Thị trường học trực tuyến Make in Vietnam nóng trở lại
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, học online qua các nền tảng công nghệ là giải pháp căn cơ để thầy cô giáo và học sinh, sinh viên có thể duy trì được cuộc sống bình thường.
Sinh viên, học sinh quay trở lại với học trực tuyến
Tính đến trưa nay (6/5), đã có 18 tỉnh, thành thay đổi lịch học cho học sinh để phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nam đã cho học sinh nghỉ học từ 3/5. Nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hưng Yên,… cũng đã cho học sinh, sinh viên trên địa bàn nghỉ học từ ngày 4/5 cho đến khi có thông báo mới.
Trong bối cảnh này, hàng loạt trường học trên cả nước đã phát đi thông báo khẩn tới sinh viên, giảng viên, học sinh về việc chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến nhiều trường đại học bắt đầu chuyển sang hình thức học online.
Chia sẻ với VietNamNet , Nguyễn Khánh (Cầu Giấy, Hà Nội) – sinh viên năm 2 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho biết, cả trường đại học này đã chuyển sang hình thức học online từ ngày 4/5.
“Do không phải lần đầu tiên triển khai học online, phần lớn các bạn sinh viên đều đã quen thuộc và hào hứng với phương pháp học này”, Khánh chia sẻ.
Khác với thời điểm đầu năm 2020, học trực tuyến giờ đây đã không còn xa lạ với các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và cả các vị phụ huynh như thời gian trước. Hình thức dạy và học mới này giờ đây đã trở nên phổ biến và đang ngày càng cho thấy những thành quả bất ngờ.
Kết quả dạy học trực tuyến của Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá rất tích cực. Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29/9/2020 nhận xét: “Việc học trực tuyến để phòng chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”.
Video đang HOT
Học sinh trường THCS Phan Thiết (Tuyên Quang) trong một buổi thi thử tiếng Anh dưới hình thức trực tuyến bằng hệ thống quản lý dạy và học trực tuyến K12Online do Viettel phát triển.
Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Ở bậc đại học, có trên 50% cơ sở giáo dục cũng dạy học từ xa, trong đó nhiều trường áp dụng trực tuyến hoàn toàn, một số cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Trước đó, Giáo sư Fernando Reimers – trường Đại học Harvard (Mỹ) từng cho biết, khi thực hiện nghiên cứu của OECD về những bài học thực tiễn mà nền giáo dục các nước đã làm tốt trong đại dịch, nhóm đã chọn Việt Nam làm ví dụ điển hình để các nước khác học hỏi kinh nghiệm. Đâu cũng chính là minh chứng sống động cho sự thành công của Việt Nam trong việc tổ chức các lớp học online.
Các nền tảng học online Việt sẵn sàng trước đại dịch Covid-19
Không như nhiều quốc gia vốn phụ thuộc vào các ứng dụng hội họp trực tuyến như Zoom hay Teams của Microsoft, khoảng vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp công nghệ số trong nước đã rất tích cực nhằm đáp ứng nhu cầu học trực tuyến của người dân Việt Nam.
Nổi bật trong số này là sự ra đời của mạng giáo dục Việt Nam VNEdu, hệ thống quản lý dạy và học trực tuyến K12Online và mạng xã hội học tập ViettelStudy,… Trong số đó, giải pháp học trực tuyến elearning của Viettel hiện đã có trên 13 triệu người dùng với hơn 25.700 cơ sở giáo dục.
Thống kê về lượng người dùng của mạng giáo dục Việt Nam VNEdu tính theo tỉnh thành.
Theo ghi nhận của các nhà cung cấp giải pháp giáo dục lớn tại Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel, từ đầu tuần trở lại đây số lượng người quay trở lại với hình thức học trực tuyến có tăng lên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 một lần nữa quay trở lại.
Đại diện VNPT cho biết, số lượng người sử dụng mạng giáo dục VNEdu của đơn vị này hiện tập trung nhiều nhất tại các tỉnh thành phía nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Cà Mau. Riêng người dùng của 4 địa phương này đã chiếm tới 63% trong tổng số khoảng 2 triệu người dùng mà VNEdu đang sở hữu.
Phần lớn người dùng của VNEdu ở độ tuổi từ 18-44. Trong đó, 33,5% có độ tuổi từ 25-34, 27,5% có độ tuổi từ 18-24 và 15,5% có độ tuổi từ 35-44. Ở góc độ nhân khẩu học, 54% người dùng mạng xã hội học tập này là nam và 46% là nữ, đại diện VNPT chia sẻ.
Dịch Covid-19 quay trở lại kéo theo khả năng thị trường học trực tuyến tại Việt Nam sẽ phát triển nóng trong thời gian tới.
Với giải pháp học trực tuyến elearning của Viettel, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên, số lượng tài khoản trên hệ thống của đơn vị này đã tăng thêm hơn 3,6 triệu account.
Giải pháp học trực tuyến elearning cũng ghi nhận mức truy cập ấn tượng với 230,7 triệu pageview. Lượng truy cập hệ thống đạt 13 triệu người dùng, với tổng cộng 3,5 triệu bài học, bài thi và 520.000 học liệu.
Chia sẻ với VietNamNet , cả VNPT, FPT và Viettel đều khẳng định, hệ thống của các đơn vị này hoàn toàn sẵn sàng trước việc tăng trưởng nóng của thị trường học trực tuyến Việt Nam. Điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang nhăm nhe một lần nữa quay trở lại.
Đua thời gian, hoàn thành chương trình học chất lượng, đúng tiến độ
Khung kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 với GD mầm non, phổ thông và GD thường xuyên của Bộ GD&ĐT quy định: Hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước 25/5/2021; kết thúc năm học trước 31/5/2021.
Nhiều địa phương nhanh chóng triển khai dạy học trực tuyến bảo đảm kế hoạch năm học. Ảnh minh họa
Với sự chủ động, linh hoạt, kinh nghiệm triển khai dạy học trực tuyến, các nhà trường, địa phương đang nỗ lực để hoàn thành chương trình học chất lượng, đúng tiến độ.
Không gián đoạn việc học
Ngay sau khi học sinh tạm dừng đến trường để phòng dịch, Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã lập kế hoạch dạy học trực tuyến. Theo thầy Hiệu trưởng Đào Chí Mạnh, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thống kê số học sinh có thể học qua Internet.
Đề Tiếng Việt và đề tổng hợp cho các môn còn lại số lượng 15 câu/tuần cho mỗi nội dung. Riêng môn Toán, giáo viên chỉ làm video, đề sẽ được luyện trên nền tảng Vio.edu.vn. Tổ trưởng chỉ đạo làm đề theo khối và gửi lại phó hiệu trưởng duyệt, sau đó đưa lên hệ thống.
"Kế hoạch của nhà trường yêu cầu, tổ chức dạy học trực tuyến cần bảo đảm để số lượng học sinh tham gia nhiều nhất. Tổ công nghệ được giao hỗ trợ, giúp giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Tôi tin rằng, những trường triển khai dạy học trực tuyến tốt, việc hoàn thành chương trình đúng thời điểm trong điều kiện dịch bệnh hoàn toàn khả thi" - ông Đào Chí Mạnh nêu quan điểm.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), cô Hoàng Thị Yến, ngay trước nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhà trường lên phương án, xây dựng kế hoạch để trường hợp học sinh phải tạm dừng đến trường vì dịch bệnh có thể chuyển ngay sang dạy học trực tuyến. Học sinh của trường đang được học trực tuyến trên phần mềm Microsofl Teams.
Thời khóa biểu được bố trí 2 buổi/ ngày, từ thứ Hai - thứ Sáu với trung bình 7 - 8 tiết/ngày (tùy theo chương trình của mỗi khối). "Theo tiến độ này, nhà trường sẽ hoàn thành chương trình học kỳ II vào 24/5 và kết thúc năm học theo đúng thời gian quy định" - cô Hoàng Thị Yến khẳng định.
Cô Lương Quỳnh Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) cũng cho rằng, nếu thời gian tạm dừng đến trường chỉ một tuần sẽ không ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch năm học, vì hoạt động dạy học vẫn tiếp tục bằng hình thức trực tuyến. Trường hợp thời gian này kéo dài hơn cần có phương án cho kiểm tra cuối kỳ. "Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT cho phép được kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến vì lý do bất khả kháng" - Hiệu trưởng Lương Quỳnh Lan gợi ý.
Giáo viên tại Hà Nội dạy trực tuyến, tương tác trực tiếp với học sinh thông qua phần mềm Zoom.
Có thể hoàn thành chương trình trong điều kiện dịch bệnh
Từ ngày 5/5, học sinh mầm non, tiểu học, THCS và các cơ sở mầm non độc lập, tư thục trên địa bàn thành phố Bắc Giang trở lại trường học bình thường. Ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết: Hết tuần sau (khoảng 14/5), học sinh tiểu học Bắc Giang sẽ hoàn thành kiểm tra định kỳ; dự kiến kết thúc học kỳ II vào 25/5.
Theo ông Trịnh Văn Mừng, Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, Sở GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện kế hoạch giáo dục và triển khai dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường vì Covid-19. Trong đó yêu cầu cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT triển khai các hình thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình và hình thức dạy học khác từ ngày 4/5 một cách hiệu quả theo hướng dẫn của sở GD&ĐT, bảo đảm "học sinh dừng đến trường nhưng không ngừng học".
Các trường thực hiện tiến độ hoàn thành chương trình trước 25/5, kết thúc năm học ngày 31/5 (khi chưa có thông báo mới của Bộ GD&ĐT về thời gian kết thúc năm học). Phân công giáo viên, cán bộ kỹ thuật trực và hỗ trợ giáo viên, học sinh về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến bảo đảm an toàn về thông tin cá nhân và khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến.
Nhiều địa phương thực hiện sắp xếp ngồi giãn cách trong giờ học để bảo đảm an toàn cho HS.
"Về kiểm tra, đánh giá học sinh, sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên tăng cường kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh trong quá trình dạy học trực tuyến; đánh giá việc hoàn nhiệm vụ học tập cho học sinh, từ đó có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ học tập cho học sinh, đặc biệt đối với học sinh yếu kém. Đối với bài kiểm tra, đánh giá định kỳ: Thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ GD&ĐT (khi học sinh đi học trở lại)." - ông Trịnh Văn Mừng cho hay.
Tại Hưng Yên, thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Xuân Quyết, trẻ mầm non, học sinh, học viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên toàn tỉnh tạm dừng đến trường từ ngày 4/5 cho đến khi có thông báo mới. Trong quá trình này, sở yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức dạy học trực tuyến chính khóa trên cơ sở hiệu quả, chất lượng theo chương trình giáo dục, không làm gián đoạn việc học của học sinh. Phụ huynh học sinh cũng được yêu cầu thực hiện các biện pháp quản lý, chăm sóc học sinh trong thời gian nghỉ học.
Theo khung kế hoạch thời gian năm học, Hưng Yên đã gần hoàn thành. Sở GD&ĐT đang xem xét, cân nhắc, nếu dịch bệnh không diễn biến phức tạp tuần sau có thể cho học sinh đến trường làm kiểm tra định kỳ theo phương án giãn cách và bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch bệnh. - Ông Phan Xuân Quyết
TP.HCM: Chỉ còn 3 ngày để hoàn thành kiểm tra học kỳ II, teen và thầy cô xoay xở ra sao? Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa yêu cầu tất cả trường học kết thúc kiểm tra cuối kì II sớm hơn 2 tuần so với dự định. Theo văn bản chỉ đạo của Sở &ĐT TP.HCM vào chiều 5/5, các trường học tổ chức kiểm tra tại lớp để...