Thí sinh đăng ký 25 nguyện vọng xét tuyển!
‘ Quy chế tuyển sinh vào ĐH cho phép thí sinh tự do đăng ký thì em cứ đăng ký thôi’, một học sinh chia sẻ.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TP.HCM đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Đến chiều 14-4, thống kê học sinh lớp 12 đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2018 tại nhiều trường cho thấy đa số học sinh đăng ký 7-8 nguyện vọng. Cũng có một số ít học sinh đăng ký 20-25 nguyện vọng.
Năm nay, số thí sinh chọn tổ hợp khoa học tự nhiên vẫn nhỉnh hơn khoa học xã hội.
Đăng ký cả hai tổ hợp
Cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) – cho biết tỉ lệ đăng ký bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội tại trường là 50/50.
“Chỉ có khoảng 20 thí sinh đăng ký cả hai bài thi tổ hợp – bà Nhiếp nói – Với những học sinh này, nhà trường đề nghị giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn sát sao hướng dẫn các em ôn tập để tránh bị quá tải, căng thẳng.
Thường các em tập trung nhiều hơn vào một tổ hợp có thế mạnh. Còn tổ hợp kia chỉ thi để lấy điểm thành phần sử dụng vào các tổ hợp xét tuyển”.
Tương tự, ở Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) có ba thí sinh chọn thi cả hai tổ hợp. Trong đó một tổ hợp dùng để xét tuyển vào ĐH và một tổ hợp có thể bảo đảm chắc chắn đậu tốt nghiệp THPT.
“Vẫn biết thi cả hai tổ hợp rất vất vả, nhưng học sinh có lý do riêng của các em. Có em cần lấy điểm vật lý để xét tuyển vào ĐH theo khối A1 nhưng lại không tự tin môn hóa và sinh. Thế là phải đăng ký thi thêm tổ hợp khoa học xã hội để bảo đảm đậu tốt nghiệp” – ông Trần Hữu Hòa, phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, cho biết.
Với những trường hợp đăng ký hai tổ hợp, ông Trần Văn Nghĩa – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT – lưu ý nhà trường cần phổ biến kỹ: đối với học sinh chưa tốt nghiệp THPT (đang học lớp 12) nếu đã đăng ký hai bài thi tổ hợp phải làm trọn vẹn cả hai bài thi này, không được bỏ một trong hai bài thi đã đăng ký.
Video đang HOT
“Trường hợp đã đăng ký thi cả hai bài thi tổ hợp nhưng chỉ dự thi một bài, bỏ một bài thì thí sinh sẽ bị xem là phạm quy, không được xét tốt nghiệp” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Khoa học tự nhiên nhỉnh hơn
Ở Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), chỉ 86 thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội và hơn 500 học sinh chọn tổ hợp khoa học tự nhiên. Trường THPT Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có 200 học sinh chọn khoa học tự nhiên và 183 em chọn khoa học xã hội. Tại Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), số học sinh chọn khoa học xã hội chiếm 43,66%.
Tại Hà Nội, cô Ngô Thị Thành – phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú – cho biết đầu năm học trường đã làm việc với cha mẹ học sinh, khảo sát để nắm nguyện vọng, trên cơ sở đó điều chỉnh phân lớp để các em có điều kiện tập trung các môn sẽ thi.
Trường này có 138 học sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên, 95 học sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội. Tuy nhiên, cũng có trường học sinh đăng ký bài khoa học xã hội cao hơn khoa học tự nhiên, như Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) với 245 học sinh đăng ký trong tổng số 410 học sinh.
Cao nhất 25 nguyện vọng
Cô Nguyễn Thị Nhiếp cho biết ở Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) có học sinh đăng ký tới 25 nguyện vọng. Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cũng có học sinh đăng ký 17 nguyện vọng.
Tại TP.HCM, Trường THPT Marie Curie thí sinh đăng ký nhiều nhất 20 nguyện vọng, còn lại đa số đăng ký 7-8 nguyện vọng. Ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, thí sinh đăng ký nhiều nhất 10 nguyện vọng, còn lại đa số đăng ký 3-4 nguyện vọng.
