Thi tốt nghiệp THPT trên máy tính có gì đặc biệt?
Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn là thi trên giấy, đồng thời triển khai thí điểm mở rộng dần thi trên máy tính.
Dự kiến, đầu tháng 10, Bộ GD&ĐT sẽ công bố cụ thể phương án thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 – 2025. Theo Bộ, kỳ thi năm 2021 sẽ giữ hình thức thi trên giấy giống như năm 2020. Hướng tới triển khai thí điểm hình thức thi trên máy tính.
Đối với thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Đây không phải lần đầu, Bộ GD&ĐT đề cập đến phương án tổ chức thi trên máy tính giai đoạn các kỳ thi từ 2021 – 2025. Ngoài thi trên giấy, sẽ chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Giai đoạn này, Bộ sẽ thí điểm tổ chức thi trên máy tính để từng bước áp dụng phương thức thi này phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước, phù hợp với điều kiện thụ hưởng giáo dục và cách tiếp cận công nghệ thông tin của học sinh.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã từng tổ chức các kỳ thi trên máy tính. Ảnh: VNU
Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kết quả kỳ thi ngoài xét công nhận tốt nghiệp THPT, các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả để xét tuyển trong tuyển sinh.
Trên thực tế, thi trên máy tính cũng đã áp dụng tại Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức từ năm 2015. ĐH Quốc gia HN đã mở rộng kỳ thi trên máy tính tại nhiều tỉnh, thành trên phạm vi cả nước, ngày càng thu hút số lượng thí sinh đăng ký dự thi. Nhiều trường đại học cùng phối hợp tổ chức, sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực quốc gia.
Video đang HOT
Ghi nhận tại kỳ thi cho thấy, các thí sinh tham gia dự thi với tâm lý rất thoải mái, tự tin và nghiêm túc. Các yếu tố ngoại cảnh như thời tiết không làm ảnh hưởng tới việc tổ chức thi. Một điểm khác biệt nữa so với kỳ thi “truyền thống”, đó là thi trên máy tính của ĐH Quốc gia Hà Nội thí sinh biết điểm luôn, việc công bố điểm cũng diễn ra khá nhanh.
Để tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh sẽ phải thực hiện bài thi đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 195 phút. Kết quả bài thi có giá trị để đăng ký xét tuyển vào ĐH Quốc gia HN và vào các trường khác đã được ĐH Quốc gia HN đồng ý để xét tuyển. Kết quả bài thi được bảo lưu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi.
Riêng bài thi ngoại ngữ gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 90 phút. Kết quả bài thi ngoại ngữ chỉ có giá trị ngay trong năm dự thi. Thí sinh thực hiện bài thi đánh giá năng lực và bài thi ngoại ngữ trực tiếp trên máy tính, tại các phòng thi đủ tiêu chuẩn. Thí sinh lần lượt làm hết phần bắt buộc, sau đó làm phần tự chọn. Bài thi hợp lệ phải làm cả phần bắt buộc và phần tự chọn (1 trong 2 nội dung tự chọn).
Về phương pháp chấm điểm, bài làm của thí sinh được chấm trực tiếp trên máy bằng các phần mềm thích hợp. Kết quả thi của thí sinh được tính bằng tổng số câu trả lời đúng trong bài thi. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được điểm. Tổng điểm toàn bài là 140 điểm.
Bộ GD-ĐT tính phương án thi tốt nghiệp THPT trên máy tính sau 2021
Đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, năm 2021 sẽ tập trung duy trì việc thi tốt nghiệp THPT trên giấy và chuẩn bị những điều kiện để sẵn sàng có thể sớm đưa vào thử nghiệm thi trên máy tính ở những năm sau.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 giữ ổn định như năm 2020
Chia sẻ với VietNamNet, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay, qua 6 năm điều chỉnh đổi mới và những khó khăn, thách thức vì Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thể hiện sự thành công.
