Thi tốt nghiệp THPT 2012: Đề thi Ngữ văn gây tranh cãi
Đánh giá đề thi môn Văn năm nay, nhiều giáo viên, giảng viên cho rằng đề thi năm nay quá khuôn mẫu, dễ đưa học sinh đến chỗ học dối, thi dối.
Đề thi môn văn yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Nhiều giáo viên, giảng viên cho rằng đề thi năm nay quá khuôn mẫu, dễ đưa học sinh đến chỗ học dối, thi dối.
Như phần lớn thí sinh, các học sinh Trường THPT dân lập Thành Nhân vui mừng với đề thi văn năm nay, nhưng các thầy cô giáo cho rằng đề không hay – Ảnh: Như Hùng
Cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), nói: “Đề thi môn văn năm nay vừa sức với thí sinh nhưng nhiều người trong nghề gọi đó là “con đường thân quen chúng ta đã đi bao đời nay”. Cách ra đề như thế này, theo tôi, sẽ khó có tác động tích cực vào quá trình dạy và học trong trường phổ thông”.
Có chút tiếc nuối!
Tỏ ra bức xúc với đề thi môn văn, một giáo viên ở Q.Tân Bình, TP.HCM, kể: sau khi kết thúc giờ thi môn văn, tổ văn ở trường cô đã ngồi họp với nhau và rút ra kết luận: “Đề thi cứ lặp lại theo kiểu này, sẽ triệt tiêu sự sáng tạo, triệt tiêu sự tìm tòi, đổi mới của giáo viên. Cứ như thế này giáo viên chỉ cần đọc cho học sinh chép và bắt các em làm những con vẹt là được điểm cao”.
Cô Ngô Lan Anh, giáo viên văn Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), nhận xét đề văn năm nay quay về truyền thống. Nếu năm trước, nhiều giáo viên văn thấy thích thú với hướng ra đề mở đầy sáng tạo của đề văn thì năm nay có chút tiếc nuối.
Thầy Nguyễn Đức Hùng – giáo viên văn Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn – đánh giá đề thi môn văn năm nay không có gì đột phá, thậm chí quay về lối ra đề truyền thống như trước đây với các tác phẩm kinh điển, các yêu cầu quen thuộc. Điểm ghi nhận của đề thi năm nay đó là câu giáo khoa, đòi hỏi học sinh phải nắm tinh thần của tác phẩm chứ không lý thuyết suông như trước đây. Các câu còn lại, cả nội dung và yêu cầu đề đều không mới. Câu nghị luận xã hội tưởng như mở nhưng không mở. Với dạng đề này, giáo viên chỉ cần dạy một đề mẫu là học sinh có thể làm.
PGS.TS Đoàn Lê Giang – khoa văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng học sinh của ta đã quen thi gì học nấy, nên nếu đề thi chỉ yêu cầu thuộc văn mẫu, học vẹt thì học trò cũng chỉ học như thế mà thôi. Thế thì có bắt họ phê phán thói dối trá thì họ cũng sẽ học và thi một cách dối trá mà thôi!
Thí sinh vui mừng sau khi hoàn thành phần thi môn văn tại hội đồng thi THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM – Ảnh: Minh Đức
Video đang HOT
Phần dễ nhất trong đề thi
Cụ thể hơn, TS Giang phân tích: đề thi tốt nghiệp môn văn năm nay vẫn theo quy cách ra đề mọi năm: đề có ba phần, phần 1 kiểm tra kiến thức giáo khoa, phần 2 nghị luận xã hội, phần 3 nghị luận văn học. Trong khuôn khổ chật hẹp và cũ kỹ ấy, nhóm ra đề đã cố gắng có sáng tạo, ra đề sát chương trình khiến học sinh dễ làm bài, vừa kiểm tra được phần nào trình độ học sinh vừa cố gắng thoát ra khỏi khuôn sáo, hướng thí sinh đến những vấn đề xã hội và đạo đức.
Đánh giá việc ra đề về vấn đề “thói dối trá” trong câu 2 thật sự có ý nghĩa đối với học sinh, đồng thời cũng báo động một vấn nạn của đất nước ta hiện nay và đánh động lương tri xã hội, tuy nhiên TS Giang cũng cho rằng những câu về văn học vẫn theo lối mòn từ mấy chục năm nay mà những người dạy văn đọc lên vừa thấy chán chường vừa thấy xấu hổ với người quen và học trò vì ra một đề bài thuộc loại “văn mẫu”. Câu 1 có mục đích kiểm tra kiến thức giáo khoa, câu 2 kiểm tra khả năng diễn đạt và cảm thụ văn chương, thế nhưng thực chất cả hai câu đều là những câu học thuộc bài.
Trong khi đó, nhiều thí sinh lại cảm thấy hào hứng với câu nghị luận trong đề thi văn. Thanh Hà, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), nói phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề “thói dối trá” là phần dễ nhất trong đề thi. “Nội dung trong câu hỏi này rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày và em rất dễ tìm dẫn chứng nên em làm rất nhanh” – Hà phấn khởi cho biết.
Bạn Hà Anh, học sinh Trường THPT Trưng Vương, cũng đồng ý rằng câu nghị luận là câu dễ làm nhất. Theo Hà Anh, nội dung này đã được thầy cô luyện nhiều lần nên khi thấy đề như vậy cứ theo đó mà làm.
Trung Hiếu, học sinh Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), cho biết cảm thấy khá thú vị với câu 2 vì được trình bày quan điểm riêng của bản thân mình. Hiếu nói: “Tôi viết trong bài làm của mình rằng nguyên nhân của thói dối trá chính là việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ đang bị xem nhẹ, giới trẻ bị ảnh hưởng bởi những thông tin không lành mạnh đang được đăng tải tràn lan trên mạng Internet”.
Theo Giáo dục Việt Nam
Thi tốt nghiệp: Thở phào với môn Lịch sử
Chiều nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục với môn lịch sử. Hầu hết thí sinh vừa ra khỏi phòng thi đều nhận định, đề thi sát chương trình ôn tập, nhưng cũng không dễ đạt điểm cao.
Đa số thí sinh đánh giá môn Sử không khó, vì hỏi nhiều về ý nghĩa các sự kiện
Đúng 16h, 90 phút thi môn Sử kết thúc, hầu hết thí sinh bước ra phòng thi với tâm trạng phấn khởi, thoải mái. Tại Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam và Trường THPT Nhân Chính, đa số đều nhận xét đề thi Sử năm nay không khó và bám sát chương trình ôn tập ở trường.
Theo nhiều nhận xét thì đề thi năm nay đưa ít sự kiện, hỏi nhiều về ý nghĩa nên thí sinh chỉ cần nắm được nội dung là có thể suy ra.
Trả lời PV báo Giáo dục Việt Nam, Tuấn (chuyên Tin, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) vui vẻ nói: "Em làm được, khoảng được 7 - 8 điểm. Có câu 2 về Hiệp định Paris năm 1973, hơi mắc vì quá dài và phải nhớ khá nhiều nội dung. Đề thi vừa tầm, không đòi hỏi quá nhiều lý thuyết như em tưởng".
Còn Nguyễn Phương Nhi (THPT chuyên Ngữ) cho rằng: "Học triệt để thì được điểm cao, học theo tủ, theo dự đoán như đề trên mạng thì "lệch". Em làm được khoảng 80%, riêng có câu 4 là khó nhất, nhiều bạn không chú trọng đến sự kiện đó, nên khá bất ngờ".
Mặc dù không ôn tập nhiều, chỉ tập trung học ở trên lớp trong chương trình ôn tập, nhưng nhiều thí sinh ban A vẫn hoàn thành bài thi. "Lúc vào phòng thi em cũng hơi lo lắng, hồi hộp vì môn Sử là môn em lo sợ nhất. Đề bám sát chương trình, không quá dài. Em chỉ bỏ ý 2 của câu 2 hỏi về Hiệp định Paris, em được khoảng 6- 7 điểm. Thế là em mừng lắm rồi vì đây là môn em không chắc chắn nhiều nhất", Nguyễn Nhật Anh (THPT Nhân Chính) chia sẻ.
Hai thí sinh ban A (chuyên Lý, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) dí dỏm nói: "Em cũng chẳng học nhiều lắm, chỉ nghe giảng. Bọn em được khoảng 7 - 8 điểm và không làm hết thời gian 90 phút".
Hầu hết thí sinh không phải ban C đều cảm thấy sợ và lo lắng nhất cho môn Sử. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành môn thi chiều nay, nhiều thí sinh rất vui mừng. "Hai môn ngày mai khá nhẹ nhàng, em sẽ làm tốt. Thi xong môn Sử cũng coi như xong tốt nghiệp", Tuấn (ban D - chuyên Tin) cho hay.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2012, môn Lịch sử
Tại nhiều điểm thi khác, PV Báo Giáo dục Việt Nam cũng ghi nhận được tâm trạng khá thoải mái của đa số các thí sinh.
Bạn Nguyễn Thu Trà, lớp 12 A1, Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh cho biết: "Ngày thi thứ hai khiến nhiều học sinh theo ban A như bọn em e ngại vì thi hai môn của ban C là Địa lí và Lịch sử. Tuy nhiên, đề thi năm nay tương đối dễ, sát với chương trình học và ôn tập. Do đó, chúng em không gặp nhiều khó khăn. Đề Sử năm nay tương đối dễ, không quá dài. Các bạn học sinh trung bình cũng phải đạt trên 6 điểm. Hầu hết các bạn cùng phòng em đều rất vui vẻ và tươi tỉnh khi kết thúc bài thi chiều nay. Phần dành chung cho tất cả thí sinh với 2 câu hỏi là những kiến thức cơ bản, dễ, không đánh đố, bắt suy luận nhiều... Phần này chiếm 70% cơ số điểm. Do vậy, các bạn học sinh trung bình hoặc ban A, ban D đều có thể làm tốt và đạt điểm trên trung bình dù không làm được phần riêng. Phần tự chọn (3 điểm) đòi hỏi cao hơn và bắt học sinh suy luận, tư duy nhưng cũng khống quá khó. Em ước chừng bài làm của mình đạt khoảng 8-9 điểm...".
Thí sinh Lê Minh Tuấn, lớp 12 A4, chuyên ban A, Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh cũng vui vẻ khi nói về đề thi và bài làm của mình trong buổi chiều ngày thi thứ hai. "Đề thi không dài, không khó mà rất cơ bản. Em làm hết bài khi chưa kết thúc thời gian và thấy khá là tự tin với bài làm của mình. Em ước chừng được khoảng 8-9 điểm. Với đề thi này, bạn nào ôn tập chắc đề cương của thầy cô đều làm được bài. Riêng câu 1 trong phần chung cho tất cả thí sinh bọn em đều làm tốt vì có trong nội dung môn Ngữ văn. Trong phòng các bạn làm bài khá nghiêm túc, không có bạn nào dùng phao", Tuấn chia sẻ.
Thí sinh Trịnh Huỳnh Thông, lớp 12A4, Trường THPT Trần Hưng Đạo cũng tự tin với bài làm của mình. Thông cho biết: "Đề Sử năm nay dễ thở đến bất ngờ. Em chỉ mất 30 phút để làm xong bài. Em thấy rất tự tin với bài làm của mình. Em chắc chắn bài làm của em phải đạt 9 điểm. Đề thi năm nay rất cơ bản, kiến thức chủ yếu nằm trong SGK Lịch sử lớp 12. Các câu hỏi không bắt học sinh suy luận nhiều. Hầu hết những câu trong đề thi bọn em đều được làm đi làm lại, ôn tập rất nhiều trên lớp và trong quá trình học ôn tốt nghiệp rồi...".
Thí sinh tươi cười khi kết thúc phần thi môn lịch sử
Tại Hội đồng thi THPT Minh Khai chiều nay, sau khi kết thúc thời gian làm bài môn Lịch sử rất nhiều thí sinh hò hét và tươi cười khi đề trúng tủ. Em Lê Trung Hiếu, học sinh THPT Minh Khai vui vẻ nhận xét kết quả bài làm chiều nay của mình: "Đề Sử rất sát với chương trình, chúng em đã trúng tủ. Tuy các thầy cô giáo coi thi rất nghiêm, nhưng chúng em vẫn tập trung làm bài, nói chung đề năm nay hay và dễ. Duy chỉ có một câu 3b là không có trong sách cơ bản nên chúng em không làm được".
Cũng tại Hội đồng này, em Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: "Đề năm nay hỏi hay, câu 1 em làm xong sớm nhất. Em thi khối A nên làm được môn Sử như thế này là tốt lắm rồi, nếu thầy cô chấm nương tay thì có thể được điểm 7, còn không thì chỉ được 5-6 điểm thôi", Hiền cho biết.
Theo thầy Hồ Tuấn Anh - Tổ trưởng tổ Lịch Sử Trường THPT Hoàng Mai - Quỳnh Lưu - Nghệ An, đề Lịch sử ra chiều nay khá bám sát với chương trình: "Khác với mọi năm đề năm nay rất ít bắt học sinh phải nhớ số liệu và sự kiện, hơn nữa đề có sự phân hóa rất rõ rệt, đặc biệt câu 2 của phần Lịch sử Việt Nam và câu lịch sử thế giới, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức thực sự mới làm được bài" thầy Tuán Anh chia sẻ.
Nhận định chung về mức điểm năm này, thầy Tuấn Anh cho rằng, nhìn tổng thể học sinh lực học trung bình làm được 5 điểm là bình thường, chắc chắn sẽ không có nhiều điểm 0 như đề đại học năm ngoái. Tuy nhiên, đạt được điểm 7-8 trở lên là cực kỳ khó.
"Tôi vẫn băn khoăn một chút về các ý: Tại câu 2 phần Lịch sử Việt Nam lại ra vào Hiệp định Pari đòi hỏi trí nhớ theo văn bản như vậy là học sinh rất khó thuộc. Hiệp định Pari năm ngoái cũng vừa ra trong đề thi đại học, một trong những câu có nhiều tranh cãi trong đề thi năm ngoái, năm nay lại tiếp tục đưa vào chương trình thi, và trong hai năm gần nhau như thế là không nên, trong chương trình có rất nhiều phần khác", thầy Tuấn Anh chia sẻ về hạn chế của đề năm nay.
Theo một số giáo viên, đối với đề này nếu học sinh có chăm học một chút, có nhận thức thực sự thì điểm 8 là không khó, nhưng có lẽ số này không nhiều.
Ghi nhận của phóng viên Giáo dục Việt Nam tại điểm Trường THPT Quang Trung nhận thấy hầu hết thí sinh đều khá thoải mái sau môn thi này.
Nhận định chung của các thí sinh là đề thi vừa sức, kiến thức cơ bản. Kiến thức về Cách mạng Tháng Tám và Hiệp định Pari đều là những khối kiến thức được khoanh vùng. Đa số học sinh trường THPT Đống Đa và Quang Trung đều nhận định đề thi nằm trong chương trình đề cương ôn tập.
Thí sinh Nguyễn Nguyên Anh trường THPT Quang Trung cho biết: "Đề thi là những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa nên cũng không khó lắm. Theo em thì chỉ cần học thuộc nội dung, số liệu thì sẽ làm được bài thôi".
"Đề thi không yêu cầu nhiều số liệu, mốc ngày tháng nên bọn em còn viết được. Nói chung là có thể múa bút theo sự hiểu biết của mình", Vũ Hồng Hạnh học sinh trường THPT Đống Đa tự tin sau khi làm bài.
Một bạn thí sinh vui vẻ: "Thi xong lịch sử là coi như thi xong tốt nghiệp rồi. Em sợ nhất môn này vì nhiều số liệu ngày tháng may mà đề thi này không yêu cầu nhiều".
Với phần nội dung thi lịch sử Việt Nam chiếm đa số điểm theo các bạn thí sinh là dễ kiếm điểm hơn phần lịch sử thế giới. "Với em thì câu hỏi thế giới có vẻ khó hơn một chút. Em học khối A nên cũng chỉ mong bài mình có thể đạt được 7 điểm", thí sinh Đỗ Diễm My cho biết.
Sáng mai, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tiếp tục với môn Toán
Theo Giáo dục Việt Nam
2 thí sinh bị đình chỉ thi vì mang "phao" vào phòng thi Kết thúc môn thi Địa lý sáng nay 3/6, ông Trương Thức - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết có 2 thí sinh bị đình chỉ toàn bộ kỳ thi do mang tài liệu vào phòng thi. Hai thí sinh nói trên một là em N.B.K., dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Krông...