‘Thí sinh không thể gian lận khi thi trắc nghiệm’
Sáng 16/11, trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định thí sinh không thể học tủ, nhìn bài, nhắc đáp án khi làm bài trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Sáng 16/11, 48 đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT. Các câu hỏi liên quan vấn đề lựa chọn thi trắc nghiệm nhiều môn trong kỳ thi 2017, nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, dạy, học thêm…
Thi trắc nghiệm phù hợp đánh giá đại trà
Liên quan việc thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng hình thức thi này dễ xảy ra tiêu cực.
“Học sinh thi về nói với tôi chỉ thích trắc nghiệm. Phòng thi của cháu sẽ chọn bạn học giỏi nhất, bôi thật nhiều dầu gió. Cứ phương án 1, bạn ấy ho 1 tiếng, cả phòng tích vào; phương án 2 ho 2 tiếng và trong quy chế thi không ai cấm thí sinh ho. Chỉ cần 1 bạn làm được, cả phòng làm được bài, như vậy có phải phương án ưu việt hay không?”, bà Nga dẫn câu chuyện và hỏi.
Theo nữ đại biểu, kỳ thi trắc nghiệm không phát huy tính tích cực chủ động. Đề thi không rèn được kỹ năng thực hành, gây lãng phí máy móc, phòng thí nghiệm được trang bị để dạy thực hành cho môn Lý, Hóa, Sinh. Kỹ năng nghe – nói tiếng Anh vốn rất kém của học sinh và giáo viên cũng không được khắc phục.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh THPT quốc gia là kỳ thi kiểm tra kiến thức phổ thông, cơ bản, toàn diện cho hàng triệu học sinh, chứ không chỉ tập trung học sinh giỏi.
Về cơ bản, kỳ thi chỉ thay đổi hình thức, vẫn đảm bảo khách quan, làm căn cứ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bộ đã tham khảo rất kỹ ý kiến chuyên gia, lắng nghe nhiều phân tích. Thi trắc nghiệm phù hợp mục đích đánh giá đại trà, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Việc thi trắc nghiệm linh hoạt, học sinh được trau dồi kiến thức trong quá trình học chứ không phải chỉ tập trung luyện thi. Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề, thi riêng, có hệ thống chấm bài trên máy tính nên không có chuyện nhắc bài, ra dấu đáp án hay gian lận. Cách thi này tiết kiệm thời gian của thí sinh, công sức, tiền bạc.
“Đây là hình thức thi minh bạch, không cứng nhắc, máy móc, vận dụng cả những kiến thức xã hội và ngoài cuộc sống. Học sinh học gì thi đó. Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã làm như vậy trên nền tảng công nghệ và thành công. Tôi muốn cử tri và đại biểu chia sẻ với ngành giáo dục về sự đổi mới này”, ông Nhạ nói.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng theo lộ trình, có kế hoạch qua từng năm, năm sau điều chỉnh khắc phục điểm yếu của năm trước. Nhưng về toàn diện, đây là phương án thi phù hợp và ổn định nhất.
Đau đầu với dạy, học thêm biến tướng
Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Quyết Tâm đưa ý kiến không được cấm dạy và học thêm chính đáng, chỉ cấm lợi dụng để bắt ép học sinh, ví dụ như không dạy hết nội dung ở lớp chính khóa mà mang về nhà dạy, lấy nội dung dạy thêm ra kiểm ra 15 phút.
Về chất lượng đào tạo, chúng tôi xin nhận trách nhiệm, trong nhiều trường hợp có lỗi trong việc để sinh viên ra trường không có việc làm, dù chất lượng còn liên quan nhiều vấn đề, yếu tố. Chúng tôi thành thật nhận trách nhiệm chứ không trốn tránh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định chỉ cấm dạy và học thêm biến tướng: “Có những trường hợp hợp lý không đặt vấn đề cấm mà quan tâm chấn chỉnh”.
Theo ông Nhạ, thời gian sắp tới, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn, chỉ thị để uốn nắn việc dạy và học thêm đúng hướng; đồng thời, yêu cầu địa phương và các cơ sở giáo dục kiểm tra sâu sát hơn trong việc kiểm tra các trung tâm dạy thêm, tránh việc ép học sinh.