"Trên tinh thần đã thành công rồi, thì chúng ta sẽ tiếp tục duy trì điều đó trong giai đoạn 2021-2025. Về cơ bản, chúng ta giữ ổn định như kỳ thi năm 2020 về mặt phương thức, tổ chức các bài thi, đề thi, chấm thi,...
Theo đó, vai trò của địa phương - mà bắt đầu từ năm 2020 đã xác định rất rõ và nâng cao vai trò chủ trì, triển khai - sẽ được tiếp tục như thế cho những năm tiếp theo".
Ông Trinh nhấn mạnh, riêng kỳ thi năm 2021 sẽ được giữ nguyên, ổn định như năm 2020.
Hướng tới việc thử nghiệm thi trên máy tính
Trong giai đoạn 2021-2025, phương thức tổ chức thi sẽ giữ ổn định cơ bản như năm 2020 nhưng tập trung vào 2 hướng.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng
Thứ nhất, sẽ tích cực và tăng cường việc xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi phong phú, chuẩn hóa hơn.
"Đây là nhiệm vụ Bộ đã làm nhiều năm và sẽ tiếp tục làm trong những năm tới".
Hướng thứ 2 là hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi theo hướng tính toán để tổ chức thi trên máy tính.
"Cùng việc duy trì hình thức tổ chức thi ở trên giấy thì chúng ta sẽ từng bước tính toán để đưa vào hình thức thi trên máy tính. Việc tổ chức thi trên máy tính cũng phù hợp với xu hướng chung, sự phát triển của công nghệ và kế thừa kinh nghiệm quốc tế. Song cách làm phải có lộ trình", ông Trinh nói.
Để tổ chức thi trên máy tính được, theo đại diện Bộ GD-ĐT có 4 công việc quan trọng phải làm.
" Thứ nhất là cần ban hành được quy chế tổ chức thi trên máy tính.
Thứ hai là xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất, bao gồm phòng máy tính, đường truyền mạng, các thiết bị giám sát an ninh, phần mềm điều hành thi,...
Thứ ba là chuẩn bị được đội ngũ cán bộ coi thi để vận hành hình thức đó, bởi khác với việc thi trên giấy.
Thứ tư là phải chuẩn bị được cho học sinh tâm lý sẵn sàng và cụ thể hơn là kỹ năng sử dụng máy tính, các phần mềm sau này tổ chức thi,..."
Theo ông Trinh, phải có sự thử nghiệm sau đó mới mở rộng dần hình thức thi trên máy tính, cùng với việc duy trì hình thức thi trên giấy.
"Với những địa phương có đủ những điều kiện, sẽ tiến hành thử nghiệm dần. Tuy nhiên, phải đảm bảo làm sao, kể cả thi trên giấy hay máy tính thì đều trung thực, có sự tương đồng và công bằng cho tất cả thí sinh. Đặc biệt, phải làm sao không gây sốc với những bên liên quan, trước mắt là học sinh, giáo viên".
Trước băn khoan việc tổ chức thi trên máy liệu có gây bất bình đẳng, thiệt thòi cho học sinh ở các khu vực, địa phương khác nhau, ông Trinh cho hay: "Phải quyết tâm rằng việc tổ chức thi trên máy chỉ là thay đổi về mặt phương thức thi theo hướng ứng dụng công nghệ; song không làm mất đi sự bình đẳng giữa các vùng miền".
Việc tổ chức thi trên máy tính sẽ theo hướng trên cơ sở nền tảng các trung tâm khảo thí.
Theo lộ trình, đến năm học 2025-2026, lúc đó mới có lứa học sinh lớp 12 đầu tiên theo chương trình phổ thông mới. Trong giai đoạn 2021-2025 tới đây, chúng ta vẫn vận hành kỳ thi theo chương trình phổ thông hiện hành. Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 cho thấy rất thành công. Như vậy cần tiếp tục duy trì ở những năm tiếp theo.
-Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT)-
Bộ GD-ĐT đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT trong 5 năm tới Bộ GD-ĐT đề xuất giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn bộ. Hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn là thi trên giấy, đồng thời triển khai thí điểm để mở rộng dần thi trên máy tính. Tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh...