Thi tốt nghiệp THPT trên máy tính liệu có khả thi?
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp năm 2021 sẽ giữ hình thức thi trên giấy giống như năm 2020, chú trọng phát triển ngân hàng câu hỏi phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. Thí điểm, tiến tới mở rộng hình thức thi trên máy tính.
Chuẩn bị thí điểm thi trên máy tính
Dự kiến, đầu tháng 10, Bộ GD&ĐT sẽ công bố cụ thể phương án thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025. Theo Bộ, kỳ thi năm 2021 sẽ giữ hình thức thi trên giấy giống như năm 2020. Hướng tới triển khai thí điểm hình thức thi trên máy tính. Đối với thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Đây không phải lần đầu Bộ GD&ĐT đề cập đến phương án tổ chức thi trên máy tính, bởi để tổ chức thi trên máy tính cần có lộ trình đảm bảo tính khả thi. Giai đoạn này, Bộ sẽ thí điểm tổ chức thi trên máy tính để từng bước áp dụng phương thức thi này phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước, phù hợp với điều kiện thụ hưởng giáo dục và cách tiếp cận công nghệ thông tin của học sinh.
Đánh giá về phương án thi tốt nghiệp THPT trên máy tính, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, phương án thi THPT sau năm 2020 phải theo kịp được sự phát triển của giáo dục thế giới, ứng dụng được tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, theo đó thi trên máy tính cũng là phương án hiện đại phù hợp.
Hình thức thi trên máy tính hoặc kết hợp thi trắc nghiệm trên máy và thi tự luận trên giấy sẽ góp phần làm giảm tiêu cực trong thi cử. Bộ GD&ĐT phải chuẩn bị sớm 3 điều kiện quan trọng: Ngân hàng đề thi, máy tính và đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi. Nên triển khai thí điểm ở những vùng thuận lợi trước khi áp dụng đại trà.
Kỳ thi trên máy tính của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015. Ảnh: VNU
Video đang HOT
Từ kinh nghiệm tổ chức các kỳ thi theo hình thức trực tuyến trong nhiều năm qua, ông Đặng Quang Hùng – Phó Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, việc tổ chức thi THPT Quốc gia trên máy tính là phương án hoàn toàn thực tế, phù hợp với xu thế ứng dụng sâu rộng công nghệ vào các lĩnh vực đời sống cũng như giải quyết được nhiều bất cập của cách tổ chức thi truyền thống (giảm các khâu số hóa, in ấn, giảm bớt sự tham gia của yếu tố con người, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí…).
Đặc biệt, khi thi trên máy tính sẽ giúp đánh giá năng lực thí sinh tốt hơn các đề thi trên giấy, ví dụ các bài nghe của môn Ngoại ngữ hay cho thí sinh xem các đoạn phim trong đề thi từ đó lựa chọn đáp án…
Chuẩn hóa ngân hàng đề thi và hệ thống thi
Chia sẻ thêm về lợi ích mà kỳ thi trên máy tính mang lại, ông Đặng Quang Hùng cho hay, khi thi trên máy tính, cơ sở dữ liệu của các kì thi trên máy sẽ được lưu trữ và sử dụng nhiều cho các hoạt động chuyên môn ngoài việc phân tích phổ điểm. Với các đề thi được chuẩn hóa, dữ liệu từ các kì thi trên máy tính có thể được phân tích để tối ưu cho việc dạy và học trong các chu kì học tập tiếp theo đối với cả người học và người dạy một cách hiệu quả nhất. Nếu làm bài thi THPT Quốc gia trên máy tính, đây cũng là một trong những cách giúp nhà trường và học sinh có thể làm quen và hoàn thiện các kỹ năng kiểm tra, thi cử trên công nghệ.
Tuy nhiên theo ông Hùng, điều kiện khó nhất để chuẩn bị cho kỳ thi trên máy đó là việc chuẩn bị, chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi sao cho có thể đảm bảo tính công bằng cho từng thí sinh (do thi ở các nơi khác nhau, theo các đợt khác nhau). Việc cần phải có một ngân hàng đủ lớn để giảm thiểu tính lặp cũng như để có thể xây dựng ra các đề thi với tiêu chuẩn kiến thức, độ khó, độ phân biệt, độ nhiễu… là tương đương nhau, đòi hỏi một sự chuẩn bị rất công phu.