Bạn N.H.L. – học sinh lớp 12 ở Q.Bình Tân, TP.HCM – chia sẻ: “Em đăng ký 23 nguyện vọng vào ĐH với bảy ngành nghề của chín trường ĐH. Quy chế tuyển sinh vào ĐH cho phép thí sinh tự do đăng ký thì em cứ đăng ký thôi.
Đa số bạn bè chỉ chọn 1-2 ngành để đăng ký. Em chọn bảy ngành vì cả bảy ngành đó em đều yêu thích. Dĩ nhiên, ngành em thích nhất sẽ được đưa vào nguyện vọng 1 và em đăng ký theo thứ tự ưu tiên”.
Còn một học sinh Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) đăng ký 17 nguyện vọng cho biết: “Em chủ yếu đăng ký vào ngành luật và khối ngành kinh tế. Tuy nhiều nguyện vọng, nhưng việc lựa chọn ngành học vẫn tập trung”.
Trực cả ngày nghỉ để phục vụ thí sinh
Dự kiến năm 2018, Hà Nội vẫn là địa phương có số thí sinh đông nhất cả nước với khoảng 80.000 người. Trước hạn chót đăng ký, Hà Nội bố trí cán bộ thường trực cả ngày nghỉ để phục vụ thí sinh.
Ghi nhận tại các trường và điểm thu nhận dành cho thí sinh tự do cho thấy sai sót của thí sinh không nhiều. Tuy nhiên, với thí sinh tự do, một số sai sót phổ biến liên quan tới đăng ký môn thành phần của bài thi tổ hợp.
VĨNH HÀ – HOÀNG HƯƠNG
Theo tuoitre.vn
Giám đốc Sở GD&ĐT tư vấn cho thí sinh đăng ký dự thi
Những lưu ý quan trọng về hồ sơ, nguyện vọng, lựa chọn bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 được ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - chia sẻ với thí sinh trong giai đoạn quan trọng này.
Thông tin chính xác, lựa chọn bài thi và nguyện vọng cẩn trọng
Khi đăng ký dự thi (ĐKDT), thí sinh phải kê khai chính xác, đúng quy định thông tin về mã tỉnh, mã trường phổ thông...; đồng thời nghiên cứu kỹ hướng dẫn thực hiện Quy chế tuyển sinh năm 2018 để ghi thông tin vào mục đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp trong Phiếu ĐKDT. Khâu khai hồ sơ là rất quan trọng cho quá trình xét tuyển về sau. Để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi và kỳ xét tuyển, thí sinh cần lưu ý những điểm sau đây:
Thứ nhất: Thông tin cá nhân thật chính xác. Ngoài các thông tin cần thiết, những thí sinh được hưởng ưu tiên xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển ĐH, CĐ theo hộ khẩu thường trú tại các xã/phường thuộc diện đặc biệt khó khăn theo quy định, cần khai thêm mã xã/phường. Mã tỉnh/thành phố, mã huyện/quận và mã xã/phường (chỉ đối với các xã/phường thuộc khu vực 1) sẽ do Bộ GD&ĐT quy định và có thể thay đổi so với những năm trước. Do đó, thí sinh cần tham khảo thông tin chính xác về các mã này tại nơi ĐKDT. Tương tự, thí sinh cần tham khảo "Danh mục mã trường THPT 2018" do Bộ GD&ĐT công bố để ghi chính xác.
Thứ 2: Đánh dấu X vào mục số 9 mới được xét tuyển đợt 1. Trong phần thông tin ĐKDT (mục 9 - 14), thí sinh cần xác định rõ mục đích tham dự kỳ thi và đăng ký bài thi. Tuy nhiên, chỉ thí sinh nào đánh dấu "X" vào ô bên cạnh của mục 9 mới được đưa tên vào dữ liệu xét tuyển đợt 1 (từ ngày 3 - 5/8/2018). Thí sinh không đánh dấu "X" chỉ được tham gia xét tuyển các đợt bổ sung do các trường tự thực hiện sau đợt 1.
Thứ 3: Cân nhắc khi đăng ký bài thi tự chọn. Thí sinh cần cân nhắc khi ĐKDT cả 2 bài thi tổ hợp, vì đã ĐKDT cả 2 thì bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này; nếu bỏ một trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Hơn nữa, khi dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, thí sinh phải thi tất cả 9 môn thi, trong khi các thí sinh chọn 4 bài thi chỉ phải thi 6 môn. Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh được đăng ký thi môn ngoại ngữ khác với ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông
Thứ 4: Cẩn trọng đăng ký nguyện vọng. Tuy thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng, nhưng trong đợt xét tuyển đầu tiên (đợt 1) từ ngày 3 - 5/08/2018, mỗi thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới.
Thứ 5: Chú ý rà soát thông tin của cá nhân. Sở GD&ĐT Phú Thọ đã chỉ đạo, từ ngày 21-24/6/2018 các điểm ĐKDT THPT quốc gia của tỉnh sẽ tổ chức cho 100% thí sinh tự kiểm tra qua Internet các thông tin ĐKDT như: Nội dung đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ...
Lưu ý với thí sinh tự do
Đối với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Minh Tường lưu ý có thể ĐKDT và đăng ký xét tuyển tại các điểm tiếp nhận đăng ký dự thi do Sở GD&ĐT quy định tại 6 điểm thi.
Khi ĐKDT, thí sinh chỉ đăng ký các môn thi, bài thi phù hợp với quy định xét tuyển của các ngành mà mình sẽ đăng ký xét tuyển. Thí sinh có thể đăng ký các môn thành phần của bài thi tổ hợp mà không phải làm cả bài thi tổ hợp đó như các thí sinh chưa tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, sau khi ĐKDT, các thí sinh cần liên hệ với điểm tiếp nhận ĐKDT để lấy được tài khoản và mật khẩu để truy cập vào hệ thống và kiểm tra các thông tin cá nhân, thông tin ĐKDT, đăng ký xét tuyển và các thông báo của hệ thống.
Thí sinh tự do dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT có học bạ theo chương trình nào phải đăng ký dự thi theo quy định của chương trình đó. Thí sinh tự do bị mất bản chính học bạ THPT có nguyện vọng được dự thi năm 2018 phải có xác nhận lại bản sao học bạ được cấp, trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ dự thi của các kỳ thi trước.
Riêng đối với thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp không có học bạ THPT hoặc học bạ GDTX cấp THPT ĐKDT để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, xét tuyển vào cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên phải học và được công nhận đã hoàn thành các môn văn hóa THPT theo quy định.
Không được thay đổi thông tin sau 20/4
Từ ngày 1/4/2018 đến ngày 20/4/2018, các đơn vị đăng ký dự thi thực hiện thu 2 Phiếu đăng ký dự thi, bản photocopy 2 mặt Chứng minh nhân dân trên 1 mặt giấy A4, hai 4 ảnh 4x6 cm (riêng thí sinh tự do phải nộp thêm 1 phong bì thư đã dán tem ghi rõ họ tên địa chỉ nhận của thí sinh); nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm quản lý thi.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau ngày 20/4/2018, thí sinh không được thay đổi điểm thi và các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký. Chậm nhất 25/4/2018 các đơn vị đăng ký dự thi phải hoàn thành việc nhập hồ sơ đăng ký dự thi cho thí sinh. Chậm nhất đến ngày 25/5/2018, các đơn vị đăng ký dự thi hoàn thành việc thu Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT và hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT kèm theo; nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm quản lý thi.
Hiếu Nguyễn (ghi)
Theo giaoducthoidai.vn
Bỏ điểm sàn - thể hiện trách nhiệm với người học Một trong những thay đổi bổ sung trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 được các trường và người học quan tâm nhất là Bộ GD&ĐT sẽ giao cho các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, cùng với yêu cầu công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước khi thí sinh điều chỉnh...