Thí sinh “tẩu hỏa” khi làm hồ sơ thi ĐH
Nhiều trường đại học sẽ xét kết quả học tập ở bậc THPT, gồm kết quả các môn văn hóa, kết quả thi tốt nghiệp THPT, các kỹ năng mềm, năng khiếu… Điều này khiến nhiều thí sinh lo lắng và lúng túng khi nộp hồ sơ dự thi.
Năm đầu tiên, Bộ GD&ĐT thí điểm đổi mới phương án tuyển sinh Đại học, cao đẳng, nhưng thông tin về phương án tuyển sinh vẫn còn chưa rõ ràng, khiến cho nhiều thí sinh đến nay vẫn đang lúng túng với việc chọn trường, đăng ký hồ sơ dự thi.
Bạn Đào Trọng Mạnh, một thí sinh tự do, khi cầm hồ sơ tuyển sinh trên tay không biết điền thông tin như thế nào phù hợp. Theo Mạnh, năm trước có thi vào trường Đại học Bách Khoa nhưng không đậu, năm nay tiếp tục ôn thi vào trường này. Tuy nhiên, Mạnh đang rất lo lắng vì nghe tin trường tổ chức thi sơ tuyển, xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng, kết hợp thi “3 chung”…
Mạnh cho biết: “Năm ngoái, em làm hồ sơ rất đơn giản, chỉ cần điền thông tin theo hướng dẫn rồi thay tên trường, mã ngành… rồi đem đi đến địa điểm nộp hồ sơ. Tuy nhiên, năm nay tra khảo trên mạng, hỏi han bạn bè nhưng vẫn không thể nào hiểu thi riêng là thế nào, làm hồ sơ ra sao cho phù hợp với yêu cầu của trường nữa.”
Còn bạn Phạm Thị Ngọc Tình, học sinh trường THPT Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay, em dự thi đại học khối A. Bên cạnh những trường thi theo phương thức “3 chung”, còn nhiều trường chọn phương án tuyển sinh riêng, có quy định riêng thi tuyển, thi kết hợp xét tuyển, phỏng vấn… khiến chúng em chưa biết chọn ra sao, điền hồ sơ thế nào… Điều này, khiến các thí sinh lo lắng và rất mất thời gian, vừa phải chọn trường, khối thi, vừa tìm hiểu xem trường này trường kia định dự thi, tuyển sinh theo cách nào để đăng ký”
Theo bạn Tình, nếu xem cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014″, thì sẽ chưa đủ thông tin cho các thí sinh, do cuốn sách mới chỉ cập nhật đến ngày 6/3/2014, trong khi một số nội dung còn sai sót. Thông tin trên trang điện tử có trường cập nhật đầy đủ, có trường rất sơ sài, vì vậy khiến học sinh vô cùng lo lắng và lúng túng.
Nhiều thí sinh còn lo lắng, lúng túng khi làm hồ sơ dự thi đại học
Với xu hướng tuyển sinh như năm nay, nhiều trường đại học sẽ xét kết quả học tập ở bậc THPT, gồm kết quả các môn văn hóa, kết quả thi tốt nghiệp THPT, các kỹ năng mềm, năng khiếu… sẽ có tính quyết định trong đợt thi tuyển, xét tuyển vào các trường đại học cao đẳng. Đây cũng là tâm lý lo lắng chung của rất nhiều học sinh hiện nay khi đăng ký dự thi và nộp hồ sơ vào các trường.
Thực hiện phương án đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, cả nước có 62 trường được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh riêng. Trong đó, có nhiều trường chọn phương án xét tuyển từ kết quả học tập THPT của thí sinh. Ngược lại có những trường lại chọn phương án xét tuyển kết hợp thi tuyển, phỏng vấn… phương án tuyển sinh mới, khiến nhiều học sinh lúng túng.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT lưu ý: “Các trường đại học vùng như: Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đồng Tháp, Đại học Vinh… đăng ký tuyển sinh theo phương án “3 chung”, nhưng có một số ngành tuyển sinh riêng. Những trường khác đã đăng ký tuyển sinh riêng với Bộ hoặc có trường tới 75% chỉ tiêu tuyển sinh “3 chung”, còn lại là xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT hay xét kết quả thi tốt nghiệp”.
Theo ông Trinh, năm nay với những đổi mới trong tuyển sinh, đặc biệt là các trường tuyển sinh riêng, thí sinh cũng cần cân nhắc hơn, nhiều thí sinh nộp hồ sơ mà vẫn chưa nắm vững thông tin trường mình định thi, nên thầy cô giáo, cán bộ thu hồ sơ phải hướng dẫn các em về tìm hiểu kỹ thông tin về trường dự định thi.
Trên thực tế, thí sinh khá bối rối khi làm hồ sơ đăng ký dự thi. Do đó, thí sinh cần tìm hiểu về trường, ngành học mình ứng thí, ngành xét tuyển, ngành thi theo phương án “3 chung”. Các em cần cập nhật thông tin thường xuyên trên website của trường định dự thi.
Theo TNO