Thi riêng không cần theo khối
Tại buổi đối thoại trực tuyến về tuyển sinh năm 2014 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 26.12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định sẽ thực hiện một số quy định về tuyển sinh riêng trong năm 2014.
Lãnh đạo Bộ kỳ vọng thi riêng theo kiểu mới sẽ tránh được những tiêu cực như luyện thi tràn lan – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Không ra đề theo kiểu cũ
Trước những lo lắng của xã hội về việc nếu để các trường thi riêng thì sẽ lặp lại các tiêu cực về luyện thi, ôn thi như trước đây, Thứ trưởng Ga cho biết: “Nếu các trường tổ chức thi riêng thì phải có cách tuyển sinh khác với việc thi riêng như trước đây và phải khác với kỳ thi 3 chung hiện nay”. Theo ông Ga, thi 3 chung (chung đợt, chung đề, sử dụng chung kết quả) cũng chỉ là kiểm tra kiến thức chứ không đánh giá được năng lực của người học. Vì thế khi thi riêng, các trường phải hướng đến việc kiểm tra năng lực, không lặp lại cách thi trước đây nên xã hội không phải lo lắng sẽ xảy ra những tiêu cực như quá khứ.
Thứ trưởng Ga nói: “Chúng ta đi một con đường khác không giống trước đây. Các trường phải nghĩ ra cách thi, đề thi để việc ôn thi không còn ý nghĩa nữa. Ví dụ thi kiến thức tổng hợp thì thí sinh không thể ôn thi một vài môn và không nhất thiết phải học thuộc lòng”. Ông Ga nhấn mạnh: “Nếu các trường thi theo kiểu cũ thì không nên thi riêng. Chúng ta phải thay đổi căn cơ. Trong tương lai, Bộ chỉ lo quản lý nhà nước, không dính dáng đến chuyên môn nên không làm đề thi nữa. Các trường có thể đề nghị tổ chức nào đó ra đề và các trường có thể sử dụng chung. Hiện cả nước đã có 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Các trung tâm này có thể sẽ cung cấp đề thi tổng quát để các trường dùng. Việc ra đề sẽ giao cho các tổ chức độc lập làm. Bộ chỉ là cơ quan kiểm tra giám sát”.
Tự chọn môn thi
Video đang HOT
Thứ trưởng Ga cũng cho biết các trường tuyển sinh riêng được tự chọn môn thi và cách đánh giá thí sinh, Bộ không quy định khối thi và môn thi. Các trường có thể ra đề thi theo hướng chọn được những thí sinh có sở trường về một lĩnh vực nào đó. Đây là việc mà đề thi 3 chung không làm được. Vì vậy sẽ là cơ hội cho những thí sinh có năng lực phù hợp. Ví dụ thí sinh chỉ giỏi mỗi môn toán, có thể chọn trường chú trọng môn này mà không phải dự thi cả môn lý và hóa như thi 3 chung. Cách thi mới sẽ đảm bảo không bỏ sót những thí sinh có năng lực phù hợp. Đây cũng là ưu điểm của việc tổ chức thi riêng khác với cách thi trong quá khứ.
Không xét tuyển chung
Tại buổi đối thoại, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) một lần nữa khẳng định những trường tổ chức tuyển sinh riêng sẽ không được dùng kết quả của kỳ thi 3 chung để xét tuyển. Ông Nghĩa giải thích: “Bộ không đồng ý với việc thi riêng nhưng vẫn lấy kết quả thi 3 chung để xét tuyển vì 2 chuẩn đánh giá khác nhau. Nếu cho sử dụng đồng thời thì sẽ không đảm bảo công bằng cho thí sinh. Việc Bộ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường không phải để các trường tuyển đủ chỉ tiêu mà mục đích là để các trường tìm ra cách tuyển sinh tốt hơn hiện nay”.
Có nhiều ý kiến cho rằng nếu Bộ không cho các trường thi riêng xét tuyển chung thì thí sinh sẽ mất cơ hội xét tuyển. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho hay: “Thí sinh thi riêng sẽ không được xét tuyển vào trường khác nhưng cơ hội vào đại học sẽ nhiều hơn. Năm 2014, Bộ vẫn tổ chức thi chung bên cạnh trường thi riêng nên thí sinh có cơ hội thi nhiều lần và xác suất đậu sẽ cao hơn”. Ông Trần Văn Nghĩa giải thích rằng điểm yếu của thi riêng là không dùng chung kết quả được nhưng Bộ cho phép các trường được thi 2 lần trong năm, vì vậy thí sinh có 2 cơ hội đăng ký tuyển sinh. Bộ cũng cho phép các trường thi theo nhóm và dùng chung kết quả nên thí sinh vẫn có cơ hội xét tuyển vào trường thi theo nhóm.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định như vậy mâu thuẫn với luật Giáo dục đại học. Thứ trưởng Ga lý giải: “Mục đích của việc thi riêng là để tìm thí sinh có năng lực phù hợp với yêu cầu đào tạo của nhà trường mà khi thi theo 3 chung trường không làm được. Vì vậy, các trường thi riêng không thể lấy nguồn tuyển của 3 chung để lắp một phần vào tuyển với những thí sinh thi riêng. Như vậy sẽ không đúng ý nghĩa tuyển sinh riêng. Các trường cần hiểu rõ bản chất của thi riêng chứ Bộ không gây khó khăn cho các trường”.
Theo TNO
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014: Thi riêng không được xét tuyển chung
Chiều 12.12, Bộ GD-ĐT đã họp báo công bố dự thảo quy định về tự chủ trong tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Từ năm 2014, các trường được quyền tuyển sinh riêng theo những tiêu chí của Bộ.
Một trong những thay đổi lớn của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 là các trường sẽ được tự chủ tuyển sinh nếu đạt các điều kiện theo quy định - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Gửi đề án lên Bộ trong tháng 2
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết từ năm 2014 Bộ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. Các trường phải có trách nhiệm xây dựng đề án tuyển sinh riêng của trường mình trên cơ sở những nguyên tắc mà Bộ ban hành. Bộ sẽ xác nhận đề án có đảm bảo các yêu cầu của quy định hay không. Khi đảm bảo các điều kiện thì trường được tự chủ tuyển sinh và Bộ chỉ là cơ quan kiểm tra giám sát.
5 điều kiện được tổ chức tuyển sinh riêng 1. Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức, cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi. 2. Tạo điều kiện tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng công khai, minh bạch. 3. Thực hiện chế độ thông tin kịp thời và báo cáo kết quả sau khi kết thúc thi tuyển sinh riêng theo quy định. 4. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn nghiêm túc. 5. Công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát.
Để giúp các trường chưa thực hiện tuyển sinh riêng, trong 3 năm tới, Bộ tiếp tục tổ chức kỳ thi "3 chung" (chung đề, chung đợt, sử dụng chung kết quả tuyển sinh), nếu trường nào muốn thi chung thì phải đăng ký với Bộ.
Những trường dự kiến tuyển sinh riêng từ năm 2014 phải gửi đề án cho Bộ trước ngày 10.2.2014. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cũng sẽ công bố công khai nội dung đề án tuyển sinh riêng của các trường để xã hội góp ý. Trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày trường nộp đề án tuyển sinh riêng hợp lệ, Bộ sẽ xác nhận bằng văn bản nếu đề án của trường đáp ứng các yêu cầu của quy định.
Có thể xét tuyển giữa các trường cùng đề án
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, các trường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả thi của kỳ thi chung do Bộ tổ chức. Kết quả thi của thí sinh chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường tổ chức thi tuyển sinh theo cùng đề án, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành; những khoa ngành tuyển sinh riêng thì không được sử dụng kết quả kỳ thi "3 chung".
Tại cuộc họp báo, phóng viên Thanh Niên đặt vấn đề quy định như thế liệu có làm mất quyền lợi của thí sinh thi riêng hay không? Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho rằng: "Trường đã tổ chức thi riêng thì không thể lấy nguồn tuyển là những thí sinh thi theo đề thi "3 chung" của Bộ vì sẽ không cùng một chuẩn. Tuy nhiên, quy định của Bộ cũng đã mở để các trường có thể dùng chung kết quả của nhau nếu thực hiện chung một đề án thi. Khi đó thí sinh có thể sử dụng kết quả thi ở những trường tổ chức thi riêng để xét tuyển vào những trường cùng chung đề án".
Mỗi năm chỉ tổ chức thi riêng 2 lần
Dự thảo của quy chế tự chủ tuyển sinh quy định mỗi năm các trường chỉ tổ chức tuyển sinh riêng tối đa 2 lần vào thời gian do Bộ quy định. Ông Trần Văn Nghĩa giải thích: "Không thể tổ chức thi nhiều lần trong năm vì sẽ gây tâm lý nặng nề, ảnh hưởng đến thí sinh. Vì vậy, mỗi năm chỉ thống nhất tổ chức 2 lần theo thời gian mà Bộ ấn định"
Thứ trưởng Ga cũng cho biết, mỗi năm sẽ có những đợt thi chung do Bộ tổ chức và một số đợt thi riêng của các trường. Thời gian cụ thể các đợt thi sẽ được công bố tại hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh năm nay.
Phóng viên đặt vấn đề những trường tuyển sinh riêng nhưng muốn lấy đề thi từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục có được không? Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho hay: "Khi các trường đã tuyển sinh riêng thì phải tự ra đề thi và chịu trách nhiệm. Lúc đó Cục không hỗ trợ việc ra đề thi nữa". Ông Trinh cũng khẳng định, sau 3 năm nữa sẽ chấm dứt thi "3 chung" vì vậy tất cả các trường phải có phương án tuyển sinh riêng và phải đảm bảo chất lượng đầu vào.
Theo dự thảo, các trường có thể lựa chọn các phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Như vậy, các trường có thể dùng kết quả thi phổ thông của thí sinh để xét tuyển. Tuy nhiên, đối với cả 3 phương thức này, Bộ đều yêu cầu các trường phải làm rõ điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Đối với phương thức xét tuyển cần nêu rõ môn xét tuyển, hình thức, căn cứ để xét tuyển và độ tin cậy, tính khách quan... Ông Trần Văn Nghĩa cho biết: "Bộ không áp đặt ngưỡng tối thiểu là bao nhiêu điểm mới có thể xét tuyển nhưng trên nguyên tắc là phải đảm bảo chất lượng và không được xét tuyển theo kiểu lấy từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu".
Theo VNE
Lo ngại tiêu cực khi tuyển sinh riêng Đầu tháng 12, Bộ GDĐT nhận được 20 đề án tuyển sinh riêng từ các trường, hầu hết trong số đó là các trường ĐH ngoài công lập. Lãnh đạo Bộ cho biết: Mùa tuyển sinh năm 2014, Bộ sẽ đồng ý cho một số trường tự chủ tuyển sinh. Hiện nay, tất cả các trường ĐH-CĐ trong cả nước đang thực hiện...