Thi học sinh giỏi không có ý nghĩa về chiến lược phát triển con người
Bản thân sự tồn tại của việc thi học sinh giỏi đã là một sự mâu thuẫn lớn. Nếu đánh giá, công nhận học sinh giỏi chỉ qua kết quả một bài thi thì thật sự sai lầm.
Sự cần thiết của thi học sinh giỏi là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh đổi mới giáo dục, giáo dục hướng đến phát triển con người toàn diện.
Nhiều người đặt vấn đề có nên tiếp tục duy trì những cuộc thi học sinh giỏi theo cách truyền thống và cả những đặc cách, ưu tiên dành cho học sinh giỏi như hiện nay?
Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương khẳng định: Thi học sinh giỏi không chỉ mâu thuẫn với mục tiêu giáo dục trong luật giáo dục, tinh thần của chương trình mới mà còn tác động tiêu cực đến cả chiến lược phát triển lâu dài của học sinh.
Nhiều mâu thuẫn, bất cập từ việc thi học sinh giỏi
Theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, việc thi học sinh giỏi không đủ để đánh giá năng lực học tập và sự trưởng thành của học sinh tương ứng với mục tiêu giáo dục đã được luật hóa và thực hiện suốt mấy chục năm đã qua.
Anh Vương chia sẻ: “Cho đến nay, qua việc tìm hiểu những đề thi học sinh giỏi của các môn xã hội, tôi không thấy có sự cải tiến nào đáng kể về mặt tư duy. Ngược lại, nó còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của chính học sinh và tạo ra nhiều hệ lụy khác”.
Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho rằng thi học sinh giỏi mâu thuẫn với mục tiêu giáo dục toàn diện – (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương nêu ra một số vấn đề bất cập về thi học sinh giỏi hiện nay.
Thứ nhất , thi học sinh giỏi khiến Nhà trường, giáo viên, học sinh chạy theo thành tích, chú trọng đào tạo “gà nòi” cho các kỳ thi.
Trên thực tế, vẫn còn nhiều trường học lấy số lượng học sinh giỏi làm thước đo thành tích của nhà trường, của mỗi giáo viên. Điều này là không đúng, thành tích từ kỳ thi học sinh giỏi nếu có chỉ là dành cho một nhóm rất nhỏ (cả học sinh và giáo viên).
Tuy nhiên, quan trọng hơn cần phải hiểu thành tích trong giáo dục hiện nay.
“Thành tích của trường học phải là học sinh ở trường được trân trọng, được phát triển tối đa, toàn diện về năng lực, kỹ năng, phẩm chất, là những chỉ số về hạnh phúc của học sinh.
Nếu xem kết quả thi học sinh giỏi là thành tích, so sánh với đời sống trường học, trong đó có văn hóa đọc, chúng ta sẽ thấy không có sự tương ứng theo tỉ lệ thuận.
Nhiều trường thành tích cao nhưng thư viện hoạt động èo uột. Giáo viên và học sinh không đọc gì ngoài sách giáo khoa, sách luyện thi.
Như vậy, bản chất, giá trị của việc học có thật sự là học? Nhà trường dần biến thành lò luyện thi, thành nơi luyện “gà nòi” thay vì là trường học đúng nghĩa”, anh Vương nhấn mạnh.
Thứ hai , thi học sinh giỏi dẫn tới hệ lụy là làm xa rời mục tiêu giáo dục toàn diện.
Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, việc đánh giá một con người, nhất là con người đang trong quá trình phát triển như học sinh không đơn giản là qua một hai bài thi trên giấy.
Nhìn từ góc độ giáo dục sẽ thấy năng lực thi học sinh giỏi không trùng khớp với năng lực môn học đó, năng lực môn đó lại không trùng khớp với năng lực học tập của học sinh; và năng lực học tập của học sinh cũng chưa hẳn đã trùng khớp với năng lực cá nhân…
Nền giáo dục đang hướng đến phát triển con người toàn diện, có tâm hồn phong phú, có đủ kỹ năng, phẩm chất. Tuy nhiên, nếu còn tồn tại các cuộc thi học sinh giỏi khiến giáo viên, học sinh phải hi sinh thời gian, công sức của những môn học khác, hoạt động thể thao, văn nghệ, đọc sách… thì đã đi ngược lại với mục tiêu của giáo dục hiện đại.
Video đang HOT
“Người ta sẽ biện giải rằng các cuộc thi học sinh giỏi là để tìm ra nhân tài trong một lĩnh vực chuyên biệt nào đó.
Ví dụ học sinh giỏi toán là “ứng cử viên sáng giá” cho ngành toán học, trở thành Nhà toán học, học sinh giỏi Lịch sử trở thành Nhà sử học… Tuy nhiên với cách học, cách thi thiên lệch và tư duy về học sinh giỏi từ trước đến nay thì rõ ràng không hoàn toàn như vậy.
