Thi và tuyển sinh mỗi năm mỗi đổi: Thầy cô, học trò bối rối
Quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học cứ mỗi năm mỗi đổi khiến giáo viên, học sinh vất vả “chạy” theo. Thậm chí, giáo viên làm thử bài trắc nghiệm còn sai.
Đó là ý kiến của đại diện nhiều trường THPT tại Hội nghị hợp tác hướng nghiệp do ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức cho 70 trường THPT phía Nam trong hai ngày 6-7/1.
Từ khi xét học bạ vào ĐH: Điểm học sinh phổ thông tăng thấy rõ
Ông Nguyễn Đình Phùng – hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (An Giang) – lên tiếng quy chế thi tuyển mỗi năm đổi khiến hàng triệu học sinh và giáo viên vất vả chạy theo. Số môn học mà thí sinh phải ôn để thi THPT quốc gia năm nay quá nhiều, khi xuất hiện các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
“Xin mời quý vị xuống học để làm một lúc các môn Văn, Toán, Lý, Hoá, tiếng Anh, Sử, Địa. Nhiều thầy cô dạy luyện thi làm thử, hết giờ nhìn lại còn trật nhiều câu trắc nghiệm chứ đừng nói tới học sinh”, thầy Phùng nói.
Thí sinh TP.HCM dự thi THPT quốc gia.
Theo ông Phùng, Bộ GD&ĐT nên giao các trường đại học đứng ra tổ chức cụm thi THPT quốc gia để tăng mức độ tin cậy hơn. Nhiều địa phương vùng sâu vùng xa lại có tỷ lệ tốt nghiệp THPT, kết quả điểm môn ngoại ngữ cao hơn cả các thành phố lớn dường như chưa thuyết phục lắm. Tất nhiên cũng có nhiều địa phương nghiêm túc trong tổ chức thi.
Ông chia sẻ: “Như tỉnh chúng tôi cũng tự hào ‘vùng lũ không có phao’, dù đứng vị trí 62-63 cả nước về tỷ lệ tốt nghiệp thì vẫn vui vì đó là kết quả thật”.
Ông nêu thực trạng từ ngày được phép xét học bạ để tuyển sinh vào đại học thì điểm cuối năm của học sinh lớp 12 khá lên thấy rõ. Do đó, cần có biện pháp siết chặt để đảm bảo chất lượng đầu vào đại học.
TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – nhìn nhận kỳ thi THPT quốc gia 3 năm trở lại đây là 3 kiểu khác nhau.
Như năm nay, đề thi có sự thay đổi cực lớn, thí sinh dự thi theo bài thi chứ không phải từng môn đơn lẻ nữa. Số môn thi cũng tăng lên thành 9 môn, trong đó chỉ có môn Văn còn thi theo hình thức tự luận.
Vì vậy, các trường THPT phải lưu ý trong công tác tư vấn cho học sinh. Thêm vào đó, quy chế năm nay cho thí sinh được đăng ký xét tuyển trước khi thi và thay đổi sau khi có kết quả, liệu có xảy ra tình trạng nộp – rút hồ sơ hỗn loạn như những năm trước?
Video đang HOT
Vị Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM đồng tình với lo lắng của lãnh đạo các trường phổ thông trong việc tổ chức nghiêm túc kỳ thi quốc gia. Các trường đại học đều mong kết quả kỳ thi đáng tin cậy, làm cơ sở chủ yếu để xét tuyển.
Ông nêu ra thực tế đáng quan ngại, theo thống kê, điểm trung bình năm lớp 12 của học sinh khi ở trường thường thấp hơn kết quả thi THPT đến 3-4 điểm. Độ vênh này diễn ra nhiều hơn ở các trường THPT ngoài công lập, nguyên nhân vì sao thì mọi người cũng hiểu.
‘Khâu khó của hướng nghiệp nằm ở phụ huynh’
Cô Trần Thị Vương Nhi – Trưởng Ban hướng nghiệp trường THPT Nguyễn Trãi (Đồng Nai) – chia sẻ cái khó của công tác hướng nghiệp còn nằm ở phụ huynh.
Cuối cùng thì học sinh cũng không có đủ thẩm quyền quyết định. Rất nhiều học sinh sau khi xác định ngành nghề về xin cha mẹ liền bị phản đối.
Cô Trần Thị Vương Nhi cho rằng khó khăn lớn nhất là hướng nghiệp cho phụ huynh.
“Một học sinh tìm đến tôi khóc lả chả vì sau khi về trình bày với gia đình muốn học ngành Tâm lý giáo dục liền bị dội gáo nước lạnh rằng ngành này viển vông, không được học, phải vào học kế toán hoặc sư phạm”, cô Nhi chia sẻ
Với kinh nghiệm tư vấn hướng nghiệp nhiều năm, cô Nhi nhìn nhận, khó nhất là tư vấn cho phụ huynh hiểu. Mỗi năm chỉ có 2 kỳ họp gặp phụ huynh, có rất nhiều chuyện bàn thảo nên hướng nghiệp chỉ là nội dung nhỏ.
Nhiều cha mẹ ở quê không nắm hết đặc tính của ngành nghề, lại không có đánh giá trải nghiệm của những người xung quanh nên áp đặt con chọn nghề theo ý mình.
TS Lê Thị Thanh Mai – Trưởng Ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM – lưu ý: “Khi tư vấn, học sinh thường chỉ hỏi tôi rằng, với kết quả thi này em có thể xét vào trường nào?
Các em chỉ chú tâm vào chuyện có thể đậu vào trường nào, nhưng lại bỏ qua câu hỏi quan trọng hơn là em nên học ngành nào? Ngành đó có phù hợp với sở thích, năng lực không?…
Cho nên tôi mong các trường phổ thông cần định hướng sớm cho học sinh của mình bằng công cụ xác định nghề nghiệp phù hợp. Bởi sau khi thi THPT quốc gia, lúc đó học sinh đã rời trường, không có giáo viên bên cạnh để tư vấn”.
Theo Tiêu Hà / Phụ Nữ TP.HCM
Nhiều phương án tuyển sinh 2017
Nhiều trường đại học đã đưa ra kế hoạch xét tuyển năm 2017 với những điểm mới nhằm tuyển được thí sinh phù hợp từng ngành.
Ngày 4/1, ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM thông báo kế hoạch tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) chính quy năm 2017 với một số thay đổi về nhóm ngành/ngành tuyển sinh.
Cụ thể, ngành kiến trúc không còn tính điểm hệ số 2 môn toán; tất cả các ngành có chung tiêu chí phụ là môn toán; nhóm ngành vật lý kỹ thuật - cơ kỹ thuật được tuyển theo ngành, không tuyển theo nhóm ngành.
Mở rộng xét tuyển thí sinh có năng lực
TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết năm 2017, trường áp dụng nhiều phương thức xét tuyển với chỉ tiêu tương ứng, áp dụng cho tất cả các nhóm ngành/ngành. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng một hoặc kết hợp nhiều phương thức xét tuyển.
Cụ thể, trường sẽ xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu trên toàn quốc (theo phương án tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM); xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2017 và xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM.
Trong các phương thức xét tuyển kể trên, phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2017 chiếm khoảng 80% chỉ tiêu.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016 tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM Ảnh: Người Lao Động.
Tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, năm nay, trường mở rộng ưu tiên xét tuyển thẳng các đối tượng có năng lực, thu hút nhân tài với các chính sách rõ ràng hơn.
Cụ thể, trường mở rộng xét tuyển các đối tượng học sinh giỏi, học sinh lớp chuyên, trường chuyên, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với số điểm cao, trao học bổng khuyến khích, học bổng toàn phần.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết ngoài các đối tượng được tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường sử dụng tối đa 20% chỉ tiêu từng ngành đào tạo để ưu tiên xét tuyển thẳng các thí sinh ở các trường chuyên, trường nằm trong tốp 200 trên cả nước theo tiêu chí điểm thi THPT quốc gia.
Trường ưu tiên xét tuyển các thí sinh của những trường THPT có ký kết hợp tác về hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo và nghiên cứu khoa học với ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Riêng đối với ngành sư phạm tiếng Anh và ngôn ngữ Anh, trường sử dụng thêm tối đa 20% chỉ tiêu để xét tuyển thẳng các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Thêm ngành mới, bổ sung tổ hợp xét tuyển
ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, chiều 3/1, công bố phương án xét tuyển ĐH năm 2017. Trường dự kiến tuyển 3.500 chỉ tiêu bậc ĐH (tăng 800) và 300 chỉ tiêu bậc CĐ (giảm 200). Bên cạnh các tổ hợp xét tuyển truyền thống, năm nay, trường có thêm tổ hợp xét tuyển tự nhiên (Toán, Văn, Lý - Hóa - Sinh).
ThS Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết các khối xét tuyển truyền thống như A, A1, B có cấu trúc môn cũng giống như tổ hợp tự nhiên nên năm nay. Trường bổ sung tổ hợp môn xét tuyển tự nhiên ở những ngành không xét tuyển khối B nhằm tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh đồng thời mở rộng nguồn tuyển cho trường.
Một điểm mới nữa là năm nay, trường đưa ra phương án định điểm trúng tuyển theo ngành, có nghĩa là các ngành có nhiều khối xét tuyển nhưng chỉ có duy nhất mức điểm trúng tuyển cho các khối. Chính vì vậy, thí sinh nên chọn tổ hợp môn tương ứng với khối xét tuyển có điểm cao nhất để nộp.
Tại ĐH Công nghiệp TP.HCM, năm nay, trường có thêm 3 ngành đào tạo mới là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết kế thời trang, khoa học dinh dưỡng và ẩm thực dù chỉ tiêu không tăng so với năm 2016.
PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm nay, trường bổ sung 5 tổ hợp môn mới vào xét tuyển, mỗi ngành có 4 tổ hợp xét tuyển cũ và mới nên thí sinh sẽ chọn xét tuyển tổ hợp nào có điểm cao nhất. Việc này nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng thêm 2 tổ hợp K00 (Lý - Hóa - Sinh) và K01 (Sử - Địa - Giáo dục công dân) vào xét tuyển, trong đó hầu hết các ngành đều xét tuyển tổ hợp môn K00. Việc bổ sung khối K00 và K01 vào xét tuyển bên cạnh các khối thi truyền thống nhằm đa dạng cơ hội xét tuyển cho thí sinh.
Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mở TP.HCM cho biết trường dự kiến thay thế tổ hợp môn mới ở một số ngành xét tuyển, ở một số ngành kỹ thuật điểm xét tuyển môn toán sẽ được nhân hệ số 2.
Có 4 ngành mới tuyển sinh là kiểm toán, quản trị nhân sự, kinh doanh quốc tế, công nghệ thông tin.Chỉ tiêu tuyển sinh của trường cũng dự kiến tăng 20%, từ 2.950 lên trên 3.000.
Vẫn chờ quy chế
Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Thủy lợi, cho hay trường này vẫn tiếp tục tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT. Theo ông Thạc, trường muốn ổn định công tác tuyển sinh nên không gây xáo trộn.
Nói thêm về việc xét tuyển chung với nhóm GX do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, ông Thạc cho hay do bộ chưa ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, chưa có quyết định cuối cùng về việc tuyển sinh theo từng nhóm hay tuyển sinh theo phần mềm chung của Bộ GD-ĐT nên trường vẫn đang chờ.
Theo Huy Lân / Người Lao Động
TP.HCM: Nhiều trường đại học có phương án tuyển sinh sớm Mặc dù Bộ GD&ĐT chưa chốt phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, một số trường trên địa bàn TP.HCM đã lên phương án sớm về kế hoạch tuyển sinh năm 2017. Theo Hội đồng tuyển sinh Đại học Quốc gia TP.HCM, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 của các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM là hơn...