Trong tương lai, sách giáo khoa sẽ được chỉnh lại, lược bỏ nội dung không phù hợp, trùng lặp để chương trình nhẹ, hợp lý hơn.
Video đang HOT
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) tranh luận: “Bộ trưởng cho rằng dạy thêm, học thêm đã đi vào ổn định hơn thì xin cho biết rõ thế nào. Bộ trưởng nói đây chưa phải vấn đề gấp, tôi không đồng tình”.
Bà cho biết thêm tại Hà Nội hiện nay, tình trạng dạy, học thêm đang rất bức xúc, nhiều trường hợp xuất phát từ động cơ vụ lợi, ép học sinh học thêm bằng nhiều cách. Không ít cơ sở dạy thêm phát triển tràn lan do quản lý lỏng lẻo.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng các giải pháp bộ trưởng nêu ra để hạn chế tình trạng dạy thêm chưa căn cơ.
“Việc dạy thêm đang được chuyển sang hình thức tự nguyện. Phụ huynh phì cười bảo ai chả tự nguyện, phải ký đơn để được học thêm, trẻ em Việt Nam không có tuổi thơ. Bộ trưởng có giải pháp gì để chấn chỉnh ngay trong nhiệm kỳ này?”.
Liên quan dạy và học thêm, người đứng đầu ngành giáo dục nhận được nhiều chất vấn nhưng phần trả lời chưa làm hài lòng đại biểu, dù nhiều lần nhận trách nhiệm vì chưa sâu sát, mới chỉ đưa ra các thông thư và chỉ thị.
191.000 sinh viên ra trường thất nghiệp
Rất nhiều đại biểu ý kiến về việc sinh viên ra trường thất nghiệp. Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đưa số liệu 191.000 sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm và mong bộ trưởng cho giải pháp. Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm về vấn đề này.
“Chương trình giáo dục chưa bám sát yêu cầu thị trường lao động dẫn đến đào tạo không sát, chưa chú trọng kỹ năng và tiếp xúc thực tế. Mở trường phải có ý kiến chuyên môn nhưng thực tế chưa thực hiện được”, Bộ trưởng GD&ĐT trả lời.
Theo bộ trưởng, không phải sinh viên nào ra trường cũng có việc làm ngay, cần qua quá trình thực tế, ngay đại học lớn như Harvard cũng vậy. Hiện 80% sinh viên ra trường có việc làm, số này thường rơi vào nhóm trường cấp trên. Số không có việc làm tập trung ở những trường mới thành lập, chất lượng kém.
“Tư lệnh” ngành giáo dục nêu ra một số giải pháp sắp tới bao gồm: Yêu cầu các trường báo cáo sinh viên tốt nghiệp có tỷ lệ việc làm, cấp học bổng cho sinh viên giỏi là người dân tộc thiểu số. Số sinh viên này không nhiều nhưng là hạt nhân để sau này quay về phục vụ địa phương
Ông Nhạ cũng cho biết vừa qua, Thủ tướng ban hành khung hệ thống giáo dục quốc dân, qua đó sẽ bổ sung giáo dục nghề nghiệp, bám sát yêu cầu thị trường lao động, chú trọng kỹ năng, tiếp xúc thực tế.
Đối với phần trả lời này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) không hài lòng và yêu cầu bộ trưởng mạnh dạn trả lời câu hỏi: Vậy Bộ GD&ĐT có lỗi gì không và dự định đào tạo nhân lực thế nào?
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, đúng là thời gian qua sự phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội còn hạn chế, tới đây sẽ phối hợp tốt hơn.
Theo Zing
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục là phải đổi mới
Năm 2017, ngành giáo dục đào tạo vẫn tiếp tục đổi mới, trong đó có đổi mới thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Trước thềm năm học mới, chiều 4/9, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện đổi mới trong giáo dục.
Bỏ đổi mới còn gì là giáo dục?
- Thưa ông, phương án tiếp tục đổi mới thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng trong năm 2017 có gì mới?
- Thời điểm này chưa phải chính thức, nhưng chủ trương của Bộ GD&ĐT là không phải đổi mới mà tiếp tục thực hiện phương án 2016. Kỳ thi và tuyển sinh đại học năm nay được đánh giá cơ bản thành công, được xã hội đồng tình.
Tuy nhiên, phương án nào cũng có những hạn chế. Sau khi xem xét, Bộ GD&ĐT nhận thấy có những điểm phải cải thiện để tốt lên.
Về tổ chức thi, năm 2016 có hai cụm thi địa phương và cụm thi đại học. Qua thực tế, địa phương hoàn toàn tổ chức được thi và không nhất thiết phải tồn tại hai cụm thi trong một địa phương. Như vậy, năm 2017 chỉ còn một cụm thi. Bản chất vẫn như năm 2016 nhưng gọn nhẹ, thiết thực hơn.
Đề thi năm nay được đánh giá nghiêm túc, nhưng những người làm giáo dục, cũng như giáo viên thấy thí sinh vẫn học tủ, học lệch. Trong khi đó, giáo dục phổ thông phải học toàn diện.
Do đó, năm 2017 có cải tiến để đảm bảo tính toàn diện, tránh học tủ, học lệch; sử dụng công nghệ thông tin để tổ chức bài thi tổng hợp theo hướng trắc nghiệm khách quan, gọn nhẹ, bao quát.
Mặt khác, năm 2016, đề thi được đánh giá tốt nhưng qua phản ánh và thực tế kiểm tra, đâu đó vẫn còn tình trạng thí sinh nhìn được bài nhau.
Về chấm thi, giáo viên chấm theo barem nên có sự du di giữa các thầy cô. Trong khi đó, phương thức thi của ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy có thể sử dụng công nghệ trong chấm thi để giải quyết vấn đề này. Thí sinh sẽ làm bài thi tổng hợp trắc nghiệm đối với nhóm môn Toán, Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn, Ngoại ngữ. Thi trên giấy, chấm trên máy sẽ khắc phục tốt những băn khoăn dư luận đặt ra.
Đây là những đổi mới có tính chất bổ sung cho hạn chế năm 2016.
Liên quan xét tuyển, thi tuyển, năm 2017 vẫn áp dụng một kỳ thi 2 mục đích. Các trường được quyền tự chủ, nhưng trong thực tế, nhiều đại học chưa có kinh nghiệm, cũng như chưa có điều kiện để có thể đứng lên tổ chức một kỳ thi.
Mặt khác, tự chủ không có nghĩa muốn làm gì cũng được, Bộ GD&ĐT vẫn phải có trách nhiệm đứng ra quản lý chất lượng vì quyền lợi của người học.
Khắc phục điểm bất cập của năm 2016, thí sinh chỉ được 2 trường 4 nguyện vọng, trong quá trình xét tuyển thông tin không được công khai thì năm 2017 sẽ có phần mềm cùng sử dụng, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng.
Họp báo về Khai giảng năm học mới 2016-2017 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 4/9. Ảnh: VOV.
- Nhiều người cho rằng giáo dục "đổi mới" rất nhiều nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn?
- Thứ nhất, phương án thi năm 2017 không phải hoàn toàn mới mà là sự kế thừa, cải tiến phương án thi 2016 để tốt hơn. Không phải mỗi năm một phương án mới.
Nhân đây, tôi cũng khẳng định nếu bỏ từ đổi mới đi thì còn gì là Nghị quyết đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Giáo dục có nhiều khía cạnh phải đổi mới. Chuyển từ truyền thụ kiến thức theo kiểu nhồi nhét sang phương thức tiếp cận năng lực. Vì vậy, bỏ đổi mới thì còn gì là giáo dục?
Cách đặt vấn đề của một số phụ huynh, một số thầy cô như thế không chuẩn. Đổi mới là quá trình, đổi mới là liên tục. Chỉ có điều đổi mới thế nào cho hiệu quả.
Giáo dục đào tạo phải có lộ trình, bước đi vững chắc. Tính bền vững phải thể hiện được khả thi và lâu dài, tránh tình trạng không đủ cơ sở khoa học để thực hiện, đổi mới xong lại làm lại. Còn nếu đổi mới có lộ trình thì ngày càng có nền tảng. Trong giáo dục đào tạo, không phải hôm nay đổi mới, ngày mai có kết quả. Có những đổi mới chục năm sau mới có kết quả. Có những đổi mới vài năm đã có kết quả.
Tôi cho rằng, giáo dục cần thực hiện nghiêm túc. Các mô hình, dự án mới đều phải triển khai thí điểm, có đánh giá, ra điều kiện kèm theo mới thực hiện một cách thận trọng.
