Thi riêng, mất cơ hội xét tuyển chung
Lúc tham gia kỳ thi tuyển sinh riêng ở các trường năng khiếu, thí sinh không thể lường được tình huống sẽ gặp khó khăn khi tham gia xét tuyển chung.
Thí sinh dự thi môn năng khiếu vào Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM – Ảnh: Đăng Nguyên
Trường thi “3 chung” không nhận
Thí sinh T.T, thi vào ngành thiết kế đồ họa của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Em thi được 16 điểm, không đủ điểm trúng tuyển NV1, sau đó trường có cấp giấy báo điểm để em đăng ký xét tuyển bổ sung. Em nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM nhưng trường thông báo em không được xét tuyển”. T. là một trong nhiều trường hợp thí sinh dự thi vào Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM không thể xét tuyển vào trường thi theo “3 chung”.
Theo tiến sĩ Trương Phi Đức – Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, những ngày vừa qua trường gần như quá tải vì phụ huynh và thí sinh thắc mắc về chuyện không được xét tuyển bổ sung sang trường khác. “Có em chỉ thi vào một ngành học của trường và có điểm rất cao. Năm nay, trường thi tuyển từ ngày 11 – 14.7, có 975 thí sinh thi nhưng chỉ có 165 chỉ tiêu. Trong đó, ngành thiết kế đồ họa nhiều nhất với 89 chỉ tiêu. Với số lượng như vậy, điểm chuẩn của ngành này đã lên đến 28, nhiều thí sinh điểm cao cũng không trúng tuyển”, ông Đức thông tin thêm.
Theo ông Đức, khi được quyết định cho phép tuyển sinh riêng, chính nhà trường cũng không biết thí sinh không trúng tuyển NV1 không được xét tuyển bổ sung sang trường khác. Do đó, trường vẫn gửi phiếu báo điểm cho thí sinh để xét tuyển sang trường khác. Đến khi thí sinh phản ánh các trường không nhận hồ sơ xét tuyển, trường còn nghĩ rằng các trường ngoài công lập có cách tuyển sinh khác. Lãnh đạo các trường ĐH: Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, Hoa Sen, Văn Lang cũng cho biết ban đầu không nghĩ đến tình huống này.
Video đang HOT
Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, 10 trường tuyển sinh riêng trong năm nay nếu tuyển sinh các ngành khối văn hóa (khối C) thì xét tuyển dựa vào kết quả theo đề thi tuyển sinh chung của Bộ. Các trường có tuyển sinh riêng ngành nghệ thuật (khối H, N, S) xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT môn ngữ văn. Riêng môn năng khiếu sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định hình thức và thời gian thi tuyển.
Như vậy, theo quy định, thí sinh khối C muốn vào các trường xét tuyển riêng phải thi ở một trường khác có khối thi tương ứng, sau đó dùng kết quả để xét tuyển. Không có vấn đề gì với những thí sinh này nhưng lại khó khăn đối với các thí sinh thi ngành năng khiếu. Do những thí sinh này không thi môn văn theo đề chung nên không thể xét tuyển vào các trường thi theo “3 chung” có cùng khối thi. Tình huống này cả Bộ lẫn các trường cũng không đề cập đến cho thí sinh khi họ quyết định tham gia thi tuyển.
Ít cơ hội xét tuyển
Còn nếu tính trong nội bộ 10 trường tổ chức thi riêng, cơ hội xét tuyển cho thí sinh cũng không nhiều.
Chẳng hạn, ở khối mỹ thuật phía bắc, thí sinh không trúng tuyển vào Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam chỉ có thể xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư. Năm nay, trường này xét tuyển bổ sung ngành quản lý văn hóa (khối H, N) chỉ với 150 chỉ tiêu nhưng nhận hồ sơ trên toàn quốc. Vì thế, thí sinh không trúng tuyển nhưng đủ điều kiện xét tuyển của Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam phải cạnh tranh rất gay gắt với thí sinh từ các trường khác để vào Trường ĐH Sư phạm T.Ư.
Ở phía nam, theo tình hình năm nay, thí sinh không trúng tuyển NV1 vào Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM chỉ có thể xét tuyển bổ sung vào Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Trong khi đó, thí sinh không trúng tuyển NV1 vào Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai lại không thể xét tuyển ở bất kỳ trường nào khác. Những năm trước, thí sinh của trường này có thể nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung vào bậc CĐ của các trường như ĐH: Công nghệ Sài Gòn, Kỹ thuật công nghệ, Quốc tế Hồng Bàng…
Thừa nhận thi riêng có nhiều điểm lợi như tạo cơ hội cho thí sinh thi được nhiều trường hơn (do thời gian tuyển sinh các trường khác nhau), trường có nguồn tuyển nhiều hơn và đánh giá thí sinh cả quá trình phổ thông… nhưng cũng nảy sinh nhiều bất cập. Chẳng hạn tình trạng thí sinh mất cơ hội xét tuyển vào các trường có cùng khối thi nhưng thi theo “3 chung”. Trước tình hình này, lãnh đạo nhiều trường cũng cho rằng, lẽ ra Bộ nên chỉ ra điều này khi cho phép các trường tuyển sinh riêng để trường và thí sinh không phải bỡ ngỡ.
Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Bộ cho 10 trường tuyển sinh riêng trong năm nay theo đề án của các trường và thời gian thi tuyển do các trường này chủ động. Vì vậy, thí sinh vẫn có thể tham dự kỳ thi “3 chung” của các trường khác để nộp hồ sơ xét tuyển chứ không được sử dụng kết quả thi từ 10 trường này”!
Theo TNO
Nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về sở
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT thì các trường lập tức bước vào cuộc đua học ngày học đêm, cắt xén môn học, dồn toàn tâm cho một kỳ thi nhưng không phản ánh năng lực toàn diện của học sinh.
Trước thông tin nhiều chiều về việc nên tiếp tục duy trì hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT (Báo Người Lao Động ngày 2 và 3/8 đã phản ánh), hầu hết hiệu trưởng các trường THPT tại TPHCM đều ủng hộ việc phải có một kỳ thi kiểm tra chất lượng nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phải xác định cụ thể là để kiểm tra quá trình dạy và học qua 12 năm phổ thông hay làm cơ sở để tuyển sinh ĐH, CĐ. Thực tế nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức được một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc (năm 2007). Nguyên nhân vì sao, do cách tổ chức thiếu khoa học, chạy theo thành tích, hay việc xác định tính chất kỳ thi chưa chính xác?
Áp lực kinh khủng
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá quá trình dạy và học nhưng thực tế cho thấy việc tổ chức thi như những năm qua chưa đạt yêu cầu. Bằng chứng là có những tỉ lệ đỗ "rất đẹp". Có những địa phương thì đấy là tỉ lệ thực chất và ngược lại. Một khi Bộ GD-ĐT lơ là, không thể quản hết thì tiêu cực sẽ xảy ra. Vì vậy, nên giao việc tổ chức kỳ thi này về cho các sở GD-ĐT để các sở tự chịu trách nhiệm.
Mặt khác, kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ quá gần nhau, tạo áp lực kinh khủng cho cả người dạy lẫn người học. Một số trường THPT tư thục còn dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT hằng năm làm bảng thành tích để tuyển sinh nên áp lực cuối cùng dồn lên vai học sinh (HS) và giáo viên (GV).
"Khi công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT thì các trường lập tức bước vào cuộc đua. Có trường cho HS học ngày học đêm, cắt xén những môn học khác và dồn toàn tâm, toàn lực cho một kỳ thi nhưng không phản ánh năng lực toàn diện của HS, thiệt thòi cho các em" - ông Ngai nhấn mạnh.
Ảnh minh họa
Không dàn hàng ngang
Ông Nguyễn Văn Cải, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (TP HCM), nêu quan điểm: "Muốn tổ chức một kỳ thi nghiêm túc thì phải chấn chỉnh nề nếp thi cử; giảm bớt môn học và nội dung sách giáo khoa từng môn; đổi mới cách kiểm tra, đánh giá là tự khắc sẽ đổi mới phương pháp dạy và học, như cách ra đề thi môn văn trong các kỳ thi gần đây. Như vậy sẽ hiệu quả và nhẹ nhàng hơn".
Bà Dương Thị Trúc Bạch, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM), phân tích thêm: "13 môn học ở bậc phổ thông như hiện nay là quá nặng. HS có những sở thích và năng lực phát triển khác nhau. Phải có những môn bắt buộc và những môn tự chọn để HS lựa chọn. Nếu cứ dàn hàng ngang thì việc học chỉ để đối phó với thi cử và không thể đánh giá toàn diện chất lượng HS".
Nhiều cách cải tiến GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng có nhiều cách cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu cách ra đề thi buộc HS phải chủ động sáng tạo trong làm bài thì sẽ thay đổi được cách dạy và học trong nhà trường. Phương án có thể tính đến là thí sinh phải thi 3 môn cơ bản là toán, văn, ngoại ngữ bên cạnh các môn tự chọn phù hợp với xu hướng lựa chọn ngành nghề tương lai của mình. Những môn không thi có thể lấy trọng số để xét tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT cũng nên giao thêm quyền tự chủ cho các địa phương, chỉ tổ chức các đoàn thanh tra giám sát các kỳ thi, nơi nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm.
Theo VNE
Sẽ xem xét điểm sàn dựa trên năng lực thí sinh Những ngày thi đại học, cao đẳng năm 2013 vừa khép lại. Hàng triệu lượt thí sinh và gia đình đang hồi hộp chờ đợi ngày công bố kết quả điểm thi. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã có những giải đáp các thắc mắc của phụ huynh và thí sinh xung quanh công tác chấm thi...