Thi giáo viên giỏi, tôi được hỏi ‘làm phong bì chưa’
Tôi được hỏi “đã làm phong bì chưa”, khi tôi còn chưa hết ngỡ ngành thì thấy cô xòe trong tay nhiều phong bì đã chuẩn bị sẵn.
Một cô giáo đã có thâm niên trong ngành chia sẻ về mặt trái của việc chạy theo các chỉ tiêu, các danh hiệu thi đua để đạt được danh hiệu “lao động tiên tiến”, “ chiến sĩ thi đua” theo quy định của Bộ GD-ĐT gửi tới báo Đất Việt.
Giáo viên phải mồi câu hỏi, câu trả lời trước cho học sinh. Ảnh: VNN
Danh hiệu “lao động tiên tiến” là phần thưởng cao quý, có ý nghĩa và có giá trị rất lớn về mặt tinh thần đồng thời cũng là một cách để khẳng định với đồng nghiệp, với nhà trường về năng lực, sự đóng góp, cống hiến của một người giáo viên với nghề. Vì thế, không ai lại không muốn có được phần thưởng cao quý đó.
Tuy nhiên, bất kỳ danh hiệu thi đua nào cũng chỉ có ý nghĩa khi đó là những danh hiệu thực chất là sự cố gắng, nỗ lực thật sự của mỗi cá nhân.
Theo quy định tại Thông tư 35 của Bộ GD-ĐT, để đạt được danh hiệu “lao động tiên tiến” phải hoàn thành rất nhiều các chỉ tiêu như: Chỉ tiêu về giờ thao giảng, hội giảng; phải đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, phải viết “Sáng kiến kinh nghiệm hoặc Giải pháp khoa học”…
Mặc dù thông tư cũng như chỉ đạo từ các cấp không áp đặt, ép buộc, thực hiện nghiêm túc, tự nhiên nhưng chỉ đạo là một chuyện, thực hiện là một chuyện. Ai cũng biết, chả có cái gì là tự nhiên cả, nhất là khi danh hiệu “lao động tiên tiến”, “chiến sĩ thi đua” còn gắn với danh hiệu, thành tích không chỉ của cá nhân mà còn là thành tích chung của cả nhà trường, cả tập thể.
Ngay từ khi có chủ trương, cá nhân, nhà trường đã phải lên kế hoạch trước đó hàng tháng, lựa chọn giáo viên có năng lực giỏi nhất, xây dựng bài cho giáo viên dạy thử, sau đó lấy ý kiến góp ý, đóng góp từ những người có kinh nghiệm… rất nhiều thứ phải chuẩn bị.
Nói đúng nghĩa đây là cuộc thi đã sử dụng trí tuệ, công sức của cả tổ, cả nhóm, cả nhà trường, người giáo viên đi thi chỉ là người diễn.
Bởi tâm lý chung đã đi thi là phải được giải, vì vậy, khâu chuẩn bị, lựa chọn cho cuộc thi này phải đầu tư rất nhiều công sức và thời gian.
Video đang HOT
Đương nhiên, người diễn cũng phải có năng lực, có khả năng truyền đạt tốt thì giờ dạy mới tốt. Nhưng chỉ giáo viên tốt thôi thì chưa đủ, muốn giờ giảng tốt học sinh cũng phải tốt.
Như thế, ngoài việc phải chuẩn bị cho giáo viên đi thi còn phải chuẩn bị tâm lý, trang bị kiến thức cho cả học sinh tham gia vào cuộc thi của giáo viên giỏi nữa.
Nhiều trường hợp được tạo điều kiện tiếp xúc với học sinh trước đó vài buổi, lựa chọn học sinh giỏi, đánh dấu chỗ ngồi, mồi trước cho học sinh câu hỏi, bài giải, khi đến giờ giảng chỉ cần thực hiện theo đúng quy trình đã sắp xếp, mọi việc sẽ ổn thỏa.
Tôi cũng là một giáo viên từng tham gia nhiều kỳ thi giáo viên giỏi, để đạt được những thành tích nhất định tôi cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thậm chí phải chứng kiến cả những tiêu cực.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên đi thi giáo viên giỏi. Vừa bước vào trường, tôi được một cô giáo gọi giật lại hỏi tôi “đã chuẩn bị phong bì chưa”. Tôi ngỡ ngàng hỏi lại “phong bì gì ạ?”. Cô nói, “tiền”.
Lúc này tôi mới biết, ngay cả thi giáo viên giỏi, một cuộc thi đánh giá về chuyên môn cũng phải chuẩn bị phong bì cho giám khảo chấm thi. Tôi không biết việc này và đương nhiên tôi không chuẩn bị.
Buổi thi hôm đó, tôi giảng về bài thơ “Tiếng chổi che”. Bài giảng của tôi được đánh giá cao, học sinh đã phải khóc nhưng giám khảo chấm cho tôi 26,5 điểm, trong khi điểm đỗ là 27 điểm.
Hết giờ, một cô giáo trong ban giám khảo có đến gần tôi an ủi, động viên, nói tôi có khả năng dạy tốt.
Tất nhiên, tôi chấp nhận kết quả đó bởi tôi tâm niệm do lần đầu đi thi nên còn rất nhiều khiếm khuyết, còn hạn chế phải khắc phục. Quan trọng hơn đó là kiến thức, là kỹ năng của tôi chứ không phải nhờ vào sự tác động nào khác.
Sau này tôi cũng tham gia nhiều cuộc thi giáo viên giỏi nữa nhưng khi một danh hiệu được gắn với thành tích thì khó tránh khỏi bị biến tướng, làm méo mó, sai lệch, thậm chí danh hiệu cuối cùng chỉ còn là hình thức mà không ai còn cảm thấy hào hứng, không còn thấy tự hào.
Hay như tiêu chí phải viết “Sáng kiến kinh nghiệm hoặc Giải pháp khoa học”, tôi chưa từng thấy một chỉ tiêu nào mông lung, trừu tượng, khó khăn vô cùng.
Bản thân tôi cũng thử ngồi vài lần viết ra các sáng kiến kinh nghiệm của mình nhưng đọc đi đọc lại thấy cũng hay bằng copy trên mạng vì thế, tôi chọn cách lấy lại trên mạng dán vào báo cáo cho đúng thủ tục.
Những năm gần đây, mặc dù quy định cũng có nhiều thay đổi, nhưng bệnh thành tích chưa thay đổi thì mọi cuộc thi vẫn chỉ mang tính hình thức, tạo gánh nặng cho giáo viên.
Vì thế, tôi cho rằng, thay vì đặt ra các danh hiệu, tổ chức nhiều cuộc thi ngành giáo dục nên quan tâm hơn tới chất lượng giảng dạy, tạo điều kiện cho giáo viên tập trung vào chuyên môn.
Cô giáo Lê Thùy Nhi (Hà Nội)
Theo baodatviet
Bỏ thi sang xét giáo viên giỏi: Cần một bộ tiêu chí hợp lý
Theo TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), thời gian qua, dù còn nhiều ý kiến khác nhau về việc "chuyển từ áp lực kiểu cũ sang áp lực kiểu mới", nhưng đã đến lúc phải thay đổi hình thức, bản chất của hội thi giáo viên giỏi trong thời gian qua.
Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng bộ tiêu chuẩn với những tiêu chí hợp lý, khoa học; cùng với đó là việc lấy phiếu tín nhiệm của đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh như thế nào để công bằng, khách quan.
Lấy phiếu khảo sát từ phụ huynh và học sinh sẽ chỉ là một thành phần trong bộ tiêu chí. Ảnh minh họa.
Sai ở chỗ "luyện thi giáo viên giỏi"
Nhìn lại việc công nhận giáo viên dạy giỏi qua những hội thi đang được duy trì hiện nay, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, ưu điểm rõ ràng của cách làm này là lượng hóa được nhiều tiêu chí cụ thể. Qua đó, đánh giá được khá toàn diện năng lực của giáo viên, so sánh được giáo viên ở đơn vị này với đơn vị khác, từ đó thúc đẩy mọi giáo viên cần phải nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, tiếp cận học sinh...
"Bản thân việc thi để công nhận giáo viên giỏi không có gì sai. Vì chạy theo bệnh thành tích nên thành ra ganh đua nhau, tạo ra tiêu cực mới thành ra sai. Trong điều kiện hiện nay, bỏ thi là đúng"- TS Lê Viết Khuyến đồng tình.
Phân tích cụ thể, TS Khuyến cho rằng cũng như thi học sinh giỏi ở Việt Nam, thi giáo viên giỏi cũng có việc luyện "gà nòi" để đi thi. Đành rằng có thi là phải ôn luyện nhưng ôn luyện đến mức tập dượt 3, 4 lần một tiết dạy mẫu về cùng 1 nội dung cho học sinh để không xảy ra sai sót trong quá trình diễn ra hội thi thì không nên. Hoặc cẩn thận hơn, chỉ chọn những em học sinh khá giỏi tham gia lớp học còn những em khác thì báo phụ huynh cho nghỉ học ở nhà... là thực tế vẫn thấy ở nhiều địa phương.
Chưa kể, mỗi giáo viên được chọn đi thi không chỉ là thành tích của cá nhân mà còn liên quan đến thành tích của đơn vị tập thể. Dự thi vì màu cờ sắc áo nên áp lực phải đạt giải khiến cả cô và trò đều phải diễn và cố gắng diễn tròn vai, diễn đạt nên có những tâm sự rất thật của giáo viên, ấy là "sợ khi được cử đi thi giáo viên dạy giỏi".