Những cụm từ: "chuột bạch", "thí nghiệm", "nhồi nhét"... rất xa lạ với giáo dục. Điều này khiến những nhà làm giáo dục hết sức trăn trở. Bị nhận xét như vậy là cú sốc đối với những người làm quản lý giáo dục trong quá trình đổi mới.
Rút kinh nghiệm Thông tư 30, VNEN
- Thưa Bộ trưởng, nhiều giáo viên lo ngại dự thảo sửa đổi Thông tư 30 với cách đánh giá, phân loại học sinh theo A, B, C chỉ là bình mới, rượu cũ?
- Tinh thần của Thông tư 30 là tốt. Học sinh tiểu học còn nhỏ không nhất thiết phải đánh giá lượng hóa bằng cách chấm điểm, thi đua, tạo ra áp lực và dạy thêm, học thêm.
Thông tư có cách đánh giá cả năng lực lẫn phẩm chất của học sinh bằng cách vừa cho điểm vừa nhận xét. Một câu khen cũng là cách đánh giá, đâu nhất thiết phải cứ cho 5 hay 10 điểm. Tuy nhiên, Bộ phải rút kinh nghiệm, tính toán làm sao khi đổi mới cũng phải có lộ trình, bước đi phù hợp đảm bảo có sự chuẩn bị, kể cả giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp.
Bản dự thảo sửa đổi lần này sẽ thay đổi việc thầy cô phải ghi nhận xét nhiều. Phương án đánh giá học sinh theo mức A, B, C là khác căn bản so với cách đánh giá cũ. Không có chuyện bình mới rượu cũ, bởi chỉ đánh giá bằng lời khó lượng hóa được sự tiến bộ của học sinh.
Khi đó, A, B, C là thang bậc của sự tiến bộ. Học sinh được A là sự tiến bộ vượt bậc cả về năng lực lẫn phẩm chất, hay điểm C không phải chê các cháu mà cần cố gắng.
Cũng giống Thông tư 30, VNEN là mô hình mới cần có sự chuẩn bị phù hợp và không phải địa phương nào cũng áp dụng được. Trong khi đó, thực tế đã có xu hướng đua nhau triển khai dẫn đến một số cơ sở, địa phương không có sự chuẩn bị. Điều này, Bộ phải rút kinh nghiệm trong việc tổ chức, triển khai những chủ trương, mô hình mới. Phải tiến hành thận trọng, có thí điểm, đánh giá mới nhân rộng mô hình.
Chưa báo cáo hoãn chương trình - sách giáo khoa mới
- Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo lộ trình 2018 sẽ bắt đầu áp dụng thay sách giáo khoa cuốn chiếu từng cấp học. Xin Bộ trưởng cho biết bao giờ công bố chương trình tổng thể, chương trình bộ môn?
- Về chương trình, sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch. Nhiều ý kiến cũng băn khoăn, Bộ có quan điểm muộn nhưng chắc. Bộ xây dựng chương trình tổng thể sau đó mới xây dựng chương trình môn học, trên cơ sở đó mới tiến hành sách giáo khoa.
Chúng tôi xác định chậm lại nhưng cách làm cũng có sự đổi mới khi kết hợp nâng cao chất lượng giáo viên gắn với sách giáo khoa. Cách làm sách giáo khoa cũng sẽ được công khai.
Năm học 2016 - 2017, chương trình sách giáo khoa vẫn được tiến hành triển khai nhưng chưa đặt vấn đề làm nhanh. Thời điểm này, Bộ GD&ĐT cố gắng làm chắc chắn. Tôi tin khi có chương trình tổng thể, chương trình môn học, giai đoạn viết sách giáo khoa sẽ rất nhanh. Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ chưa có ý định báo cáo hoãn chương trình, sách giáo khoa mới.
Hiện tại, trong lúc chờ sách giáo khoa 2018, tôi đã chỉ đạo các đơn vị cắt giảm các chương trình có nội dung không cần thiết, trùng lặp để giảm tải.
Theo Zing
'Phát huy mọi nguồn lực để nền giáo dục có tầm' Đó là chia sẻ của PGS.TS Phùng Xuân Nhạ ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn là Bộ trưởng GD&ĐT sáng 9/4. "Chúng ta phải chuyển cả một nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo, sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát...