào lớp 10, con sẽ mất cơ hội học ở trường THPT công lập tốt.
Với nhiều học sinh lớp 9, học kỳ 2 sẽ là chặng đường quan trọng cho các em cố gắng để có thể thực hiện được ước mơ của mình. Với những học sinh có mục tiêu thì bố mẹ không cần quá lo lắng đến việc học của con. Tuy nhiên, với những học sinh mà lực học chỉ ở mức trung bình, không có ý chí, quyết tâm thì bố mẹ lúc nào cũng như "ngồi trên đống lửa". Con thì đủng đỉnh, còn bố mẹ mới là người chịu áp lực, căng thẳng từ kỳ thi của con.
Cô giáo huyện miền núi Hà Tĩnh nhất hội thi giáo viên giỏi tỉnh môn tiếng Anh Giải nhất hội thi giáo viên giỏi THPT cấp tỉnh là phần thưởng tuyệt vời và cũng là động lực để cô giáo Tâm thực hiện ước mơ lan tỏa niềm yêu thích học tiếng Anh trên địa bàn miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Video về tiết dạy: The 22nd Sea Games - Lesson Reading Thể hiện xuất sắc các phần thi:...