Quan trọng hơn, dù bạn muốn thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đi chăng nữa thì cũng cần phải có nền tảng văn hóa toàn diện thật tốt, nếu không sẽ khó phát huy được tài năng đạt đến đỉnh cao”, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương phân tích thêm.
Thứ ba , thi học sinh giỏi không giúp học sinh phát huy tối đa năng lực của học sinh.
Hiện nay, thi học sinh giỏi chỉ mang tính hình thức, học sinh ôn luyện theo kiến thức, theo dạng đề khuôn mẫu nhất định, chính điều này làm hạn chế khả năng tư duy, phát triển năng lực của học sinh.
Mục đích cuối cùng không phải để các em làm những bài thi trên giấy, mục đích là phải vận dụng kiến thức vào cuộc sống, để làm việc và giải quyết vấn đề.
Nếu điều cuối cùng các em có chỉ là kiến thức nhưng không biết vận dụng, không được giáo dục về phẩm chất, đạo đức, không được dạy về lòng can đảm,… thì sẽ rất khó thành công.
“Ví dụ ở môn Lịch sử, đề thi không có gì đặc biệt, học sinh chỉ cần học thuộc lòng và biết dẫn dắt chút là làm được, không có thử thách nào về năng lực cơ bản của Nhà sử học như năng lực tư duy lịch sử, năng lực phê phán, phân tích tư liệu…
Cách thức đào tạo và thi cử như vậy sẽ không đạt được mục tiêu giáo dục”, anh Vương khẳng định.
Thứ tư , khi thi học sinh giỏi rơi vào chủ nghĩa hình thức và chạy theo thành tích, cuộc thi sẽ xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực trong giáo dục.
Đó là những câu chuyện về đào tạo luyện thi, đón chuyên gia luyện thi về địa phương và không thiếu câu chuyện liên quan đến vấn đề lợi ích cá nhân từ thi học sinh giỏi.
Không tạo động lực học tập tích cực, gây chia rẽ về mặt tâm lý
Theo chuyên gia nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, thi học sinh giỏi hoàn toàn không tạo động lực học tập tích cực cho học sinh.
Theo chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, thi học sinh giỏi không tạo động lực học tập từ bên trong cho các em học sinh (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Hiện nay, các cơ sở giáo dục ghi nhận, khen thưởng, áp dụng nhiều chính sách ưu tiên vơi học sinh giỏi nhằm ghi nhận sự cố gắng, thúc đẩy động lực học tập cho các em.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương, trong giáo dục, cần phải hạn chế động lực bên ngoài đến từ thưởng, phạt mà cần chú trọng động lực từ bên trong.
“Động lực từ bên trong đó là học tập vì say mê, vì thích khám phá, mong muốn trải nghiệm.
Nếu học sinh cố gắng học tập, dành toàn bộ thời gian cho một môn học chỉ vì giải thưởng thì sau này không còn giải thưởng, không còn cuộc thi, các em liệu còn có động lực để cố gắng không”?
Hơn nữa, sự vinh danh, khuyến khích bằng thi học sinh giỏi chỉ tác động được vào một nhóm học sinh rất nhỏ chứ không có tác dụng với số đông.
Nhiều học sinh biết rõ rằng mình không bao giờ là “học sinh giỏi” theo cách đó nên việc khen thưởng học sinh giỏi sẽ không có tác dụng nào với các em”, anh Vương chia sẻ.
Nghiêm trọng hơn, thi học sinh giỏi có thể gây tác dụng ngược, nó gây ra sự chia rẽ trong học sinh, trong môi trường giáo dục về mặt tâm lý giữa các học sinh.
Từ việc chạy theo thành tích, thi học sinh giỏi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái lành mạnh trong môi trường giáo dục.
“Thực tế, không phải môn học nào cũng được đưa vào cuộc thi và năng lực nào cũng được khảo sát, ghi nhận.
Tại đa số các quốc gia phát triển, học sinh có cơ hội thi nhiều lĩnh vực khác nhau như vẽ, thể thao, các môn nghệ thuật khác… Hoặc nếu thi liên quan đến các môn giáo khoa thì sẽ cho học sinh tham gia bằng hình thức đăng ký tự nguyện.
Các cuộc thi cũng được các hiệp hội chuyên môn tổ chức chứ không phải là các cơ quan hành chính giáo dục, điều đó đảm bảo tính công bằng, dân chủ và thực sự tạo động lực học tập, phát triển cho học sinh”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương nhấn mạnh.
Bàn về những đặc cách, ưu tiên đối với học sinh giỏi hiện nay, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương cho rằng, những quy định đang áp dụng chưa thực sự hợp lý.
