Thi tốt nghiệp THPT: Giảng viên ngữ văn nhận định đề văn hay, phân hóa tốt
Khi cánh cổng trường thi vừa mở ra, nhiều thí sinh thi tốt nghiệp THPT môn văn nhìn thấy phụ huynh đã giơ tay ra hiệu ‘con làm bài tốt’, có thí sinh reo lên ‘trúng tủ rồi mẹ ơi’.
Thí sinh xếp hàng ra về sau buổi thi văn – MỸ QUYÊN
Tại điểmthi tốt nghiệp THPT Trường THPT Trần Phú (TP.HCM), có thể thấy khi cánh cổng vừa mở, rất nhiều thí sinh chạy ào về phía phụ huynh vui mừng chia sẻ làm bài tốt do đề thi môn văn “không nằm ngoài dự đoán”.
Mẹ ơi con “trúng tủ” rồi – MỸ QUYÊN
Thí sinh Hồ Thị Ngọc Tuyến cho biết: “Trước khi kỳ thi diễn ra, tụi em đoán đề năm nay sẽ ra vào bài Việt Bắc hoặc Đất nước, ai dè đúng. Vì thế em làm rất tốt câu này. Phần nghị luận xã hội thì hơi bất ngờ vì em nghĩ sẽ liên quan đến dịch Covid-19 nhưng không phải. Tuy nhiên, câu này rất hay khi nói đến sự cần thiết khi phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày”.
Hồ Thị Ngọc Tuyến (phải) vui mừng vì mình làm bài tốt – MỸ QUYÊN
Nguyễn Đăng Khoa cũng cho rằng đề thi không quá khó, nhưng để viết hay thì lại không dễ. “Tụi em đã được học và ôn rất kỹ tác phẩm Đất nước nên em làm tốt phần này. Phần đọc hiểu để viết 200 chữ nghị luận xã hội thì phụ thuộc vào hiểu biết, cảm nhận, nhận thức về cuộc sống của mỗi người. Em nghĩ mình được khoảng 7 điểm”.
Thí sinh Nguyễn Đăng Khoa nhận xét về đề thi – MỸ QUYÊN
Chia sẻ về đề văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Ngữ liệu của đề thi hay, gắn với thực tế đời sống đang diễn ra, gợi nhiều suy nghĩ sâu sắc. Đặc biệt là tính phân hóa rất tốt. Phần đọc hiểu có nội dung sâu sắc, thấm thía, đặt ra nhiều suy ngẫm có tính thực tế trong tình hình nhiều khó khăn, thử thách đang phải đương đầu. 3 câu hỏi đầu tiên ở mức nhận biết, giúp học có thể dễ dàng có được 2 điểm ở phần này. Câu hỏi cuối ở mức vận dụng được xây dựng để đáp ứng mục tiêu phân hóa cho đề thi. Cách hỏi trong từng câu quen thuộc, khá vừa sức, không gây khó cho thí sinh”.
Vì sao nhiều học sinh dự đoán làm bài thi môn Ngữ văn được 6-8 điểm?
Đối với phần nghị luận xã hội, thạc sĩ Bảo Khôi cho rằng cách đặt vấn đề rất hay, thú vị và một khi thực hiện được đề này, thí sinh cũng sẽ tự rút ra cho bản thân bài học nhận thức và hành động phù hợp trong giai đoạn cụ thể này lẫn tương lai về sau. Đồng thời, theo thạc sĩ Khôi, nếu tinh ý, thí sinh có thể phát hiện ra các lý lẽ, dẫn chứng cần thiết để bảo vệ cho “sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày” đều xuất hiện trong đoạn trích đọc hiểu và câu hỏi số 4.
“Phần nghị luận văn học chính là nội dung phân hóa sâu sắc nhất của đề thi. Có lẽ một số thí sinh sẽ bất ngờ với đoạn trích được đưa ra phân tích. Thế nhưng, đây vẫn là một đoạn thơ đầy giá trị trong bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Vừa khơi sâu truyền thống, vừa làm nổi bật tư tưởng xuyên suốt toàn bài, vừa khơi gợi đến lòng tri ân nhiều người đã và đang hy sinh thầm lặng cho cuộc chiến chống đại dịch hôm nay, không gì phù hợp hơn ngữ liệu này. Nếu thí sinh học kỹ, nghĩ sâu, đây vẫn là một đề văn khơi gợi cảm hứng để có thể viết hay, nhất là phần đánh giá ngắn gọn sau khi phân tích, khi nội dung nhận xét quan trọng nhất về đoạn thơ đã được cài đặt khéo léo trong dòng thơ cuối của ngữ liệu phân tích”, thạc sĩ Bảo Khôi đánh giá.
Với đề văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thạc sĩ Khôi cho rằng phổ điểm của thí sinh sẽ rơi vào mức từ 5,5-7 điểm.
Nỗi lòng của phụ huynh có con đi thi tốt nghiệp THPT trong ngày dịch
Đề ngữ văn giáo dục lòng yêu nước thấm thía
Đề ngữ văn yêu cầu thí sinh phân tích tư tưởng đất nước là của nhân dân. Tuy vậy, nghiêm túc nghĩ và viết về đất nước một cách sâu xa thì không phải học sinh nào cũng dễ dàng đạt điểm cao.
Đề thi ngữ văn về chủ đề đất nước sẽ giúp giáo dục lòng yêu nước cho thí sinh ngay trong phòng thi - ẢNH NGỌC THẮNG
Đề thi ngữ văn THPT kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được cả xã hội chú ý vì dư luận đều cho rằng, lứa thí sinh này chịu một áp lực rất lớn của năm học có dịch Covid -19; đến giai đoạn ôn thi, sát ngày lại đối mặt với dịch bệnh lần nữa.
Thế nên, nhiều phỏng đoán cho rằng đề văn năm nay sẽ dễ hơn mọi năm nhiều. Tuy nhiên, không phải như thế. .. Đề đảm bảo đúng cấu trúc đề thi mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Các phần đều có yêu cầu phù hợp với trình độ của học sinh có học lực trung bình trở lên.
Tuy nhiên, nếu muốn có điểm cao hẳn, đủ để xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng thì thí sinh thực sự phải đào sâu suy nghĩ và sáng tạo trong cách viết. Nếu viết vòng vo mà nội dung sáo rỗng, chung chung thì dù bài dài vẫn không thể đáp ứng yêu cầu về điểm số.
"Lệch tủ" đề ăn theo... dịch bệnh
Ở câu đọc hiểu, ngữ liệu đưa ra sâu sắc và ý nghĩa trong tình hình hiện tại, nhưng lại không yêu cầu thí sinh nội dung liên quan trực tiếp đến dịch bệnh của năm nay. Vì thế, những học sinh học tủ đề theo dịch bệnh sẽ dễ ngỡ ngàng và cho rằng không liên quan. Trong khi đó, những học trò biết mở rộng suy luận thì rất dễ liên hệ với tình hình những tháng qua mà toàn thế giới của chúng ta đã phải đối mặt.
Câu hỏi số 1 và số 2 là xác định phương thức biểu đạt, cũng như chỉ ra từ đoạn trích nội dung cần nhận biết thì thí sinh dễ dàng có được điểm tối đa của phần. Nhưng đến câu số 3, học sinh đã bắt đầu cần có nhìn nhận ở mức cao hơn. Đó là yêu cầu chỉ ra những điểm tương đồng về sự sống của các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực và vùng sa mạc Sahara trong đoạn trích. Nếu thí sinh tinh ý, thì ngoài việc đáp ứng yêu câu của câu hỏi, cũng được mở lối tư duy tìm tương đồng với hiện thực cần sinh tồn và đảm bảo cuộc sống an toàn của chúng ta trước những thử thách khắc nghiệt.
Câu 4 là câu hỏi mở, câu này cũng chính là câu có điểm phân hoá dành cho học sinh nói lên ý kiến của mình. Đồng tình hay không đồng tình thì thí sinh cũng cần đưa ra lý giải. Nếu không thực sâu sắc và hiểu biết ở mức độ nhất định thì thí sinh khó có thể thuyết phục: "Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai".
Cần hiểu đúng và tích cực về sống hết mình cho hiện tại là thế nào. Và mối quan hệ giữa sự sống (dù nhỏ bé) vươn đến ngày mai. Đây là vấn đề từ chân trời của cá nhân đến với cái chung, đến với tương lai. Không dễ viết ngắn mà bao quát ý đầy đủ.
Câu nghị luận xã hội có tính nhắc nhở
Câu yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội cần thí sinh trình bày phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày. Đây là yêu cầu tư duy tiến bộ; thức tỉnh những bạn trẻ sống hời hợt, sống thiếu nỗ lực cố gắng, chưa biết quý, biết yêu đời sống mà mình đang có. Có thể thấy, đề văn ở câu này khá hay, có độ mở để học sinh sáng tạo. Và còn có sự nhắc nhở tới chính những người trẻ đang làm bài thi cách nghĩ về một lối sống đẹp hơn, sống sâu sắc và vị tha hơn.
Câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích tư tưởng "đất nước là của nhân dân" trong đoạn thơ từ đoạn trích "Đất nước" mà học sinh đã được học trong chương trình ngữ văn lớp 12. Nhiều thí sinh sẽ yên tâm làm bài này hơn vì bài được học ở học kỳ 1, khi việc học của các em chưa bị gián đoạn bởi dịch bệnh.
Với các học trò ở vùng sâu, vùng xa hay vùng khó khăn không đủ điều kiện học online với thầy cô của mình, hoặc học qua truyền hình thì cũng không ảnh hưởng gì. Các bài thuộc học kỳ 2 mới là lo ngại của các em. Tuy vậy, nghiêm túc nghĩ và viết về Đất nước một cách sâu xa thì không phải học sinh nào cũng dễ dàng đạt điểm cao. Vì đoạn ngữ liệu được cho trong đề khá dài và rõ ý, nên học sinh rất thuận lợi khi phân tích. Việc đạt điểm trung bình cho yêu cầu này là khá dễ dàng.
Điều đáng ghi nhận nhất trong đề thi này, theo tôi, đó là cả triệu học trò tuổi 18 đang cùng được giáo dục về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, vào đúng thời kỳ mà tình cảm với quốc gia, dân tộc với mọi người cần được nâng cao và nuôi nấng có chiều sâu hơn trong mỗi con người.
Nỗi lòng của phụ huynh có con đi thi tốt nghiệp THPT trong ngày dịch
Thi tốt nghiệp THPT: Thí sinh nói đề ngữ văn hay, phù hợp với tình hình hiện nay Các thí sinh thi tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) đều cho rằng đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay 'dễ thở', phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay và nằm trong trọng tâm ôn tập. Thí sinh ở Quy Nhơn nhẹ nhõm rời khỏi phòng thi - ẢNH: HOÀNG TRỌNG Kết thúc giờ thi môn...