Thi THPT quốc gia: Công bố đề thử nghiệm vào cuối tháng này
Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện, công bố 14 đề thử nghiệm của các môn thi năm 2017 vào cuối tháng 1 để thí sinh có thêm cơ sở tham khảo.
Sáng 14/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có buổi làm việc với lãnh đạo sở giáo dục 63 địa phương trong cả nước để bàn về công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia cũng như phương án giải quyết vấn đề dư thừa giáo viên cục bộ trên toàn quốc.
Tháng 1 công bố 14 đề thử nghiệm
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin ngay sau khi ban hành phương án thi, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo công tác đề thi để xây dựng quy trình làm đề khoa học, chặt chẽ.
Từ tháng 10 đến tháng 12, bộ điều động 10 đợt biên soạn câu hỏi với hơn 1.000 giáo viên THPT giỏi trên cả nước làm đề. Các câu hỏi thô phải qua 9 bước xử lý, thử nghiệm nghiêm ngặt mới đưa vào ngân hàng đề để sử dụng.
Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ hoàn thiện và công bố 14 đề thi thử nghiệm của các môn thi năm 2017 vào cuối tháng 1 tới để thí sinh và các trường có thêm cơ sở tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập.
Tiếp tục xây dựng bộ đề thử nghiệm theo 5 bài thi để công bố rộng rãi ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình học (dự kiến giữa tháng 5/2017) giúp thí sinh làm quen, định dạng đề thi.
Từ nay đến kỳ thi, Bộ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phục vụ đề thi, hoàn thành quy chế, chuẩn bị điều động giảng viên các trường ĐH, CĐ về các địa phương để hỗ trợ kỳ thi.
Tháng 1 tới, bộ giáo dục sẽ công bố 14 đề thi thử nghiệm.
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) – nói với những điều chỉnh trong phương án tổ chức thi, năm 2017 đã có sự thay đổi về cách thức tổ chức thi, môn thi, thời gian thi, chấm thi.
Đó là giải pháp khắc phục tình trang học lệch, học tủ, phát huy năng lực, sở trường của học sinh.
Theo ông Trinh, những đổi mới lần này, học sinh thuận lợi nhưng thách thức cho các sở phải có cách thức tổ chức thi thế nào để đảm bảo an toàn, đúng quy chế.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng – góp ý về phương án thi THPT quốc gia năm nay, địa phương đã chuẩn bị kỹ về lộ trình, công tác tổ chức thi.
Tuy nhiên, ông khá băn khoăn, lo lắng vì thời gian tổ chức thi năm nay rút xuống chỉ còn 2 ngày, do đó có ngày thí sinh phải thi 3 môn cùng lúc có thể sẽ khiến học sinh căng thẳng, thậm chí có em sẽ bị ngất.
Ông Vĩnh kiến nghị: “Bộ nên xem xét lại thời gian thi phải ít nhất là 2,5 ngày, trong đó hai ngày đầu bố trí các môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và tổ hợp KHTN. Riêng tổ hợp các môn thi KHXH nên dời sang ngày thứ 3″.
Trong khi đó, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh – ông Trần Trung Dũng – lại cho rằng phương án thi THPT quốc gia năm nay tối ưu. Việc tổ chức các môn thi trong vòng hai ngày không phải là vấn đề lớn trong công tác tổ chức thi tại địa phương.
Video đang HOT
Cũng theo ông Dũng, các năm qua địa phương tổ chức thi khá nghiêm túc nên năm nay dù có thay đổi phương thức thi, Sở cũng không gặp nhiều khó khăn, lo lắng về công tác tổ chức thi.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An – nói: “Hiện tại, tình hình triển khai công tác tổ chức thi THPT quốc gia 2017 rất êm ả. Bởi về cơ bản địa phương đã quán triệt, thống nhất được phương thức thi cũng như xác định được trách nhiệm của sở rất nặng nề trong vai trò chủ trì cụm thi”.