Cần hội đồng xét tuyển công minh
Đồng tình với chủ trương của Bộ GDĐT là chuyển từ thi sang xét giáo viên giỏi, TS Lê Viết Khuyến cho rằng hiện nay việc đánh giá học sinh đã chuyển sang đánh giá cả quá trình học, nên đối với giáo viên cũng cần đánh giá suốt một năm học thay vì trình diễn một vài tiết dạy.
Trong đó, cần quan tâm đến bộ tiêu chí sẽ áp dụng để đánh giá giáo viên ra sao? Theo đó, để đánh giá giáo viên cần hai tiêu chí là chuyên môn và nghiệp vụ, trong đó có phần chuyên môn dạy và phương pháp dạy học sinh có hiểu bài không, có hào hứng với giờ học không... Về nghiệp vụ, giáo viên hiện nay không chỉ là "thợ dạy" mà còn có vai trò tư vấn, định hướng đối với học sinh. Người thầy cô được các em tín nhiệm, quý trọng thì chắc chắn tâm lý sẽ thoải mái để tiếp thu bài học hơn... Chính vì vậy, trong dự thảo xét giáo viên dạy giỏi đang xây dựng mà Bộ GDĐT đưa ra có phần lấy phiếu tín nhiệm phụ huynh và học sinh là cần thiết.
Trước những băn khoăn của dư luận, liệu có lo ngại sự đánh giá cảm tính từ phía học sinh hay không khi làm phiếu khảo sát, nhất là nếu những thầy cô nghiêm khắc nhưng dạy tốt thì sẽ thiệt thòi, TS Lê Viết Khuyến cho rằng tính cảm tính ở đây sẽ thể hiện rất rõ là giờ học của thầy cô có thực sự tạo cảm hứng, động lực cho học sinh hay không chứ không hẳn là cô giáo đó dạy dễ hiểu, khó hiểu hay dạy bình thường.
"Lấy phiếu khảo sát từ phụ huynh và học sinh sẽ chỉ là một thành phần trong bộ tiêu chí. Điều tôi quan tâm hơn, đó là hội đồng xét tuyển giáo viên giỏi gồm những ai, có công minh hay không? Bởi nếu chỉ căn cứ trên hồ sơ, sổ sách giấy tờ làm minh chứng thì sẽ khiến áp lực sổ sách nặng nề. Còn nếu nói minh chứng là sự tiến bộ của học sinh thì khá khó. Vì cô giáo A được phân công dạy ở lớp chọn, có chủ yếu là học sinh học tốt, hạnh kiểm tốt chưa chắc đã bỏ nhiều công sức hơn so với giáo viên B nhận lớp học có nhiều học sinh lực học trung bình yếu, học sinh quậy phá hơn... nhưng đến cuối năm, chắc chắn học sinh lớp cô A sẽ có thành tích học tập tốt hơn học sinh lớp cô B..."- TS Lê Viết Khuyến phân tích.
Từ đó, TS Khuyến cho rằng cần một hội đồng thật sự công tâm, khách quan để thực hiện việc xét công nhận giáo viên giỏi, tránh thiệt thòi cho những giáo viên nỗ lực nhưng lại không được tôn vinh xứng đáng.
Theo TS Hoàng Đức Minh- Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), trong dự thảo về việc chuyển từ xét sang thi giáo viên dạy giỏi, minh chứng cho việc dạy giỏi sẽ có những tiêu chí cụ thể, cốt lõi. Do có nhiều vùng miền, ngay một trường đã nhiều sự khác biệt nên trong dự thảo tới đây, sẽ có Thông tư (những vấn đề cốt lõi nhất tạo khung thực hiện) và cả văn bản hướng dẫn, đề xuất, gợi ý tình huống để từng trường nhìn vào có thể linh hoạt, chủ động thực hiện.
Về các tiêu chí, ông Minh cho rằng đưa ra việc lấy phiếu tín nhiệm của phụ huynh không phải là để phụ huynh đánh giá giáo viên mà là "tín nhiệm". Môi trường giáo dục gồm gia đình, nhà trường, xã hội. Theo nghĩa rộng giáo dục của cả giảng dạy và giáo dục. Như vậy để một giáo viên dạy giỏi,chủ nhiệm giỏi thì họ có nhiều hoạt động làm việc với phụ huynh. Cần thêm những ý kiến góp ý về bộ tiêu chí để việc xét công nhận giáo viên giỏi đúng, đủ, đảm bảo tôn vinh được đúng người xứng đáng. Dự kiến, ngành giáo dục cũng hướng tới việc sử dụng bộ công cụ "chuẩn nghề nghiệp" một cách công phu.
Thu Hương
Bỏ thi giáo viên dạy giỏi sẽ thật sự giảm áp lực ? Việc xét giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi thay vì tổ chức thi như hiện nay nhận được nhiều ý kiến trái chiều... Giáo viên tham dự tọa đàm trình bày ý kiến của mình - ẢNH: T.N Sáng 6.4, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức...