Thi THPT quốc gia trên máy tính: Nên thí điểm trước khi chính thức áp dụng
Thông tin về đề xuất của Bộ GDĐT xung quanh việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT quốc gia sau năm 2020, trong đó có việc thi trên máy tính đang thu hút sự quan tâm từ dư luận.
Nhiều quan điểm cho rằng việc trang bị máy tính cho tất cả các trường học trên cả nước đã là một bài toán, nhưng yêu cầu đặt ra quan trọng hơn là học sinh phải được học/thực hành trên máy tính thuần thục rồi mới có thể tổ chức thi THPT quốc gia đại trà bằng máy tính.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Quang Vinh.
Cần được thí điểm
Tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020 vừa rồi, sau khi nghe Bộ GDĐT trình bày đề xuất về đổi mới thi THPT quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Việc xây dựng phương án thi THPT sau năm 2020 cần chắn chắn nhưng phải rất tích cực, khẩn trương. Theo đó, việc thi trên máy tính với tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho các cháu, không có chuyện các cháu chưa quen với máy tính lại phải thi máy tính hoặc hay dùng loại máy tính này nhưng thi trên loại máy tính khác.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GDĐT phải bảo đảm tiến độ chuẩn hoá, cập nhật, mở rộng ngân hàng đề thi, không vì lý do này mà trì hoãn lộ trình tổ chức thi trên máy tính.
Về việc tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính, nhiều chuyên gia đề nghị trong phương án thi THPT sau năm 2020, Bộ GDĐT phải nêu rõ lộ trình các bước triển khai hình thức thi trên máy tính. GS.TS Phạm Tất Dong, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đồng ý với phương án đổi mới thi của Bộ GDĐT đưa ra. Theo ông, giáo dục số hóa mang tính mở, hoàn toàn có thể thi theo hình thức trên máy tính là thi xong có kết quả ngay. Tuy nhiên, phải chuẩn bị lộ trình, thí điểm từ bây giờ để 3 năm nữa triển khai trên toàn quốc.
Video đang HOT
Bày tỏ sự ủng hộ đối với việc áp dụng hình thức thi này, TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng hình thức thi trên máy tính cần thí điểm ở một số nơi đủ điều kiện, học sinh đã được làm quen. Sau đó ngành giáo dục tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, trước khi mở rộng. Nếu chúng ta không bắt đầu ngay từ bây giờ thì sẽ muộn.
GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng chỉ khi nào có thí điểm và tổng kết xây dựng lộ trình mới nên triển khai thi trên máy tính ở diện rộng. Theo ông Minh, cần nghiên cứu về hình thức thi trên máy tính để phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam, cũng như tác động đến người học, nguồn nhân lực trong tương lai bởi thi cử liên quan trực tiếp người dân.
Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, những năm qua dù áp dụng công nghệ rất nhiều, nhưng cũng không nên duy ý chí bởi có những vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Nếu áp dụng hình thức thi trên máy tính thì phải tính đến yếu tố này và chấp nhận sẽ vẫn có một bộ phận học sinh làm bài thi trên giấy. Mục tiêu lớn nhất của kỳ thi là tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, phụ huynh.
Sớm chuẩn hóa ngân hàng đề thi
GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới nhấn mạnh chương trình mới chuyển cách dạy từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực học sinh. Vì vậy việc hoàn thiện kỳ thi THPT hết sức cần thiết, đặc biệt là khâu ra đề thi, ngân hàng câu hỏi.
Ông Lê Đông Phương- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhất trí với đề xuất phương án thi của Bộ là cần phải có điều chỉnh thi trên giấy sang máy tính, việc này phải làm sớm. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, đến năm 2025 chưa thể thi máy hóa tuyệt đối thì vẫn cần có phương án thi trên giấy. Theo ông Phương, ngân hàng đề thi là vấn đề khó nhất, kiểm định độ khó và tin cậy của câu hỏi rất phức tạp. Đây là vấn đề trọng tâm, Bộ GDĐT cần đầu tư thêm nhiều nữa, trước khi chuẩn hóa đưa vào triển khai. Bên cạnh đó, nếu học hết lớp 12 không thi có giấy chứng nhận, giấy chứng nhận này mở con đường nào cho các em. Vấn đề này cân nhắc kỹ, nếu không sau này còn tranh cãi.
Trước những băn khoăn nói trên, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, phương án thi giai đoạn 2021-2025 là kết hợp thi trên giấy và máy tính, nhưng sẽ thi trên máy tính nhiều hơn. Bộ sẽ tăng cường ngân hàng câu hỏi đề thi, tăng cường hạ tầng cơ sở. Các trường ĐH, trường phổ thông có điều kiện thì nên phối hợp với doanh nghiệp để chuẩn bị về phần kỹ thuật. Bộ kiểm soát chất lượng thi để giữa thi trên máy hay trên giấy chỉ là vấn đề hình thức lựa chọn, không phải là hai nội dung khác nhau.
Theo ông Nhạ, việc thi trên giấy hay trên máy tính cũng chỉ là hình thức thi. Không máy móc nào thay thế được con người, đội ngũ khảo thí không được chuẩn bị tâm thế tốt, công nghệ tốt mà không quản lý tốt cũng khó thành công. Tới đây, Bộ sẽ rà soát, tăng cường chất lượng đội ngũ khảo thí trên cả nước. Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ từng bước chuẩn bị và tiếp tục xin ý kiến để hoàn thiện phương án thi tốt nhất.
Về phương án thi sau năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GDĐT phải chuẩn bị kỹ phương án, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Trong tháng 7/2020, Bộ GDĐT phải phấn đấu công bố phương án thi năm 2021.
Minh Quang
Theo daidoanket
'Mày mò' thực hiện mô hình trường tiên tiến hội nhập
Đề án trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế đã triển khai được 5 năm tại TP Hồ Chí Minh nhưng đến nay chỉ có 13 trường thực hiện mô hình này. Trong khi đó, những trường đang thực hiện mô hình này cũng gặp không ít những khó khăn.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, đề án xây dựng trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế được UBND Thành phố ban hành từ năm 2014, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến nay đã có 13 trường tiểu học thực hiện theo mô hình này. Theo đó, những trường thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập đều được đầu tư sơn sửa trường lớp, trang trí đẹp theo hướng hiện đại, các phòng học chức năng được trang bị các thiết bị dạy học khá đầy đủ. Giáo viên cũng thay đổi phương pháp dạy học giúp học sinh chủ động trong việc học tập....
Một số trường vẫn đang chờ để được trang bị thêm các thiết bị hiện đại như bảng tương tác, máy vi tính.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đề nghị, các trường chưa thực hiện mô hình nên suy nghĩ phấn đấu thực hiện, song song với thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 sắp tới. Mỗi quận, huyện phải tính toán xây dựng một đến 2 trường tiên tiến theo xu thế hội nhập trên địa bàn, nhưng phải hết sức quan tâm đến nâng cao chất lượng đội ngũ.
Tuy nhiên, theo các trường đang thực hiện mô hình này, trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn như áp lực gia tăng dân số cơ học, áp lực tuyển sinh các lớp đầu cấp khiến nhiều quận huyện vẫn chưa xây dựng được mỗi cấp học có ít nhất một trường tiên tiến theo xu thế hội nhập. Cơ sở vật chất tuy đáp ứng đủ chỗ học và thiết bị dạy học tối thiểu nhưng qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp. Một số trường vẫn đang chờ để được trang bị thêm các thiết bị hiện đại như bảng tương tác, máy vi tính... nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu giảng dạy theo hướng hiện đại.
Áp lực gia tăng dân số cơ học, áp lực tuyển sinh các lớp đầu cấp khiến nhiều quận huyện vẫn chưa xây dựng được ít nhất một trường tiên tiến theo xu thế hội nhập ở mỗi cấp học.
Đại diện trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q. Tân Phú) cho hay, các trường đang bị bó buộc bởi những quy định nên trang bị cơ sở vật chất hết sức khó khăn. Đơn cử muốn trang bị máy lạnh thì phải đăng ký tập trung lên thành phố mất từ một đến 2 năm mới được duyệt, điều này phụ huynh hoàn toàn không đồng ý. Tương tự trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.10) đi vào hoạt động đã 17 năm, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp dù đang thực hiện mô hình được 3 năm.
Khó khăn nữa mà các trường đang gặp phải đó là giáo viên dạy tiếng Anh một số trường chưa đạt trình độ B2 theo chuẩn quốc tế, thiếu giáo viên bộ môn, nhân viên. Cô Phạm Thị Kim Ngân, Hiệu trưởng trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.12) cho biết, nhà trường đã tham gia thực hiện mô hình trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập đến nay đã được 3 năm. Thế nhưng, hầu hết các năm đều không tuyển kịp giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh và tin học, trong khi chuẩn đầu ra 2 môn học này là yếu tố đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường.
Ngoài ra, một số trường cho rằng vẫn bỡ ngỡ, phải tự mày mò thực hiện mô hình, vừa xây dựng, vừa học hỏi thêm để từng bước hoàn thiện. Nhiều trường băn khoăn, gặp khó khăn trong đánh giá học sinh hiện nay theo thông tư 22, khác với hướng dẫn của thông tư 32 trước đây (đánh giá chất lượng học sinh theo học lực giỏi, khá). Với yêu cầu kết quả giáo dục phải có 50% học sinh đạt chuẩn tin học quốc tế là rất khó và kiến nghị sở nên có hướng dẫn cụ thể hơn.
Để tháo gỡ khó khăn các trường đang gặp phải, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận huyện, trường học tìm hiểu kỹ các văn bản hướng dẫn cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo để thực hiện. Đây cũng là cơ sở để phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND quận, huyện trong quy hoạch mạng lưới trường lớp, giải quyết khó khăn cho các trường. Trong đó, có thể tham mưu mở rộng tuyển sinh trên toàn quận, hoặc giao quyền tự chủ trong tuyển dụng giáo viên cho nhà trường. Việc đầu tư cơ sở vật chất, nếu nằm ngoài khoản thu 1,5 triệu đồng/tháng thì có thể sử dụng ngân sách Nhà nước hoặc xã hội hóa theo thông tư quy định về tài trợ mà Nhà nước đã ban hành.
Bài và ảnh: Đan Phương
Theo Báo Tin tức
Thi tốt nghiệp THPT trên máy tính được thực hiện như thế nào? Thi tốt nghiệp THPT trên máy tính dự kiến sẽ được triển khai sau năm 2021, tuy nhiên hình thức này đã được triển khai tại Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội từ năm 2015 đến nay. Theo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau...