Thí sinh tự do thi và xét tuyển năm 2020 như thế nào?
Khác với các thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh tự do sẽ đăng ký thi và xét tuyển theo cách riêng.
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2019 – ĐÀO NGỌC THẠCH
Em là thí sinh tự do. Năm 2019, em thi tốt nghiệp không đậu. Năm nay em muốn dự thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH thì em nên làm thế nào?
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM: Để được xét tốt nghiệp THPT năm 2020, thí sinh phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Đối tượng là thí sinh tự do đăng ký dự thi tại địa điểm do sở GD-ĐT quy định.
Ngoài các hồ sơ quy định như thí sinh là học sinh lớp 12, hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT của thí sinh tự do phải có thêm: Giấy xác nhận của trường phổ thông nơi thí sinh học lớp 12; bản sao Bằng tốt nghiệp THCS; Giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận.
Thí sinh tự do dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT có học bạ theo chương trình THPT nào phải đăng ký dự thi theo quy định của chương trình đó.
Thí sinh tự do bị mất bản chính học bạ THPT có nguyện vọng được dự thi năm 2020 phải có xác nhận lại bản sao học bạ được cấp, trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ dự thi của các kỳ thi trước…
Em đã tốt nghiệp THPT năm 2019 nhưng không trúng tuyển ĐH. Năm nay em chỉ xét tuyển ĐH thôi thì làm thủ tục như thế nào? Em sẽ t hi tại trường phổ thông cũ của em hay là ở địa phương khác?
Tiến sĩ Trần Đình Lý: Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 ban hành theo Thông tư 15/2020 của Bộ GD-ĐT quy định thí sinh đã tốt nghiệp THPT đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển ĐH được bố trí thi chung điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12, do giám đốc sở GD-DT quyết định.
Video đang HOT
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT thì thí sinh đã tốt nghiệp THPT được đăng ký dự thi bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng. Thí sinh tự do được đăng ký dự thi tại các điểm nhận hồ sơ do sở GD-ĐT quy định theo điểm 1, khoản 1, điều 13 Quy chế thi.
Hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh tự do bao gồm: 2 phiếu đăng ký dự thi giống nhau, bản sao Bằng tốt nghiệp THPT và 2 ảnh 4×6 cm. Thí sinh được đăng ký xét tuyển ĐH theo Quy chế tuyển sinh hiện hành và đề án tuyển sinh của mỗi trường.
Ào ạt thí sinh thi đánh giá năng lực
Năm 2020, ĐH Quốc gia TP.HCM ghi nhận hơn 63.000 thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực, cao hơn nhiều so với những năm trước.
Tối 15-6, ĐH Quốc gia TP.HCM chính thức chốt đăng ký thi đánh giá năng lực (ĐGNL) năm 2020. Là năm thứ ba tổ chức với chỉ một đợt thi, kỳ thi đã trở thành tâm điểm thu hút lượng lớn thí sinh (TS) cả nước tham dự thi. Số trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả này cũng tăng cao gấp hơn hai lần so với năm 2019.
Thí sinh dự thi tăng mạnh
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết sau hơn năm tháng mở cổng đăng ký thi, tính đến 16 giờ ngày 15-6, đã có 63.077 TS đăng ký dự thi. Trong đó, hơn 57.000 TS đã hoàn tất thủ tục xác nhận thi, số còn lại sẽ có thời hạn năm ngày để hoàn tất đăng ký, tức đến ngày 20-6.
Tiến sĩ Chính lưu ý trong thời gian trước ngày thi, những TS đã đăng ký thi cần hoàn tất các thủ tục xác nhận thi, thời hạn đến ngày 20-6 sẽ kết thúc.
Bên cạnh đó, TS cần theo dõi thông tin qua tài khoản đã được cấp khi đăng ký thi để nắm bắt thông tin. "Trước ngày thi khoảng một tuần, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ gửi thông tin chi tiết về thời gian thi, số báo danh, điểm thi, phòng thi... TS chỉ cần in ra và mang theo các giấy tờ tùy thân để đi thi" - Tiến sĩ Chính lưu ý.
Số TS năm nay tăng hơn nhiều so với cả tổng hai đợt thi của năm 2019 (khi có gần 50.000 TS). Trong khi đó, năm 2018 cũng chỉ có khoảng 5.000 TS dự thi.
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, số lượng học sinh đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực tăng đột biến khi có đến 590/633 HS lớp 12 đăng ký dự thi kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM. Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ thêm nhà trường luôn khuyến khích các em tham dự kỳ thi ĐGNL vì tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH theo đúng năng lực của các em.
Nói về việc đăng ký dự thi năm nay, Nguyễn Bình, học sinh Trường THPT Tam Phú, quận Thủ Đức, cho biết em muốn thi để có thêm cơ hội vào ngôi trường mà em mơ ước là ĐH KHXH&NV, ngành báo chí truyền thông. Bình cũng cho biết "lớp em đăng ký dự thi 100%". "Do đề thi theo hướng mở, chủ yếu vận dụng tư duy và kiến thức thực tiễn sẵn có để làm bài thi ĐGNL nên em và các bạn đều không luyện đề. Hơn nữa, em xác định có ôn cũng không trúng nên chỉ có thể tự ĐGNL của mình và tìm hiểu thêm kiến thức xã hội" - Bình nói.
