Thị trấn Thiệu Hóa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân
Thời gian qua, thị trấn Thiệu Hóa tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng cao và bền vững.
Thực tế cho thấy, thị trấn đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân.
Cửa hàng kinh doanh xe mô tô trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa.
Theo báo cáo của UBND thị trấn Thiệu Hóa, năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 17,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; dịch vụ – thương mại, tăng từ 57% lên 58%; công nghiệp – xây dựng, tăng từ 34% lên 35%; nông nghiệp, giảm từ 9% xuống còn 7%. Tổng giá trị thu nhập toàn xã hội đạt trên 800 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm. Để kinh tế phát triển, nâng cao đời sống người dân, thị trấn đã liên kết với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra nghiêm ngặt phương thức sản xuất ở các vùng rau an toàn, bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 16,3 ha, giá trị thu nhập 450 triệu/ha/năm… Giá trị sản xuất bình quân 1 ha canh tác đạt 126,5 triệu đồng/năm. Tổng đàn gia súc, gia cầm 23.117 con; đàn trâu, bò hiện 345 con, đạt 79,5% kế hoạch, giảm 89 con so với cùng kỳ; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y. Tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó đạt kế hoạch đề ra. Hiện trên địa bàn thị trấn có 45 doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; 2 HTX dịch vụ (nông nghiệp, điện năng, vệ sinh môi trường); 1 HTX rau an toàn Vạn Hà; 1.086 cơ sở kinh doanh, dịch vụ; 320 cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, xay xát, chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí xây dựng và sửa chữa…, tạo việc làm thường xuyên cho 2.784 lao động. Trong đó, phát huy lợi thế tuyến Quốc lộ 45 qua địa bàn và các tuyến đường giao thông trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng kiên cố, thị trấn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ dân đầu tư phát triển dịch vụ thương mại, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của thị trấn.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2021, thị trấn Thiệu Hóa phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất 17,5% trở lên; cơ cấu giá trị sản xuất: dịch vụ 58%, công nghiệp – xây dựng 35%, nông nghiệp 7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm trở lên.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiểu, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thiệu Hóa, cho biết: Thị trấn tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp, còn bỏ hoang sang sản xuất các loại cây, con có giá trị kinh tế cao hơn phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, vận động người dân tích tụ, tập trung đất đai; phát triển diện tích nhà màng, nhà lưới, cánh đồng rau an toàn; tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm. Duy trì và phát triển chăn nuôi, khuyến khích đầu tư xây dựng các trang trại quy mô lớn theo quy hoạch, xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường; tăng cường công tác phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm, không để dịch bệnh xảy ra. Thị trấn chỉ đạo các HTX trên địa bàn hoạt động đúng quy định, có hiệu quả, thực hiện tốt các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và thực hiện có hiệu quả là cầu nối giữa doanh nghiệp với người sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để thành lập thêm HTX hoặc tổ hợp tác hoạt động ở các lĩnh vực, như: Sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau an toàn; tiểu thủ công nghiệp… Thị trấn tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung một số ngành nghề khác vào Cụm làng nghề Hồng Đô, như: nghề mộc dân dụng, nem giò chả và một số nghề khác sớm đi vào hoạt động. Căn cứ nguồn lực thực tế, thị trấn triển khai đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo kế hoạch đầu tư công năm 2021; trong đó, tập trung đầu tư cơ sở vật chất các trường học, cơ sở vật chất văn hóa theo hướng Nhà nước và Nhân dân cùng làm; hệ thống giao thông và rãnh thoát nước trong khu dân cư; cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, hệ thống chiếu sáng, chỉnh trang đô thị… theo định hướng quy hoạch chung mở rộng thị trấn Thiệu Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng các công trình đầu tư xây dựng, nêu cao vai trò giám sát của cộng đồng và ý thức, trách nhiệm của người dân trong quá trình xây dựng, quản lý công trình. Thị trấn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý trật tự xây dựng, đô thị, môi trường và an toàn giao thông trên địa bàn; trước mắt là tập trung, kiên quyết xử lý vi phạm tại một số khu vực, như: Dọc Quốc lộ 45; khu vực cầu Vạn Hà, chơ… Làm tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai; trong đó, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính; quản lý chặt chẽ đất nghĩa trang, nghĩa địa; xử lý dứt điểm các vi phạm, các đơn, thư và các tranh chấp đất đai phát sinh trên địa bàn. Thị trấn phối hợp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan của huyện tập trung vận động, tuyên truyền để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, như: Khu dân cư phía Tây Bắc, khu dân cư đường vào Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa, khu dân cư phía Đông Nam thị trấn; đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện giải phóng mặt bằng dự án Trường tư thục Nobel; các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại.
Xã Thiệu Long đa dạng các ngành nghề
Để nâng cao đời sống người dân, tạo việc làm cho người lao động, những năm qua, xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động, với thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, còn du nhập nghề mới, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Xưởng sản xuất mây giang xiên của doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng, thôn Phú Hưng, xã Thiệu Long.
Nghề mây giang xiên được du nhập vào địa phương từ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, người lao động chỉ nhận sản phẩm và làm lúc nông nhàn. Nhận thấy nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân và có xu hướng phát triển tốt, UBND xã Thiệu Long đã khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ những cơ sở nhỏ lẻ mở rộng quy mô sản xuất, thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp. Bà Phạm Thị Mỳ, thôn Phú Hưng là một trong những chủ cơ sở đã mạnh dạn đầu tư vốn phát triển nghề mây giang xiên, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Bà Mỳ cho biết: Ban đầu, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ít lao động nên việc duy trì nghề gặp nhiều khó khăn, sản phẩm chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước. Đến năm 2006, sau khi đã tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, tôi đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, du nhập thêm nghề mây song, mây cói, mây nhựa và định hướng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản,... Để bảo đảm số lượng hàng hóa xuất khẩu, bà Mỳ còn được UBND xã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tổ chức dạy nghề tại cơ sở, cung cấp nguyên liệu, thu mua sản phẩm cho người lao động. Hiện nay, cơ sở sản xuất của bà Mỳ đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 200 lao động; mỗi tháng doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng xuất khẩu khoảng hơn 10.000 sản phẩm qua công ty trung gian.
Bên cạnh nghề mây giang xiên thì trên địa bàn xã còn chú trọng phát triển các nghề như làm mi giả, may công nghiệp, cơ khí,... với hơn 326 hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động, với thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, UBND xã còn phối hợp với trung tâm dạy nghề huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn. Đại diện lãnh đạo UBND xã Thiệu Long, cho biết: Để mở rộng ngành nghề, tạo việc làm cho người lao động, xã đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất được tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn và nhân cấy nghề mới mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Nhằm quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường...
Nhờ tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, cơ cấu kinh tế của xã Thiệu Long đã có chuyển biến tích cực, năm 2020 giá trị sản xuất đạt hơn 233 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,16%, thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2021 và các năm tiếp theo, xã Thiệu Long sẽ tiếp tục củng cố, phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn, tăng cường thu hút đầu tư; nhất là chú trọng phát triển các nghề mới để nâng cao thu nhập cho người dân. Phấn đấu năm 2021, bình quân thu nhập đầu người đạt 48 triệu đồng/năm trở lên.
Kinh tế đô thị - động lực phát triển của Thủ đô Cụm từ "kinh tế đô thị" mới được đề cập trong vài năm gần đây ở Việt Nam, dù nó đã phát triển và thu được những kết quả đáng ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Trong xu hướng hội nhập, Thủ đô Hà Nội cũng đứng trước cơ hội để phát huy tiềm năng sẵn có, đưa kinh tế đô...