Bà Chi cho biết địa phương cũng đã tập huấn cho giáo viên chu đáo cả về phương thức dạy học cũng như cách thức ra đề thi.
Phải đào tạo lại giáo viên
Vấn đề dư thừa giáo viên cục bộ cũng được lãnh đạo các sở phản ánh xảy ra ở tất cả các cấp học từ mầm non đến phổ thông.
Tổng số giáo viên tại các trường công lập dôi dư ở các bậc đến 26.750 người. Tổng số giáo viên thiếu là 45.058 người.
Cụ thể, một số tỉnh có số lượng giáo viên dôi dư cấp THCS như Thái Bình (124), Phú Thọ (1.191), Thanh Hóa (2.188), Nghệ An (1.742)… Các tỉnh thiếu giáo viên mầm non như Sơn La (1.040), Bắc Giang (1.921), Nghệ An (3.328)…
Bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa – chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ giáo viên các bậc học là do biến động dân số.
Cụ thể, tại địa phương hiện dôi dư giáo viên THPT, THCS nhưng lại thiếu trầm trọng ở bậc tiểu học, đặc biệt là mầm non. Để giải quyết vấn đề, địa phương đang rà soát con số cụ thể và sẽ chuyển giáo viên THCS xuống dạy mầm non, tiểu học.
Bà Hằng cho rằng khi thực hiện phương án này lãnh đạo địa phương cũng có nhiều băn khoăn nhưng chúng tôi phải giải quyết khó khăn trước mắt không để diễn ra tình trạng thừa thiếu giáo viên lẫn lộn.
“Tuy nhiên, trước khi điều chuyển, giáo viên phải được bồi dưỡng cả kỹ năng lẫn nghiệp vụ”, bà Hằng nói.
Ông Trần Trung Dũng cũng chia sẻ thực trạng này đang diễn ra tại Hà Tĩnh. Ông Dũng nói trước đây có giai đoạn quy mô học sinh mỗi cấp lên đến 24.000 em, hiện nay lại giảm xuống còn 19.000.
Vì thế, địa phương đang đối mặt để giải quyết vấn đề, trong năm 2017 sẽ xây dựng đề án phát triển giáo dục, quy hoạch lại đội ngũ.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, ông không đồng tình với phương thức đưa giáo viên THCS, THPT xuống dạy mầm non. Bởi ngành học mầm non rất đặc thù, giáo viên cần được đào tạo đạt chuẩn, đúng chuyên môn mới có thể dạy được.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng việc luân chuyển giáo viên THCS xuống tiểu học, mầm non là giải pháp bất đắc dĩ. Vì là bất đắc dĩ nên giải pháp này có cái được, có cái không được nhưng địa phương cũng như giáo viên không có sự lựa chọn nào khác.
Vì thế, trong năm 2017, Sở báo cáo tỉnh để chủ động kinh phí, có lộ trình chuẩn bị cho việc luân chuyển giáo viên trên 21 huyện, thị xã.
Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội – ông Nguyễn Văn Minh – cũng cho rằng giáo dục mầm non là giáo dục đầu đời nên muốn hay không cần phải được đầu tư đạt chuẩn.
Vì thế, các trường sư phạm sẽ phải sớm hoàn thành, thống nhất chương trình chuẩn, xin ý kiến để đem vào bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết hiện Bộ chỉ đạo xây dựng chuẩn giáo viên và quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, gắn kết các trường sư phạm với các sở thành một chuỗi.
Chương trình đào tạo sư phạm các cấp tiến tới một chương trình chuẩn. Mời các giáo sư, các thầy có kinh nghiệm chuẩn bị, phản biện để xây dựng chương trình chuẩn gắn với chương trình sách giáo khoa mới, áp dụng trong toàn quốc.
“Các trường sư phạm sẽ bám vào chương trình này để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại. Chỉ giao một số trường có uy tín, chất lượng, tránh tình trạng có một số trường hiện nay không có chức năng sư phạm nhưng mở thêm khoa đào tạo giáo viên”, bộ trưởng nói.
Bộ trưởng khẳng định chất lượng giáo viên quyết định chất lượng giáo dục, thừa thiếu cân đối, có lộ trình thích hợp gắn với chuyển đổi chương trình, sách giáo khoa mới, điều kiện trường lớp, thiết bị kèm theo, để dự báo cho chính quyền trong thời gian tới để có kế hoạch đầu tư.
Theo bộ trưởng, công tác giáo viên quyết định đến chất lượng giáo dục do đó năm tới ngành sẽ đặt việc đào tạo giáo viên lên làm trọng tâm.
Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng yêu cầu Cục Khảo thí hướng dẫn các địa phương chi tiết từng nội dung công việc, kế hoạch để các địa phương chuẩn bị tốt cho kỳ thi cũng như địa phương có thể thay bộ giải đáp được các thắc mắc của học sinh, phụ huynh xung quanh kỳ thi.
Theo thông tin từ Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT), cả nước hiện có khoảng 1,2 triệu giáo viên. Trong đó, việc thi tuyển viên chức ngành giáo dục một số nơi không đảm bảo đúng quy định.
Có giáo viên đi làm cả năm không hưởng lương, luân chuyển, bổ nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng… ở Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau gây bức xúc cho xã hội
Theo Nguyễn Hà / Tiền Phong
Để Bộ Giáo dục không là 'Bộ thi'
Bộ GD&ĐT giống như "Bộ thi", đó là cách ví von của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục đại học tổ chức tại Đà Nẵng tuần qua.
Theo lý giải của người đứng đầu ngành giáo dục, thời gian qua, bộ này đã dành quá nhiều thời gian để loay hoay, lấn cấn với tuyển sinh, điểm sàn hay không điểm sàn...
Vậy Bộ GD&ĐT cần làm gì để thoát khỏi câu chuyện thi cử mang đậm tính sự vụ, để thực thi đúng vai trò quản lý nhà nước về giáo dục của mình?
Với kinh nghiệm hơn 24 năm giảng dạy tại đại học tại Mỹ, ông Trương Nguyện Thành, GS Hóa, Đại học University of Utah (Mỹ), Viện trưởng Khoa học Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán TP.HCM, cho rằng Bộ GD&ĐT chỉ nên quản lý phổ thông, còn ĐH nên "buông" giống như mô hình tại Mỹ.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016 tại hội đồng thi Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong.
GS Trương Nguyện Thành cho biết: Sau hơn 24 năm giảng dạy ĐH tại Mỹ, tôi nhận thấy sự can thiệp của Bộ Giáo dục Mỹ với phổ thông và ĐH hoàn toàn khác nhau.
Đối với giáo dục phổ thông, theo quy định của Mỹ, giáo dục ở cấp học này bắt buộc, nhà nước cấp trung ương đầu tư nhiều nên bộ này có nhiều quyền lực.
Bộ Giáo dục Mỹ rất quan tâm chuẩn đầu ra của học sinh tốt nghiệp THPT. Họ để trường THPT quản lý chất lượng học sinh của mình, có quyền cho học sinh tốt nghiệp hay không tốt nghiệp. Họ có một bài thi quốc gia (American College Test ACT) để đánh giá chất lượng chung học sinh tốt nghiệp THPT trên toàn quốc.
Khác với kỳ thi THPT quốc gia của Việt Nam, bài thi này chỉ đánh giá chuẩn đầu ra bậc THPT, không có giá trị để xét tốt nghiệp nhưng cũng là căn cứ giúp các trường ĐH tuyển sinh. Các trường ĐH sẽ dựa vào điểm của bài thi này để tuyển sinh.
Đối với Việt Nam, thời gian qua, tôi nhận thấy bước tiến lớn của Bộ GD&ĐT là bỏ bớt một kỳ thi; tiếp nữa là thi trắc nghiệm các môn thi. Nhiệm vụ bây giờ của bộ là làm cho kỳ thi này tốt, khách quan là đủ.
Thứ hai, với giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục Mỹ hầu như không có bất kỳ sự can thiệp nào trong tổ chức, giảng dạy, tuyển sinh của các trường ĐH. Họ để các trường có quyền tự chủ. Hầu như Bộ Giáo dục Mỹ không can thiệp vào các trường ĐH.
- Vai trò của Bộ Giáo Dục Mỹ đối với các trường ĐH là gì, thưa ông?
- Cấp trung học thì khác. Bộ đưa ra khung trình độ đào tạo chung để đạt được chuẩn đầu ra như quy định. Trường THPT hoàn toàn quyết định dạy thế nào miễn là đáp ứng được yêu cầu chuẩn đầu ra.
Với các trường ĐH, Bộ Giáo dục Mỹ không quy định khung chương trình đào tạo chung, trường nào có khung riêng của trường đó. Ngay trong các trường ĐH, mỗi GS được toàn quyền chọn sách giáo khoa, xây dựng giáo trình riêng cho mình, ở Mỹ gọi là tự do học thuật.
Trưởng khoa cũng không có quyền chọn. GS toàn quyền được dạy theo cách họ thích, không có trưởng khoa hay người nào đó có thể can thiệp được vào cách họ truyền đạt, cách họ dạy, đánh giá. Họ có thể góp ý để công tác giảng dạy được tốt hơn.
Chỉ có điều GS phải đáp ứng được yêu cầu khi học xong lớp GS dạy, sinh viên phải hội đủ kiến thức mà trường/khoa yêu cầu. Chương trình đào tạo do mỗi trường ĐH tự quyết định, vì vậy mới có trường tốt trường không tốt.
Thị trường lao động, doanh nghiệp đánh giá chất lượng đầu ra của các trường ĐH. Do đó, tầm nhìn, hướng phát triển của hiệu trưởng sẽ ảnh hưởng sự phát triển của một trường. Cho nên, trường ĐH lúc nào cũng đi tìm hiệu trưởng giỏi.
Mỗi GS giỏi, mỗi hiệu trưởng giỏi có thể coi như "một món hàng" và đều có giá trên đầu của họ. Ở Mỹ, các trường đua với nhau, đấu giá GS, đấu giá lãnh đạo để phát triển trường.
GS Trương Nguyện Thành - Đại học University of Utah (Mỹ). Ảnh: Tiền Phong.
- Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của Bộ GD&ĐT đối với các trường ĐH tại Việt Nam?
- Tôi không hiểu nhiều cấu trúc của ĐH của Việt Nam nhưng gần đây, tôi thấy Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng nói nhiều đến tự chủ ĐH nên nghĩ họ đang có hướng đi đúng để hội nhập quốc tế. Vì dù sao quản lý phải đi song song hệ thống quản trị của đất nước.
Ở Mỹ, học phổ thông là đầu tư của nhà nước, học sinh dưới 18 tuổi bắt buộc phải đi học. Vì vậy, Bộ Giáo dục Mỹ can thiệp sâu vào bậc học này vì họ cho rằng đó là nền tảng để phát triển quốc gia.
Còn đến ĐH là họ buông, đó là quyền của các tiểu bang. Tiểu bang cần nhân lực như thế nào để phát triển kinh tế cho tiểu bang mình thì họ đầu tư vào trường ĐH.
Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong
Nhiều trường thêm tổ hợp mới trong xét tuyển Năm nay, nhiều trường đại học dự kiến có thêm các tổ hợp mới với sự góp mặt của bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. TS Lê Chí Thông - Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa TP.HCM - cho biết năm 2017, trường sẽ xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; ưu...