Về đề thi năm nay, Tiến sĩ Chính cho hay cấu trúc đề thi, độ khó và tính phân loại của đề thi năm nay giữ ổn định so với đề thi các năm trước. Kỳ thi cũng sẽ cải tiến hơn về mọi mặt để đảm bảo các yêu cầu về tính nghiêm túc, khách quan, công bằng và đánh giá được năng lực người học.
Về việc ôn thi, Tiến sĩ Chính cũng lưu ý ĐH Quốc gia TP.HCM không khuyến khích việc luyện thi. TS nên tiếp cận việc học một cách thật sự, toàn diện và hệ thống, tránh học tủ hoặc học chỉ để nhớ và nắm kỹ thuật làm bài thi.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực năm 2019 tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: PHẠM ANH
Tăng chỉ tiêu thi đánh giá năng lực
Những thay đổi về kỳ thi tốt nghiệp THPT đã khiến các trường ĐH, CĐ năm nay đồng loạt điều chỉnh phương thức tuyển sinh. Trong đó, điểm thi ĐGNL trở thành phương thức được các trường sử dụng nhiều, khi có đến hơn 66 trường ĐH, CĐ đăng ký. Số này tăng hơn gấp đôi so với năm trước và chỉ tiêu xét tuyển cũng tăng cao hơn.
Cụ thể, dù năm đầu tiên xét tuyển từ kết quả xét điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn năm nay cũng dành đến tối đa 20% chỉ tiêu cho phương thức này (theo ngành, trừ các ngành đào tạo giáo viên và thanh nhạc).
Tương tự, theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết do những thay đổi về kỳ thi THPT năm nay nên đây cũng là lần đầu tiên trường xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL. Chỉ tiêu cho phương thức này khoảng 10%-15%. Theo Tiến sĩ Lý, đây là kỳ thi được tổ chức công phu và thu hút lượng lớn TS tham gia. Do đó, trường muốn tăng thêm cơ hội đầu vào cho TS hơn.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng dành đến 20% chỉ tiêu theo ngành, tức hơn 1.000 chỉ tiêu. Riêng các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM đã quyết định điều chỉnh theo hướng tăng chỉ tiêu cho phương thức này, trung bình cũng 30%-70%.
Hay như Trường ĐH Kinh tế - Luật, năm 2020 vừa quyết định dành tối đa 50% tổng chỉ tiêu xét từ điểm thi ĐGNL, tăng 10% so với trước đó.
Theo ThS Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc thông tin truyền thông và tư vấn tuyển sinh của trường, việc điều chỉnh này do qua hai năm tuyển sinh từ kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đã chứng tỏ được uy tín và chất lượng TS đầu vào. Ngoài ra, với những thay đổi về kỳ thi tốt nghiệp THPT nên trường quyết định tăng chỉ tiêu để tạo thêm cơ hội cho TS.
Tương tự, Trường ĐH KHXH&NV năm nay cũng xét tuyển dựa vào kết quả kiểm tra trình độ năng lực chiếm 35%-45% tổng chỉ tiêu. Sau khi cân nhắc, Trường ĐH Quốc tế cũng xét điểm thi ĐGNL lên 50%. Trường ĐH Bách khoa cũng dành 30%-70% tổng chỉ tiêu cho xét kết quả kỳ thi ĐGNL này.
Đề chú trọng kiến thức cơ bản
Đa số câu hỏi của đề dưới dạng cung cấp kiến thức, cũng sẽ có những câu mở rộng nhưng luôn là những kiến thức cơ bản mà TS đã từng học qua. Trong đó chỉ có khoảng 6%-7% câu hỏi hỏi về hiểu và nhớ kiến thức. Em nào học tốt các môn học của chương trình THPT đều làm được.
Tiến sĩ NGUYỄN QUỐC CHÍNH, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM
Lịch và nội dung thi
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết Ban giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM vừa đồng ý điều chỉnh lịch thi ĐGNL năm 2020. Theo đó, ngày thi sẽ diễn ra vào Chủ nhật 16-8. Kỳ thi đồng loạt diễn ra tại năm địa phương, gồm TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng.
Toàn bộ kỳ thi chỉ diễn ra trong một buổi sáng với bài thi tổng hợp gồm 120 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài là 150 phút. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức và tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản. Bài thi hướng đến ĐGNL cơ bản để học ĐH của TS gồm: Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (40 điểm); suy luận logic và xử lý số liệu (30 điểm); giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội (50 điểm).
Nhiều trường ĐH lại điều chỉnh đề án tuyển sinh Căn cứ trên quy chế tuyển sinh chính thức của Bộ GD-ĐT, các trường đại học đã chốt phương án chính thức năm 2020. So với những công bố trước đó, cách thức tuyển sinh của nhiều trường có sự thay đổi cơ bản. Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ tại một trường ĐH ở TP.HCM -...