Cùng với đó, hệ thống thi phải được thiết kế thực sự thân thiện, có nghiên cứu trải nghiệm người dùng đủ tốt để mọi học sinh đều có thể dễ dàng sử dụng. Khi đó, sẽ giảm sự mất công bằng giữa các thí sinh khi mà họ có trình độ sử dụng máy tính khác nhau. Cần chuẩn bị các điểm thi phù hợp cho thí sinh di chuyển cũng như có thể được tập dượt nhiều lần làm quen với phương thức thi trên máy, tránh những lúng túng và sai sót không đáng có cho thí sinh.
“Sự chuẩn bị và sẵn sàng để thay đổi mới là điều quan trọng nhất. Chúng ta chỉ nên bắt đầu khi có sự sẵn sàng và khi đó yếu tố thành công sẽ cao hơn rất nhiều. Còn khi thất bại, dù là hình thức nào, nếu thất bại cũng đều gây hậu quả và sự lãng phí. Thực tế, có nhiều cách để chúng ta nghiên cứu và triển khai, như việc có thể làm từng bước, quy mô nhỏ trước rồi diện rộng sau. Ban đầu có thể thí điểm trong một số địa bàn hoặc cho phép thí sinh lựa chọn hình thức thi (online hoặc giấy)”, ông Đặng Quang Hùng cho hay.
Trước đây, thi trên máy tính cũng đã áp dụng tại kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2015 và 2016. Để tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh sẽ phải thực hiện bài thi đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 195 phút. Ngoài yếu tố thoải mái từ các thí sinh, một điểm khác biệt nữa so với kỳ thi “truyền thống”, đó là thi trên máy tính sau khi kết thúc bài thi, thí sinh biết điểm luôn, việc công bố điểm cũng diễn ra khá nhanh.
Trao đổi về dự kiến phương án thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 – 2025 tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực được tổ chức chiều 23/9, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông tin: Năm 2021 kỳ thi sẽ giữ ổn định như năm 2020, các năm tiếp theo tinh thần chung vẫn là ổn định, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi cho phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. Thí điểm, tiến tới mở rộng hình thức thi trên máy tính.
Thi tốt nghiệp THPT trên máy tính: Thí điểm để mở rộng
Để triển khai thí điểm việc thi tốt nghiệp THPT trên máy tính rất cần chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều nội dung. Đặc biệt, phải đảm bảo tính khả thi, không gây bất bình đẳng giữa thí sinh thi trên máy tính và thi trên giấy truyền thống.
Giờ học toán của học sinh trường THPT Trần Nhân Tông. Ảnh: Hải Linh
Bộ nên công bố sớm cách thức tổ chức thi
Bộ GD&ĐT đang đề xuất phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi và tăng cường ứng dụng CNTT vào khâu tổ chức kỳ thi.
Khi biết thông tin này, nhiều chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng trường THPT đồng tình. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: "Dù 80 - 90% HS đỗ tốt nghiệp thì vẫn phải thi. Hiện nay, học lực HS từng vùng khác nhau và trình độ giáo viên không giống nhau... nếu xét học bạ thì có nhiều tiêu cực xảy ra".
Đồng quan điểm vẫn cần duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT ổn định, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Nhiếp nói: Nếu không thi HS sẽ không học; các thầy cô không nỗ lực và đổi mới. Hệ lụy này không chỉ ở cấp THPT mà còn cả ở cấp THCS rồi xuống đến tiểu học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT ổn định sẽ tạo điều kiện để các nhà trường, thầy cô giáo và HS học bài, ôn thi tốt hơn, có chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho các em tham gia vào kỳ thi cuối năm. Tuy nhiên, thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh mong muốn, Bộ GD&ĐT chia sẻ thêm thông tin 2021 có giống hoàn toàn năm 2020? thi những môn nào? có công bố điểm thành phần của các bài thi tổ hợp? cách xét tốt nghiệp ra sao?
Nếu được thì Bộ GD&ĐT nên công bố sớm về cách thức tổ chức thi trong khoảng thời gian cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10/2020 để các trường có đủ thông tin trong việc dạy học và ôn thi cho HS, đặc biệt là các em cuối cấp.Về việc tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi cho phong phú, thầy Tùng và các giáo viên khác cho rằng: Bộ GD&ĐT tận dụng nguồn lực từ phía Sở GD&ĐT các địa phương giao chỉ tiêu cho từng trường xây dựng bao nhiêu bộ đề. Các trường sẽ chuyển những bộ đề thi về Sở GD&ĐT thẩm định và chuyển về Bộ GD&ĐT.
"Tôi nghĩ rằng, việc xây dựng các đề thi bổ sung cho ngân hàng câu hỏi không khó. Cái khó ở đây là định hướng câu hỏi ra theo hướng nào, quy chuẩn ra sao"- thầy Mạnh Tùng nêu ý kiến.
Thi trên máy tính bảo đảm không gây sốc
Bên cạnh việc ổn định phương thức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025 như năm 2020, Bộ GD&ĐT tính toán lộ trình, sự chuẩn bị một cách hợp lý để thí điểm và mở rộng dần hình thức thi trên máy tính. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh cho biết, cách thi trên máy tính đồng hành cùng với thi trên giấy truyền thống để đảm bảo tính khả thi, không gây sốc, khó khăn cho HS. Đặc biệt là không gây bất bình đẳng giữa thi trên giấy, thi trên máy tính giữa HS vùng thuận lợi và khó khăn.
Về lộ trình này, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các địa phương và những bộ ngành liên quan để tiến hành thực hiện một cách khả thi và hiệu quả nhất. Theo ông Mai Văn Trinh, để triển khai thi trên máy tính thì cần có 6 nhóm vấn đề cần chuẩn bị: Ban hành hệ thống quy chế hướng dẫn thi trên máy tính; xây dựng từng cơ sở CNTT như máy tính, đường truyền, thiết bị an ninh, thiết bị quan sát; xây dựng được phần mềm để tổ chức thi trên máy tính; có ngân hàng câu hỏi phù hợp thi trên máy tính.
Cùng với đó, là tập huấn cho đội ngũ giáo viên tổ chức thi trên máy tính và chuẩn bị kỹ năng để HS sử dụng và thi trên máy tính.Khi đã chuẩn bị một cách kỹ lưỡng xong xuôi, có trung tâm khảo thí, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành từng bước thí điểm, mở rộng dần tổ chức thi trên máy tính song hành thi trên giấy truyền thống. Để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình thì việc hình thành các trung tâm khảo thí là hết sức cần thiết.
Ngoài trung tâm khảo thí quốc gia của Bộ GD&ĐT, các trường đại học cũng có trung tâm khảo thí; các Sở GD&ĐT, nếu có điều kiện có thể thành lập trung tâp khảo thí và kể cả những trung tâm độc lập của tổ chức và cá nhân. Nhưng tất cả đều vận hành chung trên một khuôn khổ, quy chế mà Bộ GD&ĐT ban hành.
Để sớm có thể tổ chức thi trên máy tính, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, ban hành văn bản mang tính khả thi như: Quy định cụ thể về cấu hình, vật chất, thiết bị của các trung tâm khảo thí để có thể tổ chức thi trên máy tính; quy chế thi trên máy tính, sử dụng kết quả thi. Trong tháng 10/2020, Bộ GD&ĐT sẽ gửi báo cáo Chính phủ về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025 để sớm ban hành.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh
Cho học sinh làm quen thi trên máy tính Cho học sinh làm bài kiểm tra, thực hành trên máy tính, ứng dụng các phần mềm trong việc dạy và học... là cách nhiều trường THPT ở TP.HCM thực hiện để học sinh thích nghi dần với cách làm bài thi trên máy tính. Học sinh lớp 10 Trường THPT Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM) bắt đầu làm quen với cách thức...