Thị trưởng Nhật thành “lá bài” của TQ
“Người Trung Quốc đi khắp thế giới, trong đó có cả Mỹ, với thông điệp: Anh thấy đấy, chính phủ của ông Abe toàn là những kẻ dân tộc cánh hữu.”
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage ngày hôm qua đã lên tiếng chỉ trích những phát biểu gần đây của Thị trưởng Osaka Toru Hashimoto về hệ thống nhà thổ phục vụ quân đội thời chiến của Nhật Bản và cho rằng những phát biểu “ngớ ngẩn” này “làm tổn hại” đến hình ảnh của Nhật Bản.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage
Hồi đầu tháng, ông Hashimoto đã nói rằng hệ thống nhà thổ quân đội của Nhật Bản trong thời chiến là cần thiết để duy trì kỷ luật quân sự, khiến cho dư luận Hàn Quốc trở nên vô cùng tức giận.
Khi phải đối mặt với làn sóng chỉ trích cả trong và ngoài nước, ông Hashimoto tìm cách biện giải cho phát biểu của mình rằng cá nhân ông chỉ phản ánh cách nghĩ của các quan chức quân sự Nhật Bản thời đó về những “phụ nữ giải khuây”, những nạn nhân nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II.
Thứ trưởng Armitage cho rằng những phát biểu như vậy là “rất có hại cho tất cả chúng ta” vì Trung Quốc sử dụng chúng như cái cớ để tuyên bố với thế giới rằng Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe đang trở nên khuynh hữu và không dám nhìn thẳng vào quá khứ chiến tranh.
Ông Armitage cho hay: “Người Trung Quốc đi khắp thế giới, trong đó có cả Mỹ, với thông điệp: Anh thấy đấy, chính phủ của ông Abe toàn là những kẻ dân tộc cánh hữu.” Và ông cho rằng khi các chính trị gia đưa ra phát biểu như thế này, nó sẽ trở thành lá bài ngoại giao trong tay Trung Quốc.
Video đang HOT
Phát biểu của ông Hashimoto trở thành lá bài ngoại giao của TQ
Theo ông Armitage, người dân Hàn Quốc cảm thấy bị tổn thương “khi các chính trị gia đưa ra những phát biểu thiếu hiểu biết về những người phụ nữ giải khuây”, và những phát biểu này khiến cho dư luận bị chệch hướng khỏi những vấn đề đáng ra cần phải chú ý, chẳng hạn như thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc và các tranh chấp lãnh thổ liên quan trên nhóm đảo Senkaku thuộc biển Hoa Đông.
Hiện nay Nhật Bản và Trung Quốc vẫn đang tranh chấp chủ quyền đối với nhóm đảo này. Khi Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa nhóm đảo mà họ đang kiểm soát thực tế này, một làn sóng biểu tình phản đối đã bùng lên ở Trung Quốc. Kể từ đó, Trung Quốc đã cho rất nhiều lượt tàu tiến vào vùng biển xung quanh nhóm đảo Senkaku mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền này.
Theo 24h
Phụ nữ Nhật đòi xin lỗi vụ "nô lệ tình dục"
Người dân trên chuỗi đảo Okinawa của Nhật Bản hôm qua lên tiếng yêu cầu chính trị gia có phát ngôn ủng hộ hệ thống nô lệ tình dục thời chiến tranh phải xin lỗi, vì họ cho rằng chính phụ nữ Nhật cũng đang bị quân đội Mỹ lạm dụng.
Trước đó, Thị trưởng TP. Osaka Toru Hashimoto nói rằng "những phụ nữ giải khuây" cho quân đội Nhật trong Thế chiến II là "cần thiết" để giữ họ trong hàng ngũ.
"Bất kể chiến tranh hay không, quan điểm sử dụng phụ nữ như một công cụ là không thể tha thứ", bà Masako Ishimine, thành viên của tổ chức phụ nữ ở Okinawa phát biểu trên Thời báo Okinawa 1 ngày sau phát ngôn của ông Hashimoto.
"Ý ông ấy có phải là phụ nữ phải chấp nhận điều đó vì đàn ông phải làm việc vất vả?".
Phát ngôn gây xúc phạm của chính trị gia trẻ tuổi xuất hiện đúng ngày Okinawa kỷ niệm lần thứ 41 Nhật Bản đòi lại lãnh thổ bị Mỹ chiếm đóng thời hậu chiến.
Chuỗi đảo Okinawa đang bị Trung Quốc cho là thuộc sở hữu của Bắc Kinh
Có tới 200.000 phụ nữ Hàn Quốc, Trung Quốc, Philipines và một số nước khác bị ép vào các nhà thổ phụ vụ quân lính Nhật Bản tại những vùng lãnh thổ bị Nhật chiếm đóng trong suốt Thế chiến II.
Đến khi Nhật đầu hàng, toàn bộ lãnh thổ nước này bị đặt dưới thẩm quyền của quân đồng minh do Mỹ dẫn đầu.
Nhưng khi quyền kiểm soát đất nước được trả lại cho chính phủ dân sự trong nước vào năm 1952, Okinawa vẫn là lãnh thổ của Mỹ cho tới tận năm 1972.
Trong những năm sau chiến tranh, Okinawa trở thành thiên đường nghỉ cận nhiệt đới và là căn cứ chiến lược quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương, mà ngày nay vẫn còn một nửa trong số 47.000 lính Mỹ đồn trú theo hiệp định an ninh ký giữa 2 nước.
Chuỗi đảo chỉ có 1,3 triệu dân sinh sống cảm thấy quá tải khi phải chứa thêm từng đó binh lính. Người dân thường xuyên phàn nàn về tiếng ồn và nguy cơ tai nạn gây ra bởi các phương tiện của lính Mỹ.
Không chỉ thế, những vụ cưỡng hiếp và tấn công tình dục do lính Mỹ thực hiện thường xuyên ảnh hưởng đến quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ.
Thị trưởng Okasa Hashimoto tham gia vào cuộc tranh cãi này với ý kiến rằng binh lính nên được phép sử dụng gái mại dâm hợp pháp để tránh gây ra các hành vi phạm tội liên quan đến tình dục.
Người Okinawa phản ứng dữ dội, nói rằng ông Hashimoto "thiếu hiểu biết về nhân quyền và không thể cảm nhận nỗi đau của người Okinawa".
Trong khi đó, chỉ cách đây hơn 1 tuần, báo chí Trung Quốc đăng bài kêu gọi xem xét lại chủ quyền của chuỗi đảo Okinawa, rằng Bắc Kinh mới là chủ sở hữu hợp pháp.
Hồi đầu tuần, một tàu ngầm nước ngoài mà báo chí Nhật đoán là của Trung Quốc đã tới vùng biển ngoài khơi Okinawa, làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh đang có ý đồ nhòm ngó quần đảo này.
Theo 24h
Thị trưởng Nhật bị chỉ trích vì "vạ miệng" Hội đồng thành phố Osaka sẽ bỏ phiếu đối với bản kiến nghị chỉ trích những lời phát biểu về hệ thống nô lệ tình dục thời chiến của Thị trưởng Toru Hashimoto đã bôi xấu và làm hoen ố hình ảnh của thành phố. Thị trưởng thành phố Osaka của Nhật Bản Toru Hashimoto đang phải đối mặt với một kiến nghị...