Quy định tuyển thẳng Học sinh giỏi Quốc gia vào Đại học cũng còn nhiều vấn đề. Trường đại học là nơi sinh viên phải học tập nhiều môn học khác nhau, nhiều kỹ năng khác nhau để có nền tảng chung.
Nếu chỉ dựa vào kết quả thi một môn học từ cuộc thi học sinh giỏi thì khi bước vào giảng đường đại học, các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Học sinh giỏi quốc gia môn toán chưa hẳn đã có kiến thức tốt với môn sinh học, khi các em được tuyển thẳng và chọn đại học y thì chưa thực sự thuyết phục.
Anh Nguyễn Quốc Vương khẳng định: “Ưu tiên như trên dẫn tới câu chuyện: học sinh chỉ coi môn học mà mình đã thi, thành tích mà mình đạt được là chiếc phao để qua sông, là phương tiện để vào đại học chứ không hoàn toàn học tập vì đam mê, yêu thích hay vì muốn khẳng định, phát triển bản thân trong lĩnh vực đó.
Hay việc đặc cách, công nhận học sinh đạt chứng chỉ IELTS là Học sinh giỏi tỉnh ở tỉnh Hà Tĩnh cũng nói lên rằng, chính những người trong cuộc cũng biết thi học sinh giỏi không hiệu quả và không đi đến đâu.
Cuộc sống và xu hướng toàn cầu hóa đang đặt ra những yêu cầu thực tế hơn. Chứng chỉ IELTS là chứng chỉ được quốc tế công nhận, nó có giá trị cho việc ứng tuyển học bổng, du học, đi làm… Dùng nó để công nhận “học sinh giỏi” thực sự là chuyện không hợp lý bởi bản chất thi học sinh giỏi đã có nhiều mâu thuẫn”.
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương cho rằng, cần có một quyết định dứt khoát để chấm dứt cách thức thi học sinh giỏi như hiện nay, để giáo viên, học sinh trở lại trạng thái lành mạnh, tích cực trong môi trường giáo dục.
Thói quen đọc sách phải được tạo dựng từ trường học
Việc triển khai giờ đọc sách trong trường học vừa là việc cần thiết, có cơ sở pháp lý, vừa phù hợp xu hướng giáo dục tiến bộ trên thế giới.
Hội nghị tổng kết Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 diễn ra sáng 28/12 tại Hà Nội. Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM - gửi bản tham luận đề xuất phương án phát triển văn hóa đọc.
Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang .
Văn hóa đọc phát triển nhưng chưa chuyển biến mạnh mẽ
Xuất phát từ tầm quan trọng của sách với sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân và cả đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương quan trọng liên quan hoạt động xuất bản và phát triển văn hóa đọc.
Chúng ta có thể kể đến chỉ thị 42 ngày 15/8/2004 của Ban bí thư về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản"; quyết định số 284 của Thủ tướng chọn ngày 21/4 hàng năm làm Ngày sách Việt Nam; quyết định 329 ngày 15/3/2017 của Thủ tướng về phê duyệt đề án Phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; luật về thư viện ra đời năm 2020; điều 30 về Phát triển văn hoá đọc, chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đưa các điều khoản mới về phát triển văn hoá đọc vào Điều lệ trường học các cấp.
Các chủ trương, chính sách của Đảng đã tác động tích cực đến sự phát triển của ngành xuất bản và văn hoá đọc của cộng đồng trong những năm qua. Nhiều hoạt động hội sách, đường sách, các tổ chức thiện nguyện khuyến đọc như Room To Read, Sách hay dành cho học sinh tiểu học, các thư viện cộng đồng, tủ sách thôn, tủ sách gia đình... mở ra trên nhiều tỉnh thành.
Đặc biệt, khu vực trường học có các cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc, Lớn lên cùng sách, Xe sách lưu động... thu hút cả triệu học sinh tham gia.
Số liệu thống kê của ngành xuất bản cho thấy trong 5 năm qua số đầu sách, số bản sách và doanh thu của thị trường sách liên tục tăng, cho thấy các chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của các cơ quan chức năng và toàn ngành xuất bản đã có tác động nhất định đối với sự phát triển văn hóa đọc
Tuy nhiên, như nhận định của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ trao Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ ba, khi nhìn vào thực tế, thói quen đọc sách của công chúng còn mờ nhạt, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ về văn hóa đọc trên bình diện quốc gia. Mặc dù có cố gắng, mỗi người Việt Nam chỉ có 1,4 bản sách/đầu người/năm và chỉ bằng 1/3 nước trong khu vực.
Tại sao văn hoá đọc của chúng ta thấp nghư vậy? Có nhiều nguyên nhân, nhưng lý do chủ yếu chính là người Việt Nam chưa có thói quen đọc sách. Đó là thói quen phải được tạo dựng từ khi còn bé, khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Học sinh biên giới Tây Ninh hào hứng với hoạt động của dự án Sách hay cho học sinh tiểu học. Ảnh: Liêu Lãm .
Tạo dựng thói quen đọc cho học sinh
Văn hoá đọc được tạo nên bởi ba thành tố: Thói quen đọc sách, sở thích đọc, kỹ năng đọc, trong đó thói quen đọc là thành tố cơ bản nhất.
Về thói quen đọc, các nhà khoa học đã xác định rằng: Việc đọc sách chỉ có thể trở thành thói quen khi nó được lặp đi lặp lại với một tần suất nhất định, trong một thời gian đủ dài.
Ông Richard Bamberger, người thành lập Viện nghiên cứu sách giáo khoa trường học nước Áo, đã nói: "Trên cơ sở kinh nghiệm rộng rãi có thể nói rằng nếu đến năm thứ 5 ở trường tiểu học, đứa trẻ không phải là người đọc nhiệt tình và không phát triển bất cứ sở thích đọc sách đặt biệt nào, thì có rất ít hy vọng tình hình sẽ thay đổi sau đó".
Tiến sĩ, giáo sư danh dự tại Đại học New York (Mỹ), bà Bernice Cullinan, khẳng định: "Lứa tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của kỹ năng đọc và trong việc hình thành thói quen đọc sách suốt đời".
Một số nước có nền văn hóa đọc phát triển, họ xây dựng việc đọc sách như là sự bắt buộc, được quy định trong chương trình học chính thức của nhà trường.
Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam
Những nước phát triển hoặc một số nước Đông Nam Á có nền văn hoá đọc phát triển đều cho thấy họ đã xây dựng việc đọc sách như là sự bắt buộc, được quy định trong chương trình học chính thức của nhà trường.
Năm 2019, ông thị trưởng của thủ đô Jakarta trong buổi lễ khai mạc Hội sách các nước Đông Nam Á mà tôi đại diện Hội Xuất bản Việt Nam tham dự, đã nói về tầm quan trọng của việc hình thành thói quen đọc sách của học sinh Indonesia.
Ông nói rằng khi ông còn làm bộ trưởng Bộ Giáo dục Indonesia, ông đã ban hành quy định học sinh tiểu học trong chương trình chính thức phải có 15 phút đọc sách đầu giờ mỗi ngày (Indonesia là một trong ba nước Đông Nam Á cùng Malaysia, Singapore có người dân đọc sách nhiều nhất trong 61 nước được bình chọn).
Từ cách đặt vấn đề trên đây, chúng tôi thấy vai trò nhà trường rất quan trọng trong việc góp phần hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, nên chúng tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia phát triển văn hóa đọc bằng một số biện pháp.
Tổ chức tiết đọc sách cho học sinh với các hình thức khác nhau, được đưa vào thời khoá biểu chính thức của nhà trường.
Trước tiên, đưa tiết đọc sách vào cấp tiểu học, có thể áp dụng 15 phút mỗi đầu giờ (như Indonesia, hay một số trường ở TP. HCM, Hà Nội đã áp dụng); đảm bảo từ 2 đến 4 tiết/lớp/tháng như trong dự thảo hướng dẫn hoạt động thư viện năm học 2020-2021 mà Bộ đang lấy ý kiến để ban hành trong thời gian tới.
Ngoài ra, chúng tôi đề nghị cần thiết đổi mới việc dạy và học, yêu cầu tạo cơ hội cho học sinh tra cứu, sử dụng tài liệu tại thư viện ít nhất 1 tuần một lần. Giáo viên dạy môn học cho học sinh làm bài tập đòi hỏi học sinh tìm sách đọc, tra cứu thông tin để khuyến khích các em đọc trước khi học và đọc mở rộng những điều đã học trên lớp, đọc để làm các dự án, bài tập áp dụng tổng hợp các nội dung đã học.
Thông qua việc sử dụng nguồn sách đọc mở rộng có kế hoạch như vậy, học sinh sẽ có thể sử dụng thời gian của mình tại thư viện, sẽ tiếp xúc nhiều loại dữ liệu đọc khác nhau, khuyến khích họ ngày càng tự giác dấn thân vào đọc như những người đọc độc lập để trở thành người tự học tốt nhất.
Việc triển khai giờ đọc sách trong trường học vừa là một việc cần thiết, có cơ sở pháp lý, là phù hợp với xu hướng giáo dục tiến bộ trên thế giới.
Chuyên gia "mổ xẻ" giáo dục sớm cho trẻ trong thời đại công nghệ Hội thảo quốc tế "Giáo dục sớm trong thời đại công nghệ: những cơ hội và thách thức" được Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) tổ chức sáng nay (28/12) với sự tham gia của đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước. TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội phát biểu tại hội thảo....