“Thi trắc nghiệm phải phát triển được tư duy của học sinh”
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trình Chính phủ phương án đổi mới thi THPT quốc gia sau năm 2020, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về mức độ “may rủi” khi triển khai hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính.
Để thông tin rõ hơn cho bạn đọc về vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Khánh
Bộ GD&ĐT vừa đề xuất phương án đổi mới thi THPT quốc gia sau năm 2020. Xin ông cho biết việc triển khai thi THPT quốc gia trên máy tính liệu có khả thi?
- Theo tôi, xét về mặt công nghệ, việc triển khai thi THPT quốc gia trên máy tính hoàn toàn có khả năng thực hiện được và không có gì cản trở.
Việc thi trên máy tính đã được triển khai ở nhiều nơi và không có gì mới. Thi nhiều lần trên máy tính sẽ giúp học sinh phát huy được năng lực của bản thân, đạt được mức điểm tối đa trong bài thi, chứ không chỉ có thi đỗ và trượt, điểm cao và điểm thấp.
Ở các nước trên thế giới, nếu học sinh muốn vào trường đại học có chất lượng tốt, điểm số các em phải cao và đúng với năng lực thực chất. Vì vậy, các em phải cố gắng học tập và rèn luyện để đạt được kết quả tốt nhất. Do đó, chúng ta nên ủng hộ việc thi THPT quốc gia trên máy tính.
Hiện, có nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả của hình thức thi trắc nghiệm và cho rằng hình thức thi này có nhiều “may rủi”. Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Tôi cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính cần có sự tác động nhất định đến hai đối tượng là thầy và trò, để cả hai đối tượng này đều tích cực dạy và học. Từ đó, chống được tư tưởng ỷ lại, thiếu trách nhiệm trong quá trình học tập của học sinh. Chỉ khi học sinh tích cực học, thầy tích cực dạy thì việc đổi mới kỳ thi mới đạt được hiệu quả cao nhất.
Video đang HOT
Theo ông, thi THPT quốc gia trên máy tính cần đáp ứng những tiêu chí gì?
- Để triển khai thi THPT quốc gia trên máy tính đạt hiệu quả, theo tôi kỳ thi cần có một bộ câu hỏi toàn diện, không chỉ kiểm tra kiến thức của học sinh mà còn giúp quá trình dạy và học được triển khai đúng tiến độ.
Nếu các câu hỏi được đưa ra chỉ để kiểm tra học sinh có thuộc kiến thức hay không, thì sẽ không thể phát triển dược tư duy của các em.
Thực tế cho thấy, tình trạng học sinh làm bài thi trắc nghiệm đánh bừa đáp án vẫn còn rất phổ biến. Điều này chứng tỏ các em chưa có ý thức tự rèn luyện và phát triển bản thân. Vì thế, bộ câu hỏi thi trắc nghiệm phải phát triển được tư duy của học sinh, hạn chế việc học sinh lười tư duy, suy nghĩ, không chịu tiếp thu kiến thức.
Cần làm gì để kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo tính khách quan, công bằng thưa ông?
- Theo tôi, các địa phương cần chủ động khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tăng cường kiểm tra, giám sát bằng công nghệ. Khi kỳ thi diễn ra, thanh tra tại các điểm thi không cần phải xuống tận phòng thi mà có thể ngồi một chỗ xem hình ảnh kết nối qua mạng nếu lắp camera tại các điểm thi. Giám sát coi thi bằng công nghệ thông tin và tiến hành chấm chéo sẽ hạn chế tiêu cực, đảm bảo được tính khách quan, công bằng cho kỳ thi.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:
Minh Thúy (Thực hiện)
Theo viettimes
Chung tay xây dựng trường học hạnh phúc
Nhận biết được những áp lực "bủa vây" học sinh khi đến trường, thời gian qua, nhiều trường học đã thay đổi để xây dựng những giờ học hạnh phúc, trường học hạnh phúc.
Theo đó, ở trường học hạnh phúc, học sinh đến trường không phải chỉ để học chữ, mà còn là để sống và làm cho bản thân mình nên người hơn.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội), lâu nay, chúng ta áp dụng cách giáo dục áp đặt nên đã gây những trở ngại trong học tập cho học sinh. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, tạo nên sự cởi mở, hòa đồng, chia sẻ trong mối quan hệ giữa thầy và trò. Thay vì áp đặt, chúng ta nên để giáo viên và học sinh tự giác thực hiện theo những điều mong muốn của cá nhân và có định hướng. Hiện nay, chúng ta quen làm theo lối cũ.
Yêu thương, an toàn, tôn trọng
Tức là đặt ra tiêu chuẩn rồi áp đặt giáo viên, học sinh phải thực hiện theo. Tuy nhiên, điều này nên thay đổi và áp dụng ngược lại. Cụ thể, trước một vấn đề, nên để giáo viên và học sinh cùng thảo luận với nhau, những gì hợp lý theo chuẩn mực của nhà trường đưa ra thì áp dụng thực hiện. Chúng ta không nên khống chế, áp đặt ở điều này, khoản kia. Mọi người nên trao đổi, bàn bạc với nhau để tìm ra chân lý. Nói cách khác là cùng nhau hợp tác để cùng nhau phát triển.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, chúng ta cần xây dựng những lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc để giáo viên và học sinh đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ, hứng thú trong dạy - học.
Chúng ta cần xây dựng những lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc để giáo viên và học sinh đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ, hứng thú trong dạy - học. Lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc phải trên cơ sở thầy trò hiểu nhau, tôn trọng lẫn nhau. Từ đó, tạo điều kiện để học sinh được đóng góp, cống hiến và quan trọng là được phát triển bản thân mình và hạnh phúc khi là chính mình. Đây là việc làm không vì thành tích, mà coi đó là việc làm để mỗi nhà trường, giáo viên và học sinh thực sự thay đổi. Mặt khác, đó là việc làm mang tính chất khoa học chứ không phải vì một chủ trương nào đó để áp đặt. Khi mọi người cùng tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc thì họ sẽ thấy được chân lý và tự điều chỉnh với nhau.
Cô giáo Phạm Thị Mỹ Linh (Chủ tịch Công đoàn Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu) cho rằng: Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh và phụ huynh đều được hạnh phúc; là nơi học sinh có hứng thú, niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm; là nơi học sinh không có áp lực học hành mà luôn được phát huy khả năng của mình, các môn học được biến hóa thành các bài học thú vị thông qua các trò chơi, trải nghiệm; là nơi mà thầy cô giáo có các phương pháp dạy học tích cực, luôn hỗ trợ và giúp đỡ học sinh kịp thời, thiết lập được mối quan hệ tốt với học sinh, tạo cho chúng sự an tâm, tin tưởng và cảm thấy được yêu thương. Nơi ấy không có bạo lực, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo. Hiểu một cách đơn giản, trường học hạnh phúc là nơi mà cả học sinh và thầy cô đều "muốn đến".
Hưởng ứng lời phát động Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019 - 2020, Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu coi xây dựng trường học hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trong đó, giáo viên chính là chủ thể tích cực góp phần xây dựng một môi trường sư phạm lành mạnh, văn minh, thân thiện với 3 giá trị cốt lõi: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Tháng 4/2019, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động "Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc". Tại đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã kêu gọi đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo chung tay xây dựng trường học hạnh phúc với các giá trị cốt lõi: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, làm tốt 3 tiêu chí này, mỗi người chúng ta sẽ thấy hạnh phúc và hạnh phúc thực sự, chứ không phải sự ép buộc. Đây là nhu cầu tự thân, là động lực để các thành viên trong nhà trường phấn đấu.
Theo cô giáo Phạm Thị Mỹ Linh, xây dựng trường học hạnh phúc là cả một quá trình, trong đó, bản thân mỗi giáo viên cần thay đổi tư duy nhận thức, hành động và cả cảm xúc để có được các bài học hay, đầy hứng thú với học sinh, tạo ra bầu không khí thân thiện và yêu thương. Thời gian qua, Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu đã phối hợp tổ chức thực hiện nhiều dự án giúp thầy cô thay đổi. Tiêu biểu như phối hợp với Công ty Cổ phần FCE Việt Nam thực hiện chương trình The Leader in me tại trường trong thời gian 3 năm (bắt đầu từ năm học 2018 - 2019).
Đây là chương trình lãnh đạo bản thân giúp mỗi người thay đổi tư duy, làm chủ cuộc sống, phát huy được các thế mạnh tiềm ẩn và vai trò lãnh đạo của mình. Qua một năm thực hiện, chương trình bước đầu có hiệu quả với bản thân cán bộ, giáo viên, nhân viên và với cả các em học sinh trong công việc, học tập cũng như trong cuộc sống. Các thầy cô và học sinh đã biết cách đặt mục tiêu sao cho khoa học, hiệu quả; biết lập kế hoạch tuần, tháng, học kì, năm học, chủ động hơn trong công việc giảng dạy cũng như học tập, biết cách ưu tiên việc quan trọng, có tư duy cùng thắng, biết cách lắng nghe và thấu hiểu...
Ngoài ra, Trường THCS &THPT Nguyễn Siêu còn thành lập các Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển theo tổ chuyên môn từ đầu năm học. Mỗi nhóm nhà giáo đều đăng ký thực hiện một nội dung, có thể là áp dụng một phương pháp dạy học tích cực nào đó, có thể là cùng nhau thực hiện nhiệm vụ làm thế nào để học sinh có hứng thú với bộ môn... Cuối năm sẽ tổ chức báo cáo, tổng kết, rút kinh nghiệm và tuyên dương khen thưởng các nhóm nhà giáo cùng giúp nhau tiến bộ, đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy. Đồng thời, để tạo thuận lợi cho các nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển, Ban Giám hiệu nhà trường đã sắp xếp vị trí bàn làm việc của các giáo viên cùng tổ ngồi gần nhau để dễ dàng hơn trong việc trao đổi chuyên môn và hỗ trợ nhau trong công tác giảng dạy.
Cũng theo cô giáo Phạm Thị Mỹ Linh, một nhân tố quan trọng nữa trong việc xây dựng trường học hạnh phúc là xây dựng một không gian học tập tốt cho học sinh vì nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý thoải mái của học sinh. Theo đó, năm học 2019 - 2020, Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu đã phát động phong trào xây dựng Trường học xanh - Lớp học hạnh phúc (Eco school - Happy class) trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Hưởng ứng tích cực phong trào, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường luôn nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, đề cao khẩu hiệu "thấy rác là nhặt", biết cách phân loại rác và vứt rác đúng nơi quy định (thùng rác vô cơ, thùng rác hữu cơ), tham gia trồng cây xanh phục vụ cho việc học tập và làm đẹp cảnh quan sân trường, tiết kiệm nước, tắt khi không sử dụng các thiết bị điện, đặc biệt loại bỏ rác thải nhựa và nilon, thay thế bằng một lối sống và thói quen thân thiện với môi trường như: Không bọc sách, vở bằng túi bọc nilon mà thay thế bằng bọc giấy; không sử dụng cốc, chai nhựa để uống nước mà thay vào đó là bình nước thủy tinh; thay túi nilon đựng đồ ăn bằng túi giấy...
Còn theo thầy giáo Nguyễn Văn Khoa (Tổ trưởng Tổ Văn, Trường THCS - THPT Ban Mai), điều quan trọng nhất để tạo nên trường học hạnh phúc chính là sự yêu thương. Chỉ có yêu thương hết mình thì mới tạo nên hạnh phúc. Chỉ có yêu thương, thầy cô mới tạo ra môi trường an toàn cho học sinh. Chỉ yêu thương, thầy cô mới đủ tầm và tâm để tìm ra điểm khác biệt của mỗi học sinh và tạo động lực cho các con phát triển.
"Hạnh phúc đến từ những điều thật giản đơn, nhưng không dễ gì đạt được những điều đó. Quan điểm về trường học hạnh phúc của mỗi giáo viên và học sinh là khác nhau. Nhưng tựu chung lại là lớp học đó phải tạo được cảm giác thoải mái cả về thể chất và tinh thần cho học sinh và giáo viên, giúp cho học sinh có thể tiếp thu bài học một cách hiệu quả nhất, để sao cho học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui" - cô giáo Phạm Thị Mỹ Linh khẳng định.
Phạm Thảo
Theo laodongthudo
Làm gì nếu học sinh "bị đuối" khi bước vào đầu cấp? Không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng, học sinh nản chuyện học tập khi mới "chân ướt chân ráo" vào lớp 1 hay lớp 6. Giai đoạn này, học sinh buộc phải làm quen với môi trường học tập mới, lượng kiến thức cao hơn dẫn đến ban đầu trẻ nhập cuộc khá vất vả. Bước vào lớp đầu cấp